Đôi nét về cuộc đời & sáng tác của Huynh Trưởng – Nhạc Sỹ Hằng Vang

0

ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI & SÁNG TÁC CỦA
HUYNH TRƯỞNG – NHẠC SỸ PHẬT GIÁO HẰNG VANG
(Cố Huynh Trưởng GĐPTVN Như Niên – Nguyễn Đình Vang)
[1933-2021]

——— oOo ———

Cố Huynh Trưởng – Nhạc Sĩ Hằng Vang tên thật là Nguyễn Đình Vang, pháp danh Như Niên, sinh năm 1933 tại Huế, xả báo thân lúc 14 giờ ngày 1 tháng 2 năm 2021 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý) tại thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Darlac (nay là Đắk Lắk), hưởng thọ 85 tuổi. – (Thư Viện GĐPT).

“Không biết anh thâm nhập Phật Giáo từ lúc nào, nhưng lúc còn là Oanh Vũ – năm 1945, anh đã tham gia sinh hoạt đoàn thể tiền thân của Gia Đình Phật Tử hiện nay.

Anh sáng tác nhạc rất sớm, và cũng giữ trường trai rất sớm. Thập niên 1955 của thế kỷ XX, cộng đồng Phật Giáo đã biết và nghe tên anh qua nhiều nhạc phẩm mang đậm tư tưởng Phật Giáo. Hiện nay số lượng tác phẩm do anh sáng tác và phổ thơ đã trên 500 bản. Anh và nhạc sĩ Lê Cao Phan là hai cội sen già trong vườn hoa đạo Phật.

Đặc biệt toàn bộ gia đình gồm 5 gái 4 trai, 19 cháu nội ngoại, con cháu dâu rễ đều được quy y và sống rất đề huề, an lạc. Đây là gia đình Phật Giáo kiểu mẫu thấm đượm chất Phật.

Tuy tuổi gần 80, anh vẫn miệt mài sáng tác và sống thanh đạm đầy đạo vị trong một góc phố cao nguyên trầm lắng. Chẳng những là nhạc sĩ tài hoa, anh còn là một tín đồ đúng nghĩa thể hiện lòng từ đối với mọi sinh vật, dù bé nhỏ nhất như cái kiến con sâu. ‘Nội tướng’ của anh cũng là một trong những Phật Tử thuần thành và ủng hộ anh hết mực trong việc tu tập và sáng tác.” – (Nhạc sĩ Hằng Vang: Cội sen già trong vườn hoa Phật Giáo, Minh Mẩn).

“Trong hơn 60 năm sáng tác, ông[*] có hàng trăm ca khúc về đề tài này, nổi bật nhất là ca khúc Ánh Đạo Vàng (1958) đã thấm sâu vào lòng Phật Tử suốt thời gian dài từ khi ra đời.” – (Giác Ngộ).

“Kể từ ca khúc Ánh Đạo Vàng (1958), ông sáng tác hàng trăm ca khúc về đề tài Phật Giáo, nhiều tác phẩm đã trở thành quen thuộc và đi vào đời sống, sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử.

Tháng 2-1965, với ca khúc Lời Sám Nguyện, ông được trao giải nhất cuộc thi Sáng Tác Ca Khúc Phật Giáo lần đầu tiên được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Nhà Hát Lớn Sài Gòn, Ban Giám Khảo gồm những nhạc sĩ uy tín lúc bấy giờ như: Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi…

Tác phẩm của ông rất đồ sộ, hơn 300 ca khúc đã được in ấn trong nhiều tập sách nhạc, trình diễn trong nhiều chương trình nhạc hội Phật Giáo, phổ biến trong sinh hoạt văn nghệ của Gia Đình Phật Tử Việt Nam” – (Nhạc Sĩ Hằng Vang, Hà My).

“Đã có nhiều người nói và viết về nhạc sĩ Hằng Vang. Phần nhiều là những bài viết trong sáng, chân thực về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của anh. Thiết tưởng không cần bàn cãi, bổ khuyết gì thêm.

