Lời Ban Biên Tập: Thư Viện GĐPT Online không hẳn đồng tình với tác giả Minh Thạnh về mọi nhận định trong bài viết dưới đây, tuy nhiên chúng tôi tán thành quan điểm của tác giả là: “Những người có trách nhiệm đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử cần cố gắng hơn nữa, tranh thủ tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa tổ chức Gia Đình Phật Tử phát triển mạnh mẽ, phù hợp với vai trò tổ chức tập hợp thanh thiếu niên nhi đồng của một tôn giáo có bề dày lịch sử ở Việt Nam” (trích).
Nói thế, nhưng trong tình trạng hiện nay cố gắng thì có đó, nhưng thực hiện được điều nói trên – cũng chính là mơ ước của bao người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) có tâm huyết với tổ chức – thì không hề dễ dàng chút nào. Thật ra, những gì tác giả quan sát, cảm nhận là hiện tượng thực tế, nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng GĐPT”. Bởi có thể nhìn nhận hiện trạng GĐPT qua một lăng kính vạn hoa với nhiều mặt biến hiện khác mà dưới đây chỉ là một vài ví dụ:
– Sự đông đảo về số lượng của các tổ chức thanh niên chính trị, thanh niên xã hội, thanh niên tôn giáo… mà tác giả đã nhìn thấy và đề cập tới là do Đoàn Viên của họ trong cả thành phố tập trung về một nơi để sinh hoạt – như trường hợp Hướng Đạo Việt Nam tại công viên Tao Đàn (Sài Gòn) mà chúng tôi cũng thường nhìn thấy và lấy làm thích thú – trong khi GĐPT vào ngày thường thì sinh hoạt phân tán tại các chùa chiền, tự viện, chỉ tập trung vào các sự kiện lớn khi điều kiện cho phép; mà điều kiện đó trong tình trạng chung hiện nay là vô cùng hiếm hoi nếu không muốn nói là hy hữu vì hết sức trở ngại, khó khăn như tác giả đã đề cập đến vấn đề cho phép, không cho phép, đặc biệt là với tổ chức GĐPT truyền thống.
– Một vấn đề “tế nhị và nhạy cảm” khác mà chúng ta phải nhìn nhận là hiện tượng phân hoá – bị phân hoá, bị âm mưu phân hoá và tự phân hoá – bắt đầu từ các Giáo Hội Phật Giáo mà để dẫn đến GĐPT phải chịu hệ luỵ chung. Và ai cũng biết, cho dù vì bất cứ lý do gì, khi đã phân hoá là tất nhiên thiếu sức mạnh, thiếu đoàn kết, thiếu thống nhất, chia nhỏ số lượng, giảm sút phẩm lượng… v.v… và v.v…
– Quan trọng hơn nữa, sự thiếu thông cảm hay e ngại GĐPT (và cả một vài tổ chức khác) lớn mạnh ngoài tầm tay quản lý, điều hành của nhà chức trách đương cuộc đã gây ra nhiều khó dễ, cản trở, thậm chí sách nhiễu, cấm đoán các sinh hoạt GĐPT tại nhiều địa phương không thực thi đúng đắn tinh thần tự do tín ngưỡng hay cố tình làm sai văn kiện pháp quy, bẻ cong chúng hoặc áp dụng luật lệ riêng theo địa phương mình kiểu “phép vua thua lệ làng”, “nhất trung ương, nhì địa phương”.
– Vì rất nhiều lý do khác nhau, sự bảo bọc, quan tâm, giáo dưỡng của một phần chư Tăng, Ni – hàng Trưởng Tử Như Lai – hiện nay đối với tổ chức GĐPT cũng không được thuần tuý và bao dung như xưa là một nguyên mhân không nhỏ trong những nguyên nhân làm cho GĐPT thêm khốn đốn. Đó là chưa nói đến nhiều, quá nhiều những “Sư giả”, “Sư dõm”; những tu sĩ mạo danh, nương đạo tạo đời vì lợi dưỡng vật chất, sống vinh thân phì gia và sa đoạ; những kẻ đội lốt tu sĩ Phật Giáo lợi dụng chùa chiền, Giáo Hội để thâu tóm tiền bạc và quyền bính – quyền bính trong Giáo Hội, trong sinh hoạt chính trị bản thân và cả ngoài xã hội; những người gọi là tu sĩ được đào tạo cho mục đích tôn giáo vận v.v… bao nhiêu thành phần ấy trà trộn vào chùa chiền, tự viện, am thất khiến bộ mặt Phật Giáo có nơi, có lúc, có thời điểm méo mó một cách thảm hại và dĩ nhiên, tổ chức GĐPT là đoàn thể thanh thiếu niên Phật Giáo phải cộng nghiệp chung chịu thảm hoạ.
