Độ sanh hay độ tử? Cầu an hay cầu siêu? Thầy chùa hay thầy cúng?

 

Để mô tả về sinh hoạt “cúng kiếng” trong tín ngưỡng tôn giáo, Phật Giáo, có câu: “Tiến sỹ không bằng tiến linh, chủ tịch không bằng chủ sám, chẩn mạch không bằng chẩn tế”. Tất nhiên đó là câu nói vui chỉ mang tính chất tương đối mô tả về nhu cầu lớn lao của quần chúng trong việc “cúng kiếng” và họ sẽ hỗ trợ cho những ai thực hành Pháp Sự Khoa Nghi – Nghi Lễ Phật Giáo liên quan đến các nhu cầu đó của họ. Thế nhưng vấn đề đặt ra là: Sử dụng nghi lễ thế nào cho phù hợp với những lời dạy xưa kia của Đức Phật và hài hòa cùng với bao nhiêu công việc, sinh hoạt Phật sự khác của người tu?

Suốt hơn 10 năm đầu khi đã xuất gia trong thiền môn, tôi chỉ chuyên chú việc nghiên tầm giáo điển và thực hành các pháp môn; tôi không ưa thích và né tránh việc nghi lễ “cúng kiếng”. Tất nhiên, việc “tụng kinh suông” theo các nghi thức: Công Phu Khuya, Công Phu Chiều, Cúng Ngọ, Mông Sơn Thí Thực, Sám Hối v.v… với chuông mõ thì… tôi biết, cũng như những Phật Tử đi chùa và tụng kinh lâu năm thì họ biết, nhưng tán tụng ngân nga theo nhạc lễ: đẩu, khánh, linh, trống, đờn cò… thì tôi không tập nên không biết.

Nếu như ở Việt Nam không biết những điều đó thì cũng không sao, vì một chùa có nhiều tu sỹ, có vị làm việc này, có vị làm việc khác; trong cùng một địa phương có nhiều chùa, có chùa chú trọng mảng sinh hoạt này, có chùa chú trọng mảng sinh hoạt khác. Thế nhưng vào năm 2004, khi được đi Hoa Kỳ thì tôi biết mọi điều không đơn giản như vậy và tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng học cấp tốc về nghi lễ vài ngày, vì tôi biết rằng qua Mỹ rồi thì khó né tránh và giao việc “cúng kiếng” lại cho người khác được.

Đúng vậy, trong suốt thời gian nhiều năm ở chùa Lục Hòa, Dorchester, Boston và chùa Viên Quang, Cleveland, Ohio, chùa trong tình trạng “nhất Tăng nhất tự” thì biết bàn giao việc “cúng kiếng” này lại cho ai? Vào thời năm 2004-2010, người dân các vùng tôi ở, họ muốn kiếm cho được một tu sỹ khác thì phải đến thành phố khác, tiểu bang khác thật là xa xôi bất tiện. Vậy là tôi vừa đi học ở đại học Mỹ, vừa lo Phật sự tại chùa, giảng dạy Phật Pháp, đi sinh hoạt giảng dạy khóa tu, đại lễ tại nhiều tiểu bang và thực hiện chức năng “Ứng Phó Đạo Tràng”, cúng kiếng cho người dân ở xung quanh chùa mình.

Thời Đức Phật thì nghi lễ cúng kiếng đơn giản, Đức Phật chủ yếu giảng Pháp để hiểu chân lý, sự thật; sống, tu tập, thực hành theo. Ai muốn tụng thì ngồi dưới gốc cây lâm râm ôn lại một mình cũng được cho nhớ lời dạy của Đức Phật, nên ý nghĩa chính của việc tụng niệm là:

Lễ Phật giả, kỉnh Phật chi đức
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân
Khán kinh giả, minh Phật chi lý
Toạ thiền giả, đăng Phật chi cảnh
Chứng ngộ giả, đắc Phật chi đạo.

