Kính thưa quý vị và các bạn!
Tại sao phải thu gọn “giáo dục” lại thành giáo dục trong Gia Đình Phật Tử (GĐPT)? Xin thưa, bởi vì giáo dục nói chung quá rộng lớn, và khi nhấn mạnh giáo dục trong GĐPT, chúng tôi muốn nói đến giáo dục Phật Giáo mà anh chị em Huynh Trưởng đã được trao truyền và áp dụng không chỉ trong việc giáo dục đàn em mà còn áp dụng cho chính bản thân nữa.
Người làm công tác giáo dục trong GĐPT không phải chỉ cần biết trao truyền kiến thức, cũng không phải chỉ là ‘nhà truyền giáo’ đơn thuần, mà còn phải biết dùng những phương tiện để thu hút các em, lôi cuốn các em đến học Phật và thấm nhuần Phật pháp một cách tự nhiên. Tất nhiên là không phải đến với GĐPT để tẩy não các em hay để nhồi nhét Phật pháp cho các em. Giáo dục Phật Giáo khác với giáo dục Khổng-Mạnh hay giáo dục của Jean Jacques Rousseau. Trong chương trình tu học của các em từ ngành Thiếu đến Huynh Trưởng thì môn học Phật pháp là quan trọng nhất, nhưng vì các em không phải là người xuất gia hay chuẩn bị để xuất gia nên chương trình tu học cần phải có đủ thứ hết: ngoài Phật pháp còn có Hoạt động thanh niên (HĐTN), Văn nghệ, Trại & Sinh hoạt trại; ở hải ngoại còn có thêm môn Việt ngữ. Trong HĐTN có gút, truyền tin (Morse, Sémaphore, dấu đi đường…), cứu thương, đo đạc, thiên văn, v.v… Trong văn nghệ có báo chí, sân khấu, trình diễn, cách sử dụng những nhạc cụ thông thường, v.v…
Người Huynh Trưởng GĐPT là những nhà giáo dục, có người không được đào tạo từ một trường Sư phạm nào cả, có người không có nhiều bằng cấp hay học vấn uyên thâm như những học giả, triết gia…, nhưng với tấm lòng thương yêu trẻ, vì Tam Bảo và tổ chức GĐPT, nên những anh chị ấy đã thành công trong việc giáo dục các em sống đúng theo chân tinh thần Phật Giáo. Với tinh thần trách nhiệm, vì tình thương cho các em, các anh chị Huynh Trưởng đã không ngừng thao thức, trăn trở… tìm những phương pháp thích hợp để hướng dẫn cho các em. Không phải đợi đến thế kỷ thứ 21 mới có một nền giáo dục mang tính chất nhân bản dân tộc và khai phóng, mà cách đây gần 3.000 năm Đức Thế Tôn đã chủ trương một nền giáo dục mang các đặc tính mà hiện nay các nhà trường tiên tiến trên thế giới đang áp dụng: Tinh thần thực tiễn; tinh thần hướng dẫn, khích lệ; tinh thần tự tín tự chủ; tinh thần độc lập; tinh thần tùy duyên bất biến; v.v…
Trước khi mời quý vị và các bạn theo dõi buổi hội thoại giữa các Huynh Trưởng về phương pháp giáo dục trong GĐPT, xin kể quý vị nghe một câu chuyện để chúng ta thấy rằng dạy Trẻ có nhiều điều thú vị bất ngờ, và bài học mà người lớn muốn cho các em tiếp thu không phải khi nào cũng giống như điều mà người lớn đã dự tính đâu!
Có một nhà quý tộc giàu nọ, một hôm đưa cậu con trai về đồng quê để thăm nhà một nông dân rất nghèo, để dạy cho con biết “người nghèo sống như thế nào”. Cậu bé rất vui khi được hít thở không khí trong lành của đồng ruộng và rong chơi suốt ngày. Khi trở về người cha hỏi:
– Con có thích cuộc đi chơi này không?
– Dạ thích lắm!
– Vậy con đã thấy người nghèo sống như thế nào chưa? Con đã học được những gì nào?
