I. KHÁI NIỆM Ý NGHĨA TÊN TRẠI :
Lộc Uyển là một vườn có nhiều cây cảnh đẹp và rợp bóng quanh năm, đặc biệt là có nhiều nai sinh sống trong khu vườn này.
Lộc Uyển cũng có tên gọi là Lộc Giả hoặc Lộc Giả Uyển. Chính nơi này Đức Phật đã thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như bằng pháp môn Tứ Diệu Đế, và chính pháp môn Tứ Diệu Đế đã khai thị cho Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lịch Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Ly và Bạc Đề được ngộ đạo và chứng nhập quả vị La Hán.
NGUYÊN NHÂN ĐỨC PHẬP CHỌN VƯỜN LỘC UYỂN ĐỂ THUYẾT PHÁP ĐẦU TIÊN
1. Trong kinh Đại Phương Tiện ghi lại một tiền thân của Phật ở thời quá khứ lúc Đức Phật Tỳ Bà Thi còn tại thế ở nước Ba La Nại có Thái Tử Tu Xa Đề đã lóc thịt mình cúng dường phụ hoàng và mẫu hậu trên đường chạy lọan. Trước phút qua đời Trời Đế Thích đã hiện thân làm sư tử hổ lang để oai hiếp Thái tử có thoái chuyển tâm nguyện Bồ Đề không. Nhưng đứng trước nguyện lực sắt đá của Thái tử Thiên Đế Thích quyết đoán không bao lâu Thái tử sẽ đắc chứng quả. Nên xin Thái tử khi thành Phật hãy độ cho ngài trước – Thiên Đế Thích là tiền thân của ngài A Nhã Kiều Trần Như. Nay nhớ nguyện xưa nên trở về Lộc Uyển để chuyển bánh xe Pháp thành tựu 3 ngôi Tam Bảo.
2. Sau khi rời khổ hạnh lâm đến dòng Ni Liên tắm rửa – kết cỏ làm tọa cụ, ngồi dưới gốc Bồ Đề , lập thệ “ Nếu không tìm ra đạo vô thượng chánh đẳng giác thì quyết không rời khỏi chốn nầy ”. Sau 49 ngày, vào đêm mùng 8 tháng Chạp Ngài chứng được đạo quả.
Khi ngài mới chứng được quả. Ngài còn ngần ngại chưa muốn đi truyền đạo ngay, vì sợ Đạo của Ngài sâu xa khó hiểu nhưng sau ngài rõ căn cơ và ứng dụng các phương tiện Ngài mới cương quyết đem Đạo Phật ra giáo hóa chúng sanh.
Trước hết Ngài đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp Tứ Diệu Đế độ cho 5 người bạn trong nhóm Kiều Trần Như. Như đã nói ở trên, Đức Phật là người đầu tiên chứng nhập và chứng minh chơn lý Tứ Diệu Đế ( Thị Chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển ) thành kiến mê lầm tan vỡ, trí tuệ siêu thoát xuất hiện, và 5 vị ấy là người đầu tiên ngộ Đạo. Nhờ pháp Tứ Diệu Đế này chứng nhập quả vị A La Hán.
II. TINH THẦN LỘC UYỂN ĐỐI VỚI HUYNH TRƯỞNG
Như đã nói ở trên, Đức Phật chọn vườn Lộc Uyển để thuyết pháp lần đầu tiên và khai thị cho 5 anh em Kiều Trần Như đã chứng được quả vị A La Hán. Với ý niệm đó. Trại huấn luyện đầu tiên của cuộc đời Huynh Trưởng là Trại Sơ cấp lấy tên là Trại Lộc Uyển.
Cho nên, trước khi bước vào ngưởng cửa của đời Huynh Trưởng “ Vạn sự khởi đầu nan ” không khác nào chúng ta xây dựng một ngôi nhà, điều cần thiết phải cấu tạo phần móng cho vững chắc. Móng có được vững thì ngôi nhà sau này mới được trường tồn. Cho nên để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng và cao cả đó người Huynh Trưởng phải có tư cách, tác phong và hiểu rõ nhiệm vụ của mình, để làm điểm tựa tiến bước trên đường tu học, phục vụ đạo Pháp, Dân tộc và lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Tư cách của người Huynh Trưởng Lộc Uyển :
Tư cách và tác phong là tấm gương sáng để các em noi theo cho nên chúng ta cố gắng trau dồi tác phong, tư cách : thực hiện tốt những qui định của tổ chức để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Hình thức bên ngoài :
Giúp ta biết một người có đứng đắn hay không : “ Nhìn trang phục biết tư cách ” hoặc “ Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần ”. Thứ nữa, râu tóc có ảnh hưởng đến tư cách, tác phong không nhỏ. Cho nên đã là một Huynh Trưởng ta không để râu tóc quá luộm thuộm.
