50 năm – Hạnh phúc nào cho một dân tộc?

Trong tập san Sagesses bouddhistes (Trí Tuệ Phật-giáo) của Tổng Hội Phật Giáo Pháp, số mới nhất tháng tư năm 2024, với chủ đề “Tìm kiếm một nền hòa bình cho mình, cho thế giới” (Trouver la paix pour soi, pour le Monde), trong mục ‘Tin ngắn’ có nêu lên hai mẫu tin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Mẫu tin thứ nhất như sau:

Một vị nữ Tuyên úy hoạt động trong khung cảnh quốc gia được trao tặng một giải thưởng quốc tế

Ngày 8 tháng ba vừa qua, nhằm Ngày Phụ Nữ Quốc Tế, vị [nữ tu sĩ] Lạt-ma Droupgyu Wangmo (một Ni sư người Pháp tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng), và cũng là vị nữ tu sĩ Tuyên úy đầu tiên của nước Pháp sinh hoạt trong các khám đường trên đất Pháp, đã được Quỹ tài trợ của Trung Tâm Thiền Định Phụ Nữ Quốc Tế (International Women’s Meditation Center Foundation / IWMCF), trao tặng giải thưởng. Mục đích của Quỹ tài trợ này của Thái Lan là nhằm cổ xúy sự bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong Phật Giáo, bằng cách trao tặng giải thưởng cho các phụ nữ đạt được các thành quả trong bốn lãnh vực: luyện tập thiền định, hoạt động xã hội và phát huy Tăng đoàn, quảng bá Dharma (Đạo Pháp) cùng các hoạt động mang lại hòa bình. Ba-mươi-mốt (31) người phụ nữ trên toàn thế giới đã được tổ chức này trao tặng giải thưởng. Ni sư Lạt-ma Karma Droupgyu Wangmo là vị nữ tu đứng ra điều động và phân bố các vị Tuyên úy trong khắp các nhà giam trên đất Pháp. Hơn nữa bà cũng là vị điều hành Tổng Hội Phật Giáo Pháp. Với chức vụ này, bà rất quý trọng những người phụ nữ đó, trước “tấm lòng đơn sơ và sự quyết tâm của họ”.

Sau đây là mẫu tin thứ hai:

Ngài Thích Quảng Đạo được trao tăng giải thưởng quốc gia Pháp

Ngày thứ Bảy tháng Giêng vừa qua, Thượng Nghị Viện Pháp đã trao tặng Huân chương Danh dự cho Ngài Thích Quảng Đạo, chủ trì ngôi chùa tại Évry-Courcouronne, và huân chương này đã được chính tay Thượng nghị sĩ địa hạt Essonne là Jean Raymond Hugonet trao tặng. Huân chương này sở dĩ được trao tặng cho Ngài là để nói lên sự biết ơn đối với các thành quả sáng chói của Ngài qua các sáng kiến và sự tích cực của Ngài trong những năm Covid, và cả sự góp phần của Ngài trong các dịp kêu gọi từ thiện trên truyền hình (téléthons), cũng như các ngày bảo vệ di sản quốc gia và hỗ trợ nạn nhân tai ương. Thượng nghị sĩ Hugonet trong dịp này cũng có nhắc đến André Malreau (1901-1976, nhà văn, học giả và chính trị gia nổi tiếng) từng công nhận tầm quan trọng của tín ngưỡng trong thế kỷ này của chúng ta, và ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong chủ trương thế tục theo cách của nước Pháp (chính trị tách ra khỏi tôn giáo) và qua thể chế Cộng hòa, đã mở ra một chiếc dù bảo vệ tất cả các tín ngưỡng.

Ngoài hai mẫu tin ngắn trên đây, trong tập san này cũng thấy nêu lên một cuộc phỏng vấn hai ‘kiều bào hải ngoại’ tại Pháp là bà Minh-Trí Võ và ông Tan Vo (Võ Tấn / Võ Tân?). Bài phỏng vấn mang tựa: QUELLE PAIX? Cinquante ans après la guerre au Vietnam et l’émigration (MỘT NỀN HÒA BÌNH NHƯ THẾ NÀO? Năm mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam và các cuộc di tản).

Dưới đây là phần chuyển ngữ bài phỏng vấn này:

Gần năm mươi năm sau cuộc di tản thảm thương của những người dân Việt-nam trên các con thuyền mong manh (embarcations de fortunes / phó mặc cho rủi may) (boat-people / các thuyền nhân). Minh-Trí và Tân (Tấn?) là nhân chứng của các vết thương lưu lại từ các cuộc xung đột đưa đến cuộc di tản đó của người dân Việt. Các dấu vết đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người thân thuộc chung quanh họ, qua nhiều thế hệ, trong gia đìnhcũng như trong các tập thể của họ trong vùng thành phố Paris (île-de-France).

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Philippe Judenne (Giám đốc và Chủ biên tập san Sagesses bouddhistes / Trí Tuệ Phật-giáo).

Bài báo trước hết nêu lên tiểu sử của hai vị được phỏng vấn trên đây:

Bà Minh-Trí Võ: sinh tại Đà-lạt, miền Nam Việt-nam, theo học một trường trung học giảng dạy tiếng Pháp, cha là kiến trúc sư có khuynh hướng tiến bộ, mẹ rất thành kính trước các vấn đề linh thiêng (invisible) và giữ gìn truyền thống tổ tiên. Bà Minh-Trí rời Việt-nam năm 1970, lúc bà 20 tuổi, khi cuộc chiến đang trong lúc nóng bỏng. Bà đặt chân lên đất Bỉ (Belgium) tại thành phố Liège.

Mẹ của bà là một người Phật-giáo rất tích cực, khuyên bà nên tìm gặp vị Thiền sư Zen Thích Nhất Hạnh, người sáng lập Tăng đoàn Làng Mai trên đất Pháp từ năm 1982. Rất sớm sau đó bà đã trở thành đệ tử của vị thầy này, đến năm 2003 thì bà tiếp nhận từ tay thầy mình ngọn đèn Truyền giáo (có nghĩa là đã hội đủ khả năng thuyết giảng). Bà gia nhập Tổng Hội Phật Giáo Pháp và tham gia vào việc thiết lập các Tăng đoàn Phật-giáo trên đất Pháp. Bà cũng đã từng giữ chức vụ Phó chủ tịch và Chủ tịch Tổng Hội từ năm 2013 đến năm 2018. Bà được ban tặng Huân chương Quốc gia chứng nhận sự xứng đáng của bà (Médail de l’ordre national du mérite / Medal of the national order of merit), do đích thân vị Bộ trưởng Nội Vụ trao vào tay bà ngày 14 tháng 5, năm 2023.

