Đập nát cốt hư không

 

 

ĐẬP NÁT CỐT HƯ KHÔNG

Thời niên thiếu, Quốc Sư Mộng Song từ xa ngàn dặm đến kinh đô tham học với Thiền Sư Nhất Sơn. Một hôm đến phương trượng xin chỉ dạy:

– Đệ tử chưa sáng được việc lớn, xin Thầy chỉ thẳng.

Thiền Sư Nhất Sơn nghiêm trọng đáp:

– Tông ta không có ngôn cú, cũng không một pháp cho người.

Mộng Song nhiều lần khẩn cầu:

– Xin Hòa Thượng từ bi phương tiện.

Nhất Sơn lại uy nghiêm nói:

– Ta không có phương tiện, cũng không có từ bi.

Nhiều lần như thế vẫn không được Thiền Sư Nhất Sơn chỉ dạy. Mộng Song nghĩ: “Nếu không có duyên với Thiền Sư, ở đây mãi cũng không cách gì khai ngộ”. Do đó nén nước mắt từ giã môn hạ Nhất Sơn, đến chùa Vạn Thọ – Liêm Thương xin Thiền Sư Phật Quốc chỉ giáo. Ở dưới tòa của Thiền Sư Phật Quốc lại vô tình bị ăn gậy đau điếng!

Mộng Song ân cần cầu đạo mà bị đánh, sư đau lòng đối trước Thiền Sư Phật Quốc phát nguyện rằng: “Nếu đệ tử không đến chỗ thôi nghỉ thì không trở về gặp Thiền Sư”. Rồi từ giã Thiền Sư Phật Quốc, chuyên tâm tọa thiền không kể ngày đêm.

Một hôm, ngồi dưới cây trước sân, trong tâm vắng lặng, đến khuya mà không hay không biết; vào phòng định ngủ, khi lên giường nhận lầm chỗ không tường vách cho là tường vách, mơ hồ tựa thân vào. Không ngờ bàn chân bước xuống, trong phút giây té ngã, hoát nhiên đại ngộ cười to một tiếng, thân tâm sáng rỡ, thốt lên một bài kệ:

Bao năm đào đất tìm trời xanh
Trùng trùng chướng ngại phủ bao quanh
Một đêm gió cuốn lăn ngói gạch
Hư không đập nát được an lành.

Sau khi mắt tâm của Mộng Song rỗng sáng, cảm đến ân Thiền Sư Nhất Sơn và Thiền Sư Phật Quốc liền trở về trình bày chỗ thấy của mình, thầm được khế hợp cơ trí, Phật Quốc tán thán, lập tức ấn chứng cho sư:

– Mật ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang, nay ông đã được, hãy khéo giữ gìn!

Lúc ấy, Mộng Song ba mươi mốt tuổi.

Lời bình:

Từ xưa đến nay các Thiền Sư có một đặc sắc, đa số nói năng lạnh nhạt mà chứa đựng từ bi. Thiền Sư Nhất Sơn không có phương tiện, cũng không có từ bi; thật ra đó là phương tiện, đó là từ bi. Thiền Sư Phật Quốc dùng gậy, hét, lại là đại phương tiện từ bi. Nếu không có hai vị thầy này, làm sao sau này có Quốc Sư Mộng Song? Thế nên, gió xuân mưa hạ làm cho muôn vật sanh trưởng, sương thu tuyết đông khiến muôn vật được thành thục.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.