Tinh thần "Tùy duyên bất biến – Bất biến tùy duyên"

TINH THẦN TÙY DUYÊN BẤT BIẾN – BẤT BIẾN TÙY DUYÊN

ĐỀ TÀI LUẬN KHÓA
TRẠI HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG VẠN HẠNH VI/T.Ư
Trại Sinh: Tâm Anh TRƯƠNG NGỌC HÙNG

D À N   B À I

I. MỞ ĐẦU:
A/ Định nghĩa:
– Tùy duyên.
– Bất biến.
B/ Ứng dụng: Thực tại xã hội.
C/ Quan điểm – lập trường.
II. VAI TRÒ LÃNH ĐẠO:
Ứng dụng tinh thần tùy duyên bất biến của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN và các cấp lãnh đạo GĐPT.
III. TINH THẦN TRÁCH NHIỆM:
A/ Định hướng mục đích.
B/ Sự nghiệp kế thừa của Gia Đình Phật Tử.
C/ Phật hóa gia đình.
IV. KẾT LUẬN.

I. MỞ ĐẦU:

A/ Định nghĩa:

1) TÙY DUYÊN: Theo từ điển Phật học, từ vựng “tùy duyên bất biến” có nghĩa là tùy theo cơ duyên mà duyên với ngàn sai muôn khác nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi bởi vận hành từ Lý Duyên Sanh; cũng có nghĩa như là “thường tùy Phật học” trong mười đại nguyện của Ngài Phổ Hiền.

2) BẤT BIẾN: Nghĩa là tùy theo duyên mà hiện vạn hữu nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi bởi tùy thuận chúng sanh thực hành như chánh pháp, như Phật Pháp.

Qua hai định nghĩa trên cho ta thấy hai chữ tùy duyên là tùy theo nhân duyên, còn bất biến là bản thể không thay đổi.

Như vậy đạo Phật chỉ cho chúng ta học thuyết tùy duyên và Đức Phật cũng ứng dụng phương tiện vào thuyết tùy duyên bất biến nầy đã hơn 2.550 năm nay mà cho đến hiện nay bản thể chơn thật vẫn còn hiện hữu. Điều đó cho ta thấy, đạo Phật là đạo chân lý, đạo của sự thật.

Hiện nay trong bối cảnh lịch sử của Phật Giáo hiện đại, với nền văn minh tiến bộ vượt bậc của nhân loại, với sự băng hoại đạo đức không những chỉ ở phương Tây mà ngay cả phương Đông, thế giới nầy đã suy nghĩ gì, đã quan niệm thế nào mà họ xem Đức Phật là biểu tượng hòa bình? Xin được mạo muội trình bày đôi nét nhận định thô thiển (trong phần B) dưới đây:

B/ Ứng dụng thực tại xã hội:

Nói đến ứng dụng tức là đã “tùy duyên bất biến – bất biến tùy duyên” trong thực tại xã hội rồi vậy.

Trước hết, con cúi xin thành kính đảnh lễ liệt vị Tổ Sư, chư vị Tiền bối Sáng lập, Tiền bối Hữu công, anh linh chư Thánh Tử Đạo đã dày công vun bồi cho đạo pháp được trường tồn. Xin quý Ngài từ bi hoan hỷ cho con đã dám dùng đại danh của quý Ngài trong bài viết, bởi tên tuổi quý Ngài dòng Việt sử và Giáo sử đã khắc ghi.

Nếu Ngài Lục Tổ Huệ Năng không chịu sự ẩn nhẫn, trốn thoát vào rừng với những người thợ săn thì liệu có còn cái thân huệ mạng để rồi truyền đăng tục diệm cho đến vị Tổ thứ 33? Qua lịch sử 33 vị Tổ Thiền Tông, chúng ta thấy dù “tâm truyền tâm” nhưng nếu không mang ý thức “bất biến” thì không độ được cho Ngài Huệ Minh, không độ dược cho Ngài Ấn Tống. Vì thế nên 15 năm ẩn nhẫn với những người thợ săn, ăn những cọng rau rừng bên cạnh nồi thịt luộc chỉ vì bảo vệ mạng mạch truyền thừa Phật Pháp.

Đạo Phật khai sáng cho chúng ta học thuyết “tùy duyên bất biến – bất biến tùy duyên” mà bản thể, Phật tánh hay chủng tử thiện vẫn không thay đổi. Cho nên dù dưới bất cứ một chế độ, một thể chế nào thì đạo Phật vẫn luôn đồng hành với dân tộc; không chê bai, không bài bác bất cứ một ai, bởi như trong kinh Bát Đại Nhân Giác nói rằng: quốc độ nguy thúy vì chúng ta đem những thứ tâm phan duyên để suy diễn xấu cho người khác. Bởi tất cả chúng sanh vô sai biệt, cái biết của chúng sanh không đồng nhau mà muôn sai vạn biệt nên các hàng trí giả đôi lúc cũng bất lực xuôi tay vì nhân duyên chưa hội tụ.

