Trích lời dịch giả: …Bài văn “Khuyến phát Bồ-đề tâm” được dịch sau đây, nói nhiều hơn về giai đoạn trước hết của sự phát Bồ đề tâm. Bài này nằm trong Tục Tạng tập 109, trang 296b-299a. Tục Tạng tập 135 cũng có, trang 156b-158b. Được Ngài Đế Nhàn giảng nghĩa, nên bài này cả nguyên văn lẫn giảng nghĩa nằm trong Đế Nhàn Đại Sư Di Tập, tập 7, trang 425-474.
Bản giảng nghĩa này đã ấn hành riêng trước đó, in lần thứ 3 vào năm 1933. Hồi còn nhỏ bài văn này nằm trong chương trình năm thứ 5 lớp Sơ Đẳng Phật Học của tôi. Theo tôi biết, bài văn này cũng đã được dịch ra tiếng Việt từ trước thế chiến II, và tuồng như có ít nhất là 2 bản, tiếc rằng tôi không còn bản nào trong lúc dịch lại. Để phụ thêm cho rõ về từ ngữ Phát Bồ-đề tâm trong phương diện văn học, tôi phỏng thuật theo Ngài Thái Hư (Thái Hư Đại Sư Toàn Thư, tập 9, trang 755-766)…
Sa-môn THÍCH TRÍ QUANG
KHUYẾN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM VĂN
勸 發 菩 提 心 文
Bài văn khuyên phát tâm Bồ-đề
Nguyên tác: Đại Sư Tỉnh Am 省 庵 (húy Thật Hiền 實 賢)
Việt dịch: Thượng Tọa Thích Trí Quang
—=oOo=—
Thật Hiền tôi, một kẻ xuất gia phàm phu, đã bất tiếu lại ngu hèn, khóc mà lạy, khẩn thiết khuyến cáo đại chúng hiện tiền, cũng như nam nữ có đức tin thuần thành trong thì vị lai. Xin quý vị thương xót, gia tâm một chút mà nghe và xét cho.
Tôi từng nghe, cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Tu hành dẫu có, cũng toàn là lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Do đó mà Kinh Hoa nghiêm đã nói, quên mất tâm Bồ đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động theo ma vương. Quên mất còn thế, huống chi chưa phát. Nên muốn học Như Lai thừa thì trước phải phát Bồ đề nguyện, không thể chậm trễ.
Nhưng tâm nguyện vốn có nhiều sắc thái khác nhau, nếu không trình bày thì làm sao biết mà xu hướng. Nay xin vì đại chúng mà nói vắn tắt. Sắc thái tâm nguyện có tám là Tà – Chánh, Chân – Ngụy, Đại – Tiểu, Thiên – Viên.
Tà – Chánh, Chân – Ngụy, Đại – Tiểu, Thiên – Viên là thế nào?
– Đời có kẻ tu hành mà chỉ tu hành một chiều, không cứu xét tự tâm, chỉ lo những việc ở ngoài, hoặc vụ lợi, hoặc háo danh, hoặc ham cái thú hiện tại, hoặc cầu cái vui mai sau: phát tâm như vậy gọi là Tà.
– Danh lợi không ham, vui thú không màng, chỉ vì thoát sinh tử, vì chứng Bồ đề: phát tâm như vậy gọi là Chánh.
– Ý niệm này nối tiếp ý niệm khác, ngước lên mà mong cầu Phật đạo, tư tưởng trước liên tục tư tưởng sau, nhìn xuống mà hóa độ chúng sanh, nghe Phật đạo lâu xa cũng không thoái chí khiếp sợ, xét chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi, như trèo núi cao cả vạn trượng cũng quyết tận đỉnh, như lên tháp lớn đến chín tầng cũng cố tột nóc: phát tâm như vậy gọi là Chân.
– Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong bẩn ngoài sạch, trước siêng sau nhác, tâm tốt dẫu có cũng phần lớn bị danh lợi xen lấn, thiện pháp dẫu tu cũng phần nhiều bị vọng nghiệp nhuốm bẩn: phát tâm như vậy gọi là Ngụy.
– Chúng sanh giới hết nguyện ta mới hết, Bồ đề đạo thành nguyện ta mới thành: phát tâm như vậy gọi là Đại.
– Coi ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không dám độ người: phát tâm như vậy gọi là Tiểu.
– Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh, có Phật đạo, rồi nguyện độ, nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tan: phát tâm như vậy gọi là Thiên.