Viết về anh, Nhạc sĩ Hằng Vang, tôi chỉ muốn phác một tiền đề tổng hợp cốt tủy tinh hoa tư tưởng, sự nghiệp sáng tác của anh rằng: Anh là một nhạc sĩ viết rất nhiều ca khúc cho nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam; anh là một thành phần chủ đạo trong dòng chảy âm nhạc này ngay từ khi khởi nghiệp sáng tác từ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, xuyên suốt qua nhiều biến động lịch sử trọng đại của Phật Giáo Việt Nam và đến tận bây giờ, anh vẫn miệt mài, bền bĩ cảm xúc và sáng tạo trong dòng chảy suối nguồn từ bi trí tuệ của đạo Phật.

Ngay từ khởi nguyên phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam từ thế kỷ trước đến hiện đại, các sử gia viết lịch sử âm nhạc Phật Giáo Việt Nam đã ghi tên Bửu Bác với nhạc lễ Trầm Hương Đốt, Lê Cao Phan với hành khúc Phật Giáo Việt Nam, thì không thể không ghi tên Hằng Vang với ca khúc Ánh Đạo Vàng.

Từ thập niên 50, 60 thế kỷ trước, tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, mỗi mỗi buổi đến chùa sinh hoạt, đã trở thành tập quán, khóa lễ tụng cho toàn Đoàn bên trong chánh điện, vị Huynh Trưởng chủ lễ niêm hương bạch Phật xong là cử hát Trầm Hương Đốt đồng ca cho tất cả Đoàn Sinh như là đồng tâm chí thành dâng nén tâm hương cúng dường Chư Phật.

Khi ra sân, toàn thể Đoàn Sinh lại hàng ngũ chỉnh tề, bàn tay mặt đưa lên ngang vai, kiết ấn Cát Tường, đồng ca bài ca Sen Trắng, là bài Đoàn ca chinh thức của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Sau đó mới phân ra từng Đoàn sinh hoạt, học tập giáo lý. Riêng ca khúc Ánh Đạo Vàng của nhạc sĩ Hằng Vang thì thường được hát lên theo từng bối cảnh sinh hoạt riêng.

Ngay từ tuổi Oanh Vũ đồng ấu, các em đã thường được nghe các anh chị hát cho nghe, tập cho hát ca khúc Ánh Đạo Vàng. Ánh Đạo vàng được hát đơn ca, hoặc song ca trong giờ sinh hoạt văn nghệ của Đoàn, và nhất là thường được hát lên trong những đêm văn nghệ sân khấu… Chính vì thế mà những âm giai, cung bậc, ca từ của ca khúc Ánh Đạo Vàng len lõi, âm thầm dạt dào sống mãi trong tâm thức người Phật Tử Việt Nam.

Hát Ánh Đạo Vàng là biết Hằng Vang, hát Ánh Đạo Vàng là khái quát biết lịch sử Đức Phật. Lời ca tiếng hát của ca khúc giản dị đến mức không thể giản dị hơn, cô đúc không thể cô đúc hơn.

Hát Ánh Đạo vàng là tuổi thơ tôi, và có lẽ của tất cả các Đoàn Sinh Oanh Vũ có ngay một khái niệm tổng quát lịch sử Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Và tổng thể khái niệm ấy như một định hình chân lý về cuộc đời Đức Phật, về Tam thân: Báo, Ứng và Hóa thân Phật; từng ca từ của Ánh Đạo Vàng khi đã được nghe, khi đã cất lên tiêng hát sẽ lắng sâu vào tiềm thức, lắng đọng mãi thành hạt giống trong Tàng thức, để rồi mỗi khi ta cất tiếng hát lên, lập tức ta thấy Phật, thấy đầy đủ Tam thân của Ngài.

DUYÊN LÀNH TAO NGỘ

Trên dòng chảy thời gian vô tận, không gian vô biên, thân người thì như điện ảnh, như tia chớp, tôi quả thực đã rất bất ngờ khi có duyên lành được hạnh ngộ Nhạc sĩ Hằng Vang, bất ngờ và bâng khuâng xúc cảm khi mà từ tuổi Oanh Vũ, mười… mười lăm tuổi mình đã hát thuộc bài hát của anh, nay đã sáu mươi ngoài mình lại có cơ duyên hạnh ngộ anh.

