Cây Sa-la

 

 

Nói rằng “Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) đản sinh dưới gốc cây Vô Ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni, nơi ngoại thành Ca Tỳ La Vệ…” chắc hẳn sẽ không có gì phải tranh cải nhiều nữa. Nhưng bảo cây Vô Ưu (tên gọi đã dược chuyển ngữ từ Phạn ngữ sang Hán ngữ, rồi chuyển âm Hán-Việt thành Việt ngữ) là cây Sa La thì chưa hẳn đã được mọi người đồng tình chấp nhận.

Đã lâu trước đây, Thư Viện GĐPT có đăng tải bài “Hoa Vô Ưu: Truyền thuyết; Khoa học và Y dược của tác giả Luận Vy đề cập khá chi tiết đến cây Vô Ưu. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến rất khác nhau về hình dáng, tên gọi (cả tên khoa học lẫn tên phổ thông) và nhất là có phải các tên gọi cây Vô Ưu, cây Sa La, hay cây Vàng Anh, cây Đầu Lân, cây Hàm Rồng, cây Ngọc Kỳ Lân… đều chỉ vào một loại cây mà chúng ta thường gọi là cây Sa-la hay không?

Với tinh thần cầu thị, nhân mùa Phật Đản PL. 2560, Thư Viện GĐPT xin đăng thêm nguyên văn bài “Cây Sa La” dưới đây của tác giả Hoàng Lạc với hy vọng rằng sẽ nhận được nhiều chỉ giáo hơn nữa từ các độc giả cao minh có hứng thú tìm hiểu và trao đổi tri kiến về một chuyện nho nhỏ trong vô vàn chuyện lớn, nhỏ bất tận và lý thú khác về sự thị hiện của vị Đông Cung Thái Tử Tất-đạt-đa mà về sau đã trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được nhiều người quy ngưỡng và tôn kính cho đến hiện nay.

THƯ VIỆN GĐPT

 

Trong kinh Phật, có hai loại cây được xem là linh thiêng và thường được nhắc đến nhiều là cây Bồ-đề và cây Sa-la. Dưới gốc cây Bồ-đề, thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật sau 49 ngày đêm thiền định. Dưới cây Sa-la ở vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) đản sinh – về sau thành đạo trở thành Đức Phật Thích Ca – và Ngài cũng nhập diệt dưới hai cây Sa-la tại Câu-thi-la (Kusinara).

Giới thiệu:

Sa-la tên khoa học là Couroupita guianensis Mart. ex Berg, họ Lộc Vừng (Lecythidaceae), bộ Sim (Myrtales); trong tiếng Anh thường gọi là Cannonball Tree. Ở Việt Nam, cây Sa-la còn gọi là cây Đầu Lân, Hàm Rồng. Giới chơi cây cảnh gọi là Ngọc Kỳ Lân. Cây phổ biến trong các khu rừng tân nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon. Nó có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ). Ngày nay cây này có thể tìm thấy ở Ấn Độ, miền Nam dãy núi Hy Mã Lạp, và về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á.

Cây Sa-la hiện nay cũng đã được trồng ở nhiều nơi tại Việt Nam.

Ở miền Nam Việt Nam, cây được trồng ở các chùa như Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm…, có một cây Sa-la to ở Khu Du Lịch Bình Quới – Thanh Đa, Sài Gòn; gốc to tới mấy người ôm. Ở Vương Quốc Cambodia, cây được trồng trong hoàng cung… Hoa Sa-la thường được nhắc tới trong kinh Phật. Có tác giả nghiên cứu Phật Giáo còn gọi hoa Sa-la là hoa Vô Ưu.

Tán cây Sa-la rậm rạp, hoa Sa-la rất đẹp; những cánh hoa rất dày, hoa nhìn cứ là lạ như là hoa của loài cây thời khủng long còn sót lại. Khi kết trái, trái Sa-la chín rất hôi và khi nó chín nẫu và nồng nặc thì lúc ấy hạt mới đủ già để mọc thành mầm cây mới. Đó cũng là quy luật sinh-diệt mà nhà Phật dùng cây Sa-la để tượng trưng.