Tân Võ (Võ Tấn, Võ Tân?): Rời Việt-nam và cũng đặt chân lên nước Bỉ (Belgium) trong khoảng thời gian trên đây. Xuất thân từ một gia đình khá giả trong vùng đô thị Sài-gòn, may mắn nhờ là sinh viên [đại học] nên ông không trực tiếp tham dự vào các cảnh tượng khủng khiếp của chiến tranh và khi đặt chân lên đất Bỉ thì lại tiếp tục được đào tạo, do đó không bị một sự gián đoạn nào [trong sự nghiệp của mình].

Sau mười năm xa cách, ông bắt đầu trở về Việt-nam từ các năm 1985, ông liên lạc và tạo các dịp tiếp xúc và thương thảo giữa các cơ sở sản xuất kỹ nghệ quan trọng tại các nước ngoài và các xí nghiệp trong nước. Mỗi năm ông về nước từ 4 đến 5 lần, nhờ đó ông tạo được cho mình một sự hiểu biết rất tinh tế về nước Việt-nam hiện đại và cả người dân tại nơi này. Ông và hiền thê của ông đồng thời cũng thu góp được một sự hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa Pháp, thế nhưng vẫn giữ được một sự kết nối chặt chẽ với những người di dân Việt-nam trên toàn thế giới và cả trên đất Pháp.

Sau đây là nội dung của bài phỏng vấn:

Ký ức về cuộc chiến tranh Việt-nam, sự chia cắt giữa miền Bắc và miền Nam, và sau đó là cuộc sống lưu vong, tất cả đã lưu lại những gì trong ký ức của quý vị? Quý vị đã từng sống với cuộc chiến đó như thế nào?

Ông Võ Tân: Cha mẹ tôi di tản từ Bắc vào Nam sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, khi cuộc chiến thứ nhất tại Đông-dương chấm dứt. Nước Việt-nam bị chia đôi thành hai miền, miền Bắc với các người dân vào thời đó được xem là những người “quốc gia cộng sản” (nationnalistes communites); và miền Nam là thành phần [mang khuynh hướng] “tây phương và tự do” (occidentale et libérale). Những người không theo chế độ cộng sản thì có thể di tản vào miền Nam “tự do”. Vì thế cha mẹ tôi đã ra đi năm 1954. Chúng tôi sinh sống tại miền Nam, lúc đó tôi còn là một đứa bé.

Bà Minh-Trí: Khi đất nước chia đôi, cha tôi trèo lên một con tàu thật lớn đưa tất cả những ai không muốn lưu lại miền Bắc. Cảnh tượng đó chẳng khác gì như là cả một cuộc di dân, [thế nhưng] cũng có một số người không muốn ra đi. Thật ra thì không phải bất cứ ai cũng tạo được điều kiện để vào Nam.

Trong Phật-giáo có một câu tục ngữ và câu này cũng đã ăn sâu vào nền văn hóa Việt-nam: “Không phải là bất cứ ai cũng có thể đứng vào phe của mình” (On ne choisit pas son camp). Câu ấy nói lên sự bất định (impermanence/ vô thường, đổi thay) và tính cách lệ thuộc (l’interdépendance) [giữa mọi sự kiện] (đây là một trong các khái niệm chủ yếu của Phật Giáo, nêu lên bản chất tương liên, tương kết và tương tạo giữa tất cả mọi hiện tượng trong thế giới, phản ảnh sự vận hành của thế giới). Sau khi người Mỹ ra đi năm 1975 thì những người Việt-nam Miền Bắc thâm nhập vào đây để “giải phóng” Miền Nam Việt-nam, [ít nhất là] theo quan điểm của họ. [Thế nhưng] theo quan điểm của phe khác thì chuyện đó rõ ràng là cả một sự thất bại (một sự phi lý). Trong gia đình tôi có một người chú (oncle/ có thể là bác, hay cậu) tham gia vào một cuộc du kích chiến, theo chủ trương của những người quốc gia Miền Bắc, trong khi đó thì tất cả mọi người đều đứng về phía chế độ Miền Nam.

(Những gì trên đây khiến người chuyển ngữ vụt nhớ đến một câu phát biểu của nhà văn và triết gia người Pháp Albert Camus (1913-1960), sống với cả hai cuộc chiến, cuộc chiến thuộc địa Algeria và Thế chiến thứ hai. Câu phát biểu của ông được nêu lên trong quyển sách mang tựa là ‘Le Mythe de Sisyphe (1942), câu này như sau: “Người ta không thể chối bỏ chiến tranh. Phải chết với nó hoặc sống với nó. Chiến tranh, dù phi lý đến đâu đi nữa, thì nó cũng không cho phép con người được quyền lựa chọn. Nó lôi cuốn con người, ép buộc con người phải hành động, dù là trong cảnh huống nào cũng vậy […] Luôn luôn xảy ra một thời điểm bắt buộc con người phải lựa chọn giữa sự đứng nhìn và hành động. Điều đó có nghĩa là [giúp con người] trở thành con người. Sự cấu xé đó thật vô cùng khủng khiếp. Thế nhưng đối với một con tim hào hùng, thì không thể nào có thể đứng vào vị trí ở giữa được”. Phải chăng cuộc chiến Việt Nam cũng đã từng xảy ra trong tình trạng “cấu xé vô cùng khủng khiếp” đó, bắt con người Việt Nam phải lựa chọn. Thật vậy, chỉ khi nào một cuôc chiến chấm dứt, thì người ta mới nhận thấy được sự dại dột, điên rồ và ngu xuẩn từ bên trong cuộc chiến đó).

Ông Võ Tân: Ngày nay điều đó vẫn còn tiếp tục là một sự phân cách, một hình thức cấu xé thường xuyên. Không có một gia đình nào lại không chia thành hai phe, một phe theo “xu hướng tự do”, một phe theo “xu hướng chủ nghĩa quốc gia”. Tại miền Bắc Việt-nam thì chủ nghĩa là cộng sản, thế nhưng dân chúng thì chỉ đơn giản là những người quốc gia. Tôi có những người bạn ngày nay vẫn còn là những người chống cộng rất hăng say. Họ vẫn tiếp tục nhìn nước Việt-nam vào những năm 1975, trước khi trở thành cộng sản. Khi trở vể xứ sở với tư cách là du khách, thì bất cứ gì gây ra khó chịu cho họ thì đấy chính là sự oán hận nằm sâu trong con người của họ – đó là các vết thương gây ra bởi chiến tranh và cuộc di tản. Họ đối chiếu một cuộc sống theo “khuôn phép” (ordonnée/ quy định, chỉ huy, theo khuôn mẫu) với cảnh tượng hỗn độn (cohue/ vô trật tự) tại các thành phố Việt-nam (sự tương phản giữa một chế độc chủ trương gương mẫu, khuôn phép và cảnh tượng vô trật tự, hỗn độn trên thực tế), họ đòi hỏi phải có một tiêu chuẩn tiện nghi tối thiểu nào đó ngay cả đối với những vùng nông thôn và các chốn ruộng đồng. Điều đó không thể nào có được! Trong các vùng đồng áng, hoàn cảnh vệ sinh không bằng một phần mười so với nơi này (so với nước Pháp). Người dân có các ưu tiên khác hơn. Phải tạo cho mình một tâm thức cởi mở, một sự phóng khoáng trong cách suy nghĩ, hầu có thể giúp mình hiểu được thực chất trong sự sống hằng ngày của họ. Thế nhưng trong tâm trí của các “du khách” đó thì ngổn ngang đủ mọi thứ chuyện, họ chỉ trông thấy các cảnh tượng không vừa ý, các cảnh hỗn độn, các điều kiện thiếu vệ sinh, v.v…