– Ngoài những nguyên nhân nói trên thuộc về ngoại tại, phải kể đến nguyên nhân nội tại chủ quan là hàng ngũ Huynh Trưởng GĐPT hiện sống trong một môi trường xã hội mà điều kiện sinh hoạt và nhu cầu hưởng thụ vật chất càng phát triển lên bao nhiêu thì tâm linh càng tiêu cực, đạo đức càng thoái hoá, tình cảm càng trơ lỳ, vô cảm… cũng tăng lên theo cấp số nhân tương ứng! Tình trạng này ngày càng thâm nhập trước hết là vào lối sống, cách hành xữ rồi dần ăn sâu vào nội tâm, lý trí chúng ta, làm thui chột ý chí, sự nhiệt thành, làm giảm sút tinh thần hy hiến và đức tính dũng mãnh cần thiết khi phụng sự lý tưởng; đặc biệt là do bị ảnh hưởng, thâm nhiễm hay bị chi phối bởi một, hoặc nhiều, hoặc tất cả nguyên nhân trên khiến việc điều hành GĐPT hoặc tuỳ tiện, hoặc đối phó dẫn đến sinh hoạt GĐPT sút giảm số lượng và phẩm lượng. Nhận xét một cách ngắn gọn là hàng Huynh Trưởng GĐPT chúng ta hiện nay thua xa, không thể bì kịp lớp tiền bối đàn anh, đàn chị đi trước dù thời ấy họ không được học hành nhiều hơn chúng ta, không được tiếp cận và sử dụng nền khoa học tiến bộ bằng chúng ta hiện nay.
Chưa hết những gì là nguyên nhân tiêu cực đưa đến sự báo động “Thách thức đối với Gia Đình Phật Tử đang đến gần” nhưng với một lời “phi lộ” trước khi giới thiệu bài viết của tác giả Minh Thạnh thì như vậy cũng đã quá dài dòng, đã phá kỷ lục. Chúng tôi xin ngưng lại ở đây để mời quý Bạn Đọc, đặc biệt là Chư Tôn Đức Tăng-già và quý anh chị Huynh Trưởng GĐPT theo dỏi, tham khảo nguyên văn bài viết – bài thứ 2 có nội dung cảnh báo về hiện trạng sinh hoạt GĐPT của tác giả – có nhiều điểm rất đáng quan tâm dưới đây.
Tưởng cũng phải nhắc lại một lần nữa, nội dung bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả và những gì trình bày trên đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của chúng tôi.
Thách thức đối với Gia Đình Phật Tử đang đến gần
Minh Thạnh
Những người có trách nhiệm đối với tổ chức “Gia đình Phật tử” cố gắng hơn nữa, tranh thủ tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa tổ chức “Gia đình Phật tử” phát triển mạnh mẽ, phù hợp với vai trò tổ chức tập hợp thanh thiếu niên nhi đồng của một tôn giáo có bề dày lịch sử ở Việt Nam.Cách đây đã vài năm, tôi đã có bài viết về thời cơ và thách thức đối với tổ chức “Gia đình Phật tử”. Đó là bối cảnh hoạt động mới, trong đó, các tổ chức thanh thiếu niên nhi đồng trước đây đều hoạt động trở lại, đặc biệt là tổ chức hướng đạo, tổ chức thanh thiếu niên của các tôn giáo khác.
