Ngọn đuốc Thích Tiêu Diêu: Cuộc tự thiêu thứ 2 liên tiếp ở Huế chỉ sau 3 ngày Đại Đức Thanh Tuệ thắp sáng Cố đô

Mặc dù đã có lời tâm huyết của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết nhắn gởi đến Tăng Ni, Phật Giáo Đồ toàn quốc, chuyển tải trong thông tư của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo một ngày sau cuộc tự thiêu của Đại Đức Thanh Tuệ, kêu gọi Chư Tăng Ni xin hãy hạn chế tự thiêu để cúng dường Đạo pháp, nhưng tình hình Pháp Nạn Phật Giáo ngày càng thê lương, bức thiết và bế tắc – do bản Thông Cáo Chung vẫn không được Chính phủ nghiêm chỉnh thực thi, 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ vẫn chưa được đáp ứng – sân chùa Từ Đàm Huế lại bốc cao một ngọn lửa bi hùng nữa giữa cơn Pháp Nạn hồi 4 giờ sáng ngày 16.8.1963 (27 tháng 6 Quý Mão): Ngọn đuốc Vị Pháp Thiêu Thân của Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu.

Ngọn lửa thiêng thứ 5 liên tiếp trong Pháp Nạn do Thượng Tọa Tiêu Diêu đốt lên trong sân chùa bên cạnh chánh điện ngôi Già lam lịch sử Từ Đàm chỉ cách một ngày sau ngọn lửa Diệu Quang bừng cháy tại Ninh Hòa, Nha Trang và ngọn lửa Thanh Tuệ thắp sáng trước cổng chùa Phước Duyên ở Huế cách đó mới 3 ngày và cách chùa Từ Đàm chỉ vài cây số ngàn đường bộ. Mới chỉ trong vòng 3 ngày, thành phố Huế bừng lên 2 ngọn đuốc sống hiến thân cho Đạo pháp khiến dư luận trong và ngoài nước đang xôn xao lại càng thêm rúng động!

Vị sư già 71 tuổi thân thể gầy yếu nhưng tinh thần cương nghị, ẩn tu nơi am tranh sau vườn chùa Châu Lâm vừa tự thiêu ấy là đệ tử của Đức Hòa Thượng Hội Chủ, trong mùa Pháp Nạn này Thương Tọa thường lui tới chùa Từ Đàm và thường xuyên dấn thân vào hầu hết mọi cuộc tranh đấu chính nghĩa của Phật Giáo Đồ. Người châm lửa tự thiêu thân cúng dường trong một ngày mà mọi chợ búa, trường học, công xưởng, nhà máy, công tư sở cùng dân chúng thành phố Huế đồng loạt “tổng đình công – bãi thị” theo lời kêu gọi của hàng Giáo phẩm lãnh đạo Phật Giáo; trong một đêm khuôn viên chùa Từ Đàm có tới khoảng 5.000 Phật Tử tụng kinh, cầu nguyện; và sau khi Người tự thiêu toàn thành phố liền bị “giới nghiêm”, “thiết quân luật toàn diện” bởi nghiêm lệnh của nhà cầm quyền; các chùa chiền, tự viện lớn của Huế đều nằm trong vòng phong tỏa: Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế…

Lo ngại rằng nhục thân của Thượng Tọa rồi cũng bị cướp đi, tương tự các trường hợp Chư tôn túc Tăng Ni tự thiêu vừa qua, gần 5.000 người đã ở lại chùa, đêm ngày túc trực canh giữ di thể, quyết ngăn cản mọi âm mưu tấn công cướp xác.

Thế nhưng trong đêm 20 rạng sáng ngày 21.8.1963, khi di thể Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu còn chưa di quan an táng hay nhập tháp; chiến dịch “Tổng tấn công chùa chiền” (Kế hoạch Nước Lũ) nổ ra dồng loạt trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, ngôi chùa Từ Đàm nằm trong một “địa điểm trọng yếu” của “chiến dịch” dĩ nhiên cùng chung số phận: bị tấn công, đập phá, bắt bớ Chư tôn túc lãnh đạo Phật Giáo, Tăng Ni và Phật Tử… Kim quan Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu đang quàn tại Giảng đường chùa Từ Đàm cũng bị nhà cầm quyền cướp đem đi mất tích!

