天上天下惟我獨尊
Về câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, tương truyền câu nói trên là của Đức Phật Thích Ca khi Ngài giáng sanh nơi nước Ấn Độ. Nhiều người hiểu câu nầy theo nghĩa thông thường là: “Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý”. Vì hiểu như thế nên nhiều người cho rằng Đức Phật quá tự cao tự đại, xem Trời Đất không có ai bằng…!?
Thực ra câu này chỉ là một phần câu, được ghi trong kinh Sơ Đại Bản Duyên trong bộ kinh Trường A Hàm quyển 1, một quyển kinh ngắn lược thuật nhân duyên giáng sanh, thành đạo và giáo hoá của bảy Đức Phật trong thế giới Ta Bà. Nguyên văn câu trên là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhứt thiết thế gian, sinh lão bệnh tử” được dịch như sau: “Trên trời dưới trời, duy ta tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết”. Đó là lời Đức Phật Thích Ca thuật lại khi Đức Phật Tỳ Bà Thi, vị Phật thứ nhất bổ sanh thế giới Ta Bà, ra đời nói lên lời như vậy, cũng giống như Ngài (Phật Thích Ca) đã nói lên lời như vậy, và ấy cũng là thông lệ của chư Phật.
Xét về mặt ngôn ngữ, câu trên cho thấy rằng chỉ có Ngài là bậc tôn quý nhất trong bậc nhất trong loài người và trời, Ngài đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi và thị hiện cõi Ta Bà để cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử như Ngài. Tuy nhiên xét về mặt ý nghĩa của câu nói, chúng ta hay nên hiểu chữ “Ta” trong câu “Duy có ta là tôn quý” không phải là cái Ta của Thái tử Tất Đạt Đa, một cái Ngã của trăm ngàn chúng sinh khác. Chữ Ta ở đây chính là Phật Tánh, là Chánh Tâm chẳng hề sanh chẳng hề diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là cái xa lìa tất cả những cái gọi là đối đãi. Cái ta hay cái ngã đó chính là Chân Ngã, chính là Pháp Thân thường trụ, không bao giờ hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật dạy: “Ngã tức là Như Lai Tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị phiền não che đậy, vì thế chúng sinh chẳng nhận thấy được”. Cũng trong kinh này (phẩm Tứ Tướng), Phật nói rõ “Thân của Như Lai tức là pháp thân, chẳng phải thân thịt máu mạch gân xương tuỷ hợp thành. Vì tuỳ thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ, vì tuỳ thuận cách sanh của chúng sinh mà thị hiện làm đứa trẻ…”.
Thật ra, Phật Tánh hay Chân Tâm hay Chân Ngã hay Pháp Thân là một cái gì khó hiểu, khó nhận biết và khó trình bày, vì thực chất nó nằm ngoài ngôn ngữ, ngoài thế giới tương đối hiện tượng. Chúng ta chỉ có thể biết qua nhận thức, qua kinh điển rằng: Phật tánh là một cái gì đó chỉ có người chứng ngộ mới biết được, là một cái gì đó không sanh không diệt, không đi không đến, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải do nhân làm ra, cũng chẳng phải không nhân, chẳng phải tự tác, chẳng phải tác giả, chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải có danh, chẳng phải không danh, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dài ngắn, chẳng phải nhiếp trì trong âm, giới, nhập…
Khi nói về Phật tánh, Đức Phật thường dùng phương cách lìa tứ cú để dạy chúng ta, có nghĩa là lìa khỏi bốn kiến chấp hay bốn phạm trù thế gian tương đối: Có; không; cũng có cũng không; chẳng có cũng chẳng không. Ngoài ra Ngài cũng dùng tỷ dụ hay phương thức ngụ ngôn, hàm chứa những ý nghĩa thâm thuý, ám thị thí thuyết tuyệt đối, mà chân lý tuyệt đối này không thể dùng lời trực tiếp mà giảng giải, vì lời chỉ là khí cụ diễn đạt cái tư tưởng tương đối, cái có hình, có tướng trong thế giới nhị nguyên. Như khi nói về chân tâm Phật tánh, Ngài kể trong kinh Đại Bát Niết Bàn về một cô gái nghèo, trong nhà có kho vàng ròng mà không biết, đến khi có người khách khéo biết phương tiện chỉ cho chỗ cất giữ kho báu, cô trở nên giàu có. Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Phật, cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sinh bị các phiền não che đậy và kho vàng chỉ cho Phật tánh chân tâm. Câu chuyện gã cùng tử hay viên ngọc châu nơi đáy túi áo trong kinh Pháp Hoa cũng tương tự (phẩm Gã Cùng Tử).