Trong bài học này tại Trại Vạn Hạnh có đề cập đến việc dưới đời nhà Trần, dân tộc Việt lúc bấy giờ bị đế quốc Bắc phương đe dọa. Vua Trần Nhân Tôn (tức Giác Hoàng Điều Ngự) đã áp dụng nguyên lý bất biến tùy duyên. Ngài đem cái mà đạo Phật gọi là “vô sư trí vị tôn”, tức cái khả năng vốn có của Ngài để giữ yên bờ cõi. Hãy nghĩ xem, chỉ có một ngôi chùa được xây dựng mà ba lần đổi tên theo từng thời kỳ dựng và giữ nước của dòng Việt sử: trước tiên là Kiến Quốc, rồi Lập Quốc, Trấn Quốc. Như vậy có phải đạo Phật đồng hành với dân tộc không?

Với tinh thần một Trại sinh Vạn Hạnh, tôi ước muốn đem 10 hạnh nguyện của Đức Đại Hạnh Phổ Hiền để làm kim chỉ nam cho thái độ phục vụ lý tưởng. Trong bài viết nầy, tôi muốn đề cập để kiến giải phần nào đó tư duy của mình về tinh thần tùy duyên bất biến – bất biến tùy duyên mà thiết nghĩ, muốn ứng dụng một cách hiệu quả và đúng đắn trong thực tại xã hội, người Huynh Trưởng cần “phải làm những việc đáng làm” và “chỉ nói những việc đáng nói” như thế nào để lợi mình, lợi người, lợi chúng sanh; thực hiện thật chính xác mục đích GĐPT và châm ngôn Bi-Trí-Dũng, như thế là đã thực sự ứng dụng tinh thần nầy vào thực tại xã hội.

Thực trạng Gia Đình Phật Tử sau năm 1975: Theo ý tưởng của đề tài nầy, tôi cảm thấy thật đáng thương cho những người đã từng cùng chúng ta đồng hội đồng thuyền mà hiện nay họ không cùng ngồi với chúng ta trên con thuyền Lam giữa biển cả ba đào, họ đã bước sang những chiếc thuyền sặc sỡ, sang trọng nhưng nguy hiểm khác. Nguy hiểm vì trên tay họ không có la bàn! Và như vậy chắc chắn họ sẽ đi lệch hướng. Họ ôm cầm sang thuyền khác vì bắt nguồn từ mâu thuẫn do ảnh hưởng bởi ý thức hệ xã hội. Đối với họ, chúng ta đành chịu vậy. Nhưng còn chúng ta thì sao?

Người Huynh Trưởng chúng ta phải có định hướng đúng vì trên thuyền chúng ta đã có một hải đồ chính xác, trên tay chúng ta đã có một la bàn tin cậy. Vậy thì trên thuyền còn lại bao nhiêu thủy thủ đoàn, bao nhiêu khách hải hành chúng ta vẫn cứ vững vàng chèo lái đến bến bờ định sẵn một cách an toàn không gì ngần ngại. Sóng to gió cả ư? Gió táp mưa sa ư? Cho dù đến cả bảo tố giữa đại dương chúng ta cũng chẳng thể sai lầm làm lật úp con thuyền, vì chúng ta sẽ xử lý bằng tinh thần tùy duyên bất biến.

Tại Gia Đình Phật Tử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ban Hướng Dẫn chúng tôi thường tâm đắc câu nói vui của anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ: “Có những Huynh Trưởng đã chôn rồi nhưng chưa chết, cũng có những Huynh Trưởng chết rồi mà chưa chôn”. Mới nghe qua thì thấy ghê ghê, nhưng quán sát kỷ thì đúng là như vậy thật. Rồi đây dòng lam sử GĐPTVN chắc chắn sẽ phải ghi vào những vấn nạn của đạo pháp, của dân tộc và của Gia Đình Phật Tử trong giai đoạn mà các thế lực vô minh đem liều độc dược “sư tử trùng” để trấn áp và tiêu diệt chúng ta. Họ muốn chúng ta phải bị phân hóa nội bộ!

Tuy nhiên, hiện nay Gia Đình Phật Tử Việt Nam là hiện thân của ý thức dân tộc, là biểu tượng của ý thức lịch sử và là ngọn đuốc của ý thức thời đại. Bởi vì nó được bảo bọc trong lòng dân tộc, nó không phản danh, không nghịch lý thì nó có quyền hành hoạt theo giáo nghĩa của Đức Đạo Sư Thiên-Nhơn-Sư-Phật.

C/ Quan điểm – Lập trường:

Với tầm nhìn hạn chế của một Huynh Trưởng có trình độ học vấn trung bình như tôi, việc trình bày quan điểm, lập trường một cách mạch lạc, khoa học, có hệ thống là việc làm hết sức khó khăn. Tôi chỉ thấu đạt đước rằng, quan điểm xã hội phải dựa vào hai điểm chính yếu: truyền thống lâu đời và thể chế chính trị.

