Quán Thế Âm! Đấng mẹ hiền trên tất cả mẹ hiền, trên tất cả thánh nhân được tôn xưng là mẹ hiền.
Quán Thế Âm! Danh hiệu của tình thương bao la không bờ bến, bao la rộng khắp cõi hư không.
Quán Thế Âm! Gắn liền với tim óc của nhân loại, của muôn loài chúng sanh.
Với Quán Thế Âm nơi nào có khổ đau; nơi nào có tai nạn; nơi đó phát ra tiếng niệm Quán Thế Âm chí thành và tha thiết thi nơi đó có Quán Thế Âm. Nơi đó được giải trừ tất cả khổ đau và tai nạn!
Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm trong nhân loại ai cũng đều biết đến, cũng đều niệm khi có tai nạn hiểm nguy và ách nạn khủng khiếp. Ngoại trừ hạng người sanh ra nơi biên địa, hoặc căn trí quá tối tăm, hoặc tín ngưỡng tà đạo, mê muội với thần quyền hữu danh mà vô thực. Hoặc là hạng người đã bán rẽ mẹ cha tôn thờ xác ma chết treo đầy quái gỡ làm cứu cánh. Vì chính họ đã chối bỏ Quán Âm thì Quán Âm không giao cảm đến. Tuy nhiên hạng người đó biết hồi tâm trong khoảnh khắc thì Quán Thế Âm vẫn thị hiện để hóa độ.
Ý NGHĨA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Quán là quán xét, thấy nghe, biết đối tượng thật rõ ràng.
Thế là cõi đời, cỏi hữu tình thế gian.
Âm là tiếng niệm, tiếng kêu cứu, tiếng cầu nguyện từ mọi nơi đau khổ phát ra.
Bồ Tát là độ thoát cho loài hữu tình, cứu thoát, giác ngộ cho tất cả các loài chúng sinh có tình cảm được vượt thoát ra khỏi khổ đau ách nạn.
Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, đạt được diệu quả Nhĩ Căn Viên Thông nên quán xét và nghe, thấy, biết cùng tột tiếng kêu đau khổ khắp cõi thế gian, hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sanh được vượt thoát tất cả những hiểm nguy nên gọi là Quán Thế Âm.
Do công hạnh cứu độ tự tại nhiệm mầu đó, nên trong kinh điển còn gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát.
Quán Thế Âm, tiếng Phạn Avalokitesvara, nghĩa là ngài nghe tiếng kêu thầm kín thiết tha từ tâm khảm chúng sanh trong thế gian mà đến cứu khổ. Đem an lạc từ bi tâm vô lượng không phân biệt dến với mọi loài, nói cách khác là tình yêu thương trìu mến vô biên gấp muôn vạn lòng dạ của bà mẹ hiền ở thế gian đối với đứa con cưng, nên gọi là Từ Mẫu Quán Thế Âm.
QUÁN THẾ ÂM VÔ ÚY
Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn: “Bồ Tát đối với cấp nạn nguy hiểm, kinh sợ, còn ban cho chúng sanh năng lực Vô Úy để tự vượt thoát khổ ách”, nên gọi là Quán Âm Vô Úy.
SỰ TÍCH BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Đức Phật Bổn Sư Thích Ca khi nói kinh Bi Hoa đã dạy rằng: Về thời quá khứ lâu xa về trước, đức Quán Thế Âm làm thái tử con của vua Vô Tránh Niệm. Thời bấy giờ có đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai, hiểu được đạo lý vô thượng, vua và thái tử phát tâm bồ đề rộng lớn, nguyện tu các hạnh Bồ Tát, mong thành Phật quả để phổ độ chúng sanh.
Khởi đầu đức vua và thái tử làm người thí chủ chân thành cúng dường các thứ y phục, thuốc men, vật thực, mùng mền và tất cả các món cần dùng lên đức Bảo Tạng Như Lai và chúng tăng trong suốt 3 tháng. Nhờ nhất niệm tinh chuyên, tinh tấn không ngừng, vua Vô Tránh Niệm chứng thành quả Phật và phát 48 lời thệ nguyện rộng lớn để tế độ khắp cả chúng sanh, ngài liền thành Phật hiệu là A Di Đà, giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc. Thái tử công hạnh cũng tròn đầy viên mãn cũng về cõi Cực Lạc thành bậc đại Bồ Tát hiệu là Quán Thế Âm cùng với Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh về cõi Cực Lạc.
