Bản Thệ Tăng Già Quy Nguyện

BẢN THỆ TĂNG GIÀ

BẢN QUY NGUYỆN

CỦA HỘI ĐỒNG CỐ VẤN GIÁO HẠNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

— oOo —

PHÁP NGỮ

Bản Thệ Tăng Già, lập nguyện của các đệ tử xuất gia của Phật, cùng hòa hiệp trong bản thể thanh tịnh của Ba-la-đề-mộc-xoa, tuyên dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh; hy cầu Phật pháp trường tồn, làm y chỉ cho nhân thiên tu tập, hướng đến cứu cánh giải thoát và giác ngộ.

Tăng-già Việt Nam trong trường thiên lịch sử dựng nước đã không tách rời sự tu tập bản thân với sự tồn vong của dân tộc, tự nhận trách nhiệm giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ Phật Tử bằng tinh thần Bi-Trí-Dũng, vượt qua những chướng duyên thể hiện các giá trị nhân sinh từ Chánh Pháp trong lòng xã hội.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam, môi trường sinh hoạt cộng đồng của các thế hệ Phật tử Việt Nam, với gần 70 năm tồn tại và phát triển, qua những thời kỳ an nguy của lịch sử, đã cống hiến xứng đáng thân và tâm trong dòng suy thịnh của đất nước. Tuy nhiên, thuận và nghịch, hòa hợp và phân ly, là quy luật tất nhiên của phát triển xã hội. Quy luật ấy không ngừng tác động vào sinh hoạt của các thế hệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam mỗi thời kỳ bằng những sắc thái cá biệt. Người Phật Tử do thiếu tu tâm lập nguyện, dưới tác động của tham cầu và khiếp nhược, bị lôi cuốn bởi danh vị và lợi dưỡng, dễ dàng tự biến chất, trở thành người mất hướng, tự đánh mất phẩm giá cao quý của tín tâm thanh tịnh.

Vậy, Tăng già cần phải phát dương bản thể thành tịnh và hỏa hiệp để làm sở y và định hướng sinh hoạt, tu tập, cho mỗi Huynh trưởng, Đoàn sinh, tích cực thực hành Bồ tát đạo, hóa thân vào trong các cộng đồng tuổi trẻ, vận dụng mọi phương tiện thiện xảo để thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, cùng các thế hệ thanh niên Việt Nam kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng xã hội hưng thịnh và an lạc.

Bằng nhận thức như vậy, các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni trong Tăng-già truyền thống Việt Nam, y chỉ giới thân và huệ mạng của các bậc Tôn Trưởng trong Hội Đồng Chứng Minh, đồng lập nguyện hòa hiệp thành một Hội Đồng Cố Vấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử, để tán trợ và chỉ đạo Gia Đình Phật Tử Việt Nam tu học y Chánh Pháp, kế thừa và phát huy phẩm chất cao đẹp của các thế hệ Phật Tử Việt Nam.

Để cụ thể hóa các ý tưởng trên thành các nguyên tắc sinh hoạt cập nhật, Bản Quy Nguyện của Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh này gồm có: Pháp Ngữ, bảy chương, mười chín điều, bốn mươi mốt khoản.

CHƯƠNG I: Pháp hiệu – Danh xưng – Mục đích

Điều 1: Pháp hiệu

Bản Thệ Tăng Già là Chúng hòa hiệp những vị đệ tử xuất gia của Đức Thế Tôn, cùng hòa hiệp trong bản thể thanh tịnh, lập nguyện tuyên dương Chánh Pháp, lợi lạc muôn loài, không bị giới hạn bởi thời – không. Bản Thệ Tăng Già là pháp hiệu của Bản Quy Nguyện này.

Điều 2: Danh xưng

Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam là những vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni có hạnh nguyện tuyên dương Chánh Pháp, giảng dạy giáo lý và hướng dẫn tu tập cho Gia Đình Phật Tử, đã được Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử cung thỉnh làm Cố Vấn Giáo Hạnh, viết tắt HĐCVGHGĐPTVN.

Điều 3: Mục đích

• Cố vấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam tu học đúng Chánh Pháp, đúng với mục đích của tổ chức Gia Đình Phật Tử.

• Phát triển tổ chức Gia Đình Phật Tử không những ở quốc nội mà trên cả thế giới, đáp ứng được những nhu cầu đạo đức, tín ngưỡng tâm linh và học Phật cho thế hệ trẻ trong thời đại văn minh tin học hiện nay.

