Trong cuốn sách mới nhất, Social Intelligence (Trí thông minh xã hội), Daniel Goleman, tác giả cuốn Emotional Intelligence (Trí thông minh xúc cảm) rất ăn khách, trình bày những kết quả lâm sàng trong các lĩnh vực khoa học thần kinh và sinh học cho thấy con người đã được kết nối với nhau qua mạch điện đồng cảm, nghĩa là chúng ta cảm nhận niềm vui, nỗi khổ hay sự giận dữ và những xúc cảm khác của những người xung quanh mà không cần đến nỗ lực có ý thức. Sharon Salsberg, người đồng sáng lập và huấn luyện tại Hội Thiền Quán ở Barre, Massachusetts, mùa hè vừa qua đã trò chuyện với Goleman về lĩnh vực khoa học thần kinh mang tính xã hội cùng những tương quan giữa khoa học này với các nguyên lý và phương pháp tu tập trong Phật Giáo.
Trong sách của ông có đề cập đến lý thuyết của Freud cho rằng khi nhà phân tâm học nắm bắt được các tình cảm của chính mình thì có thể nhìn thấy thế giới cảm xúc của thân chủ. Phải chăng từ đó chúng ta rút ra kết luận rằng kinh nghiệm nội tâm của chính mình có thể là những phản ảnh chính xác tâm trạng của những người chung quanh ta?
– Đúng như vậy. Quả thực có một loại tế bào não gọi là “tế bào thần kinh gương soi” (mirror neurons) đóng vai trò như một thiết bị không dây liên tục nắm bắt nội trạng của người khác và tái tạo nó ở trong não của chúng ta – nội trạng đó là những cảm xúc, những vận động và ý định của họ. Như vậy có nghĩa là sự đồng cảm không chỉ dựa trên việc đọc như những biểu lộ xúc cảm bên ngoài của kẻ khác như nét chau mày hay vẻ tức bực trong giọng nói. Nhờ có những “tế bào thần kinh gương soi”, chúng ta đồng cảm với tha nhân. Do đó trong sự đồng cảm, phải có sự nắm bắt tình cảm của chính mình để có thể cảm nhận rõ hơn những gì đang xảy ra ở người khác.
Như vậy đây là một quan niệm khác rất quan trọng về tính liên kết?
– Chính vì thế mà tôi rất quan tâm đến lĩnh vực mới mẻ này của ngành khoa học thần kinh. Mấy năm vừa qua, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra phần não xã hội, mạch điện kết nối chúng ta với nhau trong mọi cuộc gặp gỡ giữa người với người. Điều này có thể đem lại cái tốt hơn hoặc xấu hơn. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhiễm chứng cảm xúc độc hại khi chứng kiến cảnh bạo lực. Hoặc chúng ta có thể phát tỏa sự thanh thản an bình đến kẻ khác. Tất cả chúng ta là thành phần của một nền kinh tế xúc cảm, của quá trình trao đổi tình cảm phát sinh bất kể đến những việc khác chúng ta làm trong cuộc tiếp xúc. Câu hỏi đặt ra là sau cuộc tiếp xúc, những xúc cảm nào đã được chuyển giao – người ta cảm thấy thoải mái hơn hay tồi tệ hơn?
