Người nữ Gia Đình Phật Tử trong giai đoạn hiện tại

NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.

Kính bạch…
Kính thưa…

Trước hết cúi xin Chư Tôn Đức, Quý anh chị cho phép chúng tôi được minh định một điều: Đây không phải là một bài diễn văn hùng hồn với những từ ngữ “dao to búa lớn”; lại càng không là một kiểu hô khẩu hiệu suông như người ta thường thật lực đánh vào chiếc thùng rỗng để nghe tiếng vang dội lại cho chính mình nghe to thật to. Đây đơn giản chỉ là những lời tâm sự không thể không bày tỏ giữa chị em Ngành Nữ Gia Đình Phật Tử chúng tôi trong một giai đoạn nguy kịch về đạo đức xã hội nói chung, và sự quẩn bách trong môi trường đạo đức mà người Nữ chúng tôi đang phải cộng nghiệp với xã hội nói riêng.

Kính bạch…
Kính thưa…

Trong giai đoạn hiện tại của dân tộc ở khắp đất nước này, phần đông con người đang xu hướng theo thời đại vật chất; phương tiện văn minh, tiến bộ của khoa học đã và đang tạo nên một lực hút rất mạnh, khiến cho đa số nghiêng về quyền lợi vật chất mà lơ là trong việc rèn luyện giáo dục đức tính con người, nuôi dưỡng tâm linh. Do vậy, xã hội hiện nay đạo đức bị xói mòn, con người hầu như lãnh cảm với nhau, những tệ nạn xã hội xãy ra thường xuyên trong từng nhịp sống, căn bệnh của thế kỷ như AIDS, dịch họa như H1N1, H5N1… xãy ra khắp mọi nơi và vô số các tệ nạn khác như: buôn bán phụ nữ, trẻ em; lạm dụng tình dục; bóc lột lao động; chà đạp nhân phẩm sống của con người v.v… mà trong đó nữ giới là đối tượng tiêu biểu nhất. Chỉ nói trong lĩnh vực gia đình: con cái hất hủi, bỏ rơi cha mẹ già yếu; anh chị em ruột thịt vì quyền lợi mà cấu xé lẫn nhau, gia đình ly tán, họ tộc phân chia… Còn bên ngoài xã hội thì sinh mạng con người bị xem như cỏ rác, vì tiền bạc họ đấu tranh quyết liệt, sống chết không màng, chồng vợ cưới nhau rồi ly dị nhau, xem giá trị con người như một trò chơi không hơn không kém… Nói chung, những cảnh thương tâm ấy đã và đang xảy ra, không ngày nào không có. Tất cả đều do nguyên nhân xuất phát từ nhận thức quá thực dụng của nền giáo dục hiện tại, rồi đổ lỗi là do chiến tranh, nghèo đói, nên kéo theo trình độ dân trí thấp kém, xã hội bất an v.v… và v.v… như đang xảy ra trong hiện tại.

Kính bạch…
Kính thưa…

Vài nét khái lược của bối cảnh xã hội chung quanh ta trên đây đã làm xót xa bao người có tâm huyết với dân tộc, với quê hương, đất nước. Nhiều bậc làm cha làm mẹ luôn trăn trở lo lắng cho con mình nếu rủi ro rơi vào sa đọa thì đau khổ biết bao! Tất cả các em còn trẻ đều phải đến trường để khỏi bị nạn mù chữ, nhưng thật ra các em chỉ được học phần nhỏ trong luân lý đạo đức truyền thống của dân tộc và bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc Việt qua 4.000 năm lịch sử, vì thế phần đông các em ảnh hưởng cách sống thực dụng không có chiều sâu, thiếu lòng nhân ái. Về phía gia đình, cha mẹ chiều chuộng con cái, tạo mọi phương tiện cho con được đi học và vì kế mưu sinh mà xem như vậy là hoàn thành trách vụ, mọi vấn đề giáo dưỡng giao trọn cho học đường, vì thế mà quên đi vai trò giáo dục đạo đức, nhân cách, tác phong của một con người, vậy nên xã hội hiện tại rơi vào cơn thác loạn khó mà cứu chửa được, đây là một nỗi đau xót vô cùng của thời đại chúng ta.