Hôm ấy, anh về thăm gia đình nhà thơ Thanh Trúc tại ấp Thọ Bình, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Anh đã từng biết đến thơ tôi trên các trang báo, tạp chí Phật Giáo. Qua Thầy Thanh Trúc anh biết nơi tôi ở ‘quanh quất đâu đây’ vì thế anh điện thoại báo tin và nhờ Thầy Thanh Trúc hướng đạo tìm tới tận nhà tôi.

Đã từng biết nhau qua chữ nghĩa, qua lý tưởng tôn thờ, phụng sự, chúng tôi không rôm rã xôm tụ chuyện trò, cứ chậm rãi từ tốn tâm tình đôi điều gì đó về việc nhà, việc Phật. Nhưng qua buổi sơ ngộ nầy tôi đã thấy được phần nào bản thân người nhạc sĩ từ hòa nầy, tôi xác quyết: Anh Hằng Vang đúng là một người Phật Tử chân chính; và nhất là cả cuộc đời anh tận hiến cho nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, lấy âm nhạc làm phương tiện hàm dưỡng khát vọng hướng tới phương trời cứu cánh giác ngộ, giải thoát khổ đau sanh tử cho mình, cho người.

Xuyên suốt từ thời kỳ chấn hưng Phật Giáo đến tận bây giờ, người nhạc sĩ Phật Tử chân chính ấy vẫn nhất mực trung trinh với lý tưởng và sự nghiệp ấy. Nói như thế để nói thêm về anh nhiều hơn, chứ không thể duy nhất chỉ nói đến Ánh Đạo Vàng.

Nhạc sĩ Hằng Vang và Thi sĩ Hạnh Phương.

CHỦ ĐỀ CHỦ ĐẠO

Là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, không nhiều thì ít không ai không chạm vào mảng chủ đề tình yêu. Nhạc sĩ Hằng Vang không thể ngoại lệ, anh cũng viết về tình yêu đấy chứ. Nhưng xuyên suốt cuộc đời sáng tác, sáng tạo của anh phần lớn vẫn cứ là lý tưởng từ bi, trí tuệ, dõng mãnh của đạo Phật làm nền tảng căn bản cho sự nghiệp của mình.

Chúng ta thử thống kê sơ lược nhan đề những nhạc phẩm của anh:

1. Chủ đề Phật: Ánh Đạo Vàng; Ca Mừng Phật Đản; Cảm Niệm Ca Tỳ La Thành; Ca Mừng Thành Đạo; Kính Mừng Phật Đản (1957); Ngày Đẹp Trần Gian; Trang Phật Sử…

Mảng chủ đề này cho thấy nhạc sĩ am tường lịch sử Đức Phật, thấm nhuần tư tưởng đạo lý từ bi và tuệ giác Phật hiện thân vào đời cứu khổ độ sanh; chỉ riêng ca khúc Ánh Đạo Vàng thôi đủ cho chúng ta thấy rõ điều đó. Xuyên suốt tác phẩm mảng chủ đề này, Nhạc sĩ Hằng Vang với tất cả tài hoa bình dị của mình, với bao âm giai cung bậc ngọt ngào, chuyển tải tư tưởng tình cảm ấy đến đại đa số quần chúng Phật Tử Việt Nam.

2. Chủ đề Vu Lan, Bồ-tát Quán Thế Âm và Hiếu đạo: Bồ Tát Quán Thế Âm; Mẹ Linh Cảm Tầm Thanh; Mẹ Hiền Quán Thế Âm; Mẹ Ơi; Mẹ Là Suối Ngọt Từ Bi; Mẹ Quê Hương; Mẹ Và Hơi Thu; Trăng Quê Tình Mẹ, Gia Tài Của Ba…

Hầu hết các văn nghệ sĩ Phật Giáo đều có tác phẩm liên hệ chủ đề Vu Lan, hiếu đạo, và tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngôn ngữ chủ đề Vu Lan trong âm nhạc anh luôn trong sáng, không bi lụy thở than bi đát. Anh nhắc nhở người con Phật hướng tâm về báo ân, báo hiếu cha mẹ. Anh không cần hoa ngôn mỹ ngữ. Với một ngôn ngữ trong sáng, bình dị, anh trao truyền thông điệp hiếu hạnh, Vu Lan đến với đại đa số người con Phật. Ngay trong bản thân gia đình anh, thiết tưởng chỉ riêng bài hát Gia Tài Của Ba, anh cũng đã trao truyền được thông điệp nầy cho con cái của anh.

