Truyền thuyết khởi đầu:
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương“.
Lại chép về họ Hồng Bàng như sau: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, Rồi sau Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên Nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quí lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc. Lại phong cho vua là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỉ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân.“.
“Lĩnh Nam Chích Quái” thời Trần (và trong truyện Con Rồng Cháu Tiên) viết rằng: “Âu Cơ kết hôn với Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Về sau, Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ; 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Người con cả được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương.”
Xã hội Văn Lang dưới thời các vua Hùng
Đứng đầu nước Văn Lang là Hùng Vương. Ngôi Hùng Vương là cha truyền con nối. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương có các Lạc Tướng, Lạc Hầu giúp việc. Cả nước chia thành 15 bộ (đơn vị hành chính lớn) có Lạc Tướng trực tiếp cai quản công việc của các Bộ (bộ lạc cũ). Dưới nữa là các Bố Chính, đứng đầu các làng bản. Dân gọi là Lạc Dân.
Kinh đô của nước đặt ở Phong Châu, Phú Thọ.
Công cụ là đồng thau trở nên phổ biến và bắt đầu có công cụ bằng sắt. Có nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, dùng sức cày kéo của trâu bò là phổ biến nhất.
Ngoài ra còn săn bắt, chăn nuôi, đánh cá và làm nghề thủ công như đúc đồng, làm đồ gốm. Sự phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp đã xuất hiện.
Các vị vua:
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 trước TL) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 trước TL) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 trước TL thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính. Các đời vua Hùng là:
- Hùng Dương (Lộc Tục).
- Hùng Hiền (Lạc Long Quân).
- Hùng Lân (vua).
- Hùng Việp.
- Hùng Hy (trước).
- Hùng Huy.
- Hùng Chiêu.
- Hùng Vỹ.
- Hùng Định.
- Hùng Hy (sau) (Chữ “Hy” trong đời vua Hùng Vương thứ 5 và thứ 10 có ý nghĩa và cách viết khác nhau)
- Hùng Trinh.
- Hùng Võ.
- Hùng Việt.
- Hùng Anh.
- Hùng Triều.
- Hùng Tạo.
- Hùng Nghị.
- Hùng Duệ.
Nước Văn Lang
Theo bộ sử ký Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – phần Ngoại Kỷ do sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 chép rằng: Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc – Phú Thọ
Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 trước TL và kết thúc vào năm 258 trước TL bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được sách báo nói tới 4000 năm văn hiến. Tuy nhiên theo bộ sử ký xuất hiện còn sớm hơn bộ ĐVSKTT là bộ Đại Việt Sử Lược vào thế kỷ 13 thì chép nước Văn Lang được thành lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục các bộ tộc Việt khác (15 bộ) vào khoảng thế kỷ 7 trước TL cùng thời với vua Chu Trang Vương của nhà Chu – Trung Quốc. Ông lên ngôi xưng hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Phong Châu – Phú Thọ.
Cương vực:
Lược đồ cho thấy lãnh thổ nước Văn Lang năm 500 trước TL.
- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì Văn Lang có cương vực và 15 bộ (bộ tộc) với tên gọi các bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và Văn Lang là bộ nơi vua đóng đô.
- Đại Việt Sử Lược cũng chép rằng Văn Lang gồm 15 bộ, trong đó có 10 bộ giống tên như ĐVSKTT ghi trên đây (Giao Chỉ, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Văn Lang) và 5 bộ lạc với tên khác (Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân Xương, Nhật Nam).
VỊ TRÍ TƯƠNG ĐƯƠNG HIỆN NAY:
- Bộ Văn Lang: thuộc Phú Thọ.
- Bộ Gia Ninh: thuộc Phú Thọ.
- Bộ Tân Xương: thuộc Vĩnh Phúc.
- Bộ Giao Chỉ: tương đương miền Hà Nội ngày nay và miền hữu ngạn sông Hồng.
- Bộ Vũ Ninh: tương đương Bắc Ninh, Hải Dương ngày nay.
- Bộ Ninh Hải: tương đương miền nam Khâm Châu – Quảng Tây (Trung Quốc).