Hình ảnh ngọn lửa tự thiêu của Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu được tạp chí LIFE của Mỹ đăng tải.

Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu thế danh là Đoàn Mễ, pháp danh Tâm Nguyện, sinh năm Nhâm Thìn (1892), sanh quán làng An Truyền (tức làng Chuồn) thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Được sinh trưởng trong một gia đình khá giả, giàu có nhưng Người sống rất hòa đồng, khiêm cung trong một môi trường gia giáo, đạo đức nên được người trong họ ngoài làng hết sức quý mến. Thuở hoa niên, Người chuyên cần học hỏi, trau dồi kiến thức và đã bộc lộ nét thông minh qua cách nhận định thế thái nhân sinh, lý giải thời cuộc, khiến những thức giả làm khách của thân phụ trong những dịp đàm đạo, đối ẩm tại gia đình đều khâm phục. Vì lẽ đó, Người được hai đấng song thân rất yêu thương và đặt nhiều kỳ vọng.

Năm 18 tuổi (1909), theo tập tục xã hội miền Trung thời bấy giờ, Người phải vâng lời song thân lập thành gia thất để có con kế tự. Lúc chưa xuất gia, Người có 9 người con, trong đó 2 người cũng đã xuất gia là Đại Đức Thích Thiên Ân (đậu Tiến sĩ ở Nhật) và Đại Đức Thích Đức Tường (tu học tại Phật Học Viện Trung Phần ở Nha Trang). Được vun đắp và thừa hưởng hạnh phúc của một gia đình truyền thống Phật Giáo thuần thành, các con của Người sau này cũng đã tích cực sống một đời sống hữu ích cho đời, cho đạo.

Đến năm 1930, nhận thấy rằng các con đã lớn khôn, Người thu xếp ổn thỏa mọi việc gia đình rồi đến xin xuất gia đầu Phật với Hòa Thượng Tịnh Khiết tại ngôi chùa Tường Vân cổ kính ở làng Dương Xuân Thượng, thành phố Huế. Bởi Người xuất gia muộn và đã có gia thế riêng tư nên Bổn sư đặt pháp danh là Tâm Nguyện. Biết dụng ý của Bổn sư, Thầy xin với Bổn sư được tự lực phấn đấu tu học cho đến nào khi tự cảm thấy xứng đáng với đạo hạnh một Tỳ-kheo mới xin thọ giới. Đây là một phong cách rất riêng, rất đáng trân trọng từ nơi Thầy nên được Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết chuẩn thuận lời tâm nguyện và tỏ lời khen ngợi. Thời điểm Thầy xuất gia đúng vào thời gian công cuộc “Chấn hưng Phật Giáo” phát triển rộng khắp ba miền đất nước, phong trào học Phật nở rộ sau bao năm dài mờ nhạt bởi ách đô hộ của thực dân.

Năm 1952 (Nhâm Thìn), Thầy được đăng đàn thọ Cụ Túc giới và được ban pháp hiệu là Tiêu Diêu. Sau khi thọ giới, vì muốn có nhiều thời gian để tu học, Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu xin Bổn sư cho phép lên một nơi thanh vắng tại ngọn đồi sau vườn chùa Châu Lâm dựng một am tranh để tiện bề nhập thất tịnh tu. Ở nơi đó Thầy chọn nếp sống khổ hạnh, sống thiểu dục tri túc theo hạnh Đầu Đà, ít ăn, ít ngủ, cứ mỗi hai ngày mới thọ Ngọ trai một bữa; hằng ngày chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp qua kinh sách, đồng thời không ngại gian lao, tinh cần theo học các lớp nội điển tại các Phật học đường Tây Thiên, Linh Quang…

Di ảnh Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu.