Nhờ những tế bào thần kinh gương soi, việc nắm bắt tình cảm trong nội tâm chúng ta tạo ra một hợp thể lẫn lộn gồm những đáp ứng của chính ta và những thứ ta thu nhập từ kẻ khác. Bởi vậy cho nên khó có thể phân biệt hai thứ… Lấy ví dụ như trong một buổi họp mặt, bạn nhận thấy người đang đối thoại với mình không lắng nghe bạn nói mà cứ liếc nhìn vào căn phòng sau lưng bạn. Đó là một trường hợp thông thường xảy ra và có thể lý giải theo nhiều cách, tùy thói quen xúc cảm của bạn. Nếu bạn thiên về mẫu người thường mang tâm trạng bị bỏ rơi, giây phút đó có thể bạn nghĩ cô ta ruồng rẫy bạn và có ý định bỏ đi. Tâm trạng không đáng yêu làm nảy sinh ý nghĩ “Cô ta không thích mình”. Nếu bạn thường có nỗi sợ bị xã hội xa lánh, có thể bạn cảm nhận mình là kẻ lẻ loi ngoại cuộc. Nếu bạn là người tự kỷ, có thể bạn có ý nghĩ “Con người này không đáng cho mình mất thời gian”. Tất cả những ý nghĩ đó đều là hiện tượng phóng rọi, trong số ấy không một ý nghĩ nào cho phép bạn nhận ra được rằng biết đâu cô ta đang tìm kiếm người nào đó có thể bạn thích gặp.
Trạng thái ông đang mô tả trong đó chúng ta được kết mạch và đáp ứng với nhau, cảm nhận trong cơ thể chúng ta những gì kẻ khác đang cảm xúc, ngay cả ý định của họ, có vẻ giống như một thế giới trong đó chúng ta cũng có thể thường xuyên bị áp đảo bởi lượng đầu vào.
– Tình trạng khó xử là phần não xã hội làm cảm xúc lây lan không ngừng. Điều này làm cho sự đồng cảm cũng dễ trở thành bức xúc khắc khoải. Điển hình là trường hợp lòng từ bi bị tiêu hao trong công tác xã hội. Tình trạng đó xảy ra khi người ta thường xuyên đối diện với sự đau khổ của con người nhưng họ có quá ít nguồn cảm xúc nội tâm hoặc điều kiện bồi đắp cảm xúc ở nơi làm việc nên không thể kiềm chế những tình cảm ấy. Họ bị chìm ngập.
Cách đáp ứng lý tưởng trước khổ đau là biết đồng cảm – sẵn lòng tiếp nhận khổ đau – nhưng vẫn giữ bình thản và sáng suốt. Bấy giờ ta mới có thể có đáp ứng từ bi thích hợp. Về điểm này, việc tu tập đạo pháp đem lại lợi ích to lớn. Chúng ta biết rằng những người dày công phu tập thường trở nên bình tĩnh, sáng suốt hơn và chính sự sáng suốt thanh thản ấy giúp ta đạt đến hành động từ bi… Và như vậy câu hỏi đặt ra là: Sau khi tương tác, trạng thái cảm xúc của ai đã được chuyển giao cho ai? Có phải kẻ đau khổ đã làm chìm ngập kẻ được xem là người giúp đỡ? Hay chính người giúp đỡ có tinh thần bình tĩnh và tốt bụng đã làm chìm ngập người kia, giúp anh ta cất bước ra đi và cảm thấy trong lòng thoải mái hơn?
Tôi thấy nhiều người có cảm giác bị áp đảo trước khổ đau của kẻ khác. Họ cảm thấy khó chịu, họ sợ rằng đồng cảm và từ bi thực sự khác nhau?
– Đúng vậy, sự đồng cảm và lòng từ bi là hai giai đoạn trong mạch điện dẫn đến lòng vị tha. Sự đồng cảm chỉ đơn giản có nghĩa là “Tôi cảm nhận được bạn đang cảm xúc ra sao”. Lòng từ bi có nghĩa: “Tôi đồng cảm với bạn đến mức độ muốn có hành động giúp đỡ”.
Ông có thể vạch ra cho chúng tôi con đường đi từ đau khổ đến từ bi được chăng? Sách của ông có một phần nói về vai trò của sự chú ý trong lòng vị tha, đó là một hình thức vừa tập trung vừa mở rộng sự chú ý?
