A. DẪN KHỞI :
Tứ niệm xứ là 4 lãnh vực quán niệm, thuộc 4 chi phần trong 37 phẩm trợ đạo thuộc về pháp môn Thiền định. Hai kinh “Quán niệm hơi thở” và “kinh Niệm xứ” dạy về pháp tu Tứ niệm xứ. Đây là bốn pháp quán giúp cho hành giả nhận chân được bản chất của thế giới vạn hữu là vô thường, vô ngã, không, là nhân duyên sinh. Để giúp cho hành giả có đủ ý thức tự mình tinh cần đễ giải thoát mọi ràng buộc khổ đau để đạt đến sự giải thoát an lạc tuyệt đối.
B. NỘI DUNG :
I. HÀNH TƯỚNG CỦA TỨ NIỆM XỨ :
Tứ niệm xứ là bốn pháp quán về 4 lãnh vực : thân thể, cảm thọ, tâm ý, vạn pháp.
1. Thân niệm xứ (Quán thân bất tịnh) :
Thân thể là do được kết hợp giữa Ngũ uẩn với sự dẫn dắt của thần thức để thọ sanh từ tinh huyết của cha me, để thấy rằng tấm thân ngũ uẩn của chúng ta chỉ là một túi chứa đựng đầy những thứ bất tịnh ngay khi chưa chào đời, lúc còn sống và cả cho đến sau khi trút hơi thở cuối cùng thì cũng chỉ còn là một thi thể vô tri vô giác đón chờ sự phân hủy của thời gian.
Đức Phật dạy chúng ta pháp quán Thân niệm xứ, cho chúng ta thấy rõ rằng tất cả là vô thường (từ tốt đẹp trở thành uế trược), để từ đó giữ tâm luôn luôn chánh niệm tĩnh giác không còn nương tựa chấp trước, tham ưu bất cứ một vật gì ở trên đời này.
2. Thọ niệm xứ (Quán thọ thì khổ) :
Theo nghiệp thức để thọ nhận thân thể nầy, mà hữu thân thì hữu khổ vì chính đây là mầm chính của đau khổ. Cảm thọ có 3 lãnh vực :
+ Khổ thọ : Thọ nhận những thứ khó chịu về thức ăn, khí hậu, tâm lý trong cuộc sống như : Đắng, cay, nóng, lạnh – ghen ghét, tức giận.
+ Lạc thọ : Thọ nhân những thứ (thú vui) phù hợp với lòng tham ái về vật chất, tâm lý trong cuôc sống như : ngon ngọt, mát mẻ, thương yêu …
+ Xả thọ : xả bỏ bớt những thứ đã nhận lảnh của khổ thọ cũng như lạc thọ. Phật dạy : “tất cả mọi thú vui của thế gian đều là nguyên nhân đưa đến khổ”.
3. Tâm niệm xứ (Quán tâm vô thường) :
Là cái nhận biết phân biệt của con người, một trong ngũ uẩn : đó là “Tâm ý”, luôn luôn biến chuyển, thay đổi thay theo từng sát na, theo từng sự việc để rồi sanh ra vọng tưởng phiền não. Để đối trị với các vọng chấp, Phật dạy phép quán này nhằm giúp chúng ta nhận rõ cái tâm vô thường để chuyển đổi từ tâm mê sang tâm ngộ, phải phá trừ ngã chấp để vượt thoát sanh tử luân hồi.
4. Pháp niệm xứ (Quán pháp vô ngã) :
Pháp là đối tượng của tâm ý, là thế giới vạn hữu, trong đó thân chúng ta không có tự thể, thế giới vạn hữu trong vũ trụ không có cái gì tự mình tồn tại độc lập mà phải nương vào nhau mà sinh tồn đó chính là nguyên tắc “nhân duyên sinh” của đạo Phật. Thế nhưng vì chúng ta chấp có tự tướng nên sinh ra tâm niệm nhân, ngã, bỉ, thử, quý trọng, khinh rẽ đưa đến sự tranh chấp, đấu tranh trong xã hội. Do vậy, Pháp quán vô ngã là lối tu giải thoát rốt ráo, nhằm mục đích xóa bỏ quan niệm sai lầm về :
+ Một đấng thần linh sáng tạo ra vũ trụ
+ Rời bỏ quan niệm chấp trước vào hữu ngã .