– Nếu biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành tựu, không thấy một pháp nào ngoài tâm mà có, đem cái tâm vô tướng phát cái nguyện vô tướng, làm cái hạnh vô tướng, chứng cái quả vô tướng, cái tướng vô tướng cũng không thấy có được: phát tâm như vậy gọi là Viên.
Biết tám sắc thái khác nhau trên đây là biết cứu xét, biết cứu xét thì biết lấy bỏ, biết lấy bỏ là có thể phát tâm. Cứu xét như thế nào? Là coi cái tâm của ta phát ra, trong tám sắc thái trên đây, nó là tà hay chánh, chân hay ngụy, đại hay tiểu, thiên hay viên. Lấy bỏ như thế nào? Là bỏ tà, ngụy, tiểu, thiên, lấy chánh, chân, đại, viên. Phát tâm như vậy mới được gọi là chân chánh phát Bồ đề tâm.
Bồ đề tâm là chúa tể mọi thứ thiện pháp, phát khởi tất phải có lý do. Lý do ấy, nay nói tóm lược thì có mười thứ, là 1 nhớ ơn nặng của Phật, 2 nhớ ơn cha mẹ, 3 nhớ ơn Sư trưởng, 4 nhớ ơn thí chủ, 5 nhớ ơn chúng sanh, 6 nhớ khổ sanh tử, 7 trọng linh tánh của mình, 8 sám hối nghiệp chướng, 9 cầu sanh Tịnh độ, 10 làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài.
-
Nhớ ơn nặng của Phật là thế nào?
Thích Ca Như Lai của ta, lúc mới phát tâm, đã vì ta mà thực hành Bồ tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ khổ cực. Khi ta tạo tội, Phật đã xót thương, phương tiện giáo hóa, mà ta ngu si, không biết tin tưởng, tiếp nhận. Ta đọa Địa ngục, Phật càng đau xót, muốn chịu thay khổ sở cho ta, nhưng nghiệp ta quá nặng, hết cách cứu vớt. Ta sinh loài người, Phật liền dùng phương tiện làm cho ta gieo trồng thiện căn. Đời đời kiếp kiếp, Phật theo dõi ta, lòng không lúc nào rời bỏ chốc lát. Khi Phật xuất thế thì ta còn chìm đắm, nay được thân người thì Phật đã diệt độ. Tội lỗi gì mà phải sinh nhằm thời kỳ mạt pháp, phước đức nào lại được dự vào hàng ngũ xuất gia, nghiệp chướng gì mà không được thấy thân vàng của Phật, may mắn nào lại được thân gặp Xá Lợi của Ngài. Suy nghĩ như vậy mới thấy, giả sử quá khứ không trồng thiện căn thì làm sao được nghe Phật pháp, không nghe Phật pháp thì làm sao được biết lúc nào cũng hưởng thụ ân đức của Phật. Ân đức như vậy, núi non cũng khó sánh cho bằng. Trừ phi phát tâm quảng đại, làm hạnh Bồ tát, xây dựng Phật pháp, giáo hóa chúng sanh, thì dẫu xương tan thịt nát cũng khó mà đáp trả. Đó là lý do thứ nhất của sự phát Bồ đề tâm.
-
Nhớ ơn Cha Mẹ là thế nào?
Thương thay cha mẹ sinh ta cực nhọc, mười tháng ba năm thai mang bú mớm, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt. Mới được thành người, đã đặt hy vọng tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Vậy mà nay ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, nhục hiệu Sa môn, đồ ngon vật ngọt đã không cung phụng, cúng tế chạp dẫy càng không chu tất. Sống, ta đã không có khả năng nuôi dưỡng cơ thể, chết, ta lại bất lực trong việc tiếp dẫn nghiệp thức. Phương diện thế gian ta đã rất hại, phương tiện xuất thế ta lại vô ích. Hai đường mất cả thì tội nặng khó mà thoát cho khỏi. Suy nghĩ như thế mới thấy chỉ còn có cách thường hành Phật đạo trong trăm ngàn đời kiếp, khắp độ chúng sanh trong mười phương ba đời. Như vậy thì không phải chỉ cha mẹ một đời, mà song thân nhiều kiếp đều được siêu thoát; không phải chỉ song thân một người, mà cha mẹ tất cả cùng được siêu thăng. Đó là lý do thứ hai của sự phát Bồ đề tâm.
-
Nhớ ơn Sư Trưởng là thế nào?