Bà Minh-Tri: Các vết thương vẫn còn đó, khiến chúng tôi không chạm được (không hòa nhập được) vào sự sống đó trong hiện tại này. Phải tự thú nhận điều đó (thâm tâm mình đòi hỏi một cái gì đó lý tưởng hơn). [Thế nhưng] Giáo huấn của Đức Phật từng nêu lên các điều đó và cho biết là chỉ nên xem đấy như là các thứ cấu hợp (agrégats/ các thể dạng kết hợp vật chất và tâm thần tạo ra con người của mình) – gồm các sự cảm nhận (các sự nhận biết của lục giác) và các sự nhận thức trong tâm thần (các sự diễn đạt trong tâm thức) của mình – là những thứ không trường tồn (đổi thay, vô thường). Thật vậy, chính mình tự cho phép hay không cho phép các thứ ấy (các ý nghĩ ấy) ngự trị trong tâm thức mình. Năm 1978, anh em và chị em tôi tham gia vào phong trào vượt biên bằng thuyền. Trong tất cả các gia đình tỵ nạn ngày nay [trên đất Pháp], thì trước đây, vào các năm đó, đều có một số [thân quyến] là thuyền nhân. Trong số họ, có một số chết trên biển, hoặc mất tích không lưu lại một vết tích nào. Tôi được biết có nhiều người vẫn còn mang các vết thương đó suốt năm mươi năm – họ là những kẻ mất đi những người thân thương, kẻ thì mất anh, người thì mất chị, hoặc mất cả gia đình – bằng các cái chết thật thảm thương. Đối với phần đông trong số họ thì ngôi chùa là nơi mà họ tìm thấy cho mình một sự nương tựa. Họ đến chùa là để gặp những người đồng hương để cùng trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của quê hương, và biết đâu cũng là để băng bó một phần nào đó các vết thương của mình.

Vậy thì trước đây các ngôi chùa [trên đất Pháp] đã từng giữ một vai trò như thế nào và hiện nay thì có còn bảo toàn được các nghi thức lễ lạc hay không?

Bà Minh-Trí: Các ngôi chùa [trên đất Pháp] từng giữ một vai trò rất quan trọng trong các năm 1970-1980, 1990. Vào các năm đó, nước Pháp đang trong giai đoạn tái thiết và hàn gắn trong khung cảnh an bình và phồn thịnh (sau hai cuộc chiến Đông-dương và Algeria). Các nhà sư giúp đỡ tất cả mọi người. Những gì tiên quyết đối với họ là bảo vệ sự sống. Họ thực thi các nghi thức lễ lạc, không những cho người quá cố mà cho cả những người tham dự. Khi bạn có một người thân ra đi thì bạn có cả một tập thể bên cạnh bạn, [trong truờng hợp đó] gánh nặng sẽ được chia sẻ và trở nên nhẹ bớt đi. Đối với bất cứ một tập thể nào cũng vậy, điều đó thật tự nhiên: đó là sự đoàn kết, và cũng là những gì tối thiểu mà mình có thể làm được. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói một câu như sau: “Khi gánh nặng được chia sẻ thì nó sẽ bớt nặng đi”.

Ông Võ Tân: Những người từng chịu đựng các thảm trạng xảy ra trong gia đình và từng gánh chịu những sự mất mát phũ phàng thì thường mang những niềm oán hận. Khi họ đến chùa và gặp các người khác và cũng là những người từng phải gánh chịu các cảnh ngộ như mình, thì họ cũng sẽ tìm được một sự nhẹ nhõm nào đó cho riêng mình. Thật ra thì đấy cũng chỉ đơn giản là một sự nhẹ nhõm, nhưng không phải là một sự giải thoát nào cả, bạn phải tự mình tìm kiếm và mang lại sự giải thoát cho riêng mình. Mỗi khi chúng tôi tìm đến các chùa trong vùng Paris, hoặc đến Làng Mai, thì đấy là cách giúp chúng tôi gặp lại những người mang hai nguồn gốc Pháp-Việt (population franco-vietnamienne) thuộc mọi tầng lớp xã hội, và mỗi lần như thế chúng tôi đều nhận thấy nỗi niềm đớn đau của họ vẫn còn nguyên. Chúng tôi lắng nghe những người đang đối mặt với mình và cùng chia sẻ với nhau qua một vài phút giây [thân thiện] nào đó. Hơn một nửa số người ấy, có thể là đến hai phần ba trong số họ, nói lên những niềm đớn đau của họ, những nỗi khổ nhọc của họ, những thất bại của họ, các khó khăn của họ, kể cả các tang chế trong gia đình, nói một cách vắn tắt hơn, thì đấy là các nỗi khổ đau mà họ phải gánh chịu. Ngôi chùa là nơi mà họ tìm đến để đặt gánh nặng xuống và để tìm cho mình một sự nhẹ nhõm. Họ muốn đặt hết lòng tin vào một cái gì đó có thể giúp mình nhìn vào mọi sự vật một cách tích cực hơn, và được nghe những lời an ủi [của những người đồng hương].

Quý vị nghĩ thế nào về sự tổn thương xuyên qua nhiều thế hệ như vậy? Phải làm thế nào để vượt lên trên các sự tổn thương đó?

Bà Minh-Trí: Với năm tháng trôi qua, các thảm trạng đó giảm dần và lắng xuống. Một số người thoát khỏi các thảm trạng đó, thế nhưng các vết thương thì vẫn còn nguyên. Có những vết thương cần phải có một thời gian lâu dài để khép miệng – chính ngành tâm lý học Tây phương đã nêu lên điều đó, và người ta cũng bảo rằng các vết thương đó cũng có thể dai dẳng, xuyên qua nhiều thế hệ. Giáo huấn của Đức Phật gọi đó là alaya (a-lại-da thức, có thể hiểu như là ‘tiềm thức’), tức là tri thức làm nền tảng cho tất cả, và tất cả mọi thứ đều tích tụ nơi nền tảng đó [theo lời giải thích của người phỏng vấn thì có thể hiểu chữ alaya là một thứ tiềm thức tập thể].

