Trong tình hình cuộc vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng – công bằng xã hội của Phật Giáo Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng, Phật Giáo Đồ bắt đầu phải hứng chịu những đàn áp công khai từ phía nhà đương cuộc, và sau cuộc tự thiêu chấn động hoàn cầu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức hôm 11.6.1963 giữa lòng thủ đô Sài Gòn; vào ngày 20.6.1963, vị Chủ tịch Hội Phật Giáo Thế Giới đã phải đưa ra lời hiệu triệu cứu giúp Phật Tử Việt Nam. Toàn văn bản hiệu triệu như sau:
LỜI HIỆU TRIỆU
CỦA ÔNG CHỦ TỊCH HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
Ngày 20.6.1963
Tất cả các Trung Tâm Phật Giáo Thế Giới và các tổ chức Phật Giáo hãy giúp đỡ những anh em Phật Tử của chúng ta đã chịu đựng sự đau khổ từ lâu tại Nam Việt Nam.
Miền Nam Việt Nam là một trong các nước Phật Giáo tại Đông Nam Á. Mặc dầu dưới chế độ thực dân Pháp, Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được đặc quyền hoạt động trong một thời gian khá dài, nhưng Nam Việt vẫn là một xứ Phật Giáo vì trong số 15 triệu dân, thì những người theo Phật Giáo chiếm 80% tổng số (cả Nam Tôn và Bắc Tôn) còn những người theo đạo Thiên Chúa có độ một triệu rưởi mà thôi. Ông Tổng thống độc tài Ngô Đình Diệm, anh ông là Ngô Đình Thục (Tổng giám mục Huế), em ông là Ngô Đình Nhu, Cố vấn Chính trị của ông, và bà Ngô Đình Nhu (được coi là người đàn bà số 1 trong nước, ông Tổng thống độc thân) đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Ngay sau khi chế độ ông Diệm được thiết lập, dân chúng Cao Miên khoảng 600.000 người theo Phật Giáo Nam Tôn sinh sống tại miền Nam Việt Nam đã kêu ca là họ bị chính quyền Nam Việt và Giáo Hội Thiên Chúa ngược đãi một cách có tổ chức. Từ 5 năm qua, sự áp chế và ngược đãi Phật Giáo đã trở nên phổ thông, cho đến nay thì chính Phật Tử Việt Nam cũng chịu chung một số phận. Mặt khác, Giáo Hội Thiên Chúa ảnh hưởng đến toàn bộ Chính phủ từ Tổng thống đến viên Xã trưởng (kể cả các lực lượng võ trang) có rất nhiều đặc quyền và ân sủng. Thí dụ, Giáo Hội và tín đồ Thiên Chúa Giáo được đặt ra ngoài Đạo Dụ số 10, một đạo dụ hạn chế và gây rất nhiều khó khăn cho các chùa, các tu viện và các hoạt động của Phật Giáo và tôn giáo khác.
Những lời khuyến cáo của chính phủ Cao Miên cũng như những đơn khiếu nại của các nhà lãnh đạo và các tổ chức Phật Giáo trong nước gởi cho Tổng thống Diệm, yêu cầu ông sửa đổi lại, nhưng ông đã không hề đếm xỉa đến. Phật Giáo Đồ đã phải cố sức nhẫn nại, không dám phản đối công khai, vì sợ rằng điều đó có thể gây tai hại cho cả đôi bên.
Bởi thế nên sự áp bức Phật Giáo và ngược đãi Phật Tử càng ngày càng trở nên mãnh liệt, rồi người ta viện lý do một cách đơn giản rằng Phật Giáo Đồ thân Việt Cộng. Sự đau khổ của Phật Tử đã đến cực độ khi chính quyền ra lệnh cấm Phật Tử không được treo cờ Phật Giáo trong ngày Phật Đản.
