Chiếc nôi tre

TVGĐPT – Đang trong mùa Tết Trung Thu, nhân đang hoài vọng về những mùa Tết Nhi Đồng cổ truyền thân thương đúng nghĩa của người Việt một thời, thì vô tình “bắt gặp” một đoản văn của Thầy Nguyên Hiền thật hay và đong đầy cảm xúc, cũng về những hoài vọng xa xưa… Xin được phép Thầy đăng tải lại cùng bạn đọc để lấy “một vé trở về tuổi thơ” hồn nhiên và nói như Thầy là “tín thiện” và “đẹp như một bài thơ” ấy…

(Do trong bài và bên dưới phần kết bài, để chỉ về cha mẹ, Thầy dùng các chữ “ba, mẹ” rất gần gũi, thân thương nên những danh xưng tương tự trong bài xin được đổi lại theo cùng ý. Mong Thầy rộng lòng hoan hỷ).

oOo

CHIẾC NÔI TRE

Chú Út nhà tôi mới vừa lên chức cha. Suốt tuần qua chú cặm cụi chẻ tre, vót lạt, đan cho con trai một chiếc nôi. Chú cũng cưa tre làm cái giá để treo nôi như một chiếc võng, không giống cái nôi buộc dây treo lên xà nhà như của ba mẹ tôi ngày trước. Làm vừa xong thì tôi về, chú đem khoe với tôi: “Em thích nuôi thằng cu Gạo theo truyền thống: sữa mẹ, nôi tre, và hát ru như mẹ ngày xưa…”

Chiếc nôi chẳng giống ai, không đụng hàng, đặc biệt là do chính tay cha làm cho con. Thằng cu Gạo mới lọt lòng đã được hưởng sản phẩm handmake do chính bàn tay nghệ sĩ của ba nó. Sau này chắc nó tự hào lắm. Bản thân tôi cũng thấy tự hào, khi chú Út trong nhà đặt tên cho quán cà phê do chính chú thiết kế là Father house. Và chú em 8x vẫn còn biết hát ru ầu ơ dí dầu như thuở “ngày xưa xa lắm”. Tôi tin rằng chính những thứ ấy, chứ không phải công nghệ 4.0, sẽ nuôi dưỡng từ tâm, hạt giống thiện lành, ươm vườn cổ tích và khởi phát tình yêu, yêu đời, yêu người, yêu quê hương tổ quốc.

Còn nhớ, cách đây đã 10 năm, tôi lên mạng tìm hình ảnh để minh họa cho trại “Nhịp Tao Nôi” trong trại hè chùa tôi tổ chức, tìm mãi mà chẳng thấy được hình ảnh chiếc nôi tre. Có xa xôi chi mấy, nhưng hình ảnh chiếc nôi tre đã tuyệt chủng trong thời đại công nghệ này, nói chi đến áo tơi, ngựa gỗ…! Nói thế để thấy chiếc nôi làm bằng tre của chú Út nhà tôi đặc biệt đến dường nào! Chú chọn một khúc tre, giữ nguyên hai mắt hai đầu, chẻ ở giữa ra đan thành hình như chiếc võng, rồi lấy một ống tre khác làm cái giá, giữ nguyên các mắt tre để treo nôi, có cả cái mắt tre thò ra bên vành nôi để nắm tay đưa nôi nữa, đẹp như… một bài thơ!