Tuyệt nhiên Gia Đình Phật Tử không cho phép chúng ta làm những việc có liên quan đến chính trị và cũng không để cho một ai làm chính trị lợi dụng chúng ta. Người Huynh Trưởng ví như đang lập hạnh lập nguyện, đang trên đường thỉnh chuyển Pháp luân thường tùy Phật học, hành bố đại nguyện của Bồ-tát Văn Thù, cần thấy được thực tế xã hội và thực trạng Phật Giáo. Riêng với suy nghĩ khách quan của tôi, chắc chắn là hầu hết người Phật Tử chơn chánh họ sẽ chọn lập trường theo truyền thống lâu đời; số còn lại là người vì cơm gạo áo tiền, vì danh lợi họ sẽ chọn quan điểm, lập trường theo thể chế chính trị.

Quan điểm, lập trường của một Huynh Trưởng GĐPTVN: Nói đến lập trường trước hết phải nói đến tính pháp lý của GĐPTVN trước và sau năm 1975 để hàng Huynh Trưởng chúng ta không còn e ngại, đồng thời đây cũng chính là cơ sở pháp lý căn bản, then chốt trong sinh hoạt của GĐPT, bởi văn bản lập quy của tổ chức chúng ta đã minh định GĐPTVN là một tổ chức con trong một tổ chức mẹ. Thế cho nên GĐPTVN trực thuộc và chịu sự quản lý của tổ chức mẹ là GHPGVNTN.

Căn cứ vào điều 1 Nội Quy GĐPTVN, chúng ta cũng thấy là thế hệ Huynh Trưởng đi trước đã có một lập trường chắc chắn để lèo lái con thuyền GĐPT trên 70 năm không buông bỏ để nối gót các bậc tiền bối đã bao năm xây dựng sự nghiệp nhà Lam trên chính trên tinh thần tùy duyên bất biến.

Có những lúc Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã phải chịu biết bao sóng gió đè nặng lên đôi vai hàng Huynh Trưởng trên toàn quốc. Những thế lực vô minh với vũ khí tham, sân, si đã xúi dục những anh chị em không trung kiên bền chí đánh mất lập trường. Khi họ đã tự thấy mình thoái hóa hay nói cách khác, theo Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng GĐPTVN, họ biết mình đáng bị khai trừ ra khỏi GĐPT, họ liền hốt hoảng quay đầu tìm kiếm một địa chỉ GĐPT giả hiệu hầu làm một ông quan, ông tướng GĐPT và vô tình hay cố ý trở thành kẻ phản bội, phá hoại tổ chức GĐPT, nơi nuôi lớn và giáo dưỡng họ. Họ phản bội vì họ thiếu lập trường, thiếu tu dưỡng, họ không rũ sạch được tướng vọng tưởng phân biệt, và như thế họ ngày càng gây thêm cảnh nồi da xáo thịt cho tổ chức GĐPT và cho Phật Giáo.

II. VAI TRÒ LÃNH ĐẠO:

Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN và các cấp lãnh đạo GĐPT đã ứng dụng tinh thần tùy duyên bất biến như thế nào trong vai trò lãnh đạo GĐPTVN trước những biến động của thời đại?

GĐPT từ khi khai sinh cho đến nay, qua biết bao nhiêu thăng trầm biến động của lịch sử suốt quá trình 70 năm hình thành chưa bao giờ thanh thản bình an. Đoạn đường sau lưng với tất cả mồ hôi, nước mắt, hy sinh cam go; đoạn đường trước mắt trải dài với những cạm bẩy và thử thách đang chờ đón.

Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo minh mẫn của Ban Hướng Dẫn Trung Ương, với lòng nhiệt tâm và tinh thần trung kiên của Huynh Trưởng, Đoàn Sinh, GĐPTVN đã và sẽ vượt qua tất cả. Âm thầm, bền bỉ, kiên trì, nhẫn nhục, từng bước một Ban Hướng Dẫn Trung Ương đã lèo lái con thuyền Lam đi đúng lý tưởng bằng những phương tiện tùy duyên thích hợp với từng biến động của lịch sử để đào luyện nên những thế hệ Huynh Trưởng, Đoàn Sinh có chánh tín, có tri thức, có công phu tu tập; những thế hệ công dân tốt của xã hội và những nhân tài cho đất nước không những trong quốc nội mà cả trong các cộng đồng Phật Giáo Việt Nam trên phạm vi toàn thế giới.

Chúng ta thực hiện mục đích, lý tưởng trong tinh thần: không làm chính trị; hy sinh cả tài sản, thân mạng vì sự nghiệp giáo dục đàn em, vì sự tồn tại của tổ chức; dấn thân vào dòng đời và lòng người với nhiệt huyết của tuổi trẻ. GĐPTVN có lập trường dân tộc, có đức tin và kỷ luật, có hệ thống tổ chức chặt chẻ, có lý tưởng sống xả kỷ vị tha, tuân kỷ luật, chịu huấn luyện để thăng tiến cá nhân, hoàn thiện xã hội.

Làm được những điều này trong những thập niên từ 20 – 70 trong khi đất nước đang trong vòng áp bức, nô lệ, chiến tranh ý thức hệ, nội chiến xâu xé, giành giật quả không phải là điều đơn giản; huống chi vào những thập niên 80, 90 đất nước và Giáo Hội cùng bị xoay vòng trong cơn lốc Pháp Nạn và chính trị? Chúng ta hãy thử điểm lại khái quát tình hình chính trị, xã hội trong các thời điểm trên:

Từ năm 1951 – 1964: Đất nước trong tình trạng chiến tranh, nô lệ. Cả miền Nam (nơi GĐPT đang sinh hoạt thường xuyên) nằm trong hệ thống gia-đình-trị của một chính quyền Ki-tô giáo đang tìm mọi cách triệt tiêu Phật Giáo.

