Đức Quán Thế Âm với ngày Hạnh của ngành Nữ GĐPTVN

 

Thưa anh chị em Lam Viên thân mến.

Mỗi ngành của Gia Đình Phật Tử đều có ngày truyền thống của mình: Ngành Nam (Thiếu Nam và Nam Huynh Trưởng) thì có ngày Dũng, là ngày vía Xuất Gia – nhằm mồng 8 tháng 2 âm lịch, ngành Oanh Vũ thì có ngày Hiếu – nhằm ngày Vu Lan rằm tháng bảy, ngành Nữ (Thiếu Nữ và Nữ Huynh Trưởng) thì có ngày Hạnh. Trong ngày đó, các ngành có những sinh hoạt đặc biệt như trại họp bạn, những khóa tu học, hội thảo, triển lãm, đi thăm các bệnh viện, nhà dưỡng lão, cô nhi viện v.v… Ngoài ra còn để báo cáo, tổng kết sinh hoạt của Đoàn, những thành quả của Ngành sau một năm, nói lên sức sống của đơn vị mình. Trong ngày đó, các em được thi đua về Phật pháp, hoạt động thanh niên; được biết, được làm quen với những điển hình xuất sắc của các đơn vị bạn… Riêng về ngành Nữ còn có triển lãm nữ công gia chánh. Đó là chưa kể những sáng kiến của riêng từng Đoàn, từng tỉnh, có thể đưa ra nhiều hình thức tổ chức ngày Hạnh sao cho các em vừa được gần nhau, gần các chị Trưởng của mình, để có cơ hội hàn huyên tâm sự…

Đúng ra ngày Hạnh của ngành Nữ ngày xưa được tiến hành qua 3 giai đoạn: 19 tháng 2 là tổng kết sơ khởi ở Đoàn, 19 tháng 6 là báo cáo lên đơn vị, tổ chức trong đơn vị Gia Đình, và 19 tháng 9 mới là ngày tổng kết toàn tỉnh với các đơn vị bạn. Ở Đoàn thì do Ban Huynh Trưởng ngành Nữ tổ chức, ở tỉnh thì do Ban Hướng Dẫn tổ chức… Bởi vì ở trong nước, số lượng GĐPT rất đông, mỗi tỉnh không thôi đã có cả trăm đơn vị rồi, còn ở hải ngoại thì ít hơn và thời gian đi lại khó khăn hơn nên thường chỉ được tổ chức ở các Miền, và có thể vài năm mới tổ chức một lần, chỉ có ở đơn vị mới tổ chức ngày Hạnh hằng năm thôi. Vì vậy, chỉ có 1 ngày chứ không phải 3 ngày như ngày xưa nên các em thường chọn 19 tháng 6 nhằm mùa hè, các em ngành Thiếu được nghỉ hè.

Ngày Hạnh cũng như những ngày truyền thống trong GĐPT, là dịp để các em ôn lại những việc đã làm, tự soi rọi lại mình, tiếp xúc với bạn bè ở các đơn vị khác, được thấy nghe những con người cụ thể, những điều hay đẹp, mới mẻ… của đơn vị bạn, để tự mình cố gắng tiến bộ trong tu học và tu tập. Riêng ngành Nữ, các em được các chị Trưởng nói về đức Quán Thế Âm, về ý nghĩa những hạnh nguyện cao cả rộng lớn của Ngài để các em thường chiêm ngưỡng, thực hành hạnh lắng nghe, lòng từ bi, trí tuệ v.v… của Ngài nói riêng, của chư Phật và Bồ-tát nói chung, cũng như sự thống nhất tư tưởng Phật Giáo mà các em đã được các anh chị trao truyền. Chúng ta hãy cùng với ngành Nữ ôn lại một chút.

Thưa anh chị em Lam Viên kính mến.

Hình tướng có nam có nữ, còn trí tuệ thì không có phân biệt nam nữ, cho nên về khả năng giác ngộ thì nam nữ giống nhau. Đức Quán Thế Âm Bồ-tát chứng được tánh nghe nhiệm mầu nên tiếng của Ngài là tiếng nói nhiệm mầu, tiếng nói thanh tịnh, tiếng nói ứng hợp thời cơ, tiếng như âm thanh hải triều; cứu giúp chúng sanh được mọi sự an lành, thoát mọi nỗi khổ sợ hãi… nhưng Ngài vẫn không rời tự tánh thanh tịnh, như trong kinh Pháp Hoa đã nói:

“Diệu âm Quán Thế Âm
Phạm âm hải triều âm
Thắng bỉ thế gian âm”.
(Tiếng mầu nhiệm Quán Thế Âm
tiếng Phạm, tiếng hải triều
tối thắng hơn tất cả âm thanh của thế gian).