Thế nhưng khi Phật Giáo các thời Đức Phật lâu xa hơn 25 thế kỷ và truyền vào các nước Á Đông thì hòa quyện với văn hóa bản địa. Nghi lễ Phật Giáo lại đặt căn bản với các lễ tế tụng người đời vùng đó rồi phát triển cho phù hợp. Chẳng hạn “Thọ Mai Gia Lễ” rất ảnh hưởng tới các sách nghi lễ Phật Giáo. Ngoài ra “sớ điệp”, những câu “thưa thỉnh” rất giống với nghi lễ ở cung đình phong kiến và Nho Giáo. Với Bắc Truyền Phật Giáo, nghi lễ miền Nam ảnh hưởng cải lương; miền Trung ảnh hưởng hát chèo, hát bội, cung đình; miền Bắc ảnh hưởng ca trù,…

Tại sao có nhiều chùa, nhiều tu sỹ dành rất nhiều thời gian cho việc cúng kiếng, nghi lễ? Điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân: Sự lựa chọn của vị tu sỹ đó và hoàn cảnh xung quanh, nhu cầu của quần chúng, Phật Tử.

Sao gọi là tự lựa chọn? Gọi là Phật Pháp có 84.000 pháp môn. Mỗi vị tu sỹ chọn lựa pháp môn thích hợp nhất cho mình. Có những vị chọn con đường “nghi lễ cúng kiếng”, nghĩa là sẵn sáng đáp ứng yêu cầu của quần chúng về cúng kiếng và liên hợp các vị tu sỹ khác, nhóm khác để “lãnh đám” và mời qua lại tham gia các đám cúng kiếng ngày càng nhiều hơn.

Sao gọi là hoàn cảnh? Bởi vì có những vùng, những nơi, nếu vị tu sỹ ngồi tiếp khách, nhiều khi mấy tuần không thấy Phật Tử nào đến hỏi: “Con đọc đoạn kinh này, nghe bài giảng này… con không hiểu, xin Thầy giải thích cho con” mà toàn là nghe quần chúng và Phật Tử hỏi: “Thầy biết coi bói không, biết phong thủy không, heo của con nó không đẻ được, chó của con chạy thất lạc, tiệm của con sắp khai trương, con của con chuẩn bị đám cưới, nhà của con có người chết,… xin Thầy giúp cho con”. Thế mới bảo là “Thầy chùa là bùa của làng” mà!

Hễ nhu cầu nhiều thì đáp ứng nhiều. Thế nên có những tu sỹ “phương tiện tùy duyên ứng phó đạo tràng lợi tế dã”, phát triển càng ngày càng chuyên những lĩnh vực đó. Trong tháng Bảy này, có những vị Kinh Sư đi cúng cầu siêu mỗi ngày đến 4-5 đám. Cùng một bản kinh A Di Đà, Sám Văn, Tiến Linh, Thí Thực đó, nhưng phải đọc nhiều lần trong một ngày đến nỗi khản giọng hết hơi, tắt tiếng… Để tri ân, tín chủ cúng dường, phụng sự cho các sinh hoạt tu sỹ, tự viện và tu bổ, xây cất,…

Về sinh hoạt tôn giáo thì quả nhiên tôn giáo nào cũng có phần “Tế lễ nghi thức”, đó là một phần quan trọng của sinh hoạt tôn giáo, gọi là nối kết giữa thế giới loài người với thế giới thần linh, siêu nhiên; giữa cõi dương và cõi âm,… Năng lực siêu nhiên là điều được tin tưởng tồn tại trong tôn giáo. Nếu không như vậy thì tôn giáo có khác gì Triết Học với Đạo Đức Học?

Thế nhưng, sinh hoạt “cúng kiếng nghi lễ” cần nên có những thay đổi tích cực theo những chiều hướng sau đây:

– Ý thức được Luật Nhân Quả, tu tập chuyển hóa nghiệp – biệt nghiệp và cộng nghiệp – hồi hướng và nguyện cầu. Phải biết giới hạn của mức độ linh thiêng và hiệu quả ở nơi nào, chứ không phải nói suông suông “hễ cúng tế là giải quyết xong mọi việc” cho vừa lòng thí chủ để họ vui vẻ mà cúng dường nhiều hơn và thủ lợi.

– Ngoài thời gian “tế lễ” ra, Ban Gia Trì, Kinh Sư, người thực hành nghi lễ phải dành nhiều thời gian để tu tập Giới-Định-Tuệ, hành trì – gia trì miên mật. Có như vậy mới có được thiền vị và đạo lực vững vàng để đi cầu nguyện và chia sẻ cho người khác kém cỏi hơn. Nếu sa đà vào thụ hưởng vật dục thế gian thì tất cả cúng tụng ngân nga chỉ mang tính cách biểu diễn như một tuồng cải lương và hát bội, hát xong rồi thì kéo màn, và mỗi người trở về với con người thực và nếp sống thực của chính mình “đằng sau hậu trường”. Tôi nói vậy không có nghĩa là tôi đang nói những điều không tốt về các “Ban Kinh Sư” nhưng chúng ta phải thừa nhận là trong tập thể thì có dạng người này, có dạng người khác. Những chuyện đó đã có xảy ra, căn bản phiền não Tham-Sân-Si và danh lợi, tình, vật dục thế gian… luôn tiềm ẩn đâu đó và nổi cộm lên bất cứ lúc nào nếu chúng ta không miên mật hạ thủ công phu và chánh niệm tỉnh giác thường xuyên.