• Chỉ đạo Ban Cố Vấn Giáo Lý tu chỉnh và biên soạn chương trình giáo lý có thể đáp ứng được nhu cầu tu học và phát triển Gia Đình Phật Tử hiện nay tại quốc nội và toàn cầu.

• Cố vấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử tổ chức các cuộc hội thảo liên hệ đến Gia Đình Phật Tử với cấp quốc gia và quốc tế.

• Hướng dẫn, phê duyệt và chứng minh các đề tài luận văn Cấp Dũng do Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử đệ trình.

Chương II: Thành viên

Điều 4: Tất cả quý vị Tăng Ni đã và đang giảng dạy, bảo trợ cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam các cấp đều là thành viên chính thức của HĐCVGHGĐPTVN.

Điều 5: Thành viên HĐCVGH do Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử cung thỉnh hay giới thiệu và được Ban Thường Trực HĐCVGH thông qua.

Điều 6: Thành viên HĐCVGH Ban Hướng Dẫn Trung Ương tối thiểu là mười lăm vị Tăng Sĩ.

Chương III: Tổ chức

Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam gồm có:

– Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Trung Ương.
– Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành.

Điều 7: Ban Thường Trực HĐCVGH Trung Ương gồm:

– Trưởng ban.
– Hai phó ban: một vị đặc trách nội vụ và một vị đặc trách ngoại vụ.
– Tổng thư ký.
– Hai vị phó tổng thư ký.
– Tiểu ban giám kiểm.
– Tiểu ban đặc trách hướng dẫn tu học và các phụ tá.
– Tiểu ban đặc trách biên khảo giáo lý và các phụ tá.
– Tiểu ban nghiên cứu, phát triển và các phụ tá.
– Tiểu ban an sinh và các phụ tá.
– Tiểu ban đặc trách các Miền, Tỉnh và Thành.

Điều 8: Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành gồm:

– Trưởng ban.
– Một phó ban.
– Một thư ký.
– Ủy viên kiểm soát.

Điều 9: Ban Thường Trực Hội Đồng Cố Vấn do HĐCVGH Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam thỉnh cử qua Yết-ma và được Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh (HĐTGCM) phê duyệt.

Điều 10: Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành do Ban Hướng Dẫn tỉnh hay Trung Ương giới thiệu, Ban Thường Trực Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh nghiên cứu và thay mặt HĐCVGH thỉnh cử.

Chương IV: Chức năng – Nhiệm vụ

Điều 11: Chức năng và nhiệm vụ của Ban Thường Trực HĐCVGH:

– Chịu trách nhiệm tinh thần trực tiếp trước Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh.

– Thay mặt Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh và Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh thường xuyên cố vấn cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương để:

• Chứng minh, giảng dạy giáo lý, thọ cấp, hướng dẫn đời sống đạo đức tâm linh và chứng minh lễ phát nguyện trong các trại huấn luyện cho Gia Đình Phật Tử, đôn đốc theo dõi các sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử.

• Nhận lời thỉnh cầu giảng dạy và hướng dẫn các khóa tu học cho Gia Đình Phật Tử.

• Tổ chức lễ thọ giới Bồ-tát, Thập Thiện và tác pháp sám hối cho các Huynh Trưởng phạm giới.

• Trong những hoàn cảnh khó khăn cần phải định hướng và làm nơi nương tựa cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam đi đúng Chánh Pháp.

• Cố vấn cho HĐTGCM phê duyệt danh sách cấp Dũng do Ban Hướng Dẫn Trung Ương đệ trình.

• Hỗ trợ và hướng dẫn Ban Hướng Dẫn Trung Ương thực hiện đúng Nội Quy, Quy Chế Gia Đình Phật Tử Việt Nam và những Phật sự bất thường quan trọng khác.

• HĐCVGH và Ban Thường Trực hoạt động trong phạm vi có liên quan đến sự tu học của Gia Đình Phật Tử tại quốc nội và có phối hợp với HĐCVGH Gia Đình Phật Tử hải ngoại khi có những Phật sự liên quan và cần thiết.

Điều 12: Chức năng và nhiệm vụ của Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành

• Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành do Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Trung Ương giới thiệu và Ban Thường Trực HĐCVGH nghiên cứu và cung thỉnh trực tiếp hoặc bằng văn thư.

• Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành chịu trách nhiệm trực tiếp với Ban Thường Trực HĐCVGH và chịu trách nhiệm gián tiếp với HĐTGCM về các vấn đề Phật sự liên hệ đến tổ chức Gia Đình Phật Tử Miền, Tỉnh, Thành.

• Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành cùng với Ban Hướng Dẫn Miền, Tỉnh, Thành chịu trách thịnh suy của Gia Đình Phật Tử ở trong Miền, Tỉnh, Thành trước Tam Bảo, trước HĐTGCM và trước Ban Thường Trực HĐCVGH.

• Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành có trách nhiệm giảng dạy giáo lý, chứng minh và hỗ trợ cho Ban Hướng Dẫn Miền, Tỉnh, Thành thực hiện các trại huấn luyện đúng Nội Quy, Quy Chế của Gia Đình Phật Tử và các khóa tu học, bồi dưỡng do Ban Hướng Dẫn Miền, Tỉnh, Thành thỉnh cầu.

Chương V: Nhiệm kỳ và Tập hội

Điều 13: Ban Thường Trực HĐCVGH Gia Đình Phật Tử

• Nhiệm kỳ của Ban Thường Trực là bốn năm.

• Trong nhiệm kỳ, nếu vị trưởng ban có chướng duyên, vị phó ban sẽ thay thế để điều hành Phật sự cho đến hết nhiệm kỳ.

• Trong nhiệm kỳ, nếu các thành viên của Ban Thường Trực có những chướng duyên, vị trưởng ban trình lên HĐTGCM để ủy cử bổ sung.

Điều 14: Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành

• Nhiệm kỳ của Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành là bốn năm.

• Các thành viên Ban Cố Vấn nếu có chướng duyên thì Ban Thường Trực HĐCVGH sẽ cứu xét tình hình thực tế, để thỉnh cử những thành viên khác bổ sung.

Điều 15: Trú xứ và Tập hội

• Bất cứ Tăng già lam nào thuận lợi cho các Tăng sự đều có thể trở thành trú xứ tập hội của Ban Thường Trực HĐCVGH và HĐCVGH Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

• Cứ ba tháng một lần, Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử báo cáo với Ban Thường Trực HĐCVGH Gia Đình Phật Tử về sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử và đồng thời xin những chỉ đạo.

• Cứ sáu tháng một lần, Ban Thường Trực cung thỉnh các thành viên trong HĐCVGH tập hội để báo cáo tình hình Phật sự trong sáu tháng qua và góp ý điều hành những Phật sự trong sáu tháng tới.

• Cứ một năm một lần, Ban Thường Trực HĐCVGH cung thỉnh các thành viên trong HĐTGCM tập hội một lần, để trình bày các Phật sự, chứng minh những Phật sự năm qua, thỉnh cầu chỉ đạo và chứng minh cho những dự kiến Phật sự năm tới.

Chương VI: Pháp thể

Điều 16: Pháp thể của Ban Thường Trực Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh là do HĐCVGH tác pháp Yết-ma ủy cử và được HĐTGCM phê duyệt.

Điều 17: Pháp thể của Ban Cố Vấn Giáo Hạnh Miền, Tỉnh, Thành là do Ban Thường Trực HĐCVGH thỉnh cử đúng với Quy Nguyện.

Chương VII: Tu chỉnh

Điều 18: Những chương và các điều khoản trong Bản Quy Nguyện này đã được Hòa Thượng Thượng Thủ thay mặt HĐTGCM và Ban Thường Trực HĐCVGH Gia Đình Phật Tử thông qua trong buổi tập hội tại chùa An Linh, Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 24 tháng 5 năm 2012.

Điều 19: Trong Bản Quy Nguyện này sau một thời gian ban hành, nếu có những điều khoản nào chưa thể khả thi, thì có thể tu chỉnh trong thời gian tập hội của HĐCVGH hay HĐTGCM, do Ban Thường Trực HĐCVGH nghiên cứu và thỉnh nghị.

Bản Quy Nguyện này có mở đầu là Pháp Ngữ, 7 chương, 19 điều, 41 khoản đã được thông qua trong kỳ tập hội do Hòa Thượng Thích Đức Chơn, Thượng Thủ thay mặt HĐTGCM chủ tọa và Ban Thường Trực HĐCVGH Gia Đình Phật Tử Việt Nam thông qua ngày 24 tháng 5 năm 2012, tại chùa An Linh, Tp. Hồ Chí Minh.

Bản Quy Nguyện này được áp dụng kể từ ngày ký.

PL. 2556 – Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 6 năm 2012

TM. HỘI ĐỒNG TĂNG GIÀ CHỨNG MINH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.