Từ năm 1964 – 1975: Cuộc nội chiến Nam – Bắc làm tiêu hao sinh lực của dân tộc. Những chính quyền tiếp theo tại miền Nam vẫn tiếp tục chính sách kỳ thị tôn giáo. GĐPTVN chịu áp lực từ mọi phía. Đã có quá nhiều những hy sinh, mất mát của tổ chức áo lam trong giai đoạn nầy.

Từ năm 1975 – hiện tại: Hòa bình tuy được vãn hồi nhưng để mở đầu cho một cuộc chiến khác khốc liệt hơn: cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa chân thành và giả dối, giữa chánh và tà. Cuộc chiến tuy không đầu rơi máu chảy nhưng lại cam go, nguy hiểm đòi hỏi GĐPTVN phải dốc hết toàn lực, trí tuệ, sức mạnh và lòng kham nhẫn để tồn tại và phát triển. Những điểm đặc biệt trong giai đoạn nầy chúng ta có thể thấy rõ nét như sau:

– Chính quyền xác định việc giáo dục thanh, thiếu, đồng niên là công việc của đảng và nhà nước do tổ chức “Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh” và “Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh” đảm nhiệm. Đây là nguồn nhân lực của quốc gia nên không ai có quyền quản lý ngoài đảng và nhà nước. Do vậy, các đoàn thể thanh niên, tôn giáo tại miền Nam trước năm 1975 đều bị xóa sổ toàn bộ.

– Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN đều bị bắt bớ, tù đày, câu lưu quản thúc; có vị tuổi cao đã viên tịch. GĐPT hầu như không còn nơi nương tựa trong giai đoạn Giáo Hội ngưng hoạt động.

– “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” ra đời năm 1981 đã tạo ra một “Phân ban Gia Đình Phật Tử” sinh hoạt trong “Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Phật Tử”. Họ đã sử dụng sắc phục, huy hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và cả chương trình tu học của GĐPTVN; sửa đổi, bóp méo Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng GĐPTVN hầu đánh lận con đen, biến tổ chức áo lam thành một tổ chức trực thuộc “Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam”. Năm 1995, theo chỉ thị số 01 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, thông bạch số 455 buộc GĐPT phải đăng ký mới được sinh hoạt, nếu không thì phải giải tán. Tất cả các đơn vị GĐPT tại các địa phương đều bị áp lực của các chùa, các tự viện, thậm chí của quý Thầy, Cô không cho sinh hoạt.

Tình thế vô cùng khó khăn nêu trên đã đặt GĐPTVN trước một lựa chọn vô cùng khốc liệt: hoặc chết, hoặc tồn tại theo ý đồ chính trị. Muốn tồn tại mà vẫn giữ vững được bản chất, mục đích, lý tưởng và Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng, hàng ngũ lãnh đạo đã phải hao tổn thật nhiều trí tuệ để phương tiện hóa (tùy duyên) các sinh hoạt của mình mà không tự đánh mất mình (bất biến) trong dòng xoáy chính trị.

Chúng ta có thể hình dung được các phương tiện tùy duyên của hàng ngũ lãnh đạo GĐPT các cấp trong giai đoạn này như sau:

– Trung kiên với tổ chức, với mục đích, lý tưởng GĐPTVN, giữ vững tinh thần vô úy, vô trước, vô cấu trước mọi cám dỗ, cạm bẫy của danh lợi thế quyền, vững chải trước những đe dọa, áp lực của địa phương như: mời họp, mời đến cơ quan điều tra xét hỏi thường xuyên, thông báo với cơ quan chủ quản kinh tế nhằm tạo trở ngại, khó khăn trong mưu sinh với bản thân Huynh Trưởng và gia đình để gây áp lực, chướng ngại cho sinh hoạt GĐPT.

– Tùy điều kiện chuyển hóa các trại huấn luyện, hội thảo, hội nghị qua các hình thức khác nhưng vẫn giữ được tinh thần, bản chất, nội dung: tu Bát Quan Trai, Hiệp Kỵ, húy nhật, du ngoạn, khai kinh, hoàn kinh v.v…

– Gởi đến các cấp chức sắc Giáo Hội, chính quyền nhiều tâm thư, thỉnh nguyện thư, huyết thư kể cả tâm thư xin tự nguyện thiêu thân để yêu cầu tự do tôn giáo, bảo vệ lý tưởng.

– Kham nhẫn chờ đợi các chỉ đạo của chư vị Tôn túc trong Hội Đồng Lưỡng Viện nhưng vẫn duy trì liên lạc, sinh hoạt các cấp trong tinh thần tôn trọng và bảo vệ Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng bằng các hình thức hợp pháp (của thế quyền) và xác định với các cấp chính quyền về tính chất hợp pháp, hợp hiến của GĐPTVN.