Khi đó, con em của gia đình Phật giáo không có chỉ một tổ chức “Gia đình Phật tử” để chọn lựa, hoặc sinh hoạt hoặc không, mà sẽ là nhiều tổ chức, thậm chí con em gia đình Phật tử có thể đi theo bạn bè sinh hoạt ở các tổ chức thanh thiếu niên nhi đồng các tôn giáo khác, vì trong đạo Phật vẫn có quan niệm đạo nào cũng tốt, con em được giáo dục trong đoàn thể tôn giáo là tốt rồi.
Trung thu, tôi gọi taxi, bảo chỗ nào có hội vui cho trẻ em thì chở cháu tôi và tôi đến. Anh taxi chở đến nhà thờ. Quả nhiên, đèn nến lung linh, múa lân, ca hát, phá cỗ… Nhưng lồng đèn thì hơi khác thường, ngoài đèn ông sao, có đèn thập tự, đèn thánh phê rô, tháp chuông nhà thờ.
Tổ chức Thiếu nhi Thánh thể mở rộng cửa cho mọi trẻ em vào nhập cùng hội Trung thu trong sân nhà thờ. Cháu tôi được phát một lá cờ vàng trắng để vẫy.
Trước đó, đọc Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 6 (132), 2014 tôi được thông tin về nhiều hội đoàn thanh thiếu niên, nhi đồng đạo Ca tô La Mã qua trường hợp một địa phương, “đan xen yếu tố tôn giáo và yếu tố chính trị xã hội” (tạp chí đã dẫn trang 68), như Hội Thanh niên Thánh úy, Hội Giáo lý viên, Hội Giới trẻ, Hội Thanh niên, Hội Trung binh… (Bài nghiên cứu về việc này tôi sẽ có dịp giới thiệu).
Thế nhưng, đáng quan tâm là trên một kênh truyền hình phát toàn quốc của lực lượng vũ trang, trong chương trình giới thiệu sách, một cuốn sách về hướng đạo đã được giới thiệu, trong khi phát thanh viên giới thiệu mặc đồng phục đeo khăn quàng hướng đạo.
Ngỡ là các tổ chức thanh thiếu niên nhi đồng như trên đều đã được phép hoạt động cả rồi, tôi lên mạng search để tìm thông tin, thì chỉ thấy văn bản của các đơn vị đạo Ca tô La Mã tự tái lập tổ chức thiếu nhi thánh thể còn Wikipedia tiếng Việt vẫn nói Hướng đạo tại Việt Nam vẫn chưa có phép.
Mấy năm trước, chúng tôi viết bài về bối cảnh mới sẽ đến của tổ chức “Gia đình Phật tử” thì sinh hoạt của Hướng đạo vừa chớm hình thành, chủ nhật đi qua Tao Đàn hay công viên Gia Định chỉ mới thấy mấy vòng tròn sinh hoạt. Chỉ đến trưa, khi các đơn vị hướng đạo giải tán, vì đồng phục hướng đạo khá nổi bật, nên thấy có vẻ hơi đông đoàn sinh.
Sáng chủ nhật giữa tháng 9/2014, tôi ghé qua Tao Đàn để xem các tổ chức thanh thiếu niên đang trên đà tái lập, dù chưa có phép, sinh hoạt như thế nào. Thì quả thật bất ngờ, gần như hướng đạo sinh chiếm gần trọn công viên Tao Đàn, có thể nói là không còn chỗ trống.Cờ xí giăng giăng, chỗ nào cũng thấy đồng phục, vòng tròn sinh hoạt. Tiếng ca hát, tiếng hô ra lệnh, tiếng còi điều khiển vang động cả công viên. Lại có một vài lều trại dựng lên sau các cổng chào đơn sơ, trong khi có nhiều nhóm đang chơi những trò chơi đến hàng trăm đoàn sinh tham dự.Ước tính tổn cộng số thanh niên nhi đồng sinh hoạt ở Công viên Tao Đàn sáng chủ nhật hôm đó lên đến nhiều ngàn người, tạo nên một cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp, vui vẻ, sinh động khác thường, đến mức chưa từng thấy.
Số lượng đoàn sinh thanh thiếu niên nhi đồng đông đảo tham dự sinh hoạt như thế chỉ thấy vào cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi phong trào đoàn đội lên đến đỉnh điểm.