Có lẽ cảm thụ được tinh thần thông điệp hiếu đạo anh trao truyền cho các con cháu anh, các cháu đã lấy nền tảng tư tưởng hiếu đạo vào đời, và đã tựu thành những hoa thơm quả ngọt dâng lên cha mẹ. Ở đây tôi muốn gợi nhắc đến một tác phẩm lớn của Nhạc sĩ Hằng Vang, tác phẩm Gia Tài Của Ba – do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành ngày 18-1-2012, gồm 108 ca khúc do chính cô con gái đầu lòng của anh biên tập và lo lắng, quán xuyến việc xuất bản cho anh, thể hiện tròn đầy hằng tâm hiếu thuận của mình như chính Thu Hằng đã viết trong lời giới thiệu đầu sách:

Thưa Ba! Tập nhạc nầy con chọn 63 ca khúc sáng tác nhạc và lời với 45 ca khúc phổ thơ. Đây là món quà con kính yêu quý tặng Ba Má. Cầu mong cho Ba Má luôn mạnh khỏe và sống lâu thật lâu với chị em chúng con. – Quy Nhơn, ngày Rằm Trung Thu Tân Mão 2011, Thu Hằng pháp danh Nguyên Hà’.

3. Chủ đề Đoàn ca (ca nhạc cho các em Phật Tử sinh hoạt): Em Mong Mùa Sen Nở (1957); Kết Niềm Tin; Oanh Vũ Ngoan; Phát Nguyện Hoằng Dương: Tình Đạo; Vui Sống Lục Hòa…

Mảng chủ đề nầy anh đã hiến tặng cho tuổi trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam một lượng ca khúc đầy đặn trữ lượng Phật chất, hoàn thiện nhân cách người Phật Tử cho con cháu chúng ta trong mọi tình huống sinh hoạt đời thường, lòng trung trinh lý tưởng đem đạo vào đời, Phật hóa phổ gia đình thế tục thành gia đình Phật Giáo.

4. Chủ đề lịch sử Phật Giáo Việt Nam: Việt Thiền Sơ Tổ; Lửa Từ Bi; Lửa Sáng Niềm Tin; Ánh Lửa Nhất Chi Mai…

Mảng chủ đề này Nhạc sĩ Hằng Vang đã tự dấn thân cuộc sống đời thường của bản thân hòa mình vào dòng chảy lịch sử Phật Giáo dân tộc; rõ nét nhất là thời kỳ Phật Giáo Việt Nam đứng lên đòi quyền bình đẳng tôn giáo với tinh thần đấu tranh bất bạo động với biết bao nhiêu Tăng Ni, Phật Tử hy sinh xương máu. Những tấm gương hy sinh cao cả ấy đã trở thành những dấu ấn hào hùng trong âm nhạc của nhạc sĩ Hằng Vang.

5. Mảng thơ phổ nhạc: Phổ thơ của Chư Tôn Đức, của các nhà thơ: Thích Nhất Hạnh, Thích Quang Đạo, Thích Thông Bửu, Thích Chân Tính, Thích Nhật Từ, Huyền Lan, Tản Đà, Chu Mạnh Trinh, Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ, Bùi Giáng, Tống Anh Nghị, Lam Luyến, Minh Thịnh, Nguyễn Thị Ngà, Trần Quang Hưng, Thu Nhi, Quang Minh, Từ Xuân Lãnh, Dzạ Lữ Kiều, Tạ Nghi Lễ, Thanh Trúc, Hạnh Phương, Nguyễn Khánh Phước Hải, Bảo Cường, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hoàng Hương Trang, Hồ Đắc Thiếu Anh, Vô Biên, Vương Chi Lan, Tiến Thảo, Thu Nhi, Huyền Diệu Hương, Tạ Nghi Lễ, Sơn Cư, Nguyễn Phi Trinh, Hướng Dương, Huyền Linh Tử, Nguyễn Duy Khương, Thiện Hữu, Mặc Giang, Nhất Phương, Siêu Luân, Chiêu Đề, Mặc Giang, Tuyết Hương, Trương Nguyễn, Quang Huy…