CÔNG HẠNH BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Ngài Huyền Trang Pháp Sư đời Đại Đường nói: “Quán Có, mà không trụ nơi Có, quán Không mà không trụ nơi Không. Nghe Danh, mà không lầm đối với Danh, thấy Tướng mà không chìm ở nơi Tướng. Tâm, không động ở Tâm. Cảnh không trước ở cảnh; tất cả hiện hữu đó, không làm loạn được Chơn, đó chính là Trí Tuệ Vô Ngại. Bồ Tát Quán Thế Âm đã dùng Trí Tuệ Vô Ngại đó mà tìm tiếng kêu của chúng sanh ứng hiện tới mà cứu khổ, dù muôn ngàn vạn ức tiếng kêu cầu cứu khổ mà sự cứu khổ không mất thời gian, diệu dụng của Quán Thế Âm là như thế.
Lại nữa, trong Nhị Khóa Hiệp Giải viết rằng: “Quán, là trí năng quán, Thế Âm, là cảnh sở quán. Muôn ngàn hình tượng, muôn ngàn thứ tiếng chen nhau giao động, khác biệt, cách trở điệp điệp trùng trùng, do lòng từ rộng lớn vô biên của ngài cùng một lúc đều được cứu độ, nên danh hiệu là Quán Thế Âm.
Thái Hư Đại Sư khi luận về kinh Pháp Hoa có nói đến hạnh nguyện cứu khổ của Bồ Tát Quán Thế Âm như sau: “Đức Quán Thế Âm tìm nghe tiếng cầu cứu thống khổ của tất cả chúng sanh khắp mọi nơi, mọi chốn liền ngay khi đó đến mà cứu độ, quả vị lợi tha vô lượng vô biên luôn luôn hướng về chúng sanh và làm những việc lợi ích cho họ. Bồ Tát thị hiện đầy đủ ba thân, đó là Thắng Ứng Thân, Liệt Ứng Thân, Tha Thọ Dụng Thân, nên mới đủ diệu dụng độ khắp chúng sanh trong pháp giới.
Còn Đại Thừa Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, toàn phẩm kinh đức Thích Ca đã khuyên dạy chúng sinh trì tụng, lễ bái Quán Thế Âm thì được phước vô lượng. Về phương diện cứu khổ, Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện 32 thân, mỗi thân đều thích ứng với tâm cảnh hiện tại và từ đó có muôn ngàn phương tiện để giải thoát khổ nạn cho chúng sanh.
BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM THỊ HIỆN BẰNG CÁCH NÀO TRONG KHI CÓ VÔ SỐ CHÚNG SANH CẦU CỨU CÙNG MỘT LÚC?
Đây là một nghi vấn chung vì chúng ta chưa thông hiểu được nghĩa diệu dụng hiện thân mầu nhiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Đã là diệu dụng nhiệm mầu, thì thử hỏi ngôn ngữ trong cõi nhân loại chúng ta có thể diễn đạt được sao? Nếu không dùng phương tiện mượn Sự, mượn Lý, mượn Hình để tỉ dụ thì khó có thể mô tả so sánh cho thông suốt và hết ngờ vực được. Nghi ngờ là một cản trở lớn cho lòng chí thành vậy. Tuy nhiên nghi ngờ mà cầu học để giải trừ tà kiến là một tinh tấn để mau chóng đến bờ giải thoát.
Diệu dụng mầu nhiệm của Bồ Tát là tất cả các thứ Sắc Pháp và Tâm Pháp “Có-Không; Danh-Tướng; Tâm-Cảnh; Năng-Sở…cho đến xa, gần, dày, mỏng, tối, sáng, nhiều, ít v.v… tất cả đều không chướng ngại. Quý vị nhận định thí dụ sau đây:
Diệu dụng cứu khổ của Quán Thế Âm, tỉ như ánh sáng của thái dương (dụ cho thường quán) luôn luôn soi chiếu khắp mọi nơi, (dụ cho sự thường trực tìm tiếng kêu). Chúng sanh như là một tấm kính hay là một chén nước trong, tấm kính hay chén nước nếu chịu hướng về ánh sáng thái dương, thì trong tấm kính, chén nước có hình ảnh và ánh sáng của thái dương (sự hướng về dụ cho lòng chí thành) ngời sáng trong đó. Ánh sáng dù luôn chiếu soi, mà tấm kính úp lại, chén nước thì đậy kín, nhất định hình ảnh thái dương và ánh sáng không thể hiển hiện trong đó được. Cũng vậy, chúng sanh không tha thiết chí thành, như đứa con hoang nghịch cố trốn tránh sự tìm kiếm của mẹ hiền, sự gặp mặt tất còn lâu xa.
Một tỉ dụ khác, diệu dụng Quán Âm như tổng đài phát ra làn sóng âm thanh hay phát ra hình ảnh. Sự phát đi, dĩ nhiên luôn luôn thường trực (dụ cho tầm thanh cứu khổ) còn chúng sanh như những máy thu thanh, thu hình, máy mở đúng làn sóng, đúng vi ba của tín hiệu, tất nhiên thấy hình, nghe tiếng (dụ cho lòng chí thành và giao cảm).