Năm 1963, cuộc vận động đòi hỏi cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo diễn ra giữa áp bức của bạo quyền trong cơn Pháp Nạn lịch sử, khi mà bất cứ một ai thiết tha với đạo Phật và dân tộc đều không thể làm ngơ đứng ngoài cuộc tranh đấu, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu thường rời am tranh lui tới chùa Từ Đàm – nơi trung tâm lãnh đạo cuộc vận động tự do tín ngưỡng tại Huế – để tiện việc dấn thân vào cuộc tranh đấu cùng Phật Giáo Đồ. Thượng Tọa tinh tấn tham dự vào các buổi cầu siêu Chư anh linh Thánh Tăng tử đạo, Phật Tử bị thảm sát hy sinh, hay tham gia tuyệt thực để cầu nguyện cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ được mau chóng thành tựu. Thượng Tọa bền bỉ và nhẫn nại tham gia vào hầu hết các cuộc xuống đường biểu tình, tranh đấu cho sự tồn vong của Đạo pháp và lợi ích của dân sinh.

Những hoạt động tích cực của Thượng Tọa không những là sự góp phần của một Tỳ-kheo Thích tử cho vận mệnh sống còn của Phật Giáo mà còn là tấm gương sáng cho Tăng-Tín đồ Phật Giáo ngưỡng mộ noi theo, cũng bởi Người không quên mình là đệ tử của vị Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội đương kim Lãnh đạo Tối cao Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tuổi cao sức yếu vẫn đang dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió cứu nguy cho Đạo pháp.

Vào trung tuần tháng 6, thông tin từ các hãng thông tấn ngoại quốc về cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức giữa thủ đô nước Việt làm chấn động dư luận thế giới khiến Thầy Tiêu Diêu vô cùng cảm khái và ngưỡng mộ. Thầy đã phát khởi ý nguyện tiếp nối ngọn lửa uy dũng của Ngài Quảng Đức, hành động như các Samurai Nhật Bản, Thầy sẽ mổ bụng hoặc sẽ tuyệt thực kéo dài cho đến chết để cúng dường Tam Bảo, đồng thời để góp phần khuyến cáo Tổng thống Ngô Đình Diệm nhanh chóng giải quyết 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ. Thượng Tọa đã bí mật mài bén một con dao “nhíp”, chờ thời cơ thuận hợp để thực hiện ý định nhưng vô tình đã bị Thượng Tọa Thích Mật Hiển bất ngờ phát giác. Thầy Mật Hiển chính là vị tôn túc Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ Phật Đản PL.2507 tại Huế, nơi phát khởi cuộc Pháp Nạn. Ngay lập tức con dao bị thu giữ, Thầy bị quở trách nặng nề: “Con nhà Phật tại sao lại muốn tự sát sanh? Ai cho phép quý thầy tự ý hành động như rứa?”. Thầy Thích Tiêu Diêu khiêm ái đảnh lễ xin nhận lời quở trách.

Tâm nguyện mổ bụng thất bại, Thầy lại viết thư gởi Hòa Thượng Hội Chủ xin được tự thiêu cúng dường nhưng chưa được chấp thuận. Trong khi chờ đợi hy vọng thư xin tự thiêu sẽ được chuẩn thuận, Thầy tự mình tuyệt thực để cầu nguyện. Đêm đêm Thầy trầm ngâm ngồi một mình trong bóng tối hoặc dưới ngọn đèn dầu leo lét, lâu lâu Thầy lặng lẽ tự đốt từng ngón tay, coi đó như đã đốt một phần thân thể để nguyện cầu cho Pháp Nạn chóng giải trừ. Thế rồi Thầy hay tin ngọn lửa của người Sa-di Học tăng Thanh Tuệ bừng lên ở tam quan chùa Phước Duyên trong đêm 13-8-1963 làm chấn động hết thảy người dân Huế. Tiếp đó là cảnh tượng Tăng Ni, Gia Đình Phật Tử, Sinh viên, Học sinh biểu tình ngồi cầu nguyện trước chùa Hội quán Tỉnh Hội, trước Tỉnh đường Thừa Thiên, trong vòng kẻm gai của một thành phố Huế giới nghiêm, để đòi di thể Tăng sinh Thanh Tuệ đã bị cướp đi… Ngay giữa không khí căng thẳng tột cùng ấy, Huế nhận tiếp hung tin như sét đánh: Ni Cô Diệu Quang tiếp tục đốt lửa tự thiêu mình gần chùa Chi Hội Phật Giáo Ninh Hòa, Nha Trang. Những sự kiện bi thương liên tục ấy đã tác động mãnh liệt đến tinh thần của Thượng Tọa.

