TIỂU SỬ
CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU
(1905-1992)
ĐỆ TAM TĂNG THỐNG GHPGVNTN
1. Thân thế:
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là thế hệ thứ 8 của phái thiền Thiệt Diệt Liễu Quán, pháp danh Trừng Nguyên, hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ Cụ Túc với Hòa Thượng Bổn Sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên, Huế, sau các pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên…
Thế danh của Đức Đại Lão Hòa Thượng là Diệp Trương Thuần, quê quán làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là thôn Xuân An, xã Triệu Thượng, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ngài xuất thân trong một gia đình nề nếp Nho giáo, nhưng lại quy ngưỡng một cách thuần thành về Phật đạo.
Thân phụ của Ngài là cụ Diệp Văn Kỷ, một vị lương y nổi tiếng, về sau xuất gia học Phật với Tổ Hải Thiệu, có pháp danh là Thanh Xuân, tự Sung Mãn; đắc pháp với Tổ Tâm Truyền, được pháp hiệu là Phước Điền; khai lập chùa Long An, Quảng Trị, và kế thế trụ trì chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Quảng Trị. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Cựu, mất sớm từ khi Ngài vừa lên 9 tuổi.
2. Thuở ấu thời:
Ngài sinh ngày 13 tháng giêng năm Ất Tỵ (16-2-1905). Năm lên 7 tuổi, một hôm Tổ Tâm Tịnh về quê đến nhà thăm, thấy diện mạo khôi ngô bèn tỏ lòng ưu ái, liền hỏi tên tuổi, ngày tháng năm sinh. Suy gẫm một lát, Tổ dạy rằng: “Cháu Thuần diện mạo tuấn tú khác thường, lại thêm có bốn tiên đạo. Nếu ở đời thì sẽ làm quan cao chức lớn, tỏ rõ thanh danh; nếu xuất gia đầu Phật thì chắc chắn trở thành người hữu dụng cho Phật Pháp” (Căn cứ vào lời dạy này của Tổ Tâm Tịnh thì biết Ngài sinh vào giờ Tỵ hoặc Hợi) Nghe vậy, thân sinh của Ngài vui mừng khôn xiết, bèn đặc biệt lưu tâm đến việc học hành của Ngài, liền mời thầy về nhà dạy riêng để un đúc tư lương cho Ngài với ước mong được như lời Tổ dạy. Và cũng chính từ đó, lòng ngưỡng mộ Tổ Sư Tâm Tịnh đã phát xuất ở Ngài.
Năm 17 tuổi, sau 10 năm đèn sách, Ngài đã làu thông Nho học. Nhưng những tư tưởng về nhơn sanh vũ trụ, phương pháp về lập thân xử thế của Lão, Nho không làm thỏa mãn lý tưởng của người thanh niên trí thức khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời.
3. Thời xuất gia học đạo:
Chí xuất trần đã đến hồi quyết định, ngày 19 tháng 6 năm Quý Hợi (1-7-1923), được sự chấp nhận của phụ thân, Ngài vào chùa Tây Thiên đảnh lễ Tổ Sư Tâm Tịnh xin được xuất gia. Lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 19 tuổi.
Đúng một năm sau, cũng chính vào ngày vía Quan Âm Đại Sĩ (ngày 19 tháng 6 năm Giáp Tý, 1924) nhờ học với hạnh đều khả quan, chí nguyện đều xứng đáng, Ngài được đặc cách cho thọ tam đàn Cụ Túc tại Giới Đàn Từ Hiếu do chính Bổn Sư của Ngài làm Đàn Đầu Hòa Thượng.
Thọ giới được 2 năm thì Bổn Sư viên tịch (1926), Ngài bèn đến chùa Hồng Khê cầu pháp với sư huynh là Hòa Thượng Giác Viên.
Năm 1927, trường Thập Tháp tại Bình Định khai mở do Tổ Phước Huệ, bậc danh Tăng nổi tiếng làm Giáo Thọ, Ngài liền cùng với một số vị khác như quý Hòa Thượng Chánh Huy, Chánh Thống, Viên Quang… vào đây tham học.
Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, mở trường trung học, đại học Phật Giáo tại Tây Thiên, cung thỉnh Tổ Phước Huệ từ Bình Định ra làm Giáo Thọ. Với lòng hiếu học không ngừng, Ngài tiếp tục theo học chương trình đại học tại đây và được bầu làm Thủ Chúng cả hai trường. Cũng trong năm này, Ngài dạy bậc trung học tại Phật Học Đường Tây Thiên. Sau đó làm Giáo Thọ cho Phật Học Đường Báo Quốc và Ni Viện Diệu Đức, Huế.
Năm 1936, Ngài tốt nghiệp đại học Phật Giáo.
4. Sự nghiệp hoằng dương chánh pháp:
a) Những trọng trách trong xã hội:
Ngay từ lúc còn ngồi ghế đại học tại Tây Thiên, Ngài đã được mời làm giảng sư của Hội Phật Học. Khi tốt nghiệp đại học Phật Giáo, với tuổi 32, Ngài đã trở thành một trong những hạt nhân tích cực của Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo. Là giảng sư nòng cốt tiên phong của Hội Phật Học, Ngài đi giảng dạy khắp các tỉnh miền Trung, nhất là tại Quảng Nam, Đà Nẵng.
Năm 1940 và 1942, Ngài đã hai lần sang thuyết giảng ở một số tỉnh có đông Việt kiều tại Lào; đàm đạo với Vua Sải và tham lễ tại một số nơi ở vương quốc Phật Giáo này.
Năm 1945, Ngài thay thế Cư Sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám giữ chức Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học Thừa Thiên. Cũng trong năm này, Ngài nhận chức trụ trì Quốc tự Linh Mụ, một di tích lịch sử đã bị đổ nát hoang tàn.
Năm 1947, cùng chung số phận với hàng loạt các cơ sở Phật Giáo danh tiếng trên cả nước bị đánh phá tiêu tàn, chùa Linh Mụ cũng bị Pháp chiếm đóng, Ngài bị Pháp bắt, tra tấn và sau cùng bị bắt tự đào huyệt chôn mình, suýt bị bắn chết thì nhờ bà Từ Cung can thiệp mới được thả.
Năm 1948, Ngài làm Cố Vấn Đạo Hạnh Hội Phật Học Trung Phần và làm Tuyên Luật Sư Giới Đàn Báo Quốc, Huế.
Năm 1949, Ngài thay thế cụ Chơn An – Lê Văn Định giữ chức Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học.
Năm 1951, Ngài làm Đàn Đầu Hòa Thượng tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn mà trong Giới Đàn này, quý Hòa Thượng Nhật Liên, Thượng Tọa Nhất Hạnh là giới tử.
Năm 1952, Ngài được suy cử làm Giám Luật Tăng Già toàn quốc.
Năm 1956, Ngài thành lập và làm chủ nhiệm Liên Hoa Văn Tập. Năm 1958, đổi tên Liên Hoa Văn Tập thành Liên Hoa Nguyệt San và cũng chính Ngài làm chủ nhiệm.
Năm 1963, Ngài tham gia hàng ngũ lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đêm Pháp Nạn 20 tháng 8 năm 1963, Ngài bị bắt tại chùa Diệu Đế và bị đưa đi giam giữ.
Năm 1964, Đại Hội thống nhất Phật Giáo tại Sài Gòn, Ngài được bầu làm Chánh Đại Diện Miền Vạn Hạnh.
Năm 1965, Ngài làm Yết Ma Đại Giới Đàn Từ Hiếu, Huế.
Năm 1966, Ngài hướng dẫn Tăng Ni, Tín Đồ miền Trung tranh đấu cho Pháp Nạn lần thứ hai.