Dù cho muôn ngàn triệu chiếc máy (vô số chúng sanh) cùng một lúc bắt đúng tín hiệu tất nhiên muôn ngàn triệu chiếc máy, cùng một giờ phút, mà cùng có âm thanh và hình ảnh (dụ cho cùng niệm và cùng được sự thị hiện nhiệm mầu). Cũng như thế, tất cả mọi loài chúng sanh, nếu cùng chí thành hướng về đức Bồ Tát Quán Thế Âm tất Bồ Tát cùng hiển hiện ngay liền khi đó.
DIỆU DỤNG KHI THỊ HIỆN CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Điểm này tưởng cũng minh bạch qua các thí dụ ở đoạn trên, tuy nhiên còn vài thắc mắc khác xin được nêu ra:
Căn cứ theo các kinh Bi Hoa, Lăng Nghiêm, Tất Đàn, Phổ Môn, Quán Thế Âm Thọ Ký… thì đức Quán Thế Âm thị hiện thật nhiều thân: 32, 33, 38 và tùy vô số loại mà hiện thân.
Trí óc con người vốn mang nhiều nghi hoặc, dù đã tin tưởng Phật Pháp là cao siêu mầu nhiệm, chịu thọ nhận, tụng niệm tu hành. Nhưng tiếc thay, nghiệp chướng nghi hoặc đã làm ngăn trở bước đường tiến tu không ít. Người ta cứ nghi: “Bồ Tát sao không hiện ra trước mắt cho thấy, cho nghe; bao nhiêu hiện thân trong kinh Phật, nào Bồ Tát, Phạm Vương, Đế Thích, Thiên, Long, Đồng Nam, Đồng Nữ v.v… Nhưng khi có nạn, mình có niệm chí thành lắm chớ, mà nào có thấy Bồ Tát!”. Sự kiện này, có nhiều người vì lòng tin sâu đậm và do nhận xét tinh tế quyết chắc có sự tế độ của Bồ Tát chỉ vì mình mắt phàm, tai tục nên không thấy ngài, nếu không có thì không thể nào mình thoát nạn một cách ly kỳ vậy được. Một số khác, lại ngờ rằng không biết có phải Bồ Tát đến độ cho mình hay không? Hay là mình có số hên? Hay là do phước ông bà để lại?
Thưa, nên hiểu rằng, Bồ Tát thị hiện giao cảm trong chúng ta, trong tất cả mọi người, mọi loài.
Một đám giặc cướp sắp ồ ạt tấn công qua chiếc thuyền nhỏ bé, hay trên thuyền sắp có biến cố thê thảm xảy ra… Tại sao bọn cướp lại đổi ác ý để trở thành thiện niệm? Để rồi bọn chúng trở nên hiền từ và rút lui êm đẹp? Hơn nữa còn tiếp tế giúp đỡ, đó là nhờ trên chiếc thuyền có nhiều người chí thành niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm.
Sự đổi thay tâm ý của kẻ ác, lại không là sự thị hiện nhiệm mầu để cứu độ hay sao? Không lẽ ngài hiện ra hung thần để đánh chìm ác tặc, rồi mới cho là linh?
Bà già ở nhà có một mình lấy rổ vá ra khâu may, mới vài đường chỉ chẳng may chỉ sút, đôi mắt lem nhem sợi chỉ không làm sao xâu qua lỗ được, bà thở dài buồn thảm: “Mẹ hiền Quán Âm ơi con phải làm sao?” Bà tủi thân gần muốn rơi lệ, lòng hướng về Phật lâm râm cầu nguyện. Đứa bé chơi từ ngoài xa, nó bỗng thấy thích vào nhà bà già cô quả ấy và đứa bé đã xâu chỉ cho bà. Quý vị đã nhận thấy Bồ Tát thị hiện trong tâm đứa bé ấy chưa?
Bạn lái xe đi trên quãng đường thôn dã, không may xe bạn hư! Với một mình và hơn nữa là bạn chưa một lần biết sửa xe, bạn chỉ còn biết cầu nguyện… Từ bên ngoài quốc lộ có đôi bạn lại nổi lên ý niệm ham thích được đi trên con đường hẻo lánh đó, họ gặp bạn và sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp giải nguy cho bạn. Quán Âm thị hiện là chỗ đó. Đó là trưởng giả thân, cũng là đồng nam, đồng nữ vậy.
Bà Ấm người làng Sơn Tịnh, mỗi năm một lần bà lên núi Trà Bồng, hang Thạch Động để lễ Phật, cái hang động ngày xưa mà thầy Chơn Dung tu hành đã phát kỳ tích ở đấy. Hú hồn, hôm ấy bà lại gặp phải con cọp, chao ôi con cọp vằn vện to lớn quá, cọp từ xa gầm thét và phóng tới, bà chỉ kịp la lên Bồ Tát Quán Thế Âm rồi bà bất tỉnh! Thực ra bà “thét” chứ không phải niệm, nhưng đó là cái thét cấp bách đầy khẩn thiết và sự chí thành được dồn hết vào cái thét đó. Khi tỉnh dậy, ý niệm đầu tiên của bà là tưởng mình đã chết, một lát sau khi tri giác về đủ, bà mới cảm nghe hôi hám và đau rát trên mặt. Thì ra con cọp đã liếm mặt bà rồi bỏ đi.
