Tản mạn về Ngày Nhà Giáo 20/11 đối với Phật Giáo

Hôm nay có dịp xem một clip chùa Hòa Khánh, quận Bình Thạnh, nơi đào tạo các khóa tu học trung cấp và cao đẳng cho Tăng Ni Sinh long trọng tổ chức lễ tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà Giáo 20/11.

Truc Lam tôi có những thắc mắc như sau:

Quý thầy đều mang chung một họ của Đức Phật Cồ Đàm, đó là họ Thích, nên đều có liên quan mật thiết với nhau, đã xuất gia nên xem nhau như một đại gia đình, tuy rằng có nhiều chi, nhiều nhánh, nhiều môn phái nhưng có một điều chung là gọi nhau bằng từ sư huynh, sư đệ. Riêng các quý thầy thâu nhiếp đồ chúng được các đệ tử gọi là sư phụ.

Quý thầy có chung một nhiệm vụ là: Xả thân cầu đạo – hoằng pháp độ sanh. Từ ngàn xưa lần lượt quý thầy cao niên có nhiều kinh nghiệm hoằng pháp đã hướng dẫn cho hàng đệ tử những kiến thức và kinh nghiệm quý báu của giáo pháp để hướng cho chúng sanh là hàng Phật Tử tại gia ý thức được pháp Phật nhiệm màu và siêu việt để tự tâm, tự tánh nương tựa vào 3 ngôi Tam Bảo, sống lương thiện có ý nghĩa. Quý thầy đã thể hiện được lời Đức Phật đã dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”.

Ngày nay vì Phật Tử tín đồ theo Phật Giáo rất đông, nên quý thầy mới thành lập trường để đào tạo các vị Tăng Ni tu học để cùng quý thầy tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp,

Đức Phật đã dạy “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”, nghĩa là đạo Phật hiện hữu ngay tại thế gian, việc đạo không thể tách rời việc đời.

Nói một cách khác, đạo ở tại đời, người nào cũng đi từ đời vào đạo, nương đời để ngộ đạo, tu tập để độ người, hành đạo để giúp đời. Trong mối quan hệ khăng khít ấy, người theo đạo và người xuất gia tu đạo luôn giữ một mối quan hệ gắn bó, nhưng cũng chính từ đó, việc xưng hô như thế nào trong các quan hệ mang tính xã hội đó cũng đặt ra những vấn đề cần giải đáp, tránh những cách xưng hô không phù hợp, gây tâm lý e ngại, lúng túng cho người giao tiếp, thậm chí là xúc phạm không đáng có cho những người tham gia giao tiếp.

Việc người từ đời đi vào đạo của thế gian không có nghĩa là các vị hoằng pháp cần đưa đời vào đạo theo Phật Giáo “bất ly thế gian pháp” mà phải theo tôn chỉ và mục đích truyền bá đạo Phật là đem đạo vào đời. Như vậy việc quý thầy sử dụng ngày 20-11 để tổ chức ngày tri ân thầy giáo trong đời sống Tăng Đoàn là một nghịch lý(!?). Rồi đây sẽ còn những ngày khác của thế gian cũng được một số quý thầy áp dụng rộng rãi thì có phải chăng là quý thầy đã muốn thế gian hóa đạo Phật?

Cũng vào ngày này, hiện nay có những đơn vị của tổ chức Gia Đình Phật Tử cũng tổ chức để tôn vinh các anh chị Trưởng thế hệ đàn anh, đàn chị với sự tôn trọng xem như là người thầy giáo; việc này theo cảm tính của thế hệ đàn em là đúng, tuy nhiên phải cẩn trọng vì trong các tài liệu cũng như Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng chưa có điểm, mục nào nói đến Huynh Trưởng là thầy cô giáo của các em. Vậy mà có những Huynh Trưởng đầu tàu cũng âm thầm chấp thuận và hưởng ứng, phải chăng trong sự tôn vinh 4 từ “tri ân thầy (cô) giáo” đó có cả chính mình?

Như vậy nguy cơ thế gian hóa trong tổ chức Gia Đình Phật Tử ngày càng nhân rộng và nhanh chóng với các ngày tôn vinh phụ nữ 8-3, ngày của Mẹ (Mother’s Day là ngày chủ nhật thứ 2 trong tháng 5) hay ngày của Cha (Father’s Day là Ngày của cha, đó là ngày chủ nhật thứ 3 trong tháng 6) v.v… của các nước phương Tây sẽ dần thay thế cho ngày lễ hội Vu Lan của Phật Giáo. Ngày lễ hội Vu Lan này không chỉ tri ân và báo ân cho ông bà cha mẹ đã khuất, mà thiết thực nhất là tri ân và báo hiếu với tất cả sự trân trọng cho những bậc ông bà, cha mẹ hiện tiền.

Tóm lại, việc hướng dẫn và truyền trao kiến thức kinh điển, trong các tổ chức của Phật Giáo  – như trong Tăng Đoàn – và tổ chức Gia Đình Phật Tử có khác với thế gian, không có nghĩa là “dạy” mà chỉ mang ý nghĩa truyền thừa để tiếp nối, duy trì sự trường tồn và giữ gìn bản sắc đạo Phật, cho nên người giảng có thể là giảng sư (giảng sư trong tổ chức Phật Giáo khác với thế gian, có thể đó là cụm từ vay mượn) hay Huynh Trưởng giảng huấn, có thể không được gọi với danh từ là thầy giáo(!?) mà trên thực tế chỉ có thể dùng từ giảng sư (đối với Tăng Đoàn) hay giảng huấn (đối với Phật Tử) không thể đồng hóa từ ngữ đối với thế gian. Vậy ngày 20 tháng 11 là ngày tôn vinh thầy cô giáo của thế gian sẽ không có ý nghĩa đối với các tổ chức của Phật Giáo mà có thể thay vào đó là ngày đại lễ Vu Lan hay quý thầy có thể ấn định một ngày nào đó trọng đại của tổ chức tín ngưỡng Phật Giáo sẽ phù hợp hơn.

Trên đây là bài viết theo cảm tính của cá nhân truclam. Lời của Phật dạy là: ”Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Rất mong sự đóng góp, chia sẻ thêm ý kiến của quý anh chị trên tinh thần kiến hòa đồng giải.

Kính chúc tất cả anh chị em luôn sống trong an lành, tỉnh thức của ánh hào quang chư Phật.

Kính chào tinh tấn.

(Ảnh minh họa từ internet).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.