Ngày 8-5-1963, Phật Tử ở Cố đô Huế đã tề tựu tại chùa Từ Đàm để mừng ngày Phật Đản, sau đó họ diễn hành đến đài phát thanh để phản đối lệnh bất công đó, khi họ biết rằng sự cố gắng của các nhà lãnh đạo Phật Giáo để điều đình với chính phủ rút lệnh ấy về đã hoàn toàn thất bại. Quân đội chính phủ dùng vòi nước, lựu đạn cay mắt để giải tán đám đông, rồi tiếp đó cuộc lộn xộn bắt đầu và quân đội đã bắn vào đám đông làm cho 8 người chết và nhiều người bị thương. Phật Tử quả quyết rằng chính lính của Chính phủ đã bắn vào họ; trái lại, chính quyền đổ vấy cho quân Việt Cộng.
Phật Giáo Đồ đã đưa ra 5 nguyện vọng như sau:
1) Yêu cầu Chính phủ thu hồi vĩnh viễn công điện cấm treo cờ Phật Giáo.
2) Phật Giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô.
3) Chấm dứt tình trạng khủng bố và bắt bớ Tín đồ Phật Giáo.
4) Phật Tử phải được tự do truyền đạo và hành đạo.
5) Bồi thường xứng đáng cho gia đình những người đã bị giết và bị thương.
Cho tới nay, Chính phủ vẫn chưa làm thỏa mãn thật sự những nguyện vọng đó. Rồi từ đấy nhiều biến cố đã liên tiếp xảy ra, khiến cho những nguyện vọng của Phật Giáo quá thiết tha và khẩn cấp đến nỗi một vị Tăng trưởng, Hòa Thượng Thích Quảng Đức, đã phải hy sinh bằng cách tự thiêu giữa một ngã tư lớn Saigon vào ngày 11 tháng 6 năm 1963. Tất cả những biến cố đó đã làm chấn động cả hoàn cầu và gây niềm xúc động sâu xa của Phật Tử khắp 5 châu.
Thái tử Norodom Sihanouk, Quốc trưởng Cambodge và là người bảo vệ Phật Giáo, đã gởi một bức thông điệp cho chính phủ miền Nam Việt Nam “yêu cầu giải quyết gấp rút vấn đề tôn giáo bằng đường lối hòa bình phù hợp với những nguyên tắc đã được ghi trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc”. Đồng thời Thái tử cũng đã gởi thơ khẩn cấp cho Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Ấn Độ, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh và Tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc, yêu cầu họ “thuyết phục Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đình chỉ ngay sự ngược đãi Phật Tử và chấm dứt sự kỳ thị tôn giáo mà Phật Tử phải chịu đựng”. Bà Bandaranarke, Thủ tướng Tích Lan, cũng đã gởi thơ riêng cho tất cả các Quốc trưởng thuộc các nước Á Châu trong tổ chức Liên Hiệp Quốc để ủng hộ đề nghị của Tích Lan yêu cầu ông U Thant, Tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc, hành động thích nghi hầu xoa dịu nỗi lo âu của Phật Tử thế giới về sự ngược đãi Phật Giáo Đồ tại miền Nam Việt Nam. Bác sĩ G.N Malalasekera (Đại biểu Thường trực của Tích Lan tại Liên Hiệp Quốc), Chủ tịch Danh Dự của Hội Phật Giáo Thế Giới cho biết là ông đã tham khảo với ông U Thant về vấn đề này và đã bắt đầu hành động.
