Tiểu sử Thánh Tử Đạo: Đại Đức Thích Thiện Mỹ

TIỂU SỬ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

ĐẠI ĐỨC THÍCH THIỆN MỸ

1940 – 1963

Đại Đức Thích Thiện Mỹ thế danh là Hoàng Miều, sinh năm Canh Thìn (1940) tại Bình Định trong một gia đình nhiều đời kính tin Tam Bảo. Ngài được song thân cho vào chùa làng xuất gia từ bé thơ, theo Chư Tăng để hầu cận và học tập thời khóa thiền môn ngõ hầu kế tục truyền đăng, xiển dương chánh pháp.

Năm 1956, khi đến 16 tuổi, Ngài thọ giới Sa-di và tham dự lớp học giáo lý tại các Phật Học Đường của Giáo Hội tổ chức. Năm 1960, khi tuổi đời đủ 20, Ngài thọ giới Tỳ-kheo, bắt đầu du phương tham học và hành đạo. Ngài lên cao nguyên Daklak, rồi dần đến cao nguyên Lâm Viên và dừng chân tại thành phố Đà Lạt để tu học, trau dồi giới định tuệ và bước đầu hoằng hóa độ sanh.

Năm 1963, lúc này tại Sài Gòn, phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã lên đến cao trào. Những ngọn lửa thiêu thân thắp sáng nẻo vô minh để bảo vệ Phật Giáo trước cường quyền của những Thánh Tử Đạo: Bồ Tát Thích Quảng Đức, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu, Đại Đức Thích Nguyên Hương, Đại Đức Thích Thanh Tuệ, Đại Đức Thích Quảng Hương… đã đánh thức lương tâm nhân loại.

Đầu tháng 7 năm 1963, trong cuộc đấu tranh đòi thực thi 5 nguyện vọng Phật Giáo của Tỉnh Giáo Hội Tuyên Đức (Đà Lạt), Ngài đã tự chặt ngón tay trỏ trong một cuộc biểu tình để bày tỏ sự phản đối chính quyền không thi hành đúng đắn bản Thông Cáo Chung đã ký với Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

Giữa tháng 10 năm 1963, Ngài từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, cư trú tại chùa Vạn Thọ để cùng Chư Tôn Đức tham gia cuộc tranh đấu đến hồi quyết liệt về sự vi phạm của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật Giáo.

Đại Đức chờ đúng ngày 27 tháng 10 năm 1963, ngày Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc sẽ có cuộc tiếp xúc riêng với Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết tại chùa Ấn Quang. Muốn bày tỏ với phái đoàn về tâm nguyện của Phật Giáo Đồ nhưng vì chính quyền ngăn trở và đề phòng nên Ngài bèn chuyển bước âm thầm đến trước nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn) thực hiện ý định của mình.

Một di ảnh của Đại Đức Thích Thiện Mỹ

Vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 27/10/1963 (11.9. Quý Mão), cùng giờ Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc trên đường tới thăm chùa Ấn Quang thì Ngài ngồi kiết già, tự tẩm xăng và châm lửa đốt mình cúng dường Tam Bảo, cầu nguyện Phật Giáo Việt Nam thoát khỏi Pháp Nạn ngay tại công trường Hòa Bình (đối diện Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn).

Đại Đức Thiện Mỹ đã tự thiêu ngay dưới cột đèn điện có gắn bảng đường Tự Do. Lúc Đại Đức mới châm lửa vào áo tẩm xăng sẵn, thì có một số đồng bào từ trong nhà thờ đi ra, và người đi đường xúm lại bao quanh đảnh lễ Ngài.

Một phút sau, cảnh sát ập lại, lấy mền đè Đại Đức ngã xuống; nhưng ngọn lửa bùng lớn, làm cháy luôn cái mền. Cảnh sát vùng chạy, Đại Đức lại từ từ ngồi ngay dậy, chấp tay vái lạy những Phật Tử bên đường đang đảnh lễ Ngài cho đến lúc Ngài tịch diệt.

Trước khi tự thiêu, Đại Đức Thích Thiện Mỹ để lại 4 bức di thư: Một cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm; một cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, một cho ông U Thant – Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và một cho Phật Giáo Đồ Việt Nam kêu gọi hãy tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền tự do bình đẳng cho đến khi thành tựu.

Sự hy sinh cao cả và phi thường của Đại Đức Thích Thiện Mỹ đã gây xúc động mạnh toàn thế giới, gây khó khăn cho chính quyền ông Ngô Đình Diệm và cũng thúc đẩy Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc mau chóng hoàn tất nhiệm vụ, để cứu vớt dân tộc Việt Nam.

Ngọn lửa tự thiêu thứ 8 cũng là ngọn lửa cuối cùng của Phật Giáo Việt Nam báo hiệu sự sụp đổ của chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo; là ngọn lửa thiêng châm vào bể căm hờn âm ỉ trong lòng quân dân Việt Nam bùng lên dữ dội, bốc thành biển lửa cách mạng ngày 1/11/1963, đốt thiêu một chế độ tàn bạo đen tối.

Sự hy sinh của Đại Đức Thích Thiện Mỹ, quả đã đưa cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm gian nan khổ cực của Phật Giáo Việt Nam đến chỗ toàn thiện và toàn mỹ. Ngài ra đi vào lúc tuổi đời vừa tròn 23 và chỉ với 3 hạ lạp.

oOo

(Một số hình ảnh lịch sử cảnh tượng tự thiêu của Đại Đức Thích Thiện Mỹ còn lưu giữ được ngoài số phim ảnh các phóng viên đã quay phim chụp hình được nhưng sau đó film và máy chụp hình của họ bị cảnh sát giật mất):

NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU:

Chấp bút: Tổng hợp từ “Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử” của tác giả Tuệ Giác – NXB Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1964, Phật lịch 2.508.
Sưu tập – Hiệu chỉnh – Trình bày: Quảng Mẫn.
Hình ảnh: Thư Viện GĐPT bổ sung.

>>> Xem thêm: TIỂU SỬ CHƯ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.