– Dạ con học được nhiều lắm! Thí dụ như nhà họ có bốn con chó, nhà mình chỉ có một con. Nhà mình chỉ có một cái hồ bơi nhỏ ở trong vườn nhà thôi, còn họ có cả con kênh dài vô tận! Lồng đèn của mình chỉ thắp sáng trong vườn, còn họ thì có muôn ngàn vì sao trên trời soi sáng. Nhà mình nhìn ra chỉ có cái patio nhỏ xíu, còn họ có thể nhìn xa ra tận chân trời. Nhà mình có người làm phục vụ, còn họ thì phục vụ người khác. Nhà mình phải mua thức ăn, còn họ tự trồng để ăn. Nhà mình có tường rào bao bọc che chở, còn họ có bạn bè, bà con láng giềng che chở.
Người cha không nói được lời nào, cuối cùng cậu con thêm vào một câu: Cảm ơn ba đã chỉ cho con biết, chúng ta thật là nghèo nàn biết bao!
Có phải là thú vị bất ngờ không, thưa quý vị và các bạn?!!!
Bây giờ, xin kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại về Giáo dục trong GĐPT sau đây với những Huynh Trưởng trẻ quen thuộc A, B, C:
A: Đề tài của chúng ta hôm nay là vấn đề giáo dục trong GĐPT phải không?
B: Phải, phải. Nhưng đi sâu vào phương pháp hướng dẫn các em, và còn định hướng cho các em của chúng ta nữa.
C: Không phải chỉ cho Đoàn Sinh mà còn cho Huynh Ttrưởng nữa đó.
A: Chà! Sao nhiều vậy? Mình cứ thảo luận đến đâu hay đến đó nha! Trước hết bạn nào mở đầu bằng tinh thần giáo dục của GĐPT là gì đi nha!
B: Dạ được. Tinh thần giáo dục của GĐPT đã được nêu lên làm châm ngôn của GĐPT, đó là: Bi, Trí, Dũng. Giáo dục trước hết phải thương yêu đối tượng mình giáo dục, phải không các bạn? Người thầy, người Huynh Trưởng, phải mở rộng lòng mình ra để bao dung cho người học trò, người đệ tử của mình (bi). Nhưng lòng bao dung không phải là nuông chiều quá mức để học trò sinh hư mà phải có kỷ luật, nề nếp, vì vậy cần phải có hiểu biết (trí tuệ) mới có thể thương yêu đúng cách được. Sự hiểu biết và thương yêu này không chỉ duy trì trong vài giờ, vài ngày, vài tháng mà có khi đến vài năm, cho nên cần phải có một tình thương vững bền, một sự tinh cần cao độ, một sự hy sinh không tính toán, một sự hỷ xả vô điều kiện (dũng) mới được.
C: Đúng vậy, cho nên ai đã “mang lấy nghiệp” Huynh Trưởng vào thân thì cũng đừng “trách trời gần trời xa” nha! Hi…hi…
A: Phải rồi, vì làm Huynh Trưởng GĐPT không có lãnh lương, không có benefits, không có vacation, mà còn tốn tiền xăng (đưa đón các em đi sinh hoạt, mua pizza cho các em ăn nếu tụi nhỏ đói bụng v.v…); vậy mà số lượng Huynh Trưởng GĐPT ở trong nước hay hải ngoại cũng đều đông đảo cả! Nhưng bây giờ chúng ta bàn đến sự áp dụng tinh thần này vào các bộ môn sinh hoạt của GĐPT nha! Mục đích chính của chúng ta là phổ biến Phật pháp, vậy tại sao lại có bộ môn Văn nghệ trong GĐPT?
B: Văn nghệ GĐPT cũng chuyên chở Phật pháp, đạo đức, tinh thần dân tộc, khai phóng, v.v…
C: Khoan đã, các bạn hãy cho tôi biết thế nào là tinh thần dân tộc? Và khai phóng là gì?
A: Nói cho rõ một chút thì tinh thần giáo dục mới của thế giới ngày nay đòi hỏi một nền giáo dục toàn diện là phải đào tạo được một con người toàn diện với 3 tính chất: nhân bản, dân tộc và khai phóng.