Tại sao nói: “Đức Quán Thế Âm chứng được tánh nghe nhiệm mầu”? Ấy là tại vì Ngài tu phép nhĩ căn viên thông. “Chứng” là chỉ rõ được cái nhĩ căn hiện tiền, vẫn viên dung vô ngại, cùng khắp, hơn hẳn các căn khác – đây là lời đức Phật xác chứng trong kinh Lăng Nghiêm.

Trong đoạn “Viên thông về nhĩ căn”, đức Quán Thế Âm đã trình bày chỗ tu chứng của Ngài. Đó là do nghe, nghĩ và tu mà Ngài đã vào Tam-ma-đề (Samàdhi = đại định): Nghe là nghe Phật pháp, hiểu rõ đạo lý của Phật, do đó phát được Văn Tuệ (trí tuệ do nghe). Nghĩ là suy nghĩ những điều đã học được, nhận rõ đạo lý ấy nơi tâm cảnh hiện tiền, do đó phát ra Tư Tuệ (trí tuệ do tư duy). Sau khi nhận rõ đạo lý nơi tâm cảnh hiện tiền, Ngài luôn luôn đem cái đạo lý ấy mà huân tập tâm tính, nương theo đạo lý ấy mà tu tập, diệt trừ các mê lầm, do đó phát ra Tu Tuệ (trí tuệ do tu tập). GĐPT chúng ta nói chung, ngành Nữ nói riêng, đã áp dụng Văn-Tư-Tu trong việc giáo dục đàn em và chính mình, thể hiện qua các bài học Phật pháp với 3 phần rõ rệt: Em nghe, Em suy nghiệm, Em tu tập.

Thưa anh chị em áo lam kính mến,

Noi theo gương Ngài ở mức độ cao hơn, hàng Huynh Trưởng chúng ta còn học tập đức Quán Thế Âm ở việc Ngài “quán cái tánh nghe không thêm bớt, không thay đổi, không sinh diệt, cùng khắp mười phương không ngăn ngại”. Ngài quán các tướng động, tĩnh hiện ra trong tánh nghe là như huyễn như hóa, không có tự tánh nên không còn phân biệt “Ta” và “Người”. Chúng ta đã diễn đạt ra đơn giản hơn, đó là “đức Quán Thế Âm Bồ-tát đã vượt qua biển lớn của lỗ tai (nhĩ căn)” và chúng ta cũng đã đặt câu hỏi để mình tự trả lời: Tại sao tai cũng là biển lớn phải vượt qua? Tại vì những lời qua tiếng lại, những lời khen tiếng chê v.v… cũng làm tâm dao động. Những lời khen chê, tự nó không xấu nhưng do ta chấp vào lời khen để sinh tâm ngã mạn, hay chấp vào lời chê để sinh tâm thù oán thì đó là sai. Quán sát âm thanh đơn thuần là âm thanh thì hiểu được Đạo. Khi ta điềm nhiên trước những lời chê bai, chưởi mắng, nhục mạ, v.v… là ta đã độ được tâm mình, độ được tâm người kia.

Nhớ chuyện xưa, đức Phật im lặng lắng nghe người Bà-la-môn kia mắng chưởi Ngài đến nỗi người ấy phải kinh ngạc hỏi: “Tại sao tôi nhục mạ Ngài cả buổi mà Ngài không giận dữ hay chưởi mắng lại?” Đức Phật hỏi: “Khi ông đem cho ai cái gì mà họ không nhận thì ông làm sao?”. Người Bà-la-môn đáp: “Thì tôi đem về”. Đức Phật nói: “Cũng thế, những lời nhục mạ lúc nãy của ông cho, Như Lai không nhận, vậy ông hãy đem về đi!”. Thật vậy, khen hay chê đều không thể biến ta thành ra người khác. Ta hãy cố gắng giữ gìn chánh niệm, tỉnh lặng để nghe tất cả âm thanh với tâm không phân biệt; nghe khen không ngã mạn, nghe chê không chán nản, oán thù. Được như thế thì tất cả mọi âm thanh đều là pháp, những lời chê là thử thách sự kiên định của tâm, là phương pháp rèn luyện tâm, điều phục tâm dao động. Được như thế là ta đã phần nào noi theo gương đức Quán Thế Âm – vượt qua biển lớn của tai rồi.

Thưa anh chị em Lam Viên.

Trong mùa vía Quán Thế Âm này, chúng ta hãy cùng với ngành Nữ tiến thêm một bước nữa, nguyện học theo hạnh Ngài “tự nghe cái nghe”, hay “xoay cái nghe vào bên trong” (Phản văn văn tự tánh hay phản quan tự kỷ). Đức Quán Thế Âm dạy rằng, xoay cái nghe vào bên trong tức là thoát ly thanh trần. Điều này được soi sáng bằng câu trả lời của ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ với đệ tử khi người này hỏi “mục đích tu thiền là gì?”:

“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, có nghĩa là: Người tu phải soi rọi lại chính mình, đó là bổn phận; không phải từ bên ngoài mà được Đạo. Để giúp thêm tài liệu cho anh chị em chúng ta vững tin rằng đây chính là tinh thần thống nhất được truyền từ trên xuống dưới của hệ thống kinh điển qua Lịch Đại Tổ Sư. Xin nhắc lại vài giai thoại thiền, trước hết là câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” trên đỉnh Linh Thứu: Trong Pháp Hội, đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên và đưa mắt nhìn mọi người, đến Ca-diếp, Tôn Giả mỉm cười, đức Phật liền nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn diệu tâm, nay đem trao cho Ca-diếp”. Như vậy, Tôn Giả Ca-diếp được đức Thế Tôn truyền y bát làm vị Tổ thứ nhất. Sau đó, khi đức Phật đã nhập Niết-bàn rồi, tôn giả A-nan hỏi Ngài Ca-diếp: Thế Tôn truyền y bát cho sư huynh, có truyền thêm gì nữa không?

Ca-diếp không trả lời mà cất tiếng gọi: A-nan!

A-nan đáp: Dạ!

Ca-diếp nói tiếp: Cây phướng trước chùa ngã!

Ngay đó, Tôn Giả A-nan ngộ.

Chúng ta nghe vậy thì ngơ ngác, vì Tôn Giả A-nan đã nhận biết cái chân thật của mình, còn chúng ta đang lăng xăng quá nên chưa nhận ra cái gì giả và cái gì thật nơi mình cả!

Tương tự như vậy, khi Thần Quang thưa với Tổ Đạt-ma rằng:

-Bạch Hòa Thượng, tâm con không an, xin Hòa Thượng dạy con pháp an tâm.

Tổ đáp: Hãy đem tâm ra ta an cho!

Thần Quang sửng sốt, xoay lại tìm cái tâm của mình mà không thấy tâm đâu hết!

Ông bèn thưa lại với Tổ: Bạch Hòa Thượng, con tìm tâm con không ra.

Tổ bảo: Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó!

Ngay khi ấy, Thần Quang đại ngộ, được Tổ Bồ-đề-đạt-ma thu nhận làm đệ tử và đổi tên là Huệ Khả.

Thưa anh chị em.

Như vậy chúng ta thấy rõ rằng từ “Chánh pháp nhãn tạng” của Đức Thế Tôn trên đỉnh Linh Thứu đến pháp tu “nhĩ căn viên thông” của đức Quán Thế Âm, qua cái “pháp an tâm” của Tổ Bồ-đề-đạt-ma, quả thật không khác lời tuyên bố của Tổ Bồ-đề Đạt-ma về tinh thần Thiền Tông, cốt tủy của đạo giải thoát khi Ngài đến Trung Hoa. Đó là:

Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
(Không có văn từ chữ nghĩa,
Truyền riêng ở ngoài giáo lý,
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật).

Chúng ta tuy chưa đạt đến trình độ nghe một câu là trực ngộ nhưng chúng ta đã có phương pháp Văn-Tư-Tu, đã biết gốc ngọn của đạo mình, đã biết được đạo không phải là lý thuyết suông mà phải tu sau khi “Văn-Tư” rồi.

Vì vậy, để kỷ niệm ngày vía Quán Thế Âm, cũng là ngày Hạnh của ngành Nữ GĐPT, để tán thán và cảm niệm ân đức sâu dày của Ngài “bố thí pháp vô úy cho chúng sanh”, không gì quý hơn là anh chị em chúng ta quyết tâm vâng theo lời khuyên của Ngài, tu tập nghe cái tánh nghe; hãy xoay cái nghe vào bên trong như ngài Ca-diếp đã dạy ngài A-nan như vậy. Chúng ta hãy dừng lại, đừng chạy theo ngoại cảnh mà hãy tự nghe cái tánh nghe của mình. Khi một căn của chúng ta đã thực hành được thì các căn còn lại cũng đều sẽ được như vậy.

Thân kính chúc ngành Nữ GĐPT nói riêng, và tất cả Lam Viên nói chung một mùa vía Quán Thế Âm – Mùa Hạnh – an lạc, giải thoát để hoàn thành mọi Phật sự được giao phó.

Trân trọng-/.

TÂM MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.