Cha mẹ tuy sinh dưỡng thân ta, nhưng nếu không có Sư trưởng thế gian thì không biết lễ nghĩa, không có Sư trưởng xuất thế thì không hiểu Phật pháp. Lễ nghĩa không biết thì khác gì cầm thú, Phật pháp không hiểu thì cũng như phàm tục. Nay ta được biết qua loa về lễ nghĩa, được hiểu sơ lược về Phật pháp, giới pháp thấm mình, ca sa phủ thân, hết thảy ân đức ấy đều nhờ Sư trưởng mà có được. Vậy nếu ta chỉ cầu quả vị nhỏ nhặt thì chỉ ích lợi được cho bản thân mà thôi. Hãy theo Đại thừa, nguyện ước ích lợi hết thảy chúng sanh. Như thế thì Sư trưởng thế gian cũng như Sư trưởng xuất thế đều được ích lợi mà ta cung hiến. Đó là lý do thứ ba của sự phát Bồ đề tâm.
-
Nhớ ơn Thí Chủ là thế nào?
Chúng ta ngày nay, mọi thứ nhu yếu đâu phải của mình. Cơm cháo ba buổi, quần áo bốn mùa, tật bịnh cần dùng, thân miệng tiêu thụ, toàn xuất từ sức lực kẻ khác mà đem đến cho ta hưởng dụng. Họ dốc sức cày cấy, vẫn khó nuôi miệng, ta ngồi không mà ăn, còn không vừa ý. Họ dệt đan mãi hòai mà vẫn chịu khốn khổ, còn ta bận mặc thừa thải mà không biết thương tiếc. Họ nhà tranh cửa lá, cực nhọc suốt đời, còn ta phòng lớn sân rộng, thong thả cả năm. Đem cái cực nhọc của họ cung phụng cái an nhàn cho ta, làm sao yên bụng. Lấy cái nhu dụng của người cung cấp cái thân xác của mình, làm sao hợp lẽ. Do đó, trừ phi vận dụng song song cả hai thứ bi trí, trang nghiêm đồng đều cả hai mặt phước tuệ, để thí chủ nhờ ơn, chúng sanh được phước, thì dẫu gạo chỉ một hạt, vải chỉ một tấc đi nữa, vẫn có phần trong sự trả nợ, vẫn khó tránh trong quả báo xấu. Đó là lý do thứ tư của sự phát Bồ đề tâm.
-
Nhớ ơn Chúng Sanh là thế nào?
Ta với chúng sanh, từ bao kiếp đến giờ, đời đời làm cha mẹ nhau, có ơn với nhau. Nay tuy cách đời mờ ám, không biết nhau được, nhưng lấy lẽ mà suy cứu thì làm sao có thể không có sự báo bổ. Ngày nay là thú vật, nhưng biết đâu ngày trước ta đã không là con cái của chúng. Hiện tại là vi sinh, nhưng biết đâu quá khứ chúng đã không là cha mẹ của ta. Thường thấy nhỏ mà xa cha mẹ thì lớn lên đã quên hết hình dáng song thân, huống chi cha mẹ bà con đời trước, thì ngày nay kẻ họ Trương người họ Vương, khó mà nhớ nhau cho được. Họ gào thét trong Địa ngục, ngất ngư trong Ngạ quỉ, thống khổ ai biết, đói khát kêu ai. Ta dẫu không thấy không nghe, nhưng họ tất cầu cứu cầu vớt. Kinh mới dạy được việc ấy, Phật mới tả rõ cảnh này, còn kẻ tà kiến thì đâu có đủ sức mà biết. Nên Bồ tát nhìn sâu kiến cũng thấy toàn là cha mẹ quá khứ và chư Phật vị lai, thường nghĩ cách lợi ích cho chúng và thường nhớ trả ơn cho chúng. Đó là lý do thứ năm của sự phát Bồ đề tâm.
-
Nhớ khổ Sinh Tử là thế nào?