Sở dĩ thống kê nhiều tên tuổi của các nhà thơ có tác phẩm đã được Nhạc sĩ Hằng Vang phổ nhạc là để nói đến một điều: Anh Hằng Vang không chỉ tự sáng tác nhạc và lời của mình; với tâm trong sáng của người Phật Tử chân chính, anh rõ ràng rất quan tâm đến thơ của nhiều nhà thơ Phật Tử cùng chung tâm nguyện phụng sự Phật Pháp như anh, hoặc từ các thi nhân lão thành tiền bối tiền chiến đến các tên tuổi lớn, những đại thụ của nền thi ca Phật Giáo Việt Nam, và cả những nhà thơ đương đại cùng niên tuế, hoặc với cả các thế hệ sau anh. Thi sĩ nào có thơ hay, thấm nhuần đạo vị là anh chấp bút, cầm đàn phổ nhạc, không phân cao thấp, lớn nhỏ. Và có thể nói, anh thật tinh tế khi chọn thơ phổ nhạc, hình như bài nào anh chọn của nhà thơ nào cũng chính là bài thơ mà tác giả tâm đắc.

6. Chủ đề tình tự quê hương: Hoài Cố Đô 1, 2, 3, 4 và 5; Về Thăm Chùa Huế; Thương Về Đông Hà; Hương Ban Mê; Về Phố Cổ Hội An; Chùa Hương, Linh Thắng…

Mảng chủ đề tình tự quê hương cho chúng ta thấy anh đi đây đó khá nhiều. Nhưng đi đâu thì đi, dấu ấn nhiều thắng tích trong âm nhạc của anh vẫn là những cung bậc giai điệu viết về chùa chiền, những phương sở đượm nhuần tín ngưỡng Phật Giáo. Nhất là về nơi quê quán anh sinh ra, lớn lên (Thành nội Huế), thế nên chúng ta không còn ngạc nhiên nữa khi thấy anh dành cho Huế thật nhiều ca khúc, anh có tới 5 ca khúc Hoài Cố Đô (từ 1 đến 5), rồi thêm Về Thăm Chùa Huế… Và anh lại… mang Huế của anh vào tận Tây Nguyên.

Lời kết cho bài viết về Nhạc sĩ Hằng Vang không gì xác thực hơn là ghi lại đây lời của một bậc thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo – Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, khi trao giải hạng Nhất giải thưởng âm nhạc Phật Giáo cách nay hơn 40 năm đã tuyên dương sự nghiệp sáng tác của anh:

‘Không những Đạo hữu Hằng Vang hiểu rõ giáo lý khá nhiều, mà còn hiểu sâu xa tiếng nói của cõi lòng, tiếng nói của sự vật, tiếng nói chân thành của người Phật Tử yêu đạo, yêu nước, yêu sự vật và yêu tất cả chúng sanh. Tôi ca ngợi sự cố công rèn luyện tự nơi tâm tư trầm lặng của mình, đem phổ biến tâm tư trầm lặng ấy cho tất cả mọi người cùng hiểu biết cái hay, cái đẹp của chân lý Phật-đà.

(Lược trích: Nhạc sĩ Hằng Vang dành cả cuộc đời cho âm nhạc Phật Giáo, Hạnh Phương – 21/9/2016).

[*] Do bài tập hợp đa số là trích dẫn nên những đại từ nhân xưng “ông”, “anh” trong bài xin được giữ nguyên nhằm tôn trọng tác giả – QM.

QUANG MAI biên tập lại từ những bài sưu tập.
Thư Viện GĐPT bổ sung hình ảnh & chú thích.

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.