Kính bạch…
Kính thưa…

Cùng song hành với đất nước trãi qua bao giai đoạn, Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ khi mới thành lập cho đến bây giờ, đã và đang vận dụng tinh thần giáo dục của Phật Giáo để chuyển hóa những nỗi khổ đau do tệ nạn nhân sinh gây nên, hầu góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo; có đường hướng giáo dục trong sáng lành mạnh; có chất liệu tình thương; chú trọng phát triển trí huệ; biết trân quý sự sống và giá trị của con người. Kiến lập xã hội, trong đó vai trò người nữ rất ư quan trọng, như làm con, làm em, làm chị, làm vợ, làm mẹ trong một gia đình, mà xã hội là do từng gia đình hợp lại mà hình thành cộng đồng rộng lớn. Vậy thì vai trò trách nhiệm của người nữ chân chính là làm con phải hiếu thảo; làm em phải nhường nhịn; làm chị phải hy sinh; làm vợ phải đảm đang việc nhà mình, nhà chồng; làm mẹ phải sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái từng giây, từng phút. Cả năm chức danh người nữ nói trên cũng đủ thấy rằng, người nữ vô cùng quan trọng trong gia đình chứ chưa nói đến vai trò trong cộng đồng xã hội. Người nữ phải chịu đủ thứ trách nhiệm trong gia đình, vất vã vô cùng, nhọc nhằn vô kể: miếng cơm manh áo; cửa nhà ngõ trước vườn sau, trong ngoài dưới trên đều do bàn tay người nữ đảm đang; chi tiêu hàng ngày, người nữ luôn cân nhắc không để khủng hoảng tiền bạc trong đời sống gia đình; phải đối đãi chung quanh thay cho chồng, lo cho con, đôi vai gánh vác cả hai bên gia đình với muôn điều khó khăn, khốn khó.

Ở đất nước chúng ta từ xưa dưới thời phong kiến, vai trò người nữ không được quyền tự quyết định cho mình về tình cảm hoặc hôn nhân, phải do cha mẹ hoặc người bảo hộ định đoạt, trong đó luôn có sự phân chia giai cấp, giàu nghèo, môn đăng hộ đối, cho nên người nữ sống gần như khép kín cuộc đời mà tin vào cái gọi là số mệnh, được sao hay vậy, cho nên ca dao Việt Nam có những câu đượm màu cay đắng:

Thân em như hạt mưa rào,
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Và còn rất nhiều tình tiết bi hài khác làm sao kể hết, vì thế người nữ thời ấy phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy, trong nhờ đục chịu theo mười hai bến nước, mặc cho thuyền đời theo nước lênh đênh…

Ngày xưa, người nữ phải giữ trọn tam tòng, tứ đức, phải tùng phục lễ giáo rất khắt khe, chính nhờ thế cho nên xã hội thời đó bình ổn, khả quan nhiều mặt hơn so với ngày nay. Đối với ngày nay, người nữ trong thời đại mới, thời đại văn minh vật chất đã làm lung lay đến tận cội rễ của nền luân lý đạo đức dân tộc, người nữ bây giờ đã thoát được ra khỏi vỏ bọc của thời phong kiến, ngày nay nam nữ được xem là bình đẳng giới, về mặt xã hội và quyền lợi thoát khỏi thủ tục của ngày xưa, những tưởng như vậy thì xã hội hòa hợp hơn, an bình hơn, nhưng không, tiếc thay lại không khác mấy điều nhà thơ Nguyễn Vỹ từng ta thán:

Càng tiến bộ, càng đồi bại lắm,
Càng văn minh, càng đắm truy hoan!
Càng thêm vật chất huy hoàng,
Tinh thần trụy lạc, điếm đàng hơn xưa!

Nói như vậy không phải là hầu hết, là vơ đủa cả nắm. vẫn còn có các tổ chức nhân đạo hoặc các tôn giáo cố giữ gìn bản sắc của dân tộc. Luân lý và đạo đức vẫn được bảo tồn trong các tổ chức đó, mà đáng kể nhất là các gia đình theo đạo Phật, trong đó có tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Người nữ trong Gia Đình Phật Tử được tổ chức GĐPTVN hướng dẫn, giáo dục khi còn bé, từ Ngành Đồng, Ngành Thiếu đến Ngành Thanh rồi được huấn luyện, đào tạo thành một Huynh Trưởng. Tổ chức GĐPTVN – trong đó có người nữ – được huân tập nền giáo dục căn bản theo tinh thần Phật Giáo, có mục đích, có lý tưởng trong sáng, thuần thiện, ưu việt.

Kính bạch…
Kính thưa…

Gần 70 năm qua song hành cùng vận mệnh đất nước, GĐPTVN từ thành lập cho đến ngày nay, thịnh suy không biết bao lần, những bàn tay ma chướng đã tạo nên nhiều phong ba bảo tố, gây nên bao cảnh máu xương, làm cho GĐPTVN gặp không biết bao nhiêu chướng duyên, nghịch cảnh; những hy sinh cao cả để bảo vệ lý tưởng; không tiếc thân mạng, đem máu xương mình để đắp xây, phụng sự lý tưởng nào đâu phải ít: Đào Thị Yến Phi, Nguyễn Thị Vân, Quách Thị Trang, Mai Tuyết An và còn nhiều chị em khác nữa…