Năm 1961, khi anh Nguyên Hùng – Võ Đình Cường bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN suy cử Hòa Thượng Thích Thiện Hoa làm Trưởng Ban Hướng Dẫn, vì chỉ có Hòa Thượng với uy tín và nhiệt tâm đối với GĐPT mới có thể lèo lái con thuyền GĐPT vượt qua Pháp Nạn trong cuộc đấu tranh tôn giáo mất còn với chính quyền năm 1963.

Năm 1970, vận động thành lập Ban Bảo Trợ GĐPT nhằm tạo hậu thuẫn và lực lượng quần chúng mạnh mẽ để hổ trợ cho sinh hoạt GĐPT các cấp.

Năm 1976, khi anh Võ Đình Cường bỏ công tác mà thời thế không cho phép tổ chức được Đại Hội, Ban Hướng Dẫn Trung Ương đã ủy cử anh Nguyên Y – Lương Hoàng Chuẩn giữ chức vụ Quyền Trưởng Ban.

Tháng 10 năm 1976 anh Lương Hoàng Chuẩn qua đời, Chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc tiếp tục được ủy cử làm Quyền Trưởng Ban vì GĐPT vẫn chưa thể triệu tập được Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc.

Năm 1989, chị Hoàng Thị Kim Cúc qua đời, anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ (Ủy Viên Nghiên Huấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương) được tín nhiệm giao chức vụ Quyền Trưởng Ban, tiếp tục công việc lãnh đạo GĐPT toàn quốc. Bên cạnh anh Nguyễn Khắc Từ là một “Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên” quy tụ tất cả những Huynh Trưởng dày dạn kinh nghiệm giúp anh lèo lái tổ chức GĐPTVN đủ sức mạnh vượt qua cơn sóng gió.

Năm 1993, anh Nguyễn Khắc Từ qua đời, anh Nguyên Tín – Nguyễn Châu (Đại Diện Miền Khuông Việt) được giao chức vụ Quyền Trưởng Ban trong khi vẫn chưa tổ chức được một Đại Hội toàn quốc chính thức.

Một Đại Hội Huynh Trưởng thu hẹp tại Đà Lạt năm 1995 đã san định, duyệt xét các chương trình tu học Huynh Trưởng Kiên-Trì-Định-Lực và chấn chỉnh một số những lệch lạc trong sinh hoạt do hoàn cảnh; công khai sinh hoạt GĐPT và bảo vệ Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng GĐPTVN từ căn bản nội dung đến tổ chức, quy củ, sắc phục.

Năm 1998, Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc thu hẹp tổ chức tại chùa Quảng Hương Già Lam với 124 Đại Biểu Huynh Trưởng cấp Dũng, Tấn và đại diện Ban Hướng Dẫn các tỉnh, thị đã kiện toàn Ban Hướng Dẫn Trung Ương, anh Nguyên Tín – Nguyễn Châu chính thức được tấn phong chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương (không còn Quyền Trưởng Ban), tiếp tục lãnh đạo GĐPTVN trong giai đoạn mới: sinh hoạt công khai, trực diện với mọi thế lực vô minh tác oai tác quái.

Cho đến nay, dù chính sách không có gì thay đổi, những áp lực, khống chế, o ép GĐPT vẫn còn đó và được tiến hành một cách tinh vi, nguy hiểm không những chỉ về phía thế quyền mà còn cả trong lòng GHPGVNTN. Tình hình càng phức tạp, càng khó khăn thì cấp lãnh đạo GĐPT càng chứng tỏ khả năng, trí tuệ , uy dũng để hóa giải những mâu thuẫn nội bộ, những âm mưu bên ngoài, tự vươn mình lên mà kiện toàn tổ chức.

Sau một thời gian linh hoạt điều hành tổ chức, đưa sinh hoạt trở lại bình thường, đến nay Ban Hướng Dẫn Trung Ương đang xúc tiến việc tổ chức Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc sau khi các tỉnh thị tổ chức Đại Hội hoàn tất.

Riêng GĐPT tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tuy là địa phương thuộc loại “nóng”, nhưng từ trước đến nay vẫn duy trì sinh hoạt liên tục không gián đoạn, các bậc học Kiên-Trì-Định-Lực, các trại huấn luyện Huynh Trưởng Lộc uyển, A Dục, Huyền Trang, huấn luyện Đội Chúng Trưởng, Chăn Đàn, các khóa thi Vượt Bậc, các lễ lược truyền thống, các trại Họp Bạn vẫn được tổ chức thường xuyên hằng năm. Bằng vào sự nổ lực, lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết và đức tính vô úy, Ban Hướng Dẫn GĐPT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã vượt qua những chướng duyên, trở ngại để thành tựu các Phật sự, để lý tưởng được thăng hoa, làm chỗ nương tựa vững chắc của 25 đơn vị GĐPT, hơn 200 Huynh Trưởng, 5.000 Đoàn Sinh, dù chỉ mới tổ chức được đơn vị GĐPT truyền thống tại 2/5 quận, huyện.