– Các sách vở nói về lòng vị tha nêu rõ một quá trình gồm ba giai đoạn: Nhận thấy một người đang cần sự giúp đỡ hoặc đang khốn khổ; lắng nghe và đồng cảm với người ấy; sau đó chúng ta có hành động giúp đỡ. Sự đồng cảm tự nhiên dẫn đến hành động từ bi. Nhưng riêng sự không chú ý là đủ giết chết sự đồng cảm, huống hồ lòng từ bi. Thế cho nên, bước đầu tiên của lòng từ bi là nhận ra nhu cầu của người khác. Tất cả đều bắt đầu với động tác đơn giản là chú ý.
Xem ra điều đó là một nhận định căn bản?
– Tôi nghĩ rằng thời đại ngày nay, điều đó càng ngày càng phải được nói đến nhiều hơn. Chúng ta bị xa lìa thực tại hiện tiền bởi điện thoại di động, bị giam nhốt trong thư điện tử và chúng ta bỏ lỡ giây phút làm người – bỏ lỡ cơ hội chú ý đến những gì xảy đến với kẻ khác và có đáp ứng cần thiết. Khi sức chú ý của ta bị thu hút vào bao nhiêu vật dụng máy móc như thế, chúng ta có cảm tưởng gần gũi với kẻ ở xa trong khi chúng ta hoàn toàn dửng dưng với người ở ngay bên cạnh mình. Mặc dù điều đó có vẻ hiển nhiên nhưng nó cũng cần phải được nói lên vì sự chú ý của chúng ta liên tục bị ngắt quãng. Một khi chúng ta chú ý thì sự đồng cảm theo bản năng sẽ trổi lên. Lúc chúng ta lắng nghe, chúng ta tự động có đồng cảm. Đó là thao tác vận hành của phần não xã hội. Một khi chúng ta chuyển sức chú ý đến người nào, chúng ta tự động nhận biết tâm trạng của người đó. Và nếu kẻ ấy lâm nguy, chúng ta được nối mạch để sẵn sàng cứu giúp. Cách thiết kế của não xã hội tạo ra quá trình 3 bước. Trước tiên, chúng ta nhận ra sau đó chúng ta đồng cảm và rồi chúng ta đáp ứng.
Nhiều lúc tôi cảm thấy từ đồng cảm đến hành động dường như có một giai đoạn lúc đó ta có thể nhận biết một người đang đau khổ như ta lại cảm thấy sợ hãi hoặc ghê khiếp. Phải chăng ông nói thoạt đầu chúng ta có một đáp ứng từ bi nhưng nó có thể bị gạt bỏ do sợ hãi hoặc ác cảm?
– Mạnh Tử, triết gia người Trung Hoa đã nêu một ví dụ nổi tiếng, nói rằng bất cứ ai cũng đều sẵn sàng cứu một em bé cheo leo trên bờ thành sắp sửa té xuống giếng. Đó là đáp ứng tức thời của con người. Hãy nhớ rằng trên đường tiến hóa, các đáp ứng này đã ăn sâu trong não bộ vì chúng đã giúp chúng ta sống còn trong những nhóm nhỏ giữa một thế giới đầy nguy hiểm. Chúng ta được kết nối để trợ giúp nhau lúc hiểm nghèo. Điều xảy ra là chúng ta đã bị trở thành nạn nhân của “văn minh và những bất mãn của nó”, nói theo ngôn từ của Freud. Vấn đề nan giải là những sắp xếp của xã hội đã gây cản trở, khiến chúng ta hiếm khi đối diện trực tiếp với những người cần sự giúp đỡ khẩn thiết. Nội tâm của chúng ta cần được phát triển để sẵn sàng đáp ứng với lòng từ bi.
Nhưng ngay cả khi thấy một ai chịu các thảm trạng xã hội cần giúp đỡ, như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc – cũng không thể gây cản trở hay sao? Nếu đứa bé của Mạnh Tử thuộc chủng tộc mà chúng ta được dạy là đáng khinh miệt thì liệu rằng đáp ứng theo bản năng của ta có bị gạt bỏ bởi những ý nghĩ làm ngăn ngại thông thường khởi lên như “Tôi không thích thú trẻ con đó” hoặc “Tôi sợ”. Hoặc “Chà, tôi có cuộc hẹn. Tôi phải vội đi ngay thì hơn”.