Còn bây giờ, cũng với đỉnh cao đó, nhưng màu khăn quàng đã đổi, huy hiệu trên các lá cờ cũng đổi.
Trước đây, việc sinh hoạt thanh thiếu niên mang tính bắt buộc, nhưng nay là hoàn toàn tự nguyện. Do vậy, tự nguyện tham gia sinh hoạt đông đảo trong các tổ chức thanh thiếu niên đang phục hồi, trong giai đoạn chưa được phép nhưng đã đến mức quy mô như thế, thì ý nghĩa đã vượt lên rất nhiều so việc đông đảo như đã nói trước đây.
Diện mạo sinh hoạt thanh thiếu niên nhi đồng của thành phố đã hoàn toàn đổi khác. Đó chính là bối cảnh thời cơ và thách thức đối với sinh hoạt của tổ chức “Gia đình Phật tử” mà chúng tôi đã tiên lượng trước đây.
Mặc dù hướng đạo và những tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên tương tự chưa được phép tái lập, nhưng trong thực tế họ đã tổ chức sinh hoạt quy mô đến mức như thế. Một khi họ đã cấp phép chính thức, thì sẽ lên đến mức thế nào?
Thực tế đó đương nhiên ảnh hưởng đến các tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên đã có mấy chục năm nay. Trong đó có tổ chức Gia đình Phật tử.
Như đã nói, đó là thực tế các em nhi đồng, thiếu niên, thanh niên có nhiều lựa chọn hơn khi sinh hoạt đoàn thể, kể các em trong gia đình theo đạo Phật.
Dạo quanh Tao Đàn một lúc, chúng tôi ghé vào một vài chùa, tìm xem tổ chức Gia đình Phật tử sinh hoạt thế nào, thì không thấy đâu cả. Vào các chùa, không khí chung là vắng vẻ, u tịch, trầm buồn với tiếng kinh ê a cúng ngọ. Có lẽ đến trễ quá chăng?
Đi trên đường Ba Tháng Hai, thì lại gặp hàng đoàn thể thiếu nhi thánh thể tan họp trên đường về, khăng quàng chữ thập nổi bật cả một góc phố.
Buổi chiều, tôi đến một ngôi chùa ở quận 3, thì thấy một đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt, như mọi lần vẫn thấy. Chỉ một vòng tròn nhỏ vài chục đoàn sinh, không có sự gia tăng đột biến nào. Dù vẫn có những lời ca, tiếng hát, nụ cười, nhưng nhìn vòng tròn ít ỏi trong sân chùa, tôi cảm thấy nặng lòng.
Số lượng những vòng tròn thưa vắng ít người như thế, so với hàng trăm vòng tròn sinh hoạt mà tôi có dịp thấy vào sáng này, thì đây là vòng tròn nhỏ đến mức đến mức hiếm hoi cá biệt, để ý tìm lắm vòng tròn nhỏ như thế thì cũng có ở Tao Đàn, nhưng lẻ loi một góc vườn khuất.
Nhưng với “Gia đình Phật tử”, một vòng tròn nhỏ như thế cũng là đáng mừng, đáng khích lệ, vị đi qua mấy chùa, tôi không thấy một vòng tròn nào.
Mãi lên hướng Tân Bình, thì không phải vòng tròn, mà là hàng hàng lớp lớp… thiếu nhi thánh thể chật kính một sân nhà thờ rộng. Sự đông đảo ở đây không thể hiện qua sự náo động, nhộn nhịp mà là qua đội hình đội ngũ ngay hàng thẳng lối san sát nhau kín hết khoảng sân rộng. Và cùng với đội ngũ là tiếng hò hét đồng thanh.
Những ghi nhận qua quan sát ngẫu nhiên của tôi như thế tất nhiên có những hạn chế của nó. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học quan sát với những mẫu lựa chọn ngẫu nhiên cũng vẫn có thể đưa tới những kết quả phần nào có giá trị.