Tối 15.8.1963, trong khuôn viên chùa Từ Đàm có ước chừng 5.000 ngàn đồng bào Phật Tử đang tụng kinh, đảnh lễ cầu nguyện. Đến gần 4 giờ sáng rạng ngày 16 tháng 8, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu thức dậy khoác y bước ra khoảnh sân bên trái chánh điện, ngồi tĩnh tọa bật lửa tự thiêu mặc dù đơn xin tự thiêu của Thượng Tọa vẫn chưa được Hòa Thượng Bổn Sư và Tổng Hội chấp thuận.

Ngọn lửa bừng lên rực sân chùa! Mọi người trong chùa hoảng hốt chạy ra. Thượng Tọa vẫn đang chắp tay điềm tĩnh trong ánh lửa hồng giữa tiếng niệm Phật tiếp dẫn âm vang xen lẫn tiếng khóc của Phật Tử vỡ òa trong khuôn viên chùa giữa đêm tăm tối. Ngài từ giả Thầy Tổ và đồng đạo hy hiến đời mình cho Chánh pháp và Chánh nghĩa lúc tấm phàm thân đã trụ thế 71 năm với 32 tuổi đạo.

Thượng Tọa Tiêu Diêu gục xuống sau 12 phút tự đốt thân mỉnh làm ngọn đuốc thiêng trong đêm 16.8.1963 (ngày 27 tháng 6 năm Quý Mão).

Trời vừa sáng tỏ, nhục thân của Thượng Tọa được rước vào khâm liệm, nhập kim quan quàn tại Giảng đường chùa Từ Đàm trong khi cả thành phố Huế bổng lặng tanh lạ thường trong một không khí ngột ngạt đáng sợ, vì chợ búa, tiệm buôn, trường học, công tư sở, nhà máy im lìm, mọi giới đồng bào đang đồng loạt hưởng ứng “tổng đình công – bải thị” theo lời kêu gọi của hàng Giáo phẩm lãnh đạo Phật Giáo và Ủy Ban Liên Phái; trong khi phố phường Huế càng bị đè nặng thêm bởi áp lực của lệnh “thiết quân luật”, “giới nghiêm toàn diện” của phía nhà cầm quyền đương cuộc.

Lo ngại rằng sẽ thêm một lần nữa xảy ra vụ nhà đương cuộc cưỡng đoạt thi hài như các trường hợp tự thiêu của Đại Đức Thanh Tuệ và Ni Cô Diệu Quang, trước và sau khi Thượng Tọa Tiêu Diêu tự thiêu đã có gần 5.000 người tập trung về chùa, ngày đêm bảo vệ di thể, nhất quyết ngăn chặn bất kỳ âm mưu tấn công cướp xác nào.

Trước khi tự thiêu, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu để lại 3 bức di thư:

– Trong bức thư gởi Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Thượng Tọa nêu rõ mục đích Người tự thiêu: “Đêm nay tôi sẽ đem tấm thân già cúng dường mười phương chư Phật, đồng thời dùng nó như một phương sách để thúc đẩy Tổng thống Ngô Đình Diệm kịp thời giải quyết ổn thỏa 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ chúng ta.”