Con gái của tôi không hề trải qua cuộc chiến ấy, thế nhưng nó vẫn ý thức được cuộc chiến ấy. Điều đó cũng tương tự như một thể loại trí nhớ chôn vùi sâu kín bên trong con người của nó. Nhiều lần nó thổ lộ với tôi là mỗi khi đọc sách hay xem phim về giai đoạn đó của xứ sở Việt-nam thì nó cảm thấy chính nó đã từng sống… [với các cảnh chiến tranh đó], chẳng qua là vì đấy là những gì được lưu truyền [từ các thế hệ trước thế hệ của nó]. Điều đó cho thấy các thảm trạng trên đây vẫn tiếp tục ăn sâu vào các thế hệ sau các thế hệ của những người từng phải trực tiếp gánh chịu các cảnh tượng chiến tranh.

Đối với cuộc chiến tại Ukraina, hoặc cuộc chiến giữa Israel và Palestine, v.v…, thì cũng vậy, các cảnh tượng ấy cũng đang xảy ra: chúng ăn sâu vào alaya tập thể, dai dẳng và dai dẳng (xin nhắc lại: chữ ālaya là tiếng Phạn, có rất nhiều nghĩa, chữ này thường được ghép chung với chữ vijñāna, tạo thành chữ ghép Ālayavijñāna với ý nghĩa là tri thức căn bản, có thể tạm hiểu là tiềm thức trong ngành Tâm lý học Tây phương). Nếu muốn vượt lên trên alaya, thì tất nhiên là phải ý thức được nó (sự hiện hữu của nó). Khẩu lệnh (mot d’ordre / watchword/ khẩu hiệu, mệnh lệnh) là: sự ý thức (prendre conscience / realize/ sự nhận biết, sự tỉnh giác hay tỉnh ngộ). Mười-bốn (14) phép luyện tập mang lại thể dạng chánh niệm của tâm thức (pleine conscience / mindfulness/ thể dạng cô đọng và thăng bằng của tâm thức) được mang ra giảng dạy tại Làng Mai, nêu lên toàn bộ quá trình chuyển hóa mà người tu tập phải thường xuyên tuân thủ trong từng ngày. Đối với riêng tôi thì các cảnh tượng chiến tranh luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng bảo toàn sự sống với tất cả khả năng của mình. Thế nhưng chính mình thì cũng lại vướng mắc trong bối cảnh và các sự trói buộc của chính sự sống đó. Chính vì thế mà Thích Nhất Hạnh đã nêu lên với chúng ta về nguyên tắc của một người làm vườn biết chọn lựa, có nghĩa là chỉ vun trồng các hạt giống tốt, hầu giúp mình tạo được sự trong sáng trong tâm hồn mình, hầu giúp mình biết ý thức. Sự ý thức đó chính là trí tuệ, có nghĩa là “chỉ làm những gì tốt đẹp”.

Quý vị nghĩ như thế nào về câu phát biểu đầy trí tuệ: “Nếu biết mang lại sự an bình cho mình thì cũng là cách mang lại sự an bình cho kẻ khác và cho cả thế giới”. Quý vị có tin được điều đó hay không?

Bà Minh-Trí: Thoạt nghe thì tôi nhận thấu câu ấy thật hết sức tuyệt vời trên cả hai phương diện: tinh thần và lý thuyết. An bình bên trong chính mình, an bình bên ngoài thế giới, vâng, quả là như vậy, thật hết sức tuyệt vời! Vào các năm đó – ngày nay [thì khác hẳn] không còn là những gì cách nay 20 năm trước nữa – lúc đó, tôi từng được nghe đi nghe lại các lời giảng dạy của Thích Nhất Hạnh. Vị ấy khẳng định thật rõ ràng (và tôi cũng đã được nghe nhiều lần): “Dầu sao đi nữa thì trong cuộc sống hàng ngày, các bạn luôn cảm thấy gánh nặng của các thứ buồn phiền, bực bội, không vừa ý mình”. Trước các khó khăn này vị ấy nói lên như sau: “Hãy dừng lại để thở, để ý thức được cái gánh nặng của các thứ xúc cảm đó. Dù các xúc cảm gợi lên niềm hân hoan hay những điều khổ nhọc, thì tất cả cũng chỉ là gánh nặng của xúc cảm. Là gánh nặng của xúc cảm thì nó sẽ làm cho tri thức của chúng ta bị tắc nghẽn. Chỉ khi nào chúng ta tạo được sự thư giản, chỉ khi nào đặt được gánh nặng xúc cảm đó xuống, thì chúng ta mới có thể chạm được vào sự lắng xuống đó, sự an bình đó mà thôi”.

Tôi tự nhủ quả khó thực hiện được điều đó, chẳng qua là vì các hạt giống hung bạo, cái gánh nặng của xúc cảm đó, thường xuyên đè nặng: nào là tai nạn xảy ra với con cái mình, nào là các tin không lành xảy ra trong gia đình mình, nào là các khó khăn đủ loại xảy ra trong tập thể hay trong công ăn việc làm của mình. Các bạn bị tràn ngập, bị tấn công tới tấp, nhất là khi bạn còn trong lứa tuổi phải làm việc, hoặc trong lứa tuổi từ bốn mươi đến năm mươi.

Thầy (tức là Thiền sư Nhất Hạnh) nhấn mạnh đến tầm quan trong của phép luyện tập về sự dừng lại và giữ cho tâm thức yên lặng, không để nó bị quấy nhiễu, chẳng hạn như bám víu vào ý nghĩ này hay ý nghĩ kia. Dừng lại, có nghĩa là dừng lại. Sự yên lặng. Và từ nguồn năng lượng của chánh niệm (pleine conscience / mindfulness/ sự tập trung thăng bằng và cô đọng của tâm thức) sẽ hiện ra sự an bình, sự lắng xuống, và chúng sẽ nói cho các bạn biết những gì cần phải làm. Thế nhưng phải cần một thời gian luyện tập lâu dài về sự dừng lại, giúp mình trở về với sự dừng lại đó, giúp mình giữ tâm thức yên lặng qua một vài hơi thở.

Sự an bình đó bên trong chính mình cũng có thể ví như một vì sao Bắc Đẩu. Khi đã chạm được vào nó thì bạn sẽ phát động được sự vững tin nơi nó và sau đó bạn sẽ còn tiếp tục chạm được vào nó. Thế nhưng nếu điều đó chỉ thuộc vào lãnh vực tâm thần, thì chúng ta cũng chỉ biết tụng niệm các câu tuyệt đẹp như một con két thế thôi. Sức mạnh của Thích Nhất Hạnh là mỗi khi thuyết giảng thì vị ấy đòi hỏi chúng ta không được phép làm bất cứ điều gì trong hai mươi phút, ngoài việc hít vào và thở ra trong chánh niệm. Nhiều người tự hỏi cách quy định đó (không làm gì cả trong 20 phút) chỉ làm mất thêm thì giờ mà thôi. Thế nhưng họ không nghĩ đến đấy chính là cách luyện tập về sự dừng lại, thật cần thiết trong chủ đích phát huy sự nhận thức.