– Nếu ta nhìn kẻ khác như món đồ vật thì không có sự đồng cảm. Đó là con đường hướng tới hận thù. Ngay trong việc cứu giúp, chính sự lo lắng cho bản thân làm ta không nhận ra được những nhu cầu của kẻ khác. Thế nên, kẻ thù của lòng từ bi là những bận tâm về bản thân.
Sự thể ra sao khi người tương tác với ta không ở trong tình trạng khốn đốn nhưng lại đang tấn công ta, biểu lộ sự giận dữ hay thù ghét với ta?
– Tuy chúng ta được kết nối để thể hiện lòng từ bi khi kẻ khác có nhu cầu khẩn thiết nhưng cũng có một mạch điện khác bật lên khi ta đối diện với sự giận dữ hoặc gây hấn; nó truyền tải sự sợ hãi hay giận dữ vào chính bản thân chúng ta. Các nhà tâm sinh lý học nghiên cứu những bất hòa trong đời sống vợ chồng gọi hiện tượng này là “vòng xoắn tuột dốc (downward spiral) khi ác cảm của người này kích hoạt ác cảm ở người kia. Ngược lại, nếu một trong hai người ấy có tâm bình đẳng hoặc lòng từ bi – hay chỉ cần có ý thức hài hước về sự việc đang diễn ra – thì vòng xoắn ấy có thể được ngừng ngắt.
Nhưng ông ngụ ý rằng, tất cả những chướng ngại đó đều do hoàn cảnh chứ không nằm sẵn trong bản chất con người chúng ta?
– Không phải chúng ta được nối mạch theo cách ấy. Não xã hội được thiết kế thiên về đồng cảm và từ bi.
Chà, triển vọng thật đáng mừng!
– Nhưng ông thấy đó, ngày nay chúng ta sống trong những hoàn cảnh quá giả tạo so với cách chúng ta sống qua phần lớn cuộc tiến hóa của nhân loại. Chúng ta cho các hoàn cảnh hiện nay là chuẩn mực của con người trong khi với cái nhìn lâu dài về lịch sử nhân loại, thực sự ra chuẩn mực đó là một lệch lạc. Có thể văn minh càng tiến thì lòng từ bi càng cần phải được phát triển một cách có chủ ý hơn. Tôi nghĩ ngày nay chúng ta nên vun đắp lòng từ bi để những đáp ứng vị tha trong bản năng của chúng ta có cơ hội bộc phát một cách tự do hơn, bất chấp những hậu quả của nền văn minh muốn bóp nghẹt chúng.
Để chúng ta chú ý thay vì lãng đãng bước đi trong đám sương mù bao trùm chúng ta?
– Để chúng ta không những chú ý mà còn chuẩn bị tư thế sẵn sàng. Tôi cho rằng bằng cách diễn tập ý hướng từ bi, chúng ta có thể làm cho lòng từ bi dấy lên vào những giây phút đòi hỏi tính vị tha.
Đúng là như thế. Tôi cho rằng công việc của chúng ta thật là hay. Một mặt, mở rộng lòng, để tâm chú ý. Một mặt, diễn tập cách đáp ứng từ bi để các nỗi sợ hãi hoặc bức xúc khác dù có cơ xuất hiện cũng không khống chế được chúng ta. Mặt khác, phát triển tâm Xả – Từ này trong thuật ngữ Phật Giáo là sự bình thản như khi nãy ông vừa nói đến.
– Đúng thế, tâm Xả cho phép chúng ta ghi nhận nỗi đau của kẻ khác trong khi vẫn giữ bình tĩnh để thực hiện điều cần làm.
CHÂU VĂN THUẬN lược dịch
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 28