Năm 1968, ngài đứng lên vận động Chư Tôn Đức như Hòa Thượng Thích Mật Hiển, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, và Hòa Thượng Thích Mật Nguyện thành lập lớp chuyên khoa Phật học 4 năm tại chùa Linh Quang, Huế, và chính Ngài dạy luật cho lớp chuyên khoa này. Cũng trong năm này, đang ở tại Tổ đình Linh Mụ, Huế, trong cơn chiến sự ác liệt Tết Mậu Thân, Ngài bị bắt đưa ra miền Bắc vào lúc 1 giờ khuya ngày 20 tháng Giêng năm Mậu Thân (17-2-1968) trong khi Ngài đang bị bệnh xuất huyết dạ dày một cách trầm trọng.
Năm 1975, Ngài trở về chùa cũ. Cũng trong năm này, Ngài được cung thỉnh làm Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo.
Năm 1977, Đại Hội kỳ VII của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Ấn Quang, Ngài được suy cử chức vụ Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống.
Năm 1979, Đức Đệ Nhị Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên – chùa Thuyền Tôn, Huế – viên tịch. Đại Hội kỳ VIII chưa tổ chức được để suy cử Đức Đệ Tam Tăng Thống, do đó Hội Đồng Lưỡng Viện cung thỉnh Ngài kiêm nhiệm chức vụ Xử Lý Viện Tăng Thống.
Năm 1977 và 1981 đến 1983, Ngài 3 lần làm Đàn Đầu Hòa Thượng các Đại Giới Đàn tại chùa Báo Quốc và Trúc Lâm.
Năm 1978, Ngài chính thức lên tiếng phản đối nhà đương cuộc trong việc bắt bớ giam cầm bất hợp pháp những nhà lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngài đã một mực cương quyết đòi nhà đương cuộc phải trả tự do cho các nhà lãnh đạo Phật Giáo, trong đó có có Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ…
Đặc biệt từ năm 1976 đến 1986, Ngài không ngừng giảng dạy kinh luật cho Tăng Ni ở Huế tại các chùa Linh Mụ, Báo Quốc và Linh Quang.
Ngài đã có công nuôi dạy, tác thành cho tất cả Tăng Ni, Phật Tử trong đó có các vị học thức cao, hữu dụng cho Phật Pháp và xã hội như thầy Thích Chí Chơn (Hoa Kỳ), thầy Thích Trí Siêu tức Lê Mạnh Thát.
b. Công trình dịch giải và biên soạn:
Dù Phật sự đa đoan và cuộc đời hành đạo lúc nào cũng gặp nhiều gian truân nghịch cảnh, Ngài cũng đã để lại một số tư liệu khiêm tốn nhưng có giá trị do chính Ngài dịch và chú giải, biên soạn như:
- Cách Thức Sám Hối.
- Phương Pháp Tu Quán.
- Tứ Nhiếp Pháp.
- Cảm Ứng Tự Nhiên.
- Đâu Là Con Đường Hạnh Phúc.
- Đồng Mông Chỉ Quán.
- Sinh Mệnh Vô Tận hay là Thuyết Luân Hồi.
- Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Sao.
Ngoài ra còn một số tác phẩm đăng trên các báo Viên Âm, Liên Hoa… và các văn bản quan trọng khác.
5. Những năm tháng cuối cùng:
Năm 1986, tình hình chính trị xã hội trong nước bước qua một giai đoạn mới. Bao nhiêu ưu tư, thao thức của Ngài đối với tiền đồ đạo pháp có cơ may được thực hiện. Nhưng khổ nỗi, Ngài tuổi già sức yếu, xã hội vẫn còn lắm khó khăn, người cộng sự thì thưa vắng… Bao nhiêu ưu tư, dằn vật đã đưa đến cho Ngài cơn bệnh trầm trọng vào mùa thu 1986 mà tưởng rằng Ngài đã không qua khỏi. Nhưng sau ba tháng chữa trị, sức khỏe dần dần bình phục nhưng thể trạng của Ngài vẫn yếu hẳn đi so với trước. Sau đó Ngài đi tham lễ tại một số Tổ đình như Tây Thiên, Thuyền Tôn, Báo Quốc… và Ngài về thăm lại chùa Long An, Quảng Trị, nơi Ngài sinh trưởng, rồi trở về an dưỡng, tịnh tu cho đến giờ phút cuối cùng.
