Tiếp nhịp Tây Nguyên

TIẾP NHỊP TÂY NGUYÊN

Sao lại phải bốn mươi chín ngày???

Bốn mươi chín ngày, một trăm ngày hay một năm, ba năm… cũng thế thôi, Tây Nguyên vẫn lá rừng xanh tươi, cà-phê vẫn theo mùa trĩu hạt, tiêu hay điều cũng tùy tiết thay sắc lao xao; nhịp sống vẫn tràn đầy hơi thở rừng núi, và con người, vâng, con người có nhiều lối rẽ trên đoạn đường không dài lắm so với dốc đồi bạt ngàn muôn thuở, Tây Nguyên!

oOo

Thoát khỏi vành nôi, lối rẽ vào đời với mầm non nhà trẻ; tuổi đôi mươi vạch lối tìm chữ nghĩa cho bước tiến đời người; ngả ba đường chập chờn hào quang réo gọi tham vọng lợi danh; bên cạnh hơi thở, bao cành nhánh nghiệp quả kéo lôi vào ngõ hẹp; ngả rẽ cuối đời vẫn là lòng đất mẹ. Trãi hoa lối rẽ đó là những tiếc thương với hạt lệ thương đau tiễn người đi trước. Năm châu bốn bể lối cụt giống nhau, khác chăng là sự tưởng nhớ gắn vào tháng ngày theo tập tục xa xưa.

Phương Tây quan trọng “sinh nhật”, Á Đông “giỗ chạp” nằm lòng. Xã hội thực dụng chết là hết, người nặng tâm tình tính với ngày tháng cúng cơm. Bốn chín ngày tuy không từ Phật Giáo, nhưng truyền thống nghìn đời vẫn chưa nét phôi pha.

Hằng Vang, ôi Hằng Vang! Người mà Phật Tử xem là đàn anh khả kính, trọn đời chay lạt, phục vụ nghệ thuật âm nhạc cho tuổi trẻ đơm hoa. Là một trong những đàn anh tên tuổi hiếm hoi đi vào sử sách âm nhạc đạo Phật; từng được lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trao tặng khen thưởng; một thời gian dài chìm lặng theo gió hú Tây Nguyên. Như đông trùng được ấp ủ dưới lòng đất lạnh để trổi dậy khi nắng hạ ấm lòng. Cũng thế đấy, dưới lòng đất đã bao lần người đời dẫm đạp, khi trồi lên, đón nhận lắm ngưỡng mộ nắng hồng. Ai làm người không từng sai lầm? Toàn vẹn chỉ là bậc Thánh. Cổ nhân dạy: “Nghĩa tử là nghĩa tận”; làm người con Phật, tấm lòng nhân hậu, xả ly làm đầu, trước di ảnh ai không ngã lòng bái tiễn người thảnh thơi về cõi lạc, huống thay, một tu sĩ trong đạo chưa gọi là già, tuổi đời không còn là trẻ, đã quan tâm đến giới văn nghệ một cách tận tình, chu đáo; chăm chút từng tánh hạnh, sức khỏe, sở thích mỗi người; quán xuyến, điều hành như một dũng tướng trước thiên la địa võng sự kiện. Người điều hành đáng tin cậy như thế , làm sao bỏ sót ngày Chung Thất của một nhạc sĩ tên tuổi rạng ngời hơn tám mươi năm thầm lặng chốn đại ngàn!

Thầy Huyền Lan, viện chủ tu viện Phước Hoa, Long Thành, đủ phước báu để một đại gia hậu thuẫn trọn gói mỗi khi Thầy khởi xướng phật sự. Y báu chánh báu đủ đầy, thầy trò tô bồi thêm phước nghiệp trong lãnh vực văn học nghệ thuật một cách chu đáo mà chưa ai chu toàn như thế. Trong giới tu sĩ Phật Giáo không thiếu những vị quý trọng giới văn nghệ sĩ, nhưng trách nhiệm từ A đến Z có một không hai như Thầy. Đoàn người từ Sài Gòn lên Daklak, lễ vật đầy đủ, tiền trạm lên trước chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho đoàn, đến gia thất của nhạc sĩ Hằng Vang sắp xếp trang trí, cho thấy tài tổ chức của người lãnh đạo có khác.