Ta với chúng sanh, bao kiếp đến giờ, ở mãi trong phạm vi sinh tử, chưa được siêu thoát. Không ở trong loài người thì ở trên loài trời, hết ở thế giới này thì ở thế giới khác, ra vào đủ cách, lên xuống liền liền. Thoáng cái làm trời, thoáng cái làm người, thoáng cái làm Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh. Cửa đen sáng ra chiều vào, hang sắt mới thoát lại sa. Lên núi đao thì cả mình không còn mảnh da nguyên vẹm, víu cây kiếm thì một vuông một tấc cũng bị cắt xả. Sắt nóng không hết đói, mà nuốt vào thì ruột gan nát cả, đồng sôi đâu khỏi khát, mà uống vào thì xương thịt tan hết. Cưa sắt mà xả thì xả ra là liền lại, gió quái mà thổi thì chết rồi lại sống ngay. Trong thành lửa dữ chỉ nghe cái thảm thét gào, trên bàn chưng nướng toàn nghe cái tiếng thống thiết. Băng tuyết đông lại thì xanh như sen xanh hết nhụy, máu thịt rã ra thì đỏ như sen đỏ mới nở. Tại Địa ngục, một đêm chết sống thường bị đến cả vạn lần, cũng ở đó, một buổi thống khổ mà nhân gian đã trăm năm. Mãi hòai làm cho Ngục tốt mệt nhọc, nhưng có ai chịu nghe Diêm vương khuyên bảo. Khi chịu mới biết quá khổ, dẫu hối hận cũng đâu có kịp; lúc thoát thì lại quên ngay, sự tạo nghiệp vẫn y như cũ. Đánh con lừa đến đổ máu, đâu biết đó là cái thảm của mẹ mình; lôi con heo đến lò thịt, nào hay đích thị cái đau của cha ta. Ăn thịt con ruột mà không biết, Văn Vương còn như thế; ăn thịt cha mẹ mà không hay, phàm phu đều như vậy. Đời trước ơn nghĩa mà đời nay thành oán thù, ngày xưa oán thù mà ngày nay thành ruột thịt. Quá khứ là mẹ mà hiện tại là vợ, túc thế là cha mà hiện tiền là chồng. Nếu có cái trí túc mạng để biết thì thật đáng hổ, đáng thẹn; nếu có con mắt thiên nhãn để nhìn thì quả đáng cười, đáng thương. Trong rừng dơ bẩn mà mười tháng bị gói lại thì thật khó chịu, ở chỗ máu huyết mà một lần bị dốc xuống quả thật đáng thương. Nhỏ thì ngây ngô, trước mặt sau lưng cũng chẳng rõ, lớn lên hiểu biết, tham lam dục vọng đều tự hiện. Nhưng, thoáng cái là già bịnh truy tầm, chốc lát mà chết chóc hiện đến. Bấy giờ, gió với lửa giao tranh nên tâm thức bấn loạn trong đó, khí với huyết kiệt lực nên da thịt teo khô từ ngoài, không một sợi lông nào mà không như bị chích đốt, không một kẽ huyệt nào mà không như bị cắt xả. Con rùa đem nấu, sự thoát vỏ của nó tương đối còn dễ; nghiệp thức lúc tàn, sự thoát xác của nó quả thật quá khó. Tâm không phải chủ thể vĩnh viễn nên in như thương khách bôn ba đủ chỗ, thân không có hình dáng cố định nên khác nào phòng ốc thay đổi đủ cách. Bụi cả thế giới cũng khó sánh thân luân hồi, nước cả đại dương vẫn không bằng lệ biệt ly. Xương mà chất thì hơn núi cao, thây mà sắp thì tràn mặt đất. Giả sử không được nghe lời Phật thì việc ấy ai thấy ai nghe, chưa được đọc văn Kinh thì lẽ này ai hay ai biết. Vậy mà có kẻ hoặc vẫn tham luyến như cũ, si mê như xưa, thì chỉ e rằng muôn kiếp ngàn đời mới được làm người, nhưng một lần hư hỏng là hư hỏng đến cả trăm kiếp. Thân thể con người khó được mà dễ mất, thì giờ quí báu dễ trôi mà khó kéo. Rồi đường hướng mờ mịt, biệt ly mãi hòai, ác báo tam đồ lại phải tự chịu, thống khổ hết nói mà ai chịu thay. Mô tả đến đây, há chẳng buốt dạ. Vì vậy, hãy triệt dòng sinh tử, vượt bể ái dục, để mình người cùng thoát, cùng lên bờ giác. Hết thảy công việc phi thường trong bao đời kiếp sắp đến đều bắt nguồn từ cơ hội này. Đó là lý do thứ sáu của sự phát Bồ đề tâm.
-
Trọng Linh Tánh của mình là thế nào?
Nhất tâm hiện tiền của chúng ta cùng ngay với đức Thích Ca Thế Tôn không khác. Vậy mà tại sao Thế Tôn từ vô lượng kiếp sớm thành Chánh giác, còn chúng ta thì ngu si thác loạn, vẫn làm phàm phu. Thế Tôn thì có vô lượng thần thông tuệ giác, công đức trang nghiêm, còn chúng ta chỉ có vô biên nghiệp chướng phiền não, sinh tử thắt buộc. Tâm tánh duy nhất mà mê ngộ lại một trời một vực. Lặng đi mà nghĩ mới thấy khả sỉ. Ngọc báu vô giá lún xuống bùn lầy mà nỡ coi như ngói gạch, không