Những ngày vừa qua, mặc dù gặp hoàn cảnh hết sức éo le, kỳ cục (không một tự viện nào – oái oăm thay! của cả 2 tổ chức Giáo Hội – dám “chứa chấp” để tổ chức) thế mà Đại Hội Huynh Trưởng toàn tỉnh lại được Ban Hướng Dẫn mạnh dạn khai mạc một cách công khai, bề thế vào ngày 9/12/2007 giữa một không gian sang trọng, trong một không khí hoan hỷ, thân mật, cởi mở, thắm tình đạo vị với đầy đủ hình thức và nghi thức trang trọng của các Đại Hội truyền thống GĐPT.

Việc giữ gìn nề nếp ấy, dũng khí ấy, tinh thần hy sinh ấy, sự thận trọng và kinh nghiệm ấy của Ban Hướng Dẫn tỉnh đã được đền bù một cách xứng đáng khi nhìn thấy khuôn mặt hết sức rạng rỡ nhưng cũng thể hiện rất rõ nét vô úy của 119 Huynh Trưởng Đại Biểu chính thức và dự thính tại hội trường; được đền bù xứng đáng khi mà cái không khí truyền thống ấy đã khiến anh Tâm Huy – Phan Đình Thăng, Ủy Viên Nội Vụ, đại diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương về chủ tọa Đại Hội đã không dấu được niềm xúc động, tự hào khi phát biểu trước Đại Hội: “… đây là Đại Hội Huynh Trưởng cấp tỉnh nề nếp và hoành tráng nhất, đúng với truyền thống và tầm cỡ một Đại Hội GĐPT nhất kể từ năm 1975 đến nay mà tôi được tham dự…”; được đền bù xứng đáng khi mà sau thành công của Đại Hội, Ban Hướng Dẫn nhận được thông tin phản hồi về sự thảng thốt của những thành phần vốn lâu nay không thân thiện với sinh hoạt GĐPT, về những lời nhắn gởi khuyến tấn, ngợi khen thật lòng của Chư Tôn Đức Cố Vấn, của các Đạo hữu Ân nhân, Bảo trợ (dù Ban Tổ Chức chẳng thể mời họ tham dự Đại Hội được!).

Lời phát biểu của anh đại diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương cũng như những lời tán thán sau đó chẳng phải là những lời khen hoa mỹ, xã giao mà chính thật là sự minh định vị trí và giá trị của GĐPT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong lòng GĐPTVN cũng như trong cộng đồng xã hội. Đó chính là ấn chứng cho tinh thần kham nhẫn, bất bạo động nhưng trung kiên, bất khuất; kiên trì chịu đựng, hy sinh nhưng mà biết linh hoạt áp dụng tinh thần tùy duyên bất biến để duy trì, bảo tồn và phát triển tổ chức trước mọi khảo đảo trường kỳ, thực hiện thành tựu hoài bảo Huynh Trưởng: hoàn thành sứ mệnh giáo dục thế hệ Đoàn Sinh kế thừa đúng mục đích GĐPTVN bằng châm ngôn Bi–Trí–Dũng.

III. TINH THẦN TRÁCH NHIỆM:

A/ Định hướng mục đích:

Qua bao biến thiên lịch sử, từ những thập niên 20 đến nay – đặc biệt là cận 1975 và sau 1975 – trong một giai đoạn chiến tranh ác liệt rồi hòa bình trở lại với những lo toan chồng chất vì sinh kế, một số anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh đã mất định hướng. Trước đó là vì hoàn cảnh chiến tranh bom đạn; sau đó thì phải ly tán, rời bỏ quê hương vì lý do mưu sinh và nhiều lý do khác nữa… Trong điều kiện đó, tinh thần trách nhiệm của người Huynh Trưởng chúng ta nếu không vững vàng thì có lẽ GĐPT đã không thể còn tồn tại.

Trong quốc nội cũng như tại hải ngoại, nơi đất khách quê người tha phương cầu thực hay lánh nạn, những Huynh Trưởng GĐPT đã tìm lại nhau, tập hợp lại thành tổ chức; có nơi tái sinh hoạt sau một thời gian gián đoạn ngắn; có nơi phục hồi sinh hoạt vì đơn vị sở tại đã tan rã lâu rồi; có nơi lại khắc phục chướng duyên để hình thành những đơn vị hoàn toàn mới. Từng câu hát lời ca thân quen cũ lại được cất vang lên giữa không gian xa lạ; từng chiếc áo lam sắc phục cũ lại xuất hiện trước những đồng sự mới quen hay mới may mắn gặp lại sau cơn biến động; từng miếng tranh, tấm lá cũ lại được gom góp đễ dựng nên những nơi thờ tự, chiêm bái mới hay che lợp lại những Phật tự đã đổ nát hoang tàn vì bom đạn và cả sự tàn phá của con người vô tín ngưỡng; từng đơn vị mới được hình thành từ những Huynh Trưởng cũ; đặc biệt nhất là những sinh hoạt quen thuộc cũ cũa một đoàn thể tôn giáo cũ, nhưng bắt đầu hiện diện và phải tùy duyên tồn tại trong một thể chế mới! Và… thế là tinh thần trách nhiệm cao cả “cũ” của hàng Huynh Trưởng từ đây bắt đầu phải đương đầu với những trở ngại khó khăn mới!

