Bức tâm thư xúc động của người đàn ông Mỹ tên là Justin Bimbernik lên án nạn chọi chó ở Việt Nam đang gây xôn xao cộng đồng mạng. Những hình ảnh người đàn ông Mỹ chia sẻ cho thấy chú chó tội nghiệp mặt đầy máu, lợi bị xé rách, đôi tai bị cắn nát, bàn chân chằng chịt vết thương…
Người đàn ông này đã chứng kiến màn chọi chó ở công viên Quảng Bá, Hồ Tây, Hà nội vào chiều ngày 6/12 vừa qua.
Hình chú chó tội nghiệp mặt đầy máu và đau đớn bị buộc vào một gốc cây trong khi những người tổ chức cuộc chọi chó lại đang cùng nhau thảnh thơi uống nước tại quán cà phê cạnh công viên khiến Justin bất bình và kêu gọi mọi người cùng nhau lên án hành động này.
Rất nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc đem động vật ra làm trò tiêu khiển vui đùa của người Việt.
Nguồn: Viettel Telecom
— oOo —
Để biết thêm về “thú vui” mới tàn độc này, Thư Viện GĐPT kính mời Quý Bạn Đọc tham khảo thêm bài viết dưới đây mà trong bài báo, tờ Tiền Phong gọi trò chơi này với những từ ngữ: man rợ, bạo lực, dã man, khát máu…
Chọi chó: Cuộc chiến bạo lực, dã man
Chọi chó Pitbull (giống chó nhà được mệnh danh là sát thủ máu lạnh) đang rộ lên và có chiều hướng thành… phong trào như một thú chơi hành động, mang tính bạo lực.
Khi những chú chó lao vào nhau như mãnh thú, thì tiền được chuyền tay nhau đặt cược bên cạnh vũng máu chó hay sự hò hét cổ vũ trong điên loạn của những người tham gia.
Tất cả đang tạo ra những canh bạc khát máu thực sự.
Nói vậy, bởi khi tham gia vào trò này, sự man rợ sẽ được đẩy lên đỉnh điểm khi người chơi chứng kiến Pitbull của mình hiên ngang trên xác đối thủ.
Một trận chọi chó thường kéo dài nhiều hiệp, mỗi hiệp khoảng 10 phút, chọi đến khi nào có một con thua do chấn thương hoặc chết mới dừng lại.
Một con Pitbull trưởng thành chỉ tham chiến mỗi tháng một trận do cần thời gian để phục hồi chấn thương. Sau mỗi trận, dù thắng hay thua, các chiến binh này đều bị những chấn thương nhất định, nhẹ thì rách da, toác thịt… nặng thì gãy xương hoặc hơn nữa là bị cắn vào các động mạch.
Nếu chỉ chấn thương thông thường, chủ chó chỉ cần bôi thuốc hoặc Pitbull sẽ tự liếm để lành vết thương. Còn nếu nặng hơn thì các chiến binh này sẽ được đưa đến bác sĩ thú y. Nhưng chỉ sau một thời gian, các chú chó này lại tiếp tục lao vào trận chiến mới và lại một quá trình phục hồi như vậy…
Để biến Pet (thú cưng) thành một chiến binh, Pitbull phải trải qua những bài huấn luyện công phu.
Trung thành là bản tính có sẵn của Pitbull nên việc huấn luyện chỉ nhằm mục đích làm sao cho chúng khỏe mạnh, bền sức và đặc biệt là càng hung dữ càng tốt.
Bày tỏ quan điểm về trò chơi bạo lực này, bạn Lê Minh (25 tuổi, Hà Nội) bức xúc: “Con chó cũng giống con người, chúng cũng biết đau khi bị cắn, cũng thấy sợ khi bị đánh, cũng cần được chủ yêu thương, chăm sóc… Không hiểu những người chủ của chúng nghĩ gì khi bỏ bao nhiêu tiền của, công sức nuôi chúng để rồi thấy những vết thương cũ chưa lành, vết thương mới đã đến. Chúng phải đổ máu hay từ bỏ chính mạng sống của mình chỉ để mua vui, kiếm tiền cho con người”.
Bạn Trần Giang Thanh (19 tuổi, sinh viên Đại Học Sư Phạm): “Chọi chó không mang lại lợi ích gì, trò chơi quái ác này chỉ làm thú tính của con người bộc lộ, nó cổ vũ cho bạo lực dã man. Hành vi này phải sớm được loại trừ trong xã hội văn minh”.
Bạn Nguyễn Ngọc (28 tuổi, giáo viên mầm non): ‘Theo dõi trên các clip chọi chó, tôi giật mình khi nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của những đứa trẻ chỉ khoảng 6 – 7 tuổi đang đứng xem. Là một giáo viên mầm non, tôi khẳng định đây là một trò chơi mang tính bạo lực, phản khoa học và có ảnh hưởng rất nguy hại đến quá trình phát triển tâm lý trẻ, đặc biệt là trẻ mầm non”.
— oOo —
Tưởng cũng cần nói thêm, Pitbull là giống chó của Mỹ (Người Việt thường gọt tắt là giống chó Bull), và trò chơi chọi chó này đã bị cấm tại Hoa Kỳ năm 1900. Sau vụ cấm, tại Hoa Kỳ giống chó này khi mua bán và nuôi dưỡng được phân loại thành 2 nhóm: “chó triển lãm” và “chó chiến đấu”. Chó triển lãm là giống dùng làm thú nuôi, thú cưng và/hoặc nuôi để tham dự các cuộc triển lãm thú nuôi. Chó chiến đấu chủ yếu được dùng vào việc canh giữ, bảo vệ, làm “cảnh khuyển” (cho cảnh sát) hay “quân khuyển” (cho quân đội), hoặc tham dự vào các cuộc tranh tài kéo vật nặng (như xe tải chẳng hạn, vì sức lực giống chó này rất mạnh và đặc biệt là có bộ hàm rất khỏe).
Tuy tại quốc gia sinh ra nó trò chơi chọi chó bị cấm vì lý do nhân đạo; nhưng tại vài nước khác lại coi đây là một thú tiêu khiển cảm giác mạnh và Việt Nam chúng ta đang rộ lên “mốt” chơi tàn bạo này. Hiện nay tại Hà Nội đã thành lập cả những “Câu Lạc Bộ Pitbull” của những người nuôi chó và chơi chọi giống chó này. Còn lên internet, các bạn đọc chỉ cần gõ vào Google từ khóa ‘pitbull’ hoặc ‘chó pitbull’ thì lập tức có cả hằng ngàn kết quả, trong đó không ít video clip trên Youtube chuyên về “tìm hiểu, nghiên cứu” giống, cách nuôi và… thật nhiều clip “đầy máu me” của các cuộc chọi chó mà vì lý do đối tượng bạn đọc nên Thư Viện GĐPT không thể đưa vào bài này. Các ảnh các bạn xem bên dưới là một số cảnh chọi chó tại Trung Quốc.
QUANG MAI