Đối với nữ Huynh trưởng : Chúng ta nên giản dị về trang sức, ăn mặc lịch sự kín đáo.
Đức độ bên trong :
Đức tính không phải do thiên tạo mà do chính chúng ta tập tành. Người đời thường bảo : “ Đức thắng tài ” nếu một người có tài mà thiếu Đức, thì tài ấy cũng không thiết thực cho xã hội. Người HT phải luôn luôn trau dồi 5 hạnh của người Phật Tử : Tinh tấn -Thanh tịnh – Trí tuệ – Hỷ xả và Từ bi. Tước mắt, những đức tính cần thiết cho Huynh Trưởng là :
Tình thương : Luôn luôn thương yêu đùm bọc các em : chỉ có tình thuơng màu sắc áo lam mới đậm đà và vĩnh cửu ( đơn cử một số thí dụ thực tế ).
Hy sinh : Phục vụ đạo Pháp không cầu danh, cũng chẳng cầu lợi. Vì danh gì mà cầu. Cho nên chúng ta quên mình, quên quyền lợi trong danh vọng riêng tư để phục vụ cho các em, dù gian khổ bao nhiêu chăng nữa cũng không sờn lòng.
Kiên nhẫn : Luôn luôn kiên trì nhẫn nại trong mọi công tác “ Thắng không kiêu, Bại không nãn ”, “ Trường đồ tri mã lực ”.
Trung kiên : Nhờ đức tính kiên nhẫn trên ta tập được tính trung kiên. Khổng tử ngày xưa cho rằng Trung là một đức tính quan trọng nhất, Thiếu Trung thì không một đoàn thể nào đứng vững được. Cho nên GĐPT đã tồn tại trên 50 năm nay là nhờ những Phật tử trung kiên, đã có công duy trì bồi đắp cho tổ chức.
Một Huynh Trưởng có tư cách đứng đắn gây được cảm tình với người, và sẽ được mọi người kính mến, yêu chuộng, uy tín của người Huynh Trưởng như vậy được tăng cường thêm lên, và sẽ đạt được thành công trong công tác điều khiển các em.
III. MỤC ĐÍCH VÀ TÍNH CHẤT TRẠI LỘC UYỂN :
Trại Lộc Uyển là trại bước đầu tập sự làm Huynh trưởng, đây là trại huấn luyện Huynh trưởng nắm giữ chức vụ Đoàn phó thực thụ và giúp cho Huynh trưởng hiểu rõ tổ chức các Đoàn.
Trại huấn luyện Huynh trưởng Lộc Uyển là khóa trại căn bản của cuộc đời Huynh trưởng nên phải huấn luyện kỹ càng và chu đáo. Nếu trại sinh Lộc Uyển đã được huấn luyện đến nơi đến chốn để trại sinh có căn bản vững chắc thì các trại trên được nhẹ nhàng hơn. Chính vì thế nên trại sinh phải biết tự dặn mình : cố gắng học hỏi, tiếp thu đầy đủ những kiến thức đã được trao truyền, mạnh dạn nêu lên câu hỏi, các điều chưa nắm rõ trong phạm vi chương trình huấn luyện của trại để khi trở về đơn vị có thể ứng dụng sở học của mình giúp Đoàn trưởng trong việc quản lý điều khiển Đoàn được tốt hơn.
Mỗi trại có một chương trình riêng nên việc tổ chức, sinh họat đến kỷ luật của trại cũng phải theo một qui định riêng biệt khác nhau. Từ trại Lộc Uyển đến trại Vạn Hạnh có một hệ thống huấn luyện liên tục mà trại sinh không bỏ băng một trại nào
IV. NHỮNG QUI ĐỊNH
1. Thời gian 10 ngày : có thể chia làm 2 kỳ.
2. Điều kiện trại sinh :
– Độ tuổi : mức tối thiểu là 20 cho các thanh niên do Ban đại diện Giáo Hội địa phương giới thiệu đi học, 19 tuổi cho đoàn viên GĐPT.
– Bậc học : đã trúng cách : Bậc Kiên
3. Điều kiện trúng cách :
– Dự học suốt thời gian trại.
– Trúng cách cuộc khảo sát cuối khóa
4. Thời gian cấp chứng chỉ trúng cách : 6 tháng sau khi trúng cách toàn khóa.
5. Kỷ luật và khẩu hiệu :
– Kỷ luật : đúng giờ – lanh lẹ – tư cách đúng đắn.
– Khẩu hiệu : TIẾN
Nguồn: Tài liệu Trại huấn luyện Huynh Trưởng sơ cấp Lộc Uyển – BHD Trung Ương GĐPTVN tu chỉnh năm 2001 – PL.2545.