Vậy thì có ai sau khi đã tạo được cho mình sự an bình, lại có thể quảng bá sự an bình đó chung quanh mình, và tưới tẩm các hạt giống của sự an bình đó cho các kẻ khác hay chăng?

Ông Võ Tân: Vâng, điều đó hàm chứa khả năng truyền đạt (communication/ communicvative/ trao truyền). Chẳng hạn như trong một cuộc đối thoại, nếu mỗi người bảo vệ quan điểm mang tính cách hoàn toàn cá nhân của mình, khăng khăng chống đỡ quan điểm cá nhân đó của mình, thì sẽ khó tránh khỏi ít nhiều chướng ngại trước khi có thể cùng nhau tạo được một sự đồng thuận. Thế nhưng nếu bạn không đứng vào một vị thế nào cả, bởi vì bạn xem việc ấy chỉ là điều vô ích, và bạn bắt đầu tách ra khỏi cuộc tranh luận hoặc cũng có thể tiếp tục tham gia vào cuộc tranh luận nhưng bằng một cách khác hơn, thì mọi người sẽ nhận thấy được và cảm thấy được điều đó. Và một cái gì đó sẽ tỏa rộng và trong chín phần mười trường hợp khi bạn không tham gia vào cuộc tranh luận, thì sự ngột ngạt (soufflé/ puff) sẽ xẹp xuống.

Vì vậy, sự an bình (paix/ peace) bên trong chính mình nếu được viết bằng chữ A hoa (chữ P trong tiếng Pháp và tiếng Anh) thì đấy sẽ là cách trước hết giúp mình tạo được ít nhiều sự an bình chung quanh mình, điều đó cũng có nghĩa là không tạo ra sóng gió, không tạo ra một hình thức xung đột thường xuyên nào cả. Sự an bình bên trong chính mình là một hình thức “đồng thuận”. [Thế nhưng] mỗi người trong chúng ta thì lại hình dung chữ An bình theo cách của mình và theo sự diễn đạt của mình, tùy thuộc vào sự nêm nếm (sauce/ gravy/ khẩu vị) của mình. Ý niệm đó là do nền giáo dục của chúng ta, của những người chung quanh chúng ta nhồi vào tâm trí chúng ta (inculquer/ inculcate/ in đậm, ghi khắc), và cứ tiếp tục như thế, trước khi có thể xảy ra bất cứ một một suy nghĩ nào hay một sự ý thức nào khác hơn. Thế nhưng sự an bình thì lại là trong giây phút này, trong hiện tại này. Điều chủ yếu là phải hiểu được những gì đang xảy ra trong thời điểm này có thể giúp mọi người tìm thấy sự lắng xuống. Cách làm lắng xuống [bên trong chính mình] chỉ có thể thực hiện được bằng cách tất cả mọi người phải nhìn thẳng vào nhau, mặt đối mặt, và nhất là đối mặt với cả chính mình.

Bà Minh-Trí: Thích Nhất Hạnh là một người rất cụ thể, vị ấy không hề nói đến cả sự an bình, mà chỉ nêu lên một cái gì đó đơn giản hơn nhiều: đó là cách trở về với hơi thở của mình, điều đó mới thật sự là quan trọng. Bạn trở về với chính bạn, và đấy là ý nghĩa của sự an bình bên trong chính bạn, và cũng là sự an bình bên ngoài thế giới. Bởi vì khi đã tạo được cho mình sự an bình, thì mình sẽ không còn tìm cách nói lên bất cứ một điều gì khác nữa. Càng thăng tiến [trong việc tu tập], thì tôi càng nhận thấy những lời mà Thích Nhất Hạnh giảng dạy cho tôi thật hết sức đơn giản, thế nhưng… thật ra thì cũng không phải là đơn giản như vậy…

Vậy chuyện gì xảy ra khi quý vị gặp phải những chuyện đần độn (bêtise/ blunder, folly / dại dột, sai lầm) hằng ngày, những sự kỳ thị chủng tộc tầm thường và tất cả các hình thức đánh giá mà kẻ khác dán lên con người của quý vị?

Ông Võ TânBà Minh-Trí: Điều đó chẳng khác gì như vị sư Thích Nhất Hạnh của chúng tôi thường nói, đám trẻ mang nguồn gốc Á-châu không thuộc cùng một thế hệ với chúng ta, chúng là các quả chuối.

Tại sao lại là các quả chuối?

Ông Võ Tân: Quả vậy, chúng là các quả chuối, đúng là như vậy. Có nghĩa là vàng bên ngoài (da vàng), thế nhưng bên trong thì trắng (suy nghĩ và cư xử như người da trắng), chẳng khác gì như bạn (tức là người đang phỏng vấn mình). Khi hàn huyên với với các người Pháp nơi xứ sở này thì tôi nói lên với họ là tôi may mắn được thừa hưởng cả hai nên văn hóa, Pháp và Viêt, và cũng có nghĩa là Á-châu. Thế nhưng [thật ra] tôi cũng chỉ là một quả chuối. Kể cả mỗi khi ước mơ (rêver/ dream/ mơ tưởng) thì tôi phải cần đến một người thông dịch, bởi vì tôi ước mơ một cách thật trực tiếp (với tư cách và vị thế của một người Việt-nam, một người Á-châu). Và mỗi khi hàn huyên với những người Việt-nam, thì tôi cũng nói với họ một cách thật trực tiếp [bởi vì] điều đó phù hợp (trung thực) với con người của tôi. Kinh nghiệm giúp cho tôi hiểu được là tốt hơn hết chỉ nên nói lên mọi sự một cách thật đơn giản và minh bạch, thay vì tìm các cách nói khác đi (tránh né). Bởi vì sớm muộn thì mọi người cũng nhận thấy có một cái gì đó vấp váp (clocher/ khập khiễng, che dấu, không thật thà, không suôn sẻ).