– Quần chúng và người Phật Tử cũng nên biết về những giới hạn, những điều không thể làm được của tế lễ. Vấn đề học và tu, phước đức, công đức và hồi hướng, cúng dường cũng có hiệu quả rất lớn không thua kém gì tế lễ. Ngoài việc phụng sự cho các thầy Kinh Sư ra, bản thân phải lo tu và hỗ trợ cúng dường nhiều bậc xứng đáng khác và làm nhiều việc đáng làm khác.

– Người thực hành nghi lễ Phật Giáo phải nhận thức và lựa chọn những bản nghi lễ thích hợp, không nhất nhất theo các tục lệ dân gian mang tính chất mê tín: Nào là kéo gà đi xung quanh mộ, bắt thang chuối mở cửa mả; nào là rượu thịt, trứng gà; nào là phải chọn ngày giờ cho tang lễ; nào là cúng thịt công và ngựa giấy,… Hãy thử nghĩ lại coi, lẽ nào ngày xưa Đức Phật lại chỉ dạy làm ra những điều này? Không phải cứ nhắm mắt “xưa bày nay làm”. Phải nhận thức và giải thích đầy đủ ý nghĩa của mỗi tình tiết, việc làm, phù hợp với chân tinh thần Phật Giáo. Bản nghi lễ tại sao phải nô lệ Hán văn quá? Chỉ có Hán văn mới linh thiêng hay sao? Có chắc rằng người sống và người chết nghe và hiểu Hán văn không? Thời Đức Phật ngày xưa đâu có sử dụng Hán văn? Do đó, kinh điển nghi thức phải làm sao rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu cho các đối tượng Âm-Dương nghe hiểu, tỉnh tâm và tu học theo.

– Người thực hành nghi lễ không nên bày vẽ cho rườm rà phức tạp thêm nữa mà nên đơn giản hóa, vừa đủ. Tất nhiên cúng kính với hết tất cả thành tâm của mình: “Kính Thần như Thần tại”. Cúng kiếng, nghi lễ chỉ là cái duyên để đến gần nhau hơn; với cái duyên đó, sau này sẽ phát triển thêm và như vậy khiến cho người Phật Tử gần gũi, tiếp xúc, đến chùa nhiều hơn, kết nối “tình Pháp duyên Tăng” và tu học nhiều hơn. Có thể ban đầu họ đến vì… “Cầu An”, “Cầu Siêu” nhưng sau này họ học hỏi và quy y trở thành Phật Tử chân chánh và là vị hộ pháp tích cực cho tu sỹ và thiền môn.

– Cúng kiếng, tế lễ cũng là pháp môn tu – người hành trì tăng trưởng Giới-Đinh-Tuệ, kiến lập một cảnh trang nghiêm thanh tịnh, một duyên thù thắng để các đối tượng dễ giao cảm với các bậc Thần Thánh, Bồ Tát, Phật. “Tâm tịnh Phật độ tịnh”, “trực tâm thị đạo tràng” và “đức Chúng như hải”. Những lời kinh, sám ngân nga là để cho mình và mọi người quán chiếu, suy ngẫm thâm nhập, tu tập theo trọn đời.

Nếu thực hành được với tâm từ bi, mang ánh sáng đạo pháp cứu khổ và ban vui cho chúng sanh, khiến họ gặp được “Tối thắng duyên” và hướng về ánh sáng thì có công đức và lợi lạc biết bao. Nếu biết phương tiện thiện xảo với Bồ-đề tâm, với tâm chân chánh thì nghi lễ cúng kiếng sẽ trở nên trong sáng, cao đẹp, mang đến cho đời nhiều nội dung Phật chất, và đó chính là:

“Kiến pháp tràng ư xứ xứ
Phá nghi võng ư trùng trùng
Hàng phục chúng Ma
Thiệu long Tam Bảo”.

THÍCH ĐỒNG TRÍ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.