Tóm tắt lược sử truyền dịch Kinh Thắng Man

LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH KINH THẮNG MAN

LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH:

Bản Hán dịch đầu tiên của kinh này, theo Minh Không 明 空[271] là bản dịch của Tam Tạng Pháp Sư Đàm-ma 曇 摩 dưới triều An Đế nhà Tấn (397-418 stl) với nhan đề: Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Phương Tiện Kinh 勝 鬘 師 子 吼 一 乘 方 便 經. Hiện nay chúng ta không thấy vết tích gì của bản dịch xưa nhất này.

Bản dịch kế đó, được lưu truyền rộng rãi nhất, là của Cầu-na-bạt-đà-la 求 那 跋 陀 羅 (Gunabhadra) trong khoảng niên hiệu Nguyên Gia (424-453 stl), triều Lưu Tống. Căn cứ trên bản dịch này, chúng ta hiện có 4 bản chú giải:

l. Thắng Man Bảo Khốt 勝 鬘 寶 窟[272] của Cát Tạng 吉 藏. Sư là người chuyên học Trung Luận 中 論 và Bách Luận 百 論, khởi xướng Tam Luận Tông Trung Hoa, phát triển tư tưởng tánh không của Long Thọ mà La Thập và Tăng Triệu đã xiển dương từ trước.

2. Thắng Man Nghĩa Ký 勝 鬘 義 記[273] của Tuệ Viễn 慧 遠, đời Tùy. Bản chú giải này chỉ thấy còn có phần đầu, đến hết chương III.

3. Thắng Man Kinh Thuật Ký 勝 鬘 經 述 記[274] của Khuy Cơ 窺 基 đời Đường. Sư là một cao đồ của Huyền Trang, cực lực xiển dương tông chỉ Duy Thức của Vô Trước và Thế Thân.

4. Thắng Man Kinh Nghĩa Sớ 勝 鬘 經 義 疏[275] của Thánh Đức thái tử 聖 德 太 子[276] Nhật Bản. Sau khi chú giải xong kinh này, Suy Cổ Thiên Hoàng (Nữ hoàng) và các cung nữ phát nguyện thọ mười đại thọ như được Thắng Man phu nhân nói ở trong kinh.

6. Thắng Man Kinh Sớ Nghĩa Tư Sao 勝 鬘 經 義 疏 私 鈔[277] niên hiệu Đại Lịch thứ 7 (772), đời Đường, bản chú giải của Thánh Đức thái tử được truyền vào Trung Hoa và Minh Không dựa theo đó viết sớ nghĩa.

Các bản sớ giải dưới đây được phát kiến ở Đôn Hoàng[278]:

7. Thắng Man Nghĩa Ký 勝 鬘 義 記[279], thiếu phần đầu. Giải thích từ câu “nhất thiết pháp thường trụ” trong bài kệ tán Phật của Thắng Man phu nhân. Ở cuối sách có thự danh là Tuệ Chưởng Uẩn.

8. Thắng Man Kinh Sớ 勝 鬘 經 疏[280], thiếu phần đầu. Giải thích từ nhóm từ “tâm đắc vô nghi” trong lời đối thoại của vua Ba-tặc-nặc với vương phi Mạt-lỵ. Cuối sách có ghi: Chiếu Giang Sư Sớ.

9. Hiệp Chú Thắng Man Kinh 挾 注 勝 鬘 經[281], thiếu phần đầu. Giải thích từ đoạn Phật bảo Thắng Man phu nhân nói về nhiếp thọ chánh pháp. Không rõ tác giả.

Hai bản sớ giải sau đây được ấn hành trong Đại Nhật Bản Phật Giáo Toàn Thư:

10. Thắng Man Kinh Sớ Tường Huyền Ký 勝 鬘 經 疏 詳 玄 記, 18 quyển, Ngưng Nhiên. Bản chú giải này dựa trên Nghĩa Sớ của Thánh Đức thái tử.

11. Thắng Man Kinh Hiển Tông Sao 勝 鬘 經 顯 宗 鈔, 3 quyển, Phổ Tịch.

Các bản liệt kê dưới đây coi như thất truyền:

12. Thắng Man Kinh Sớ 勝 鬘 經 疏, 2 quyển, Nguyên Hiểu 元 曉 soạn.

13. Thắng Man Kinh Sớ 勝 鬘 經 疏, 2 quyển Tuần Luân 循 倫.

14. Thắng Man Kinh Chú 勝 鬘 經 注, 1 quyển, Tăng Phức 僧 馥.

15. Thắng Man Kinh Sớ 勝 鬘 經 疏, 1 quyển, Tĩnh Mại 靖 邁.

16. Thắng Man Kinh Nghĩa Ký 勝 鬘 經 義 記, 1 quyển, Phan 攀 (?).

Cuối cùng, cho đến đời Đường, triều Vũ Hậu, vào niên hiệu Thần Long thứ 2 (707), Bồ-đề-lưu-chí 菩 提 流 志 dịch một phần lớn các kinh thuộc bộ Đại Bảo Tích[282]. Bộ này gồm 49 hội, 120 quyển. Thắng Man thuộc hội 48, được gọi là “Thắng Man Phu Nhân Hội 勝 鬘 夫 人 會”. Toàn bản không phân chia chương mục như bản Tống của Cầu-na-bạt-đà-la. Văn nghĩa cũng có nhiều đoạn trái ngược với bản Tống.

 oOo

CHÚ THÍCH:

[271] Thắng Man Kinh Sớ Nghĩa Tư Sao 勝 鬘 經 疏 義 私 鈔, Tục Tạng Kinh (chữ Vạn), tập 30.

[272] Đại 34, No 1744.

[273] Tục Tạng Kinh (chữ Vạn), tập 30.

[274] Tục Tạng Kinh, nt.

[275] Đại 56, No 2185.

[276] Shōtoku Taishi, thời đại Asukaji; nhiếp chánh từ năm 593.

[277] Đại 85, No 2761.

[278] In bổ khuyết vào ấn bản Đại Chánh, tập 85, “Cổ Dật bộ”.

[279] Đại 85, No 2761.

[280] Đại 85, No 2762.

[281] Đại 85, No 2763.

[282] Đại Bảo Tích Kinh (Mahāratnakūṭa-sūtra), 120 quyển, Bồ-đề-lưu-chi dịch. Đại 11, No 310.

———oOo———

Trích trong mục “LỊCH SỬ TRUYỀN DỊCH” sách Thắng Man Giảng Luận của HT Thích Tuệ Sỹ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.