Chôn sống một chỗ

 

 

CHÔN SỐNG MỘT CHỖ

Có lần Thiền Sư Lâm Tế lao tác với đại chúng, thấy Thiền Sư Hoàng Bá từ xa đi tới, ông bèn chống cuốc đứng im lặng. Hoàng Bá thấy bèn hỏi:

– Ông mệt lắm phải không?

Lâm Tế nói:

– Con không lao tác, cớ sao nói mệt được?

Hoàng Bá cầm gậy thuận tay đánh Lâm Tế, Lâm Tế nắm chặt gậy đánh Hoàng Bá ngã nhào.

Lâm Tế nói:

– Đúng là đứng dậy không nổi! Con đánh Thầy ngã, con phải đỡ Thầy đứng dậy.

Khi Lâm Tế đỡ Ngài lên, Hoàng Bá nói:

– Không cần, ta vốn không có động, đâu cần ông đỡ dậy!

Lâm Tế rút tay lại, Hoàng Bá liền gọi:

– Duy-na! Duy-na! Mau đến đỡ ta dậy!

Duy-na vội đến đỡ Hoàng Bá lên và hỏi:

– Thưa Thầy ! Thầy đâu thể tha thứ cho gã Lâm Tế vô lễ ấy?

Hoàng Bá vừa đứng dậy, nghe nói như thế, liền giơ tay đánh duy-na. Lâm Tế đang cuốc bên cạnh, nói:

– Nơi khác đều là hỏa táng, nhưng ta ở đây lại cùng chôn sống một chỗ (nghĩa là người tham thiền phải ném bỏ tất cả ý thức phân biệt động tĩnh, đến đi, vinh nhục, đứng nằm v.v…)

Sau này Thiền Sư Quy Sơn đem chuyện này hỏi Ngưỡng Sơn:

– Thiền Sư Hoàng Bá đánh duy-na, chẳng hay dụng ý thế nào?

Ngưỡng Sơn đáp:

– Kẻ trộm đã chạy mất mới cho người đuổi bắt (nghĩa là người siêu việt vĩnh viễn giải thoát mà còn câu nệ, thì chỉ có nước đánh mà thôi).

Lời bình:

Việc đánh chưởi trong thiền môn, chúng ta không thể đem quan niệm thế tục mà so sánh được. Bởi vì sự đánh chưởi của Thiền Sư là tiếp tâm, là truyền pháp. Thiền Sư Hoàng Bá giơ gậy đánh Lâm Tế, đó là muốn đem thiền pháp trao cho ông ta gánh vác. Thiền Sư Lâm Tế xô Hoàng Bá té ngã, nghĩa là chính mình đã lập tức lãnh ngộ, đâu cần truyền thọ. Lâm Tế đưa tay đỡ Hoàng Bá dậy, Hoàng Bá chỉ nói ta đang ở trong như như bất động, đâu cần ông đỡ dậy! Hoàng Bá đánh duy-na, bởi vì ông ta lắm lời, không hiểu được tâm thiền.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.