Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu – Thu thập nhanh đôi dòng về cuộc đời, đạo nghiệp và hình ảnh

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc trong lúc Đại Lão Hòa Thượng thượng Minh hạ Châu vừa viên tịch, chúng tôi cố gắng thu thập, biên tập tạm thời đôi nét về cuộc đời và đạo nghiệp của cố Hòa Thượng – một Cao Tăng thạch trụ già-lam; một nhà giáo dục và phiên dịch xuất chúng; một “Huyền Trang Việt Nam” như một số báo chí đã từng gọi.

Không dám gọi đây là một bản tiểu sử tóm tắt vì việc làm ấy sẽ có những bậc  thức giả biên soạn đáp ứng ngay nay mai và dĩ nhiên những dòng tóm tắt vội vàng, quá ngắn ngủi này đối với một cuộc đời phụng sự quá dài của ngài chắc chắn sẽ có nhiều nhầm lẫn, sai sót. Chúng tôi sẽ số gắng cập nhật và mong mỏi quý Thiện hữu Tri thức niệm tình hỷ xã.

Với thiện tâm phục vụ, chúng tôi cũng cố gắng lục tìm để chuyển tải nhanh đến quý vị vài hình ảnh của cố Hòa Thượng thời kỳ thân tâm ngài còn sung mãn…

Thư Viện GĐPT

Hòa Thượng Thích Minh Châu Pháp hiệu là Viên Dung, Pháp danh Tâm Trí, Pháp tự Minh Châu, Thế danh Đinh Văn Nam;  sinh ngày 20/10/1918 tại Quảng Nam.

– Thời kỳ từ 1938-1945, giai đoạn hình thành các Ban Đồng Ấu Phật Giáo; Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục; Gia Đình Phật Hóa Phổ (tiền thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử ngày nay – xin tham khảo lịch sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam) sinh hoạt trong lòng An Nam Phật Học Hội, Cư sĩ Đinh Văn Nam – Hòa Thượng Thích Minh Châu hiện nay – là thành viên Ban Quản Trị An Nam Phật Học Hội cùng với các Đạo hữu Võ Đình Cường, Phạm Quy, Lê Bối, Ngô Điền, Đinh Văn Vinh, Nguyễn Hữu Quán, Lê Đình Luân, Lê Lừng… và là một trong những cánh tay đắc lực cùng với Cư sĩ Lê Đình Thám, Võ Đình Cường hình thành và phát triển các tổ chức tiền thân của Gia Đình Phật Tử ngày nay.

– Năm 1946 ngài xuất gia tham học với Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, Huế .

– Từ năm 1952 đến năm 1961, Hòa Thượng xuất dương du học tại Đại Học Phật Giáo Nalanda, Ấn Độ; tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học với luận án “The Chinese Madhyama Agama and the Pàli Majjhima Nikàya a comparative Study” (So sánh Pàli Tạng Trung Bộ Kinh với Hán Tạng A Hàm”. Sau đó ngài còn đi lại học tập, nghiên cứu nhiều nơi ở 2 quốc gia Phật Giáo là Ấn Độ và Tích Lan (Sri Lanka).

– Từ năm 1964 đến năm 1975, Hòa Thượng về nước và đảm trách chức vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh (Sài Gòn, Việt Nam) chuyên lo việc giáo dục và phiên dịch kinh điển. Thời kỳ này Hòa Thượng còn đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

– Năm 1976, Hòa Thượng thành lập Phật Học Viện Vạn Hạnh.

– Năm 1979, Hòa Thượng tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và từ đó dến nay đã giữ các chức vụ:

  • 1981: Hiệu trưởng Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam – Cơ sở I tại Hà Nội;.
  • 1984: Thành lập và làm Hiệu Trưởng Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam – Cơ sở II tại Tp.HCM (nay là Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp.HCM).
  • 1989: Thành lập và làm Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
  • 1991:  Đảm nhiệm cương vị Chủ Tịch Hội Đồng Chỉ Đạo Phiên Dịch và Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam.
  • Hòa Thượng cũng đảm nhận các chức vụ:
    • Phó pháp chủ Hội Đồng Chứng Minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (NK 2007-2012).
    • Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN.
    • Trưởng Ban Phật Giáo Quốc Tế.
    • Phó chủ tịch Hội Phật Giáo Châu Á Vì Hòa Bình (ABCP) & Chủ tịch Trung Tâm ABCP Việt Nam.

Và có thể nói là chúng ta biết đến công hạnh cố Hòa Thượng nhiều nhất là về lĩnh vực phiên dịch và giáo dục. Dưới đây liệt kê một số ấn bản do cố Hòa Thượng biên soạn, trước tác, dịch thuật:

Kinh Tạng Pàli (dịch thuật):

  • Kinh Trung Bộ.
  • Kinh Tăng Chi Bộ.
  • Kinh Tiểu Bộ.
  • Kinh Trường Bộ.
  • Kinh Tương Ưng Bộ.
    • Kinh Pháp Cú.
    • Kinh Phật Tự Thuyết.
    • Kinh Phật Thuyết Như Vậy.
    • Kinh Tập.
    • Trưởng Lão Tăng Kệ.
    • Trưởng Lão Ni Kệ.
    • Bổn Sanh (2 tập).

Luận:

  • Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhamma Atthasangaha).

Sáng tác:

  • Phật Pháp (đồng tác giả).
  • Đường về xứ Phật (đồng tác giả).
  • Những ngày và những lời dạy cuối cùng của đức Phật.
  • Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa.
  • Sách dạy Pàli (3 tập).
  • Chữ hiếu trong Đạo Phật.
  • Hành Thiền.
  • Lịch sử đức Phật Thích Ca.
  • Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.
  • Chánh pháp và hạnh phúc.

Anh ngữ:

  • H’suan T’sang, The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang – Nhà Chiêm bái và Học giả. Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch).
  • Fa-Hsien, the Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển – Nhà Chiêm bái khiêm tốn. Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch).
  • Milindapanha and Nàgasenabhikhusùtra – A Comparative Study
  • The Chinese Madhyama Àgama and the Pàli Mahjjhima Nikàya – A Comparative Study (Luận án Tiến sĩ Phật học).
  • Some Teachings of Lord Buddha on Peace Harmony and Humandignity.

 Cố Hòa Thượng Minh Châu – những hình ảnh từ thiếu thời đến thị tịch.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.