Kết luận, có thể là định tính, chủ quan của tôi là bối cảnh sinh hoạt đoàn thể thanh, thiếu niên, nhi đồng. Ở TPHCM đã phát triển qua một giai đoạn mới. Ở giai đoạn này, các đoàn thể thanh, thiếu niên, nhi đồng có trước 1975 đã khôi phục cơ bản trên thực tế, dù chưa hoàn toàn chính thức, hợp pháp. Bối cảnh này đưa các tổ chức đoàn thể thanh thiếu niên vốn có vào hẳn một cục diện mới.
Trong bản tổng sắp các đoàn thể thanh thiếu niên nhi đồng hoạt động trên thực thế (dù có thể có đơn vị chưa chính thức), tổ chức Gia đình Phật tử có thể rơi xuống vị trí sau cùng và ở thứ hạng ngày càng lớn hơn, tức là xếp hạng ngày càng thấp hơn với số 1 là quy mô nhất.
Tổ chức “Gia đình Phật tử” có thể vẫn duy trì hoạt động trong một thời gian dài nhưng vai trò ngày càng mờ nhạt trước sự khôi phục của nhiều đoàn thể như Hướng đạo và đoàn thể tương tự trong các tôn giáo khác.
Tổ chức “Gia đình Phật tử” cũng có thể có những chuyển động nhất định trong sự cởi mở chung của xã hội đối với sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên nhi đồng, tuy nhiên không có mức đột phá, nhảy vọt so với các tổ chức Hướng đạo, Thiếu nhi Thánh thể. Điều này thể hiện trước hết qua số lượng gia tăng đoàn sinh có thể quan sát trực tiếp ở những địa điểm sinh hoạt thường xuyên, quy mô tập trung đoàn sinh.
Theo tôi, đối với tổ chức Gia đình Phật tử, cơ hội đang trôi dần qua, và hiện nay là vấn đề chính, là thách thức.
Qua kết quả có thể tìm thấy bằng những công cụ tìm kiếm trên mạng, thì có vẻ như là các đoàn thể thanh thiếu niên đạo Ca tô La Mã nhận được sự chăm sóc, hậu thuẫn, đầu tư lớn hơn từ giáo hội, từ hàng giáo phẩm so với những gì mà đoàn thể Gia đình Phật tử nhận được từ giáo hội và các nhà tu hành Phật giáo.
Đó có thể cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức Gia đình Phật tử ngày càng tụt về phía sau trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ những đoàn thể sinh hoạt thanh thiếu niên, nhi đồng như hiện nay.
Tình trạng như thế của tổ chức “Gia đình Phật tử”, phải chăng là sự biểu hiện của tình trạng thiểu số hóa Phật giáo diễn ra trên lãnh vực sinh hoạt giới trẻ. Sinh hoạt của đoàn thể “Gia đình Phật tử” không khởi sắc mấy, mà càng ngày càng tụt hậu trong bối cảnh các đoàn thể tập họp thanh thiếu niên nhi đồng dù chưa hợp pháp, lại có những bước tiến lớn trong việc thành lập, củng cố đội ngũ, triển khai sinh hoạt ngày càng mạnh mẽ.
Là một Phật tử, tôi luôn luôn mong muốn tổ chức “Gia đình Phật tử” ngày càng lớn mạnh.
Vì vậy, mục tiêu của bài viết này là mong muốn những người có trách nhiệm đối với tổ chức “Gia đình Phật tử” cố gắng hơn nữa, tranh thủ tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa tổ chức “Gia đình Phật tử” phát triển phát triển mạnh mẽ, phù hợp với vai trò tổ chức tập hợp thanh thiếu niên nhi đồng của một tôn giáo có bề dày lịch sử ở Việt Nam, có số lượng tín đồ đông đảo nhất Việt Nam.
Không thể để “Gia đình Phật tử” trở thành một đoàn thể thanh thiếu niên nhi đồng rơi xuống mức thiểu số, trong một tôn giáo có chiều hướng thiểu số hóa.
Mong rằng các cấp Giáo hội, các đạo tràng, chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo quan tâm nhiều hơn đến đoàn thể Gia đình Phật tử. Chăm sóc, đầu tư nhiều hơn cho tổ chức này chính là góp phần hoằng dương chính pháp, xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam.
MINH THẠNH
A Di Da Phat