Trong hoàn cảnh ấy, như trên đã trình bày, sát cánh bên anh chị em Huynh Trưởng các địa phương, từ vùng đô thị đang vô cùng náo loạn đến những miền biên địa xa xôi, nông thôn hẻo lánh, Ban Hướng Dẫn Trung Ương đã tùy duyên (nhưng) bất biến tìm bắt liên lạc, hướng đạo, huấn thị và trao trọng trách nặng nề cho hàng Huynh Trưởng giữ vững sinh hoạt tạm thời các đơn vị mới hình thành hay tái sinh hoạt để duy trì, bảo tồn GĐPT trong giai đoạn hiện tại và chờ phát triển trong tương lai.

Tinh thần ấy, tâm huyết ấy, nhất là sự mạo hiểm thật sự để hiện diện thường xuyên ngay khi cần thiết tại các địa phương của những anh, chị Tâm Chánh, Như Tâm, Nhật Thường, Nguyên Hồng… đã làm anh chị em Huynh Trưởng ấm lòng và càng thêm tin tưởng. Tinh thần Huynh Trưởng được nung nấu và cũng cố. GĐPT cũng từ đó mà hồi sinh một cách gan góc và oai dũng.

B/ Sự nghiệp kế thừa của Gia Đình Phật Tử:

Sự nghiệp kế thừa, hay nói một cách khác là nguyên tắc kế thừa, là một truyền thống không những của GĐPTVN mà có thể nói là của dân tộc Việt Nam, được luật pháp của mọi thể chế công nhận và phải công nhận sự thừa kế như là những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cá nhân hay tập thể.

Với GĐPTVN, đó là sự truyền thừa liên tục từ thế hệ trước qua thế hệ sau mà pháp nhân là một Giáo Hội mẹ, đó chính là GHPGVNTN:

Năm 1932: Khai sinh từ An Nam Phật Học Hội dưới danh xưng Ban Đồng Ấu.

Năm 1940: Để phù hợp với sự phát triển, thay đổi danh xưng lần thứ nhất thành Gia Đình Phật Hóa Phổ, trực thuộc các Hội Phật Học, Hội Phật Giáo Trung, Nam, Bắc.

Năm 1951: Tập hợp các Hội hình thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, một lần nữa danh xưng được thay đổi: Gia Đình Phật Tử Việt Nam, trực thuộc Tổng Hội.

Năm 1964: Sau Pháp Nạn 1963, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập thì GĐPTVN lại đặt mình trực thuộc GHPGVNTN.

Năm 1981: Khi thành lập một Giáo Hội mới – tức “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” – GĐPTVN không trực thuộc vì không được Giáo Hội nầy chính thức thừa nhận (không ghi trong Hiến Chương mới) trong khi Giáo Hội truyền thừa là GHPGVNTN bị trở ngại không hành hoạt.

Năm 2003: Khi GHPGVNTN phục hoạt và suy cử Hội Đồng Lưỡng Viện, GĐPTVN lại chính thức tiếp tục sinh hoạt với Giáo Hội. Với văn bản ngày 27/6/2004 về việc đề cử anh Nguyên Tín – Nguyễn Châu, đương kim Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN vào chức vụ Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên thuộc GHPGVNTN và quyết định số 05/VHĐ/BCĐ/QĐ ngày 2/7/2004 của Thượng tọa Đệ I Phó Viện Trưởng thừa ủy nhiệm Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo ban hành là tính nguyên tắc, pháp lý và sự nghiệp kế thừa mà Chư Tôn Giáo Phẩm cũng đã chọn phương pháp tuỳ duyên bất biến để duy trì Giáo Hội cũng như Gia Đình Phật Tử.

C/ Phật hóa gia đình:

Đối với hàng ngũ Huynh Trưởng, khi đã phát nguyện trước Tam Bảo “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập” tức là chúng ta đã thệ nguyện tự mình phải hoàn thành trách nhiệm đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái song song với việc hoàn thành trách nhiệm với GĐPT và với xã hội.

Thế nhưng hoàn thành trách nhiệm ấy bằng cách nào?

Huynh Trưởng phải chăm lo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái… về đời sống vật chất; phải khuyến tấn gia đình trong đời sống tinh thần biết sống đời đạo đức, biết ăn chay, niệm Phật, đến chùa, biết tu mình, độ người. Huynh Trưởng phải làm thế nào để các thành viên trong gia đình biết chánh tín Tam Bảo, làm thế nào để huân tập chủng tử thiện vào trong gia đình. Phải từ cái thiện, cái đạo đức của lối sống ấy thì mới có được một niềm hạnh phúc, an lạc thực sự.

Tuy nhiên, trong cuộc sống của người Huynh Trưởng, nếu chúng ta không lấy thân giáo làm phương châm; không lấy sự kham nhẩn để hóa giải; không đem tinh thần tuỳ duyên bất biến áp dụng trong đời sống hằng ngày thì liệu có Phật hóa gia đình được không? Đức Phật dạy: “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nếu Huynh Trưởng chúng ta không giác ngộ được ngay trong gia đình mình thì việc giác ngộ cho tha nhân, cụ thể và gần gủi nhất là ước mơ giác ngộ cho Huynh Trưởng, Đoàn Sinh của chúng ta thật là một điều xa vời lắm vậy.