B: Tính chất nhân bản (humanity) nghĩa là con người đó phải biết mình là ai (ví dụ người Phật Tử thì biết mình là một hợp thể ngũ uẩn, là kết hợp của 12 nhân duyên, v.v… chẳng hạn). Tính dân tộc (nationality) nghĩa là giáo dục cho mình biết nguồn gốc của mình, ông bà tổ tiên của mình là ai, đất nước của mình nằm ở đâu, lịch sử dân tộc mình như thế nào v.v…, nếu không biết thì mình được gọi là người mất gốc. Tính khai phóng (liberty, liberal education, free) nghĩa là dạy cho mình biết mở mang tâm thức và trí tuệ, biết tiếp thu những tinh hoa của thế giới, những thành quả của khoa học hiện đại, phải biết mở lòng ra đón những ngọn gió mới làm cuộc đời tươi mát hơn… không phải chỉ khư khư ôm lấy quá khứ của mình, của dân tộc mình, dòng họ mình… rồi trở nên lạc hậu lúc nào không hay. Nói cách khác, gắn bó với quê hương dân tộc không có nghĩa là tự trói chặt mình vào những truyền thống, không mở rộng tầm nhìn ra thế giới đổi mới để học tập và tiến bộ.
C: Như vậy thì mình hiểu rồi, văn nghệ GĐPT nói riêng và các bộ môn khác nói chung quả thật đạt được các yêu cầu ấy. Này nha: mình dạy cho các em những điệu vũ dân tộc, có khi các em múa những điệu vũ Tây phương đã được cải biến cho hợp với giai điệu, phong cách của người Việt Nam v.v…; đã áp dụng computer vào chương trình học trên Net; họp viễn liên trên điện thoại để khỏi phải đi lại mất nhiều thì giờ, tiền bạc; ở cái xứ sở rộng thênh thang này, tài liệu tu học từ ngành Thiếu đến Huynh Trưởng, từ sinh hoạt ở đơn vị đến sinh hoạt các trại huấn luyện v.v…, đã được thâu vào những băng Video, CD, DVD, v.v… để phổ biến rộng rãi. Ngoài ra mình còn dạy tiếng Việt cho các em Oanh Vũ, dạy lịch sử và địa lý cho các em ngành Thiếu và Huynh Trưởng nữa.
A: Về các bài hát sinh hoạt, các trò chơi nhỏ và HĐTN cũng vậy, không phải bất cứ bài hát hay trò chơi nào cũng dùng cho GĐPT được. Vì vậy đã có nhiều Huynh Trưởng sưu tập những bài hát, những trò chơi nhỏ đã được Phật hóa để dạy cho các em. Còn môn HĐTN, ví dụ với những Trò chơi lớn, cũng đã kết hợp đầy đủ những phương pháp rèn luyện tính tình, sự tháo vát, thông minh, khéo léo (skills), tác phong và đạo đức của các em rồi.
B: Ngoài ra, dù với bất cứ môn học nào, đặc biệt là Phật pháp, phương pháp quen thuộc nhất của giáo dục GĐPT là Văn, Tư, Tu. Văn là nghe, là huân tập vào tâm trí mình những lời kinh, tiếng kệ, lời Đức Phật và Chư Tổ dạy, lời giảng của Quý Thầy, Quý anh chị Trưởng, v.v… Tư là suy nghĩ, trầm tư về những điều đã nghe, có gì không hiểu thì phải hỏi (hỏi tận gốc để không còn thắc mắc mới thôi). Tu là thực hành. Sau khi nghe rồi, hỏi kỹ lại những chỗ còn thắc mắc, suy gẫm, thảo luận với bạn bè xong thì phải thực hành.
C: Phải rồi, nếu học Phật pháp mà không thực hành thì chúng ta chỉ là “những cái đãy đựng sách” đó! Ngoài ra, người Huynh Trưởng phải là tấm gương cho đàn em soi nữa, nghĩa là vấn đề thân giáo không thể bỏ qua trong giáo dục GĐPT, có phải không?