Tại sao cọp bỏ đi, khi miếng mồi ngon trước miệng nó? Chính đó là diệu dụng cảm hóa, tế độ của Bồ Tát Quán Thế Âm trực tiếp ngay trong tâm ý của con cọp.
Bà Ấm là người quen (tu) tập chiếu mặt kính về ánh thái dương (thường niệm Quán Thế Âm) trong giờ phút cấp bách bà chiếu đúng ánh sáng Bồ Tát Quán Thế Âm.
TẠI SAO HÌNH TƯỢNG QUÁN THẾ ÂM CHÚNG TA THỜ MANG VÓC DÁNG NỮ NHÂN? NGÀI LÀ NAM HAY NỮ?
Chúng ta nên biết mười phương chư Phật không hề có nữ thân. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có câu: “Cần thích hợp một Phật thân để tế độ, Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện Phật thân để nói pháp và tế độ”. Thế thì, đức Quán Thế Âm là Bồ Tát, ngài làm sao có thể hiện được Phật thân?
Thực ra trong kinh Đại Nhật và kinh Bi Hoa đức Bổn Sư Thích Ca đã từng dạy rằng, đức Quán Thế Âm đời quá khứ đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai vào thuở lâu xa vô lượng kiếp về trước. Vì bi nguyện độ sanh mà ngài thị hiện làm thân Bồ Tát. Cũng trong kinh Bi Hoa, đức Phật luôn luôn gọi đức Quán Thế Âm là “Thiện Nam Tử” tốt! Vậy đức Quán Thế Âm không thể nào là nữ nhân được.
Căn cứ theo lịch sử về tôn giáo, nhân gian dật sử, linh ứng truyện ký và các lịch sử (tính chất sự tích) của Trung Hoa từ sau nhà Châu vua Chiêu Vương đến cận đại, và Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ ba đến cận kim thì đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã từng hóa hiện vào các thế gia và cả bần gia để ứng cơ hóa độ chúng sanh. Mượn sự tướng của thế đạo để dẫn dắt nhân gian hướng thượng quay về chánh đạo. Như Quan Âm Diệu Thiện về đời vua Trang Vương. Quán Âm xách giỏ cá đời vua Huyền Tôn nhà Đường, Quán Âm Thị Kính đời nhà Minh, Quán Âm linh ứng đời nhà Nguyễn v.v… Tham khảo điều này cho ta thấy qua các đời phong kiến mọi quyền hành sanh sát và làm tao loạn nhân gian hay thịnh suy cho đất nước, đều nằm trong tay nam giới. Tuy vậy những nữ lưu tuyệt đẹp và xuất sắc vẫn là cao điểm để đam mê và dễ bị nữ sắc lung lạc và điều khiển.
Vậy sự hiện người nữ nhằm để chuyển hóa tâm xấu ác và cải thiện những xa hoa trụy lạc, đó là mục tiêu tùy duyên hóa độ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Và cũng từ đó mà tượng, ảnh của ngài trở nên nữ mạo trong một số quốc gia Á Châu. Nhưng điều căn bản là chúng ta phải biết rằng, đó là hình ảnh thị hiện, không nên chấp là Phật thân của ngài.
BA NGÀY LỄ VÍA QUÁN THẾ ÂM HẰNG NĂM CÓ KHÁC BIỆT GÌ KHÔNG?
Hằng năm Phật Tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm thật trang nghiêm vào các ngày: 19 tháng 2, 19 tháng 6 và 19 tháng 9 (theo âm lịch). Nhưng đa phần chỉ biết suông là lễ vía Quán Thế Âm thế thôi! Thực ra trong Thiền Môn Nhật Tụng cổ xưa đã ghi rõ:
– Ngày 19 tháng 2 là vía Quán Thế Âm đản sanh.
– Ngày 19 tháng 6 là vía Quán Thế Âm thành đạo.
– Ngày 19 tháng 9 là vía Quán Thế Âm xuất gia.
Mong rằng bài viết này sẽ đem đến cho quý độc giả niềm tin chân chính và thành khẩn, luôn luôn tưởng niệm đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát để được giao cảm hằng thường với Bồ Tát, dù tai họa đến đâu, “hữu cầu tắc ứng” (như trường hợp bà Ấm). Hãy chánh tín, lời nói của chư Phật không bao giờ hư dối!
THÍCH HUYỀN TÔN