Bài thơ? Vâng! Như một bài thơ. Bài thơ “Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em nằm mơ. Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm hơi mẹ tôi. Ngày xưa bên giường cha nằm, mẹ ngồi xa vắng, nhìn cha, thương cha chí lớn không thành…” (Trần Tiến). Ngày xưa không phải cứ 12 tháng là “thôi nôi”, cả tôi và mấy đứa em đều “thôi nôi” trễ lắm, có đứa đến hai, ba tuổi vẫn còn nằm nôi. Chiếc nôi trở thành khung trời hoa mộng của tuổi thơ. Ở đó có mẹ, có cha ru nồng giấc ngủ. Ở đó có chị thay mẹ ầu ơ đợi mẹ hái rau về. Chiếc nôi làm sân khấu cho những cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông, Phạm Công – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn mẹ hát nên tuồng. Chiếc nôi có cảnh Lục Vân Tiên cõng mẹ chạy ra khóc mù cả mắt chị kể em nghe. Ở đó có những làn điệu dân ca, những câu ca dao, hát đối, nói lối, ngâm vè, và cả những câu Kiều, câu kinh Vu Lan hiếu để. Nào là: “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…”; nào là “Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…”; nào là “Tưởng giếng sâu anh thả sợi dây dài, ngờ dâu giếng cạn anh tiếc hoài cái sợi dây…”. Bài nào cũng dài, cũng hay, hết bài này mẹ hát tiếp qua bài khác. Mẹ tôi trẻ lắm, đẹp lắm, nhưng mẹ nhai trầu bỏm bẻm, cao lớn, lồng lộng trên khoảng trời nôi. Con ngủ lâu rồi mẹ vẫn hát ru…

Có lẽ ngày nay người ta không được hát ru như thế nên phải bỏ tiền ra đi hát karaoke. Những dịch vụ “Hát với nhau”, “Hát cho nhau nghe” bây giờ làm sao hay và thơ mộng như mẹ hát ru ngày xưa. Thính giả ngày xưa đâu phải chỉ có cậu bé nằm nôi. Thính giả ngày xưa còn có các anh chị lớn, có ba tôi, có mấy cô hàng xóm. Thính giả ngày xưa còn có chú mèo lim dim bên góc tối, chú chó nằm vùi cổ dưới góc bàn, chú gà vô nhà mổ mâm thau cục ta cục tát. Thính giả ngày xưa còn có bếp lửa tro ngún khói, chiếc bình trà đen đúa trên bàn, cái rương đựng đồ cũ mèm bên góc, sườn xe đạp cũ treo trên xà nhà, lò hương ám khói trên bàn thờ bụi phủ… ai dám nói những thứ ấy không biết nghe? Không biết nghe sao bây giờ nghe tiếng hát ru tôi lại thấy những thứ ấy. Những thứ ấy bây giờ phát ra lời ru của mẹ. Khi tôi chạm tay vào chiếc đèn dầu cũ kỹ, lời mẹ vang lên. Khi tôi nhìn thấy chiếc bình đựng nước ngày xưa, dáng mẹ hiện về êm ái. Cây cột tựa lưng, xà nhà treo bắp giống, cái lu đựng gạo…, chú Út nhà tôi giữ lại hết. Chú không chịu xây nhà mới với vật liệu hiện đại. Chú chắp cây cột cũ đầu này, lắp mãnh ván mục đầu kia, từng cánh cửa, bàn may, khung hình, tủ áo, chú lưu giữ lại, tất cả những gì còn sót lại của mẹ, cho chú, cho tôi, cho cả 11 anh chị em tôi. Mỗi lần về nhà quây quần mâm cơm tối, bên cha già, nhìn đâu cũng đầy ắp kỷ niệm, đầy ắp yêu thương, của một thời đói khổ ghê người mà chứa chan niềm tín thiện.

Những thứ ấy rồi sẽ huỷ hoại theo thời gian, theo quy luật thành trụ hoại không vốn dĩ. Nhưng không sao! Cháu Út nhà tôi đã có chiếc nôi tre, để tiếp tục mộng mơ và tự hào cùng chúng bạn: Ngày xưa, khi tao mới lọt lòng, ba tao đã chẻ tre đan võng, mẹ ngồi đan áo, cô bác chú thím mợ dì tao đã…, ngày xưa, dí dầu ầu ơ, con ngủ, ngủ… ngủ đi con…

Mùa Trung Thu năm Canh Tý
NHẤT THANHTHÍCH NGUYÊN HIỀN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.