Cho đến bây giờ chị em chúng ta ngồi đây ôn lại truyền thống người nữ Áo Lam để thấy rằng chúng ta đã chọn đúng lý tưởng, đúng hướng đi của cuộc đời. Mặc dù hiện tại tình trạng phân hóa, chia chẻ ngờ vực và gian khổ vẫn luôn vây bủa chung quanh, nhưng chúng ta không bao giờ để mất niềm tin mà phụ lòng những người đã hy sinh cho tổ chức. Hoài bảo của chúng ta là vì thế hệ mai sau, vì dân tộc, vì đạo pháp, chúng ta sẽ phải kiên cường hơn nữa, phải đoàn kết hơn nữa và chấp nhận hy sinh hơn nữa cho đến khi xã hội an bình và con người không còn chà đạp lên sự sống lẫn nhau; không còn đàn áp, bóc lột; nhân phẩm giá trị con người được tôn trọng, quyền sống được tôn trọng, và tôn trọng một cách triệt để, đó là khát vọng của mỗi mỗi chúng ta.

Trong giai đoạn hiện tại, người nữ chúng ta phải nhận chân được đâu là sự thật, đâu là gian dối; đâu là chánh pháp, đâu là ngôn ngữ hình tướng giã danh. Chúng ta phải huân tu và đem đức hạnh của người nữ mà nhiếp phục, thuyết phục người khác; phải Phật hóa gia đình thật sự; phải có cái nhận thức bằng trí huệ, nhìn sâu vào tận gốc rễ của khổ đau và bất an… Hãy nhớ! Sự chia rẽ của Gia Đình Phật Tử hiện nay là một nỗi đau cho tổ chức nếu không muốn nói là chung cho cả một dân tộc.

Vậy cho nên chúng ta luôn tĩnh thức, giữ gìn phẩm hạnh, đạo đức chân thật của một người nữ GĐPTVN; chúng ta cùng xiết chặt tay nhau cùng hòa chung nhịp sống trong tình yêu thương Lam Đạo; chúng ta cùng nhau đưa cao ngọn đuốc từ bi, trí tuệ để soi sáng cho chính mình và cho tất cả những ai còn mê muội trong đường danh lợi, để họ quay về cùng chị em chúng ta thực hiện cho tròn chí hướng lợi tha; chúng ta phải mạnh mẽ và kiên cường vì lý tưởng Áo Lam, không yếu đuối, đớn hèn, không chùn chân trước gian nan khốn khó; chúng ta không sợ hải, mà phải nói lên tất cả những lời chân thật đang thôi thúc khát vọng tự trái tim mình để cho mọi người được thấy, được nghe, và nhìn nhận rằng người nữ GĐPTVN đã và đang góp bàn tay dựng xây đất nước theo tinh thần đạo pháp và dân tộc, theo hạnh nguyện từ bi, không xu hướng vọng ngoại, không tham cầu lợi danh hay quyền thế. Thực hành được như vậy là chúng ta thực hiện được mục đích bất khả xuyên tạc của Gia Đình Phật Tử. Trong tình hình hiện nay, tại các địa phương có Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt thì giới nữ hiện nhiều hơn nam giới, vậy thì trách nhiệm của người nữ càng nặng nề hơn; phải nêu cao tinh thần của người nữ hơn nữa. Ước mong rằng Ngành Nữ trong tương lai sẽ được phát triển mạnh hơn, và muốn được vậy thì đòi hỏi người nữ phải hy sinh nhiều hơn nữa mới mong đáp ứng được hoài bảo, sứ mệnh Người Áo Lam.

Kính bạch…
Kính thưa…

Phái nữ là phái đẹp, mà đẹp ở đây phải nói rõ rằng, đẹp bản thân, đẹp nết hạnh, như vậy gia đình, xã hội mới đẹp. Người nữ không ngừng trau dồi đức hạnh và trí thức; không ngừng học hỏi; giữ đúng giới luật người tại gia; là một tấm gương phản chiếu hình ảnh trung thực tác phong, tư cách của người nữ, để người chung quanh thấy rõ thật tướng của người nữ GĐPTVN.

Mong rằng những khát vọng này sẽ được đáp ứng bằng sư nhiệt thành của Ngành Nữ chúng ta và kính mong sao được sự hỗ trợ từ nhiều phía, trước hết là từ chư tôn Thiền Đức, các anh chị cao niên và những người đi trước để chúng ta hoàn thành sứ mạng thiêng liêng này.

Cuối cùng, ngưỡng chúc chư Tôn Đức pháp thể khinh an; kính chúc quý anh chị đồng sự vững niềm tin trên con đường phục vụ lý tưởng; chúc tất cả chị em chúng ta sức khỏe dồi dào với niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

NAM MÔ THƯỜNG HOAN HỶ BỒ TÁT MA HA TÁT.

Mùa Hạnh.
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TỈNH BÌNH PHƯỚC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.