Sa-la là một loại cây thân gỗ, cây có thể cao tới 30-35m. Hoa Sa-la ra từ thân cây, suốt từ gốc lên, chùm hoa dài ra liên tục có thể tới 2-3m, quả lớn tròn to, đường kính quả 15-24cm, có 200-300 hạt trong một quả.

Quả cây Sa-la có tính kháng sinh, kháng nấm, sát khuẩn và có tác dụng giảm đau. Cây được sử dụng để chữa bệnh cảm lạnh và đau dạ dày. Nước uống làm từ các lá được sử dụng để chữa bệnh da. Chất bên trong quả có thể dùng khử trùng vết thương và lá non chữa đau răng…

Hoa Sa-la.

Ý nghĩa:

Cây Sa-la là nơi Đức Phật sinh ra. Theo tục lệ Ấn Độ, khi chuẩn bị đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, Hoàng Hậu Maya cùng với đoàn tùy tùng về nhà cha mẹ để sinh. Dọc đường, bà dừng chân nghỉ dưới gốc một cây Sa-la ở khu rừng Lumbini, ngoại thành Kapilavatthu, thuộc nước Nepal ngày nay; cơn đau sinh ập đến, bà tìm nơi bấu víu và cây liền nghiêng nhánh xuống cho bà vịn. Hoàng Hậu vừa vin vào cành cây thì cậu bé Siddhārta ra đời và sau này tu luyện trở thành Đức Phật. Hình ảnh cây Sa-la vươn nhánh xuống cho hoàng hậu vịn trong lúc sinh hạ mang rất nhiều ý nghĩa.

Khi biết mình sắp viên tịch, Phật hành trình đến đền Càpàla, xứ Vesàli làm lễ, rồi di chuyển thêm một lộ trình khá dài đến tiếp Kusinàra. Mặc dù bị bệnh khá nặng nhưng Phật vẫn cương quyết đi bộ, vượt sông đến rừng Sa-la, xứ Kusinàra. Đoạn đường này dù chỉ có chừng 9km nhưng Phật phải đi mất khoảng 3 tuần, dừng nghỉ đến 25 lần vì bệnh và mệt.

Kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ I), Phật dạy: “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô Dư Y Niết bàn. Này Ananda, đó là thánh tích, người thiện tín cần chiêm ngưỡng và tôn kính”. Như vậy, đến Kusinàra để nhập diệt là mục đích của Phật. Ngay cả Tôn Giả Ananda cũng ngạc nhiên, thắc mắc về việc này: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé, hoang vu và phụ thuộc này. Bạch Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campà (Chiêm Bà), Ràjagaha (Vương Xá), Sàvatthi (Xá Vệ)… Thế Tôn hãy diệt độ tại những chỗ ấy”. Cũng nhờ sự thắc mắc này, Thế Tôn giải thích rằng, sở dĩ chọn Kusinàra để diệt độ vì đây là nơi Ngài đã xả bỏ thân mạng trong quá khứ. “Ta đã từng sáu lần làm Chuyển Luân Thánh Vương và bỏ xác tại đây, nay ta thành Vô Thượng Chánh Giác lại cũng muốn bỏ xác tại đây” (Kinh Du Hành, Trường A Hàm I; Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Trung A Hàm II). Theo ngài Narada, “Đức Phật chọn Kusinàra để nhập diệt vì ba lý do. Lý do đầu tiên là để thuyết bài pháp Mahàsudasana Sutta nhằm khuyến khích đời sống đạo hạnh. Thứ nhì là để dẫn dắt Subhadda, người đệ tử cuối cùng của Ngài, vì ngoài Đức Phật ra không ai có thể cảm hóa vị này được. Thứ ba là để cho vị Bà-la-môn Dona có thể phân chia Xá Lợi của Ngài một cách êm thắm giữa những người sùng mộ Ngài” (Đức Phật Và Phật Pháp, tr.225).

Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi: Khi đến Kusinàra, vào trong rừng Sa-la, Ngài nằm đầu hướng về phương Bắc, giữa hai cây Sa-la song thọ. Lúc bấy giờ, Sa-la song thọ nở hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi xuống, tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài.