Như bạn từng hiểu, con người nào có phải là đần độn hết cả đâu, nhất định là họ thông minh hơn cả bạn! Điều đó có nghĩa là mỗi người đều nhìn bạn, nhận thấy cá tính của bạn qua một góc nhìn mà chính bạn thì không hề biết đến. Chúng ta có một góc nhìn bị che kín (angle mort / góc khuất, tương tự như khi lái xe và nhìn vào kính chiếu hậu thì có một góc nhìn bị che khuất), thế nhưng người bên ngoài thì trông thấy được, điều đó thật hiển nhiên. Họ nhìn vào phía lưng của bạn, thế nhưng bạn thì không trông thấy được [lưng của chính bạn]. Kể cả khi nhìn vào trước mặt thì đôi khi bạn cũng phải đeo thêm mắt kính! (tiếng bật cười). Vì vậy, đối với tôi thì điều chủ yếu – nhất là đối với những chuyện ngồi lê đôi mách (commérages/ tales/ những chuyện nói xấu) mà các kẻ khác đánh giá về con người của tôi, dù là theo chiều hướng này hay chiều hướng khác cũng vậy – là phải ý thức được chính mình [thật sự] là gì. Cho đến ngày hôm nay, tôi không thể nào làm hài lòng được tất cả mọi người, và tôi cũng chẳng biết là phải làm như thế nào để thực hiện được điều đó. Trước các cảnh huống xảy ra thì điều quan trọng hơn cả là phải ý thức được vị trí của mình, có nghĩa mình là ai, cảnh huống (composantes/ tình trạng) tự tại (intrinsèque/ intrinsic/ thực chất, nội tại) của mình là gì. Tất cả cũng chỉ có vậy. Phần còn lại thì chỉ là để hoà nhập (assimiler/ absorb, assimilate / dung hòa, hội nhập, hòa đồng) với cảnh huống đó. Một cách thành thật. Tôi biến đổi trong từng ngày, tôi biến đổi trong từng giây phút một: tôi cố gắng bảo toàn con người của chính tôi, thế nhưng các sự kiện xảy ra khiến tôi phải luôn biến đổi khác đi. Nếu tôi không có một ngôi sao Bắc Đẩu trong tôi, thì làm thế nào tôi có thể nhớ lại được một cách sâu xa tôi là ai, vào những lúc tôi bị tấn công (agresser/ attack/ ngược đãi) hoặc trả đủa sự hung bạo bằng một sự hung bạo tương tự? Đối với riêng cá nhân tôi thì tôi có thể bảo rằng: “Đấy không phải là trường hợp của tôi, [chuyện đó không thể xảy ra với tôi được]”. Nếu có ai gây ra tổn thương cho tôi và tôi tìm cách trả đủa bằng cách gây ra tổn thương cho người ấy, thì tôi sẽ không còn nhận biết được tôi nữa. Vì thế, tôi sẽ cố gắng không để mình bị lún sâu vào cảnh huống xảy ra mà luôn giữ vững quyết tâm (intention/ intent, mind, purpose / ý định, chủ đích) của tôi. Chấm hết. Điều đó sẽ giúp tôi trong bất cứ cảnh huống nào xảy ra với tôi.

Quý vị nghĩ thế nào về sự kiện mà người ta gọi là sự hội nhập(integration/ sự hòa đồng, sự thích ứng)?

Bà Minh-Trí: Hội nhập, không phải là chuyện dễ. Người ta không thể ban bố sự hội nhập bằng một sắc lệnh. Hội nhập là một cái gì đó mang bản chất con người, và điều đó cần phải có thời gian, điều đó tùy thuộc vào thật nhiều điều kiện (qua nhiều cảnh huống khác nhau).

Ông Võ Tân: Qua một góc nhìn nhân bản hơn thì sự hội nhập (intégration) mang ý nghĩa như thế nào? Tôi có thể là công dân Pháp nhưng thờ cúng ông bà. Đấy là sự kính trọng (quyền tự do). Thế nhưng nếu nêu lên các câu đại loại như vậy qua các phương tiện truyền thông thì sẽ không khỏi tạo ra sự chia rẽ. Chẳng qua là vì sự hội nhập luôn hiện hữu một cách tiềm tàng (latent/ kín đáo và hiển nhiên), một cách tất yếu và tự nhiên. Thế nhưng mỗi khi bạn đòi hỏi một cái gì đó [phải hơn là như thế], thì sẽ không còn là một sự hội nhập nữa, mà chỉ là cách cho thấy bàng bạc một sự khổ đau nào đó. Nếu không thì chủ đích cũng chỉ là vì lý do chính trị, điều này thì ai mà lại chẳng biết (trong một nước dân chủ thường có hai khuynh hướng chủ yếu về chính trị, hữu phái và tả phái, chủ trương hai góc nhìn đối nghịch nhau về sự “hội nhập”).

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ:

Trước hết người chuyển ngữ xin mạn phép nêu lên một sự kiện có thể xảy ra, đó là trường hợp hai vị đồng hương, vào một dịp nào đó tình cờ đọc được bản chuyển ngữ này và cả hai vị nếu thấy có những chữ hay những câu dịch sai hoặc không trung thực, thì người chuyển ngữ cũng xin hai vị vui lòng thứ lỗi, và xin hai vị cho biết để hiệu đính và sửa chữa. Ngôn ngữ là một bằng chứng của sự hội nhập, chúng ta là những con người hội nhập, hoặc cũng chỉ là các “kiều bào hải ngoại”, các quả chuối thâm. Giữ được gốc gác của mình, ngôn ngữ của tổ tiên mình, bản tính của giống nòi mình, đồng thời hội nhập được một chút nào đó với một môi trường mới lạ hơn, thì phải chăng cũng đã là một điều đáng quý?

Tóm lại hội nhập là một cái gì đó rất phức tạp, đối với bà Minh-Trí thì chuyện đó ‘không phải là dễ’, đối với ông Võ Tân thì đấy lại là một cái gì đó rất ‘tự nhiên, rất con người’, tức là một khía cạnh nào đó của sự sống nói chung. Nếu ghép hai quan điểm đó với nhau thì có thể hiểu là sự sống tuy rất tự nhiên và tự tại, thế nhưng tự nó và từ bản chất sâu kín của nó, thì sự sống là một cái gì đó rất khó khăn, dù là đối với các “kiều bào hải ngoại” hay những người “nhẫn nhục và chịu đựng” trên quê hương. Tóm lại cả hai đều phải phấn đấu để thích ứng với khung cảnh và các điều kiện sống của mình. Sự thích ứng đó đôi khi là cả một gánh nặng, thế nhưng người ta lại thường gọi gánh nặng đó bằng một từ ngữ thật hoa mỹ là sự “hội nhập”.