A: Đúng vậy, cái khó của người Huynh Trưởng GĐPT là phải “nói sao làm vậy, làm sao nói vậy”, không thôi các em hỏi làm sao trả lời? Nếu chúng ta dạy các em ở lớp, ở trường, sắp nhỏ còn sợ chúng ta vì còn có thể bị cho zéro, bị phạt v.v…, còn ở GĐPT mình còn khuyến khích cho các em hỏi, các em thắc mắc nữa. Còn nhớ có em hỏi một anh Huynh Trưởng “sao anh dạy tụi em đừng sát sanh mà anh đi câu cá?”, anh ấy phải xin lỗi và từ đó về sau không bao giờ đi câu cá nữa. Tóm lại, một người Huynh Trưởng GĐPT không chỉ giáo dục các em trong khi cầm còi, đứng trên bảng, trong chánh điện, trên đất trại, v.v… mà còn phải “dạy” các em ở mọi lúc, mọi nơi. Nói cách khác, các em của chúng ta có mặt ở khắp nơi, nếu chúng ta thiếu tĩnh thức, thiếu tu tập, thì một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, rất bất ngờ chúng ta sẽ lúng túng không biết trả lời các em làm sao nếu chúng ta “nói một đường, làm một ngả”.
B: Đúng vậy. Và người thầy, người Huynh Trưởng không phải chuyện gì cũng bày vẽ được cho học trò của mình đâu; phải để cho người học trò của mình, đệ tử của mình, đàn em của mình tự làm chủ những vấn đề riêng của nó. Mình đâu có phải là nó để thay thế nó mà giải quyết được!
C: Phải rồi, bây giờ các bạn nói cho mình nghe những phương pháp hướng dẫn các em như thế nào cho khế hợp với tinh thần Phật Giáo trong thời đại mới đây?
A: Mình nghĩ Phật pháp không bao giờ cũ. Những gì gọi là “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng”, Đức Phật đã nói cách đây hơn 2.500 năm rồi! Không có gì cần phải thay đổi cả. Chỉ có phương pháp truyền đạt, ngôn ngữ dùng để truyền đạt có thay đổi mà thôi. Mình xin lấy ví dụ: Nếu bây giờ dạy Phật pháp cho các em mà dùng lại bài của chúng mình học cách đây 50 năm trong đó toàn chữ Hán Việt, thì đó gọi là cũ; nếu còn dùng lối đọc trong các sách viết từ những năm 60 ra, đó cũng là cũ. Đổi mới là gì? Ví dụ học Lịch sử Đức Phật Thích-ca hay Sự tích Đức Phật Di Lặc, mình cho các em coi phim Little Buddha (phim nói tiếng Anh) hay Sự tích Phật Di Lặc (phim nói tiếng Trung Quốc, được chuyển ngữ thành tiếng Việt) rồi bảo các em kể lại truyện phim, cho các em đặt câu hỏi và chúng ta cũng đặt câu hỏi cho các em v.v…, đó là một ví dụ về đổi mới.
B: Đúng vậy, đối với các em lớn hơn một chút thì dùng phương pháp hội thoại trong lớp giữa các em với nhau. Ví dụ anh/chị Trưởng đưa ra một câu hỏi hay một vấn đề, các em trả lời, thảo luận, biện giải v.v…, những vấn đề này là từ những bài Phật pháp trong chương trình chứ không phải ở ngoài; nghĩa là mình phải hoàn thành chương trình để các em thi Vượt Bậc nhưng không khí học tập khác xưa, không phải anh/chị giảng, các em ngồi nghe, mà các em đều tham gia thảo luận về bài học của mình. Với cách này nội dung truyền đạt vẫn được bảo đảm.
C: Mình có thể chiếu phim cho các em coi về các cảnh chùa ở Việt Nam hay đưa các em đi thăm các chùa nơi thành phố mình ở. Có thể mời Quý thầy, Quý sư cô đến giảng cho các em một thời pháp v.v…; Quý thầy/Sư cô trẻ dùng tiếng Anh để giảng cho các em, các em rất thích vì sẽ hiểu nhiều hơn nếu chỉ đọc sách Phật pháp mà không có song ngữ, hay có song ngữ nhưng văn viết (written language) chứ không phải văn nói (spoken language), làm các em thấy khó hiểu.