Như vậy khi nói câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” Đức Phật – lúc ấy là Thái tử Tất Đạt Đa – không nói về cá nhân Ngài, về cái thân tứ đại ngũ uẩn sinh diệt, mà nói về cái tâm chân thật, cái ngã chân thật của chúng sinh. Chính cái tâm đó mới tôn quý, mới tối thượng và cái tâm chân thật đó chính là tâm Phật mà ai ai cũng có, bất luận giàu nghèo sang hèn, bất luận màu da ngôn ngữ, bất luận tôn giáo chính kiến./.
— oOo —
Tham khảo từ tài liệu: Nhân mùa Phật Ðản bàn về tích Ðản Sanh của Tâm Diệu đăng trên Trang nhà Quảng Đức (2002) & Thư Viện Hoa Sen (2010).
Đây là bài kệ được lưu truyền khá rộng rãi trong các bài viết và bài giảng của các nhà nghiên cứu đạo Phật, các nhà sư giảng đạo, cả các vị Hòa thượng, Thượng tọa. Đã là bài kệ thì nó phải đủ 2 vế đối là 2 câu nêu trên. Tuy nhiên rất nhiều bài viết, bài giảng đã cắt vế dưới, chỉ nêu vế trên: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” và giải thích rằng Đức Phật khi ra đời đã đi 7 bước, một tay chỉ Trời một tay chỉ Đất và nói câu trên với nghĩa rằng trên đời này chỉ có mình ta là tôn quý. Thật là tai hại! vì nó phản ánh sai phẩm chất vốn rất khiêm tốn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Lại còn thần thánh hóa Đức Phật mà bảo rằng cứ mỗi bước đi dưới chân ngài lại nở một bông sen. Tại sao các vị tu Phật mà lại có thể hiểu Đức Phật như thế nhỉ? Thực ra đây chỉ là bài kệ do người đời viết ra chứ không phải là lời của Đức Phật khi mới ra đời. Ngài bảo rằng, ngài ra đời cũng như những đưa trẻ bình thường khác, còn khi đã thành đạo, tức là đã tu thành Phật, thì trong các bài giảng của mình, ngài có nói đến ý trên, nhưng với nghĩa là: Trên đời này Bản ngã là vấn đề quan trọng bậc nhất! Ý Đức Phật nói rằng mọi người phải nhớ điều này.
Vậy Bản ngã ở đây là gì?