oOo

Từng người niêm hương trước di ảnh Cố Nhạc Sĩ, chín gái bốn trai cung đối linh đường kính thành bái lễ. “Gia tài của ba”, tập nhạc để lại, các con đều hát say sưa như tiếp nối hơi thở mạch máu gia phong. Hằng là con gái đầu trân quý từng nhạc phẩm, gom góp như cóp nhặt những hạt minh châu sáng giá. Quốc Văn trai trưởng cũng từng xuống tu viện Phước Hoa tháng giêng ngày rằm đáp lễ tấm lòng cao quý của Thầy viện chủ. Gia đình cháu con tề tựu vào ngày Chung Thất như trăm sông xuôi nguồn sôi động truyền thống Phật gia; chẳng những thế, còn nguyện ăn chay có thời hạn như trả nợ Phật Trời; biết đâu đó là hạt giống gieo vào Phật tâm.

Gia đinh cháu con ngoan hiền, một lòng mộ đạo hiếm hoi, thánh thiện. Trai có thể khác khuôn mặt, nhưng gái thì khó phân ai chị ai em, cứ như khuôn đúc công nghiệp, cái chung vẫn là tấm lòng hướng về Tam Bảo. Kỷ niệm về ba, các con đều thuộc những gì ba sáng tác, dị khẩu đồng âm, xướng lên say sưa âm điệu du dương ngoài chương trình mong đợi. Ai bảo Cố Nhạc Sĩ chỉ biết tán tụng dưới chân Phật đài bằng những họa tiết đạo ca? Cái tên mà thế gian chán chường bộ râu bất trị nằm bên dòng sông Srêpôk (Sêrêpôk) có tên Lê Sa Đà, tiết lộ Cố Nhạc Sĩ khi còn sanh tiền, ngoài nhạc đạo, còn có những tình khúc ngọt hơn mít ướt, mùi hơn sầu riêng, vẫn thấm đượm trong dòng máu cung đàn bảy nốt. Các con đã biết, các con cũng hát…

oOo

Bốn chín ngày của Cố Nhạc Sĩ, không còn là lễ tục truyền thống, trở thành điệp khúc “Nghê Thường” sống lại, thầy trò hòa nhập cung điệu cảm rung. Cầu nguyện, dâng quà chỉ là hình thức bắt nhịp nâng cao tình đạo lữ, nghĩa thầy trò, để thấy rằng cả một đời Cố Nhạc Sĩ trọn hiến cho đạo trở thành quả ngọt để cháu con sống mãi trong sự nghiệp cha ông, chất keo sơn gắn bó thầy trò qua bữa cơm tình nghĩa trong căn nhà chôn sâu kỷ niệm, điểm dừng chân cuối đời sau đoạn đường lưu lạc tha hương cho bầy con khôn lớn thành đạt.

Ôi! Vành khăn tang không biểu lộ nét đau thương, bao cặp mắt rạng ngời với niềm tin gửi gấm vào ánh đạo. Bốn chín ngày, vâng, bốn chín ngày chả là đoạn đường giao kết của “Trung Ấm thân” giữa âm dương đó sao? Hay là nốt nhạc liên khúc tình thầy nghĩa trò, để thấy rõ ý thức sâu sắc của Thầy đối với người đã ra đi, còn tiếp tục trách nhiệm dẫn dắt cháu con tiếp đoạn đời còn lại. Bốn chín ngày chỉ là khúc rẽ, Đời người có vô vàn khúc rẽ, cõi âm kia cũng lắm lối đi về… sao chỉ có 49 ngày?

MINH MẪN
23/3/2021 – Kỷ niệm chuyến về Daklak
dự Chung Thất Cố Nhạc Sỹ Hằng Vang
do Thượng Tọa Thích Huyền Lan tổ chức.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.