Thơ và thơ thiền của Thiền Sư Không Lộ

(Minh họa)

 

Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Sư Không Lộ là ông tổ nghề đúc chuông đồng của nước Việt.

Theo sử liệu Phật Giáo nước nhà thì ngài là Thiền Sư Không Lộ 空 路 禪 師 (1016-1094), Tổ thế hệ thứ X Thiền Phái Vô Ngôn Thông và Tổ thế hệ thứ III Thiền Phái Thảo Đường.

Theo Việt sử thì Không Lộ là vị sư kiến tạo nên “An Nam Tứ Đại Khí” (bốn bảo vật lớn bằng đồng của nước Việt) theo ý chỉ của vua triều Lý, gồm:

  • Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh).
  • Tháp Báo Thiên ở Thăng Long (Hà Nội).
  • Chuông Quy Điền (chuông ruộng rùa) ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Hà Nội.
  • Vạc (đỉnh) Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường (Nam Định).

Còn trong lịch sử văn học Việt Nam thì Không Lộ là một nhà thơ Thiền tiêu biểu của thời nhà Lý. Ngài đã để lại hai bài kệ hay thơ Thiền rất xuất sắc trên nhiều mặt. Hai bài thơ đó là Ngôn Hoài (言 懷) và Ngư Nhàn (漁 閒) – Các sách giáo khoa văn, các tổng tập, tuyển tập văn học Việt Nam và một số sách khác xuất bản gần đây cho rằng tác phẩm của Không Lộ chỉ còn hai bài thơ tuyệt tác là “Ngôn hoài” và “Ngư nhàn”.

oOo

Khi chọn được đất làm chùa Nghiêm Quang, Thiền Sư Không Lộ có bài kệ nổi tiếng mà người đời sau gọi là bài “Ngôn Hoài”:

言 懷

宅 得 龍 蛇 地 可 居
野 情 終 日 樂 無 餘
有 時 直 上 孤 峰 頂
長 叫 一 聲 寒 態 虛

Dịch âm:

Ngôn hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái dư.

Dịch nghĩa:

Nói nỗi cảm hoài

Chọn đất long xà tới nghỉ ngơi.
Lòng quê vui thích thú thảnh thơi.
Núi cao có lúc trèo lên đỉnh,
Thét một tiếng vang lạnh cả trời.

Dịch thơ:

Tỏ lòng

1.
Kiểu đất long xà chọn được nơi.
Tình quê nào chán suốt ngày vui.
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.
(Bản dịch của Phan Võ).

2.
Lựa nơi rồng rắn đất ưa người,
Cả buổi tình quê những mảng vui.
Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm,
Một hơi sáo miệng, lạnh bầu trời.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố).

Bài thơ thể hiện nỗi vui mừng khi chọn được đất tốt để xây chùa làm nơi phụng thờ Tam Bảo và tu hành; bộc lộ tình cảm bất tận của tác giả đối với đồng quê, thiên nhiên, tạo vật, đất nước. Có khi tác giả trèo lên một đỉnh núi, nhìn ngắm thiên nhiên hùng vĩ, với tâm hồn phóng khoáng, cảm khoái và cao hứng thét lên một hơi dài làm lạnh cả bầu trời. Bài thơ cũng thể hiện tinh thần “Vô chấp giới” nhằm đạt tới sự tự do hoàn toàn, giải phóng bản thể mà hoà nhập với vũ trụ theo quan điểm nhà Phật “Vạn vật nhất thể ”. Câu kết của bài thơ, “Trường khiếu nhất thanh hàn thái dư” – Thét một tiếng dài làm lay động cả bầu trời là hình ảnh hào hùng, sảng khoái hiếm thấy trong lịch sử thơ thiền Việt Nam.

“Ngư Nhàn” cũng là một bài thơ đặc sắc của Thiền Sư. Bài thơ là một bức tranh phong cảnh sơn thuỷ sinh động và tuyệt đẹp: Dòng sông xanh liền với trời bát ngát, bãi dâu chen mọc, làn khói toả thanh bình trong thôn xóm, bác chài ngủ ngon lành trong thuyền khi tỉnh giấc thấy thuyền đầy hoa tuyết… Bài thơ mang cảm xúc thiền học tinh tế, trong trẻo, thể hiện trạng thái tâm hồn lâng lâng trong cõi không hư, mông lung và huyền ảo:

漁 間

萬 里 清 江 萬 里 天
一 村 桑 稼 一 村 煙
漁 翁 睡 著 無 人 喚
過 午 惺 來 雪 滿 船

Dịch âm:

Ngư nhàn

Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.

Dịch thơ:

1.
Bát ngát sông xanh, bát ngát trời,
Một thôn mây khói, một dâu gai.
Ông chài ngủ tít không người gọi,
Tỉnh dậy thuyền trưa ngập tuyết rơi.
(Bản dịch của Ngọc Liên).