- Bộ Thang Tuyền: tương đương nam Ung Châu – Quảng Tây (Trung Quốc).
- Bộ Lục Hải: tương đương Quảng Ninh.
- Bộ Cửu Chân: một phần Thanh Hóa ngày nay.
- Bộ Quân Ninh: các huyện bắc Thanh Hóa và Ninh Bình.
- Bộ Hoài Hoan: tương đương vùng bắc Nghệ An (tức Diễn Châu đời nhà Đường).
- Bộ Cửu Đức: tương đương nam Nghệ An và bắc Hà Tĩnh (tức Hoan Châu đời nhà Đường).
- Bộ Việt Thường: thuộc Hà Tĩnh.
- Bộ Nhật Nam: nam Hoành Sơn (Hà Tĩnh).
- Bộ Bình Văn: không rõ.
- Các tài liệu nghiên cứu sau này cho rằng lãnh thổ nước Văn Lang bao gồm khu vực Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, dựa trên các di tích văn hóa đồ đồng đã được phát hiện, thời kỳ Văn Lang của các vua Hùng tương ứng với thời kỳ văn hoá Đông Sơn (từ năm 2700 trước TL – 2000 trước TL)
Tổ chức chính quyền:
Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, trong triều đình có các quan giúp việc là Lạc Hầu, quan Lạc Tướng cai quản các Bộ địa phương, dưới Lạc Tướng là các quan Bồ Chính cai quản từng khu vực nhỏ (làng). Theo các tư liệu cổ, các vị vua cai trị nước Văn Lang có tất cả 18 đời (hoặc dòng) vua.
Xã hội phân ra làm ba tầng lớp, vua quan, dân, nô lệ. Nô lệ chỉ có trong nhà của vua quan. Dân ở các làng dưới quyền cai quản của quan Bồ Chính, chủ yếu làm nghề nông.
Kết:
Cuối thời Hồng Bàng, theo ĐVSKTT cũng như theo Đại Việt Sử Lược, do nhiều lần bị vua Thục sang đánh nhưng nhờ binh cường tướng giỏi nên đều thắng nên vua Hùng sinh ra kiêu ngạo, chểnh mảng võ bị, ngày chỉ uống rượu ăn tiệc làm vui. Năm 258 trước TL, cháu vua Thục là Thục Phán sang đánh, vua còn mải mê uống rượu, khi quân Thục đến gần vua nhảy xuống giếng chết, quân lính đầu hàng. Thục Vương chiếm lấy nước, sát nhập và thành lập nước Âu Lạc
———- oOo ———-
Theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia.
Phụ lục:
Đền Hùng
Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và Tôn Thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố, đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.
Vị trí
Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.
Đặc điểm
Các di tích chính
- Cổng đền: Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917), có bốn chữ Hán viết theo lối chữ chân, đại tự “Cao sơn cảnh hành” (Lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao), do chữ 行 trong bức hoành phi có thể đọc bằng hai âm “hành” hoặc “hạnh” với nghĩa khác nhau.
- Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Kiến trúc đền Hạ kiểu chữ nhị gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m.
- Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
- Đền Thượng: Đền được đặt trên đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt Triều Tổ” (tổ tiên của Việt Nam).
- Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 theo dạng hình chữ Công.
- Chùa Thiên Quang: còn gọi là Thiên Quang Thiền Tự, tọa lạc gần đền Hạ. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau.
- Cột đá thề: Bên phía trái đền Thượng có một cột đá gọi là cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Tuy nhiên, các nhà khoa học khi nghiên cứu cột đá thề thấy trên cột đục lỗ, cho rằng rất có thể đây chỉ là tàn tích cột đá của một kiến trúc cổ xây dựng tại khu vực này từ trước.
- Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại.
- Đền Tổ mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12 năm 2004. Đền được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn).
Lễ hội đền Hùng
Văn học dân gian Việt Nam nói về lễ hội đền Hùng như sau:
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.
Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội:
Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá dưới những tán lá cây để tới đỉnh núi thiêng.
Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh thiện chiến.
Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm là ngày Quốc lễ.