Tâm lìa tướng ngôn ngữ

 

 

TÂM LÌA TƯỚNG NGÔN NGỮ

Ban đầu Thiền Sư Bảo Thông tham vấn Thiền Sư Hy Thiên – Thạch Đầu. Thạch Đầu hỏi:

– Cái gì là tâm ông?

Bảo Thông đáp:

– Thấy ngôn ngữ là tâm.

Thạch Đầu không chấp nhận, nói:

– Có thấy có ngôn ngữ, đó là vọng tâm; ở trên ngôn ngữ, lại thấy không ra chơn tâm của ông.

Bảo Thông hổ thẹn, ngày đêm tham cứu cái gì là chơn tâm của mình? Qua mười ngày sau, Bảo Thông trở lại xin chỉ dạy:

– Hôm trước con đáp không trúng, hôm nay con biết được cái gì là tâm con rồi.

Thạch Đầu hỏi:

– Cái gì là tâm ông?

Bảo Thông đáp:

– Nhướng mày chớp mắt.

Thạch Đầu hỏi tiếp:

– Ngoài nhướng mày chớp mắt, hãy đem tâm ra đây xem!

Nghĩa là không thể dùng động tác, tâm không phải ở động tác nhướng mày chớp mắt.

Bảo Thông nói:

– Nếu như thế, không có tâm để đem ra.

Thạch Đầu lớn tiếng nói:

– Muôn vật vốn có tâm, nếu nói không tâm thì đồng lời hủy báng. Thấy, nghe, cảm, biết đều là vọng tâm, nhưng nếu không dùng tâm, làm sao ngộ nhập?

Ngay lời nói này Bảo Thông đại ngộ.

Lời bình:

Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày, chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn. Như Lục Tổ nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa?” Người tham thiền phải hiểu như thế.

Vì sao các Thiền Sư đều nói vô tâm mới là tâm thiền? Vì có tâm đều là tâm hư vọng, có lúc ở thiên đường, có lúc ở địa ngục, hàng ngày từ thiên đường xuống địa ngục, từ địa ngục lên thiên đường không biết bao nhiêu lần. Nếu thiền giả đem mình an trụ chỗ vô tâm, thì như kinh Kim Cang nói: “Không trụ bất cứ chỗ nào mà sanh tâm kia”. Chỉ có:

Sơn cùng thủy tận nghi không lối
Liễu héo hoa tươi ở một làng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.