2. Cảnh nhàn của ông chài

Sông trong trời biếc muôn trùng,
Một thôn dâu lúa, một vùng khói mây.
Ông chài ngủ, chẳng ai lay,
Quá trưa tỉnh giấc, tuyết bay đầy thuyền.
(Bản dịch của Nguyên Nguyên).

oOo

Ngoài ra, đó đây cũng còn lưu dấu những bài thơ, bài thi kệ của ngài.

Năm 62 tuổi, một hôm Thiền Sư Không Lộ đang tĩnh tọa thì chú tiểu hỏi: “Từ khi tôi đến đây chưa được thầy dạy cho tâm yếu.” Thiền Sư trả lời: “Chú đem kinh cho ta thì ta tiếp, đem nước cho ta thì ta nhận, lúc nào ta cũng dạy tâm yếu chú” rồi cười và đọc bài kệ sau:

Đoàn luyện tâm thâm thủy đắc tinh
Sâm sâm trực thượng đối hư đình
Hữu nhân lai vấn không không pháp
Thân tọa bình biên ảnh tập hình.

Dịch:

Tu luyện bao phen phép đã tinh
Muốn lên đối phó chốn hư đình
Không không nhẽ đó nào ai biết
Ngồi tựa bình phong, bóng ẩn hình.

Trong cuốn Thiên Tiên Phật Thánh Lục có chép bài thơ sau đây của Thiền Sư Không Lộ khi ngài gặp Thiền Sư Giác Hải. Bài thơ rất lạ, đặc biệt là nghệ thuật sử dụng từ ngữ :

Thiên liên bích thụ, thụ liên thiên
Yên tỏa thanh sơn, sơn tỏa yên
Thụ nhiễu tùng la, la nhiễu thụ
Xuyên thông vu giáp, giáp thông xuyên
Tửu mê túy khách, khách mê tửu
Thuyền tống hành nhân, nhân tống thuyền
Hội đắc tri âm, âm đắc hội
Truyền kim đáo cổ, cổ kim truyền.

Đặng Xuân Bảng dịch:

Da trời giòng biếc nhuộm màu cây
Một giải non xanh tỏa khói mây
Cây quấn cây tùng, cây rậm rạp
Nước quanh đỉnh giáp, nước vơi đầy
Rượu mê người, người mê rượu đấy
Khách giục thuyền, thuyền giục khách đây
Liệu được tri âm, nào được mấy
Xưa nay vẫn nhớ mãi xưa nay.

Hoặc khi gặp Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, Thiền Sư Không Lộ cũng làm bài kệ trả lời Thiền Sư Đạo Hạnh như sau:

Ngọc nang bí quyết nghĩ chân kim
Cá chung mãn nguyệt lộ thần tâm
Hà sa cách thị bồ đề đạo
Nghĩ hướng bồ đề mãn liễu cầm.

Dịch:

Túi ngọc bí truyền rõ thực vàng
Tháng qua mưa móc dạ xốn xang
Hà sa thu gót bồ đề đạo
Tìm gặp được nhau mấy đoạn trường.

Một buổi chiều thu, trời trong mây đẹp, ngồi trên thuyền câu, Thiền Sư cảm hứng đọc thơ:

Ngọc phái chi trường, không sơn hà vạn lại
Dung tọa ngư, ngư khiếp điểu
Dương cung tiễu hạc, hạc nghi cung
Quang phóng vân tiêu ngoại
Phong quang đô hảo đạo khoái lạc.

Dịch:

Ngọc phái dẫu dài, không bằng núi sông muôn trùng ngọn gió.
Thung dung ngồi câu cá, nhưng cá lại sợ chim.
Dương cung bắn hạc, hạc ngờ cung,
Vút bay rẽ mây lên tít trời cao.
Thời tiết đẹp trên đường đi vui vẻ.

Còn đây là bài thơ Thiền Sư tự sự về bản thân mình:

Lão hỷ yên hà tẩu
Na tri lợi lộc mến
Thùy điểu đương liễu ngạn
Tán võng địch hóa thôn
Bả trạo ngân phong tuyết
Đặc ngư thí tửu tôn
Sơn tiều thời ngộ ngã
Kim cổ mạn tương luân.

Đặng Xuân Bảng dịch:

Yên hà mùi vẫn thích
Danh lợi tính không ưa
Bến liễu buông câu sớm
Làn lau vãi lưới trưa
Gác mái ca phong nguyệt
Được cá chén say sưa
Kiếm củi người đi lại
Vui cùng dở chuyện xưa.

Các sáng tác của Thiền Sư Không Lộ thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu đất nước, gắn bó với thiên nhiên, tạo vật và con người, bằng bút pháp tài hoa, phóng khoáng hiếm thấy. Vì thế, thơ ngài đã trải qua hàng nghìn năm vẫn được lưu truyền, vẫn gây được xúc cảm và tình cảm đặc biệt cho người đọc…

QUANG MAI sưu tầm

Phác thảo hình tướng Không Lộ Thiền Sư.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.