II. CÁC CẤP ĐỘ TU TẬP TỨ NIỆM XỨ:
Căn bản của pháp quán Tứ niệm xứ là dựa vào 16 đề mục trong pháp quán niệm hơi thở vào hơi thở ra theo 4 lãnh vực Thân – Thọ – Tâm – Pháp :
1. Cấp độ 1 : thực hành theo tư thế kiết già (hay bán già) theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra (theo câu nói thầm lần lượt theo 16 đề mục qua 4 lãnh vực nêu trên). Thời gian thực tập từ 1 đến 2 tháng.
2. Cấp độ 2 : vừa theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, đồng thời theo dỏi thân và tâm giữ niệm theo nội dung cũng theo nội dung 16 đề mục trên. Thời gian cho đến khi thuần thục.
3. Cấp độ 3 : tiếp tục theo dõi hơi thở, nhưng xem hơi thở như là đối tượng chính để buộc tâm, theo dõi thân hành để biết rõ đường hơi thở vào ra, giữ chánh niệm tĩnh giác. Lưu ý trong cấp độ này chỉ khởi “Tưởng” chứ chưa khởi “Quán”, chỉ nỗ lực tu tập niệm lực và hành thiền chỉ. Mục đích nhiếp phục tham ưu.
4. Cấp độ 4 : tập buộc niệm vào đối tượng (nghĩ đến vô thường của thân, của tâm…). Đây là thời gian tu tập về Định lực, hành thiền chỉ. Mục đích đối trị hôn trầm và trạo cử.
5. Cấp độ 5 : tiếp tục cấp độ 4, nhưng sau 30 phút thì chuyển qua tập hành “Thiền quán”. Mục đích để đối trị 5 triền cái (trạo cử, hôn trầm, dục, sân và nghi).
6. Cấp độ 6 : Phối hợp giữa tu tập “Chỉ” và “Quán”, tùy theo tâm lý thích ứng của hành giả từng thời, tùy theo tâm trạng để thực hành : nếu tâm rơi vào “trạo cử” thì hành “Thiền chỉ”, nhưng tâm rơi vào thụ động thì hành “Thiền quán”. Điều quan trọng là suốt thời gian hành thiền phải giữ tâm luôn luôn chánh niệm tĩnh giác.
C. SUY NGHIỆM :
Tứ niệm xứ là một pháp quán nhằm giúp chúng ta loại bỏ tâm niệm “Nhân, ngã, bỉ, thử”, vì chỉ khi nào loại bỏ được tâm niệm này chúng ta mới thoát ly được sanh tử luân hồi để tiến bước lên con đường dẫn tới Phật quả.
D. TU TẬP :
Để việc tu tập pháp quán Tứ niệm xứ đạt hiệu quả cao, chúng ta cần có một số công việc phải làm để hổ trợ cho việc hành “Thiền chỉ” và “Thiền quán” :
1. Xếp đặc cuộc sống cá nhân :
Để có một nếp sống điều hòa (ăn, ngũ, làm việc, nghĩ ngơi, tu tập) sẽ giúp cho chúng ta có được một tâm lý quân bình, thuận lợi cho việc tu tập.
2. Thực hành trong cuộc sống :
Các hạnh “Bố thí” và “Trì giới” để giúp chúng ta nuôi dưỡng các tâm lý thiện vì tâm lý nầy rất gần gủi với Thiền tâm.
3. Các việc sắm lễ, các niệm “khởi sám” :
Là nguyên nhân giúp tâm chúng ta trở về với sự an tịnh trước khi thực hành thiền.
4. Thực hành hạnh “Nhẫn nhục” :
Vì kham nhẫn là đức tính dễ loại bỏ các chấp ngã, kiêu mạn, giúp chúng ta dễ đi vào chánh niệm tĩnh giác loại bỏ được yếu tố gây ra trạo cử, si mê trong lúc hành thiền.
5. Khi ngồi Thiền cần lưu ý :
+ Thân hành : ngồi thẳng lưng, giữ thân trong tư thế nghỉ ngơi (các cơ hoàn toàn được xã).
+ Tâm hành : trú tâm vào “chánh niệm tĩnh giác”
Trên đây là những cấp độ để thực hành Thiền Tứ niệm xứ. Tuy nhiên khi bước vào việc thực hành, công tác đầu tiên là phải tìm cho mình một y chỉ sư để giúp mình thực tập để đi đúng chánh pháp hầu khỏi lạc vào ma thiền.