Nếu sự hội nhập là một khía cạnh tự tại và hiển nhiên của sự sống thì dù họ là “kiều bào hải ngoại” hay là những người “sinh sống trên quê hương”, thì tất cả đều phải thích ứng và hội nhập với bối cảnh chung quanh mình để mà sống. Thật vậy, dù quê hương đã thống nhất từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mau, thế nhưng dân tộc thì lại chia đôi: những kẻ “lưu vong” và những người “chấp nhận”. Nếu những kẻ “lưu vong” không đủ sức hội nhập thì sẽ bị đào thải, nếu những người “chấp nhận” không đủ sức chấp nhận thì bồng bế nhau, đạp bùn, lội nước, trèo lên những con thuyền đánh cá ở chốn tận cùng của mũi Cà-mau, bởi vì quê hương đã nối liền một dãi, không còn chỗ nào xa hơn mũi Cà-mau để mà tháo chạy. Dầu sao trong bất cứ một hoàn cảnh nào cũng có những trường hợp ngoại lệ, có những con người vượt được lên trên sự thích ứng và cả sự hội nhập và đạt được các thành quả đáng kính phục. Chúng ta hãy nêu hai trường hợp cụ thể:

Trong phần mở đẩu của bài chuyển ngữ này, chúng ta có nêu lên một mẫu tin ngắn về một ni sư Tuyên úy người Pháp xả thân nâng đỡ tinh thần cho những người tù tội, tức là những người không còn đủ sức “hội nhập” với xã hội và bị xã hội đào thải. Vị ni sư này được trao tặng Huân chương Danh Dự của nước Pháp. Lúc đầu khi mới nhận được tin này thì bà từ chối vì cho rằng những gì mình làm chỉ là nhỏ nhoi, thế nhưng những người chung quanh thì khuyên bà nên nhận vinh dự đó để làm gương cho những người phụ nữ khác.

Tên của bà là Fabienne Guillaume, bà là người Pháp, sinh tại Paris, lớn lên trên quê hương bà, vì vậy bà không cần phải cố gắng “hội nhập” gì cả như các ‘kiều bào’ nước ngoài, thế nhưng bà lại tự nguyện đến gần với những người “không hội nhập” được với xã hội của bà, tức là các tù nhân trong các khám đường trên quê hương bà. Bà là một người tu hành, pháp danh là Lama Droupgyu Wangmo, chữ Lama/ Lạt-ma có nghĩa là một vị tu sĩ hội đủ khả năng giảng dạy, một vị ‘thầy’, thế nhưng lại tự nguyện làm một nữ Tuyên úy để nâng đỡ tinh thần cho những người tù tội.

Ni sư Lama Droupgyu Wangmo nhận Huân chương Danh Dự của nước Pháp, đồng thời bà cũng nhận được giải thưởng của một hội phụ nữ Phật Giáo Thái Lan (Ảnh: Annie Dard).

Ngày 22 tháng 3 năm 2023, tập san Phật Giáo Buddhist Review của một tổ chức Phật Giáo Mỹ là Tricle có phỏng vấn bà, trong cuộc phỏng vấn này bà thuật lại một cuộc tiếp xúc từng mang lại cho bà một xúc động thật mạnh: “Một hôm tôi tự giam mình với các tù nhân trong một khám đường dành cho phụ nữ, một dịp như thế thật hiếm hoi; [bởi vì] chỉ có 5 phần trăm tù nhân [trên đất Pháp] là phụ nữ. Khi tôi đến gian ngục của một phụ nữ bị giam, thì bà này nói với tôi là chốn ngục tù đã cứu mạng bà. Bà là một người Phật Giáo, thế nhưng trước khi bị giam thì bà chưa bao giờ tu tập nghiêm chỉnh cả. Trong tù thì [trái lại] bà luyện tập thiền định từ hai đến ba giờ mỗi ngày bằng cách quán tưởng vị Bồ-tát Chenrezig (tên gọi bằng tiếng Tây Tạng của Bồ-tát Quán Thế Âm) và cảm thấy phép luyện tập này đã mang lại cho bà một sự lợi ích thật sâu xa. Bà cho biết là mình đã phát huy được thật nhiều niềm hân hoan trong khi luyện tập cũng như trong những lúc giúp đỡ kẻ khác. Niềm tin cũng như các kết quả tích cực của bà đã mang lại thật nhiều ý nghĩa cho dịp tiếp xúc đó của tôi” (độc giả có thể xem thêm toàn bộ cuộc phỏng vấn này trên mạng theo địa chỉ liên kết: https://tricycle.org/author/pamelagaylewhite/).

Thí dụ thứ hai liên quan đến một người phụ nữ trên quê hương của chúng ta, một người phụ nữ rất tài giỏi, tạo được một gia tài kếch xù, xứng đáng được trao tặng Huân chương Lao Động hạng Nhất, thế nhưng lại bị kết án thật năng nề. Tạo được một gia tài như vậy không phải là chuyện dễ, phải có nhiều người giúp mình, và một số người khác cũng được thừa hưởng chung. Nếu quê hương có được một trăm người tài giỏi như vậy thì xứ sở sẽ vô cùng giàu có. Thế nhưng có một điều có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ. Quê hương chúng ta được xem là một nước Phật Giáo, thế nhưng không biết là có một phụ nữ nào, một ni cô Tuyên úy nào tự nguyện xin phép được vào tù để an ủi và nâng đỡ tinh thần cho người phụ nữ bị kết án ấy hay không?

Hình ảnh của người phụ nữ thường được liên kết với hình ảnh của một người mẹ. Thế nhưng mỗi người trong chúng ta lại có đến hai người mẹ: một người Mẹ sinh ra mình, nuôi nấng mình bằng dòng sữa mẹ, và một người Mẹ thứ hai sinh ra mình từ một trăm quả trứng, tức là người Mẹ quê hương, người Mẹ của của ruộng đồng, của núi non và sông nước. Mỗi người trong chúng ta cũng có hai người cha: một người Cha sinh ra mình, đùm bọc mình, và một người Cha thứ hai là giống nòi của mình, là tổ tiên mình, một người Cha dạy mình từ lúc bập bẹ đến khi biết nói với nhau bằng ngôn ngữ của giống nòi, một người Cha thuật lại cho mình nghe những chuyện hào hùng của một dân tộc. Thế nhưng trong số chúng ta dường như cũng có những người giết cả Cha và cả Mẹ, khiến chúng ta cảm thấy mình là những kẻ mồ côi, sống nhờ vào sự đùm bọc và dạy dỗ của Bác, của Chú, của Thím, những người cùng trong một gia đình. Thế nhưng các chú thì lại kết án một người thím nặng nề đến như vậy? Phải chăng đấy cũng là cách giết chết hình ảnh của một người mẹ? Nêu lên chuyện ấy chẳng khác gì như vạch áo cho người xem lưng. Báo chí thế giới đều đưa tin. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, năm mươi năm có được mấy người như thím?

Trong lãnh vực thiên văn và vật lý, thì năm mươi năm chỉ là một chút bụi bặm của thời gian, thế nhưng trong lãnh vực con người thì năm mươi năm là cả một quãng đời, và cũng có thể kể cả một kiếp sống. Vì vậy, đôi khi chúng ta cũng có thể tự hỏi: Năm mươi năm, hạnh phúc nào cho thím? Năm mươi năm, hạnh phúc nào cho chú? Năm mươi năm, hạnh phúc nào cho bác?