Theo nghĩa của Đức Phật thì Bản ngã là cái Ta, cái Tôi, nói nôm na theo văn phong hiện nay để bạn đọc dễ hiểu thì đó là cái cái vòng đời ta, hay cái Linh hồn trong ta không chết mà sẽ còn quay lại. Con người ta gồm có cái thân xác và cái Linh hồn (là một người Trời nhập trong ta). Khi ta chết thì cái thân xác chôn vùi bỏ đi, còn cái Linh hồn là một người Trời thì nó vẫn tồn tại và bay về cõi Trời, chuẩn bị cho việc luân hồi về làm một kiếp đời khác, là một người Trần khác. Chết thực chất chỉ là thay cái thân xác, còn ta vẫn là ta, tôi vẫn là tôi. Cứ vậy vòng đời xoay chuyển hết kiếp đời này đến kiếp đời khác, thay hết cái thân xác này đến cái thân xác khác, nhưng ta vẫn là ta, tôi vẫn là tôi, vì vẫn là cái Linh hồn ta hay tôi trong thân xác đó. Thế có nghĩa chết không phải là hết, mà chỉ là kết thúc một vòng đời, rồi lại quay vòng lại vòng đời sau. Cho nên Đức Phật nói nó vô ngã, tức là cái vòng đời nó liên tục xoay vần và không dừng lại. Nó không mất đi, nhưng nó luôn thay đổi, vòng đời sau không giống vòng đời trước. Hiểu được vấn đề Bản ngã thì con người mới không hoang mang vì sợ rằng, chết là hết, nên chẳng cần tu luyện tiến lên làm gì, thà hưởng thụ hết đi cho xong! Nhưng hiểu con người ta là một chuỗi vòng đời quay đi quay lại mà vươn lên thì ta mới lo tu luyện để cho Linh hồn thanh cao mà lên được tầng cao của vũ trụ. Muốn vậy thì phải sống thiện tại kiếp này để tích Đức chuẩn bị cho kiếp đời sau. Đây là câu trả lời cho câu hỏi Ta là ai? Tôi là ai? Ta từ đâu đến? Tôi từ đâu đến? mà loài người vẫn hỏi trong suốt cả ngàn năm nay. Vì ý nghĩa quan trọng của Bản ngã như vậy nên Đức Phật mới nói rằng trên đời này hiểu được Bản ngã là tối quan trọng. Duy ngã độc tôn là vậy. Nhưng nó cũng là lẽ thường tình giống như vòng sinh lão bệnh tử mà ai cũng biết, chứ không có gì là thần bí cả. xem thêm
Một ý nghĩa hay như thế mà lại nói Đức Phật tự coi mình “Duy ngã độc tôn” là “chỉ có ta là tôn quý” thì thật là tai hại! Lại còn dựng tượng, vẽ băng rôn hình Đức Phật khi ra đời một tay chỉ Trời một tay chỉ Đất, đi 7 bước với 7 bông sen dưới gót chân ngài. Đây là thần thánh hóa đức Phật một cách hoang đường, là mê tín dị đoan, (tức là tin mê muội vào một cái hoang đường phản khoa học). Xin các chư vị đi truyền giáo hãy hiểu cho rắng, giảng như thế là xúc phạm Đức Phật! Đạo Phật gần với duy vật biện chứng, chủ trương vô thần luận, không dị đoan. Phật giáo là chính tín, không phải là mê tín.
Vậy nên phải hiểu cho đúng: Không có chuyện Đức Phật ra đời đã đi 7 bước với 7 bông sen nở dưới gót chân ngài. Đó là hoang đường. Không có chuyện ngài tự đề cao chỉ có mình là tôn quý. Đức Phật luôn coi Phật và chúng sinh là bình đẳng. Ngài quan niệm ngài là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Ngài chỉ giáo cho mọi người cần phải hiểu rằng cái Bản ngã của mỗi người, hay còn gọi là cái vòng đời của mỗi người nó xoay vần liên tục vô tận không ngơi nghỉ. Hiểu như vậy thì sẽ thấy ta sống hôm nay là đang chuẩn bị cho vòng đời sau, đặng mà phấn đấu hướng thiện để cho vòng đời sau được tươi sáng hơn.
“Trên trời hay dưới đất và lẫn trong thiên hạ chỉ có ta thoát được sanh lão bệnh tử.”
Ta đâu phải là cái ngũ uẩn của đức Phật. Chúng ta dùng cặp mắt ngũ uẩn của chúng ta để phân tích câu nói trên thì chúng ta không bao giờ có thể hiểu được. Mà hãy nói với chính mình rằng “chỉ có ta mới thoát được luân hồi”. Khi nào đạo hữu biết Ta là gì thì mới có thể hiểu được. Hãy bắt chước đức Phật nói.
Chỉ thấy Phật bằng cặp mắt Phật, mắt Quỷ thấy Quỷ.
You can only see an angel through angle eyes. Evil eyes see evil things. (Dành cho đạo hữu nước ngoài).
Nếu chúng ta có cặp mắt quỉ thì nhìn ông Phật cũng chỉ thấy là một con Quỉ. Mắt quỉ mới thấy Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn là ngạo mạng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mô Ni Phật.
Hồi hướng công đức cho các vị đạo hữu tu thêm tinh tấn.