Theo kinh Đại Bổn Duyên (Trường A Hàm I), cội Sa-la là Đạo Tràng chứng đắc Vô Thượng Giác của Đức Phật Tỳ Xá Bà. Kinh điển cũng ghi rằng, khu rừng Sa-la nơi Thế Tôn nhập diệt, vì đau thương sầu thảm, khô héo và mang màu trắng như chim hạc, nên còn gọi là Hạc Lâm. Đặc biệt là bốn cây Sa-la song thọ gần nơi sàng tọa của Phật nằm lúc nhập diệt, mỗi cây chỉ có một nhánh khô héo, chuyển sang màu trắng, cành lá hoa quả đều rơi rụng nhưng nhánh kia vẫn xanh tốt. Bốn cây này được gọi là “tứ khô tứ vinh thọ” (bốn cây, mỗi cây có một nhánh sống và một nhánh chết). Song thọ ở phương Đông tượng trưng cho Thường và Vô Thường; song thọ ở phương Tây tượng trưng cho Ngã và Vô Ngã; song thọ ở phương Nam tượng trưng cho Lạc và Bất Lạc; song thọ ở phương Bắc tượng trưng cho Tịnh và Bất Tịnh (Đại Niết Bàn Kinh Sớ, quyển 1). Chính hình ảnh của bốn cây Sa-la “không phải sống mà cũng không phải chết” này đã nói lên sự thị hiện Niết-bàn “sanh nhi bất sanh, diệt nhi bất diệt” của Thế Tôn. Niết-bàn là vô sanh, bất diệt giữa muôn trùng sanh diệt. Bốn nhánh Sa-la còn xanh tốt trong màu trắng tang thương của Hạc Lâm biểu trưng cho bốn đức Niết-bàn. Chính giữa vô thường biến chuyển mới làm sáng tỏ cái chân thường, vạn pháp không đối lập mà dung nhiếp; tuy hai mà một, tuy một mà hai. Vì vậy mà Thế Tôn đã chọn rừng Sa-la làm nơi nhập diệt.

Như vậy, Sa-la là cây thiêng (linh thọ) trong Phật Giáo, giống như cây Bồ-đề. Lúc ngài Huyền Trang đến Kusinàra chiêm bái, rừng Sa-la chỉ còn bốn cây, hiện nay còn hai cây, là những chứng tích thiêng liêng. Do đó, trồng cây Sa-la để ngưỡng vọng Thế Tôn, hướng về Thánh Tích, thú hướng Niết-bàn là chuyện nên làm. Quan niệm Sa-la là cây “diệt pháp” và không nên trồng là hoàn toàn thiển cận và sai lạc.

Bài học:

Một ngày nào đó, bạn bớt chút thời gian thử tìm ngắm cây và hoa Sa-la. Nó đẹp lắm, và người ta có thể suy ngẫm nhiều điều. Ở Việt Nam, đạo Phật đã thấm sâu vào cuộc sống. Dù nhiều người khai trong lý lịch là không tôn giáo nhưng vẫn tin và làm theo những triết lý và quy tắc Phật Giáo. Ngày nay trong thế giới phẳng của toàn cầu hóa với những bầy thú điện tử, con người ta quay cuồng vì tiền bạc và địa vị; nhưng người ta vẫn cần dành chút thời gian để quay về với cuộc sống hàng ngày; vẫn cần quan tâm đến những điều tưởng như nhỏ nhoi; vẫn cần lắm những đức tin về cuộc sống, cần phải đối xử công bằng với cỏ cây muông thú.

Nhớ tới cây Sa-la nơi Phật sinh ra, cũng như là nhớ tới mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”; nhớ để bảo vệ gìn giữ từng tấc đất của tổ quốc mình. Nhớ tới cây Sa-la, nơi Phật mất đi, cũng là nhớ tới quy luật sinh tồn tái tạo; nhớ để duy trì bản sắc dân tộc, tạo sự trường tồn của nền văn hóa Việt.

HOÀNG LẠC
Ảnh và tư liệu: Internet
Nguồn: Thông Tin Để Tư Duy

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.