Với tư cách Chủ tịch Hội Phật Giáo Thế Giới, tôi cũng đã gởi thơ riêng cho Tổng thống Diệm thúc giục ông hãy chấp nhận ngay 5 nguyện vọng của Phật Giáo, và đề nghị thành lập một Ủy Ban Tư Vấn gồm một số nhà lãnh đạo Phật Giáo. Ủy Ban này có nhiệm vụ đưa ra những đường lối và cách thức làm thỏa mãn 5 nguyện vọng và làm môi giới giữa chính quyền và dân chúng Phật Giáo, đồng thời phải được tham khảo ý kiến về tất cả các vấn đề liên quan tới Phật Giáo sau này. Tôi cũng đã đề nghị thành lập một Ủy Ban Điều Tra gồm những Pháp quan của Tòa Thượng Thẩm miền Nam Việt Nam để điều tra một cách chính xác, vô tư, những sự kiện xảy ra tại Huế đã làm cho nhiều người chết và bị thương; rồi đệ bản tường trình cùng với những đề nghị, yêu cầu chính phủ áp dụng những biện pháp nào để ngăn chặn những sự kiện ấy khỏi tái diễn sau này. Tôi cũng nhấn mạnh vào sự cần thiết làm dịu nỗi đau khổ của Phật Tử và giải quyết vấn đề gấp rút để tránh nguy hiểm và nối lại tình hữu nghị giữa Phật Tử và Tín đồ Thiên Chúa Giáo tại nhiều nước Á Châu và Đông Nam Á.
Các Trung Tâm Điểm Phật Giáo Thế Giới, các Giáo Hội Tăng Già và các tổ chức Phật Giáo Miến Điện, Cao Miên, Tích Lan, Ấn Độ và Tân Gia Ba đã thông qua các quyết nghị ủng hộ chính nghĩa Phật Giáo Việt Nam.
Tại Miến Điện: Tổng Hội Phật Giáo Miến Điện (kể cả Trung Tâm Phật Giáo Thế Giới), Hội Thanh Niên Phật Tử, Giáo Hội Tăng Già, các Hội Phật Học và các Giáo Hội Hồi Giáo. Tại Cao Miên: 2 Giáo Hội Tăng Già Miên-Việt và các Giáo Hội Phật Giáo. Tại Tích Lan: Tổng Hội Phật Giáo Tích Lan (gồm cả Trung Tâm Điểm Phật Giáo Thế Giới) và nhiều tổ chức khác. Tại Ấn Độ: Ở Nalanda tất cả Tăng Sĩ và Phật Tử các nước Miến Điện, Ấn Độ, Hồi Quốc, Cao Miên, Thái Lan, Tích Lan, Tây Tạng, Đức Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Ai Lao đã nhóm họp tại Trung Tâm Điểm Phật Giáo Thế Giới – Tân Gia Ba.
Cuộc tranh thủ anh dũng của anh em Phật Tử chúng ta tại miền Nam Việt Nam để đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng, công bình xã hội chắc chắn sẽ làm cho mọi người Phật Tử cảm động. Vì không thể trực tiếp giúp đỡ, chỉ còn một cách hữu hiệu nhất giúp họ giữ vững lập trường và ủng hộ chính nghĩa của họ là:
Tất cả Trung Tâm Phật Giáo Thế Giới và các tổ chức Phật Giáo khắp hoàn cầu hãy đoàn kết, đồng thanh kêu gọi sự ủng hộ tinh thần của thế giới và Giáo Hội Thiên Chúa Giáo; đồng thời kêu gọi tất cả các Chính phủ của chúng ta áp dụng các biện pháp để có thể đòi hỏi cho được sự thỏa mãn 5 nguyện vọng của anh em Phật Tử chúng ta tại miền Nam Việt Nam để họ thoát khỏi đau khổ và hưởng trọn vẹn quyền tự do tín ngưỡng và hành đạo như đã ghi trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.
Cầu cho tất cả chúng sinh đều an lạc.
SD. CHAN HTOON
Chủ Tịch Hội Phật Giáo Thế Giới
TRUNG TÂM PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
Số 84, Shwedagon Pagoda Road
Ngưỡng Quang, Miến Điện
Ngày 20 tháng 6 năm 1963.
Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013) – Quang Mai đả tự và trình bày theo nguyên văn tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của tác giả Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ – Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.