Đặc biệt, vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Ngài vẫn chưa yên lòng nghỉ ngơi khi nhận thấy nhiều tổ chức Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại chưa kết hợp thành một khối để hỗ trợ và phát triển cho đạo pháp tại quê hương đất nước trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ Đông Âu đang lan ra khắp nơi trên thế giới. Vào ngày 10 tháng 9 năm 1991, Ngài đã gởi một bức tâm thư đến Tăng Ni đang tu học và hành đạo tại hải ngoại, kêu gọi toàn thể Chư Tăng Ni hãy đoàn kết hòa hợp để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của bậc Chúng Trung Tôn mà Phật Pháp và lịch sử đang giao phó.
Vào ngày 31 tháng 10 năm 1991, sau khi Chư Tăng Ni tại hải ngoại đã đáp ứng tinh thần tâm thư, ngài nhân danh Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã gởi đến toàn thể Tăng Ni và Phật Tử đang tu học và hành đạo tại hải ngoại một bức thông điệp gồm có 4 điều khuyến thỉnh vô cùng khẩn thiết cho một nền Phật Giáo thống nhất tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ.
Chỉ trong vòng một tháng pháp thể khiếm an, Ngài đã an tường thị tịch vào lúc 8 giờ tối ngày 23 tháng 4 năm 1992 (nhằm ngày 21.3.ÂL Nhâm Thân), tại Tổ đình Linh Mụ, Huế, Việt Nam. Lễ nhập kim quan được cử hành vào lúc 3 giờ chiều ngày 24 tháng 4 năm 1992, và lễ rước kim quan nhập bảo tháp tại Tổ đình Linh Mụ bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1992, nhằm ngày mùng Một tháng Tư năm Nhâm Thân.
6. Những tư liệu cần biết thêm:
Trong Thông Điệp Phật Đản năm 1982, Phật lịch 2526, Ngài đã viết: “Có sống hòa hợp mới mong làm tròn nhiệm vụ của người con Phật đối với đại sự, mở bày tri kiến Phật của Đức Từ Phụ, mới mong làm nên những sự nghiệp ích nước lợi dân. Điều này có nghĩa rằng: Sống hòa hợp là điều kiện tối yếu cho sự tiến tu, và sự tiến tu chỉ có thể được thực hiện nếu có sống hòa hợp”.
Trong lời giới thiệu Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Sao, Ngài đã cẩn trọng nhắc nhở: “Những ai thường thao thức cho sự giải thoát của chính mình và sự tồn tại mãi mãi của đạo Phật ở thế gian, thì việc cần yếu nhất là phải luôn luôn tôn trọng và nghiêm trì tịnh giới. Bằng ngược lại, tức là chính chúng ta đã làm cho chánh pháp bị lu mờ và bản thân chúng ta bị sa đọa chứ không phải do một thế lực nào có thể đày đọa chúng ta hoặc bắt chúng ta phải bỏ đạo.”
Ngài đã cảm tác bốn câu kệ sau đây:
Hành thâm Tỳ Ni tạng
Giới thể tịnh trang nghiêm
Định lực tồi ma đạo
Tuệ quang chiếu giác viên.
Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã ca ngợi công đức của Ngài bằng câu đối:
Thánh giả thôn châm, thiên nhơn củng thủ
Không sanh thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu.
Thầy Tuệ Sỹ dâng Ngài hai vế đối để tán thán công đức của Ngài như sau:
Thiên chu mê vụ, cử trạo kích Kinh đào, thanh đoạn cửu thiên, trường xướng vô sanh vô ngã.
Kiều mộc tằng nham, phất vân khuy hạo nguyệt, ảnh phù không dã, thùy tri tức vọng tức chơn.
oOo
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Xử Lý Tăng Thống Viện Kiêm Trùng Hưng Linh Mụ Quốc Tự Húy Thượng Trừng Hạ Nguyên Hiệu Đôn Hậu Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thùy Từ Chứng Giám.
Nguồn gốc tài liệu: Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất & Môn Đồ Đệ Tử cẩn lục.