Năm mươi năm nơi xứ lạ, đôi khi cũng có thể biến chúng ta trở thành những kẻ mồ côi. Vì vậy thiết nghĩ thỉnh thoảng chúng ta cũng nên thắp một nén hương cho mẹ, cho cha, và bên cạnh nén hương cũng nên thắp thêm một ngọn nến, một đóm lửa hy vọng, cho người Mẹ quê hương, cho người Cha dân tộc. Sau hết xin mạn phép tặng độc giả hai bài thơ đính kèm với hy vọng giúp chúng ta tạm quên đi những sự nghịch lý trong sự sống:

Bài thơ thứ nhất mang tựa Cơn ác mộng, bài thơ này được trích từ một bài viết mang tựa Tiếng nói của yên lặng và sự nghịch lý trong thi ca. Độc giả có thể xem bài viết này bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: ‘Tiếng nói của yên lặng’.

Cơn ác mộng

Giật mình, cơn ác mộng,
Tôi ra đời từ thuở nào?
Một buổi sáng hừng đông?
Hay một đêm tối không trăng sao?

Tôi ra đi một buổi chiều,
Bên vệ đường, gối đầu lên tảng đá,
Tôi nằm mơ trông thấy mẹ,
Một nụ cười.

Đưa tay cha kéo tôi đứng dậy.
Xa xa bóng anh, bóng chị và cả bóng em tôi,
Dường như đang vẫy gọi,
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.

Mẹ nhìn tôi, mỉm cười, hai dòng nước mắt.
Cha nắm tay, hắt hiu buồn trong mắt.
Gỡ tay cha, không nhìn vào mắt mẹ,
Úp mặt tôi lên đường.

Mắt không hồn,
Cùng đoàn người cất bước,
Âm thầm như những bóng ma đêm,
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.

Giữa đường một đứa bé đứng khóc,
Ngữa tay một bà lão ăn xin.
Bên vệ đường, một con chó nằm chết.
Tôi dừng lại hay cứ bước?

Tôi ra đi từ thuở nào?
Dăm con đường, trăm vạn nẻo?
Tôi cứ bước.
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.

Giật mình tôi đứng lại,
Sau lũy tre, tiếng súng nổ, viên đạn bay.
Một đám người ôm nhau,
Tiếng dậm chân, nghẹn ngào đôi tiếng nấc.

Tôi ra đi hay dừng lại?
Một con thuyền, muôn ngọn sóng.
Vài tên cướp, dăm tiếng cười,
Nghìn tiếng khóc.

Kìa hòn đảo nơi chân trời,
Hay tử thần đang lấp ló?
Nhấp nhô một con thuyền.
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.

Tôi đến đây từ thuở nào?
Một buổi sáng hừng đông?
Hay bơ vơ một buổi chiều xa lạ?
Chốn quê nhà, bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.

(Bures-Sur-Yvette, 30.04.2005)

Gối đầu trên tảng đá bên vệ đường, trong mơ cha tôi đưa tay kéo tôi đứng dậy; xa xa bóng anh, bóng chị và cả bóng em tôi đang vẫy gọi. Bóng cha tôi là tổ tiên tôi, bóng anh, bóng chị và bóng em tôi là dân tộc tôi. Mẹ tôi, người mẹ quê hương, đang ngồi chờ tôi bên mâm cơm dọn sẵn. Thế nhưng tại sao tôi ra đi? Tôi đến đây từ thuở nào? Đấy là sự nghịch lý của sự sống, sự nghịch lý của một dân tộc. Xác người trôi dạt trên ngọn sóng hay xác một con chó nằm chết bên vệ đường thì nào có gì khác nhau, và đấy cũng là một sự nghịch lý, thế nhưng không phải là một sự nghịch lý của thi ca mà là một sự nghịch lý điên rồ của con người.

Thế nhưng chúng ta hãy cứ để cho những sự nghịch lý đó, những giọt đau thương đó, se thắt đáy tim ta. Dù những sự nghịch lý đó, những giọt đau thương đó chỉ là những sự phũ phàng, chẳng có gì là sâu sắc hay thơ mộng cả, thế nhưng chúng ta hãy cứ hát lên những sự nghịch lý ấy, sự phũ phàng ấy, những giọt đau thương ấy bằng những lời yêu thương và từ bi vô biên. Phải chăng đấy là cách giúp chúng ta biết nắm chặt tay nhau, dìu nhau trên con đường nghịch lý đó trong thế giới đầy nghịch lý này.

Bài thơ thứ hai mang tựa: Chắp tay. Bài thơ này đã được một nghệ sĩ trong nước diễn ngâm, phần thu âm được đính kèm với bản chuyển ngữ này, tuy nhiên độc giả cũng có thể nghe trên mạng bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm các chữ: ‘chắp tay thơ hoang phong’.

Chắp tay

Chắp tay,
Xin dược làm ngọn gió,
Lay ngọn nến lập loè,
Trên bàn thờ giỗ mẹ.

Chắp tay,
Hóa làm thân hạt bụi,
Bám trên vết chân người.
Chốn hồng trần tha phương.

Chắp tay,
Ước làm manh chiếu rách,
Đắp cụ già hành khất,
Bên vỉa hè co ro.

Úp mặt,
Xin hóa làm nước mắt,
Giọt nước mắt thật mặn,
Lăn trên má người tình.

Ngửa tay,
Gió luồn qua năm ngón,
Mười ngón tay thật thà,
Là những vần thơ tôi.

Ngửa tay,
Rơi xuống làm hạt bụi,
Hồng trần cơn gió lốc,
Một cõi nào lang thang.

Khe khẻ,
Tôi kéo manh chiếu rách,
Đắp thân người hành khất,
Trên vỉa hè quê hương.

Đưa tay,
Lau hai dòng nước mắt,
Những giọt nước thật mặn,
Hoen trên má người tình.

Dòng nước mắt yên lặng,
Như một vần thơ câm.
Cứ giữ yên trong mắt,
Thôi đừng chờ tôi lau.

Lạc bước tận phương nào?
Trót làm thân hạt bụi,
Bám trên vết chân nguời,
Cõi về đâu nhớ lối.

Vào một đêm mưa lạnh,
Có một người hành khất,
Ngủ bên lề cuộc đời,
Thiếu cả manh chiếu rách.

Nhẹ như thân hạt bụi,
Phương nào theo gió bay?
Ngọn nến bàn thờ mẹ,
Ngọn gió về lung lay.

(Bures-Sur-Yvette, 21.11.02).

Bures-Sur-Yvette, 30.04.2024
Hoang Phong chuyển ngữ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.