Hãy thử tưởng tượng nếu vì công tác Phật sự, chúng ta phải vắng nhà một hai ngày, mà trước đó không có sự thiện xảo sắp xếp công việc một cách khéo léo, ổn thỏa thì khi về nhà liệu gia đình có được êm ấm không? Điều nầy rất thường xảy ra trong đời sống người Huynh Trưởng. Nếu may mắn, anh chị nào có được người “đồng sàng” lại “đồng sự” (sự nghiệp Huynh Trưởng) thì việc sinh hoạt còn tương đối thuận lợi; bằng không, gặp phải người “đồng sàng” nhưng “dị mộng” thì chuyện cơm không lành canh không ngọt thường xuyên sẽ chắc chắn không thể nào tránh khỏi. Bởi cha mẹ, vợ chồng nào chịu thấu cái cảnh “cơm nhà áo vợ” (hoặc chồng), “việc nhà nhì nhác việc chú bác thì siêng”, ngày qua ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”? Lợi đâu chưa thấy, tổn hại kinh tế, tài chánh thì quá nhiều, làm sao không phát sinh buồn bực, phiền não, giận hờn, oán ghét?

Thế cho nên nếu Huynh Trưởng không Phật hóa được gia đình thì ở nhà còn hơn! Một ngày đi sinh hoạt hay làm công tác Phật sự, phước báu đâu thì chưa thấy mà đã hiển hiện sân si, phiền não thì có lợi gì cho con đường tu tập?

Tôi muốn đề cập đến điều nầy một cách chơn thực và bày tỏ sự cảm thông với những anh chị gặp phải tình trạng như thế, đồng thời cũng thật lòng đề nghị quý anh chị phải quyết tâm và tinh tấn mà tùy duyên Phật hóa gia đình. Xin tâm sự với quý anh chị rằng chính tôi tuy nhờ có được nhân duyên tiếp cận GĐPT từ rất sớm, đến nay tuổi đã chớm lục tuần mà có lúc cũng phải kham nhẫn trong những trường hợp tương tự để giữ gìn hòa khí gia đình, đem lại an lạc hạnh phúc cho gia đình và thành toàn được công việc Phật sự hết sức đa đoan của Ban Hướng Dẫn tỉnh.

Thực hiện được điều nầy quả không phải dễ, nhưng thiết nghĩ người Huynh Trưởng có học Phật, có phương pháp chuyển hóa, biết áp dụng tinh thần tùy duyên bất biến – bất biến tùy duyên thì không phải là khó khăn đến mức độ không làm được.

IV. KẾT LUẬN:

Tất cả những sự vật trên cỏi đời này, trong pháp giới trùng trùng duyên khởi này, giữa chúng ta và tất cả chúng sanh đều có sự tương quan và tương duyên. Như vậy, hơn ai hết chúng ta cần phải biết hòa mình và bằng châm ngôn Bi–Trí–Dũng để thực hành hạnh nguyện Bồ-tát, dù rằng đang sống trong cỏi đời ô trược mà vẫn giữ được tâm thanh tịnh để chuyển hóa tâm mình cũng như tâm chúng sanh quy về một mối, đó là mối thiện lương đạo đức, xả kỷ vị tha, độ mình cứu người trở nên hoàn thiện.

Nước tuy trăm suối ngàn sông nhưng cũng chảy về biển cả chỉ có một vị mặn. Trong vô vàn chuớng duyên của đạo pháp, dân tộc và GĐPT hiện nay, người Huynh Trưởng cần nắm vững Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng để thực hiện hoài bảo, mục đích GĐPT bằng vô số lượng phương tiện tuỳ duyên nhưng bất biến như nữa thế kỷ qua các anh chị Huynh Trưởng từ trung ương đến địa phương đã làm để duy trì tổ chức, giáo dục lớp kế thừa thành những con người đạo đức hữu dụng cho gia đình, cho đạo pháp, cho cộng đồng xã hội.

Cá nhân tôi chỉ xin được đóng góp thêm phần nhỏ bé của mình trong những dòng máu cùng đỏ, những dòng nước mắt cùng mặn để hòa cùng các anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPTVN trong pháp giới chúng sanh đau khổ nầy bằng hành động tuỳ duyên bất biến – bất biến tùy duyên mà bảo tồn và phát triển tổ chức thân yêu Gia Đình Phật Tử.

———=HẾT=———

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • 50 năm Gia Đình Phật Tử Việt Nam – Ban Điều Hợp GĐPTVN tại Hải Ngoại, 1996.
  • Tài liệu tu học bậc Trì GĐPTVN – Ban Hướng Dẫn Trung Ương, 2003.
  • Tài liệu huấn luyện trại Huyền Trang GĐPTVN – Ban Hướng Dẫn Trung Ương, 2003.
  • Tài liệu huấn luyện trại Vạn Hạnh GĐPTVN – Ban Hướng Dẫn Trung Ương, 2007.

Tâm Anh TRƯƠNG NGỌC HÙNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.