– Trong lá thư thứ hai gởi cho con trai là Thầy Thiên Ân và các con, cháu cùng thân bằng quyến thuộc, tiên liệu được rằng để vô hiệu hóa ý nghĩa Vị Pháp Thiêu Thân của Thầy, nhà cầm quyền sẽ cướp thi hài mình giao cho gia đình chôn cất, nên trong một đoạn Người đã căn dặn kỹ: “Các con chắc đã biết lúc này là lúc Pháp Nạn; các con của cha lại được hồng phúc ở gần kinh điển, tiếp xúc với các giới Tăng sĩ dày công tu tập thì ắt hẳn phận sự bảo vệ Chánh pháp phải là do các con gánh vác… (…)Dù có bị áp bức ngược đãi, dù có bị mua chuộc bao nhiêu đi nữa, các con phải để thi hài của cha cho Giáo Hội Tăng-già đảm nhận việc tống táng. Có như vậy sự hy sinh của cha mới có ý nghĩa. Các con làm trái lời này thì cha làm sao yên lòng nhắm mắt.”

– Trong thư gởi cho ông Ngô Đình Diệm – Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Thượng Tọa cứng rắn nêu lên yêu cầu của lý do tự thiêu: “Tôi tên là Đoàn Mễ, pháp danh Tâm Nguyện, tự hiệu Thích Tiêu Diêu sẽ tự nguyện thiêu thân tôi, trước là để cúng dường chư Phật, sau để cảnh cáo và nhắc nhở Tổng thống vài điểm sau đây:
1) Phải giải quyết một cách thành thật và nhanh chóng 5 nguyện vọng rất chính đáng của Phật Giáo Đồ chúng tôi.
2) Tôi cực lực phản đối chính quyền và quân đội đã ăn cướp thi hài của Quý Thầy.
3) Phản đối việc phong tỏa chùa chiền ở Cố đô Huế, không cho Tăng, Ni và Tín đồ Phật Giáo vào lễ.
Làm tại chùa Từ Đàm ngày 26 tháng 6 âm lịch.”

Việc Thượng Tọa e ngại nhục thân bị cướp, Người đã tiên liệu trước rồi vẫn không tránh khỏi! Kim quan của Người đã bị cướp mất trong đêm “Tổng tấn công chùa chiền” như đã nói trên. Cũng may rằng sau đó Chư tôn thạc đức Tăng-già trong Giáo Hội đã nhờ người dò tìm được di thể, bí mật bảo vệ và chờ cơ hội cung thỉnh về nơi an trí xứng đáng với một Thánh Tử Đạo vị pháp thiêu thân. Bảo tháp của Người hiện nay tọa lạc tại Tổ đình Tường Vân (Huế). Nơi Người ngồi tự thiêu, để tránh thiện tín thập phương giẫm bước vào, Thầy giám tự Từ Đàm sau đó cho kiến tạo thành một hồ nhỏ thả sen, ngày đêm hương hoa tưởng niệm; hiện nay chỗ ấy là nơi tôn trí bức tượng Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, người Cư sĩ hữu công Phật Giáo và cũng là Sáng Lập Viên của tổ chức Gia Đình Phật Tử trong và ngoài nước.

Ngọn lửa Tiêu Diêu bừng lên lúc bấy giờ đã làm lay động tâm can tất cả mọi người, mọi giới trong thành phố Huế cũng như trên toàn quốc. Sau sự kiện hy hữu 2 cuộc tự thiêu chỉ trong mấy ngày cùng tại thành phố Huế, Linh Mục Cao Văn Luận – Viện trưởng Viện Đại Học Huế – vô cùng xúc động, Linh mục lên tiếng yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm Diệm hãy giải quyết các nguyện vọng của Phật Giáo, và liền sau đó bị Chính phủ cách chức Viện trưởng. Các Giáo sư Đại Học Huế cùng toàn thể Sinh viên Huế phản đối lệnh cách chức và bắt đầu nhập cuộc xuống đường, meeting, biểu tình tranh đấu… Trong sân chùa Diệu Đế, sinh viên chất cao nhiều đống củi, dành sẵn cho các sinh viên đã làm đơn ghi danh xin tự thiêu. Cuộc tranh đấu đã vượt ra ngoài phạm vi Phật Giáo!

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI
(Sưu lục và biên tập lại từ nhiều nguồn tài liệu cũ).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.