A: Hay lắm! Tùy theo sáng kiến, các bạn có thể làm cho những bài học của chúng ta trở nên sống động hơn. Ví dụ, mình nhớ hồi đơn vị mình mời nhân viên cấp cứu về hỏa hoạn (firefighter) và Toán tìm kiếm và tiếp cứu nạn nhân (Search and rescue team) đến dạy cho các em mình cách ứng xử với những tai họa khẩn cấp (emergencies & natural disasters) như hỏa hoạn, tai nạn xe, tornado, lụt v.v…, họ bày cách dập tắt lửa, cách đem người từ trong nhà bị cháy ra, hay cách tránh gió xoáy (tornado, vòi rồng), cách gọi cảnh sát giao thông v.v…, các em rất thích, vì họ có những kiến thức chuyên môn rất hấp dẫn. Đó là những bài học rất sống động về cấp cứu, cứu thương, thoát hiểm, v.v…
B: Nhiều người nói chương trình HĐTN của GĐPT quá cũ, ví dụ bây giờ đâu có ai dùng đến Morse, Sémaphore, v.v… nữa, các bạn nghĩ sao?
C: Mình thấy những kiến thức đó cũng có giúp ích cho các em nhiều chứ, chỉ là mình diễn tả không được thông suốt thôi. Bạn A góp ý đi.
A: Đúng vậy. Vấn đề không phải là vì bây giờ không ai dùng, nên học về truyền tin (Morse, Semaphore, mật thư, dấu đi dường…) là vô ích đâu! Những bài học ấy giúp các em phát triển trí thông minh, nhanh mắt, lẹ tay, thính tai, óc sáng kiến, khả năng nhạy bén về nhận xét chung quanh mình. Cách viết và giải các mật thư làm phát triển khả năng “trinh thám” và sự khéo léo sắp xếp thành những mật thư mới lạ…, rất có ích cho các em sau này gặp những tình huống tương tự. Vấn đề là những cái gì mình thấy thiết thực thì thay đổi một chút để dạy cho các em. Ví dụ ngày xưa ở quê nhà mình dạy các em thay bánh xe đạp, vá xe đạp, bây giờ đổi lại dạy “thay bánh xe hơi” mà thôi. Ngày xưa học vá áo, may áo, bây giờ đổi lại là “thực hiện trang Web” cho Đơn vị, cho Miền, v.v… Nói tóm lại, tâm huyết của người Huynh Trưởng muốn tìm ra cách hay nhất để truyền đạt cho các em mình là điều quan trọng nhất.
B: Như vậy hôm nay chúng ta đã nắm bắt được hướng giáo dục chung và giáo dục của GĐPT trong đường hướng giáo dục chung ấy. Các bạn thấy giáo dục GĐPT có trở ngại gì cho hướng giáo dục con người toàn diện không?
C: Mình thấy hình như ngay trong hướng giáo dục con người toàn diện của thế giới mới này hơi chỏi nhau đó! Ví dụ như tính dân tộc có làm trở ngại tính khai phóng hay không? Vì một mặt thì dạy phải giữ gia phong nề nếp, một mặt dạy “bung ra” để tiếp thu cái mới, không phải là chỏi nhau sao?
A: Chính vì vậy mà sự tồn tại của hai mặt này mới quân bình lẫn nhau: Nếu thiên về dân tộc tính quá thì đó là cố chấp, dính mắc với cái cổ truyền, không chịu tiếp cận với thế giới mới, dễ trở nên lạc hậu; còn nếu phóng khoáng tự do quá thì chỉ biết chạy theo cái mới, đánh mất gốc rễ của mình. Cả hai đều là cực đoan. Nhưng cách đây hơn 2.500 năm Đức Thế Tôn đã cho chúng ta cái cẩm nang để đối trị sự “chỏi nhau” này rồi!
B: Là tinh thần “Tùy duyên bất biến” phải không?
A: Đúng vậy.
C: Vậy là giáo dục GĐPT cũng cùng chung hướng với nền giáo dục mới mang tính chất nhân bản dân tộc và khai phóng, phải không các bạn? Hôm nay mình được biết thêm nhiều từ ngữ mới. Buổi hội thoại thật vui và bổ ích ghê! Cảm ơn các bạn nhiều! Chào tạm biệt!
A và B: Tạm biệt! Tạm biệt!
TÂM MINH*
[Tập san Pháp Luân số 37, 2006, trang 77]
oOo
* Tức là chị Tâm Minh VƯƠNG THÚY NGA, Huynh Trưởng GĐPTVN sinh hoạt tại Hoa Kỳ kể từ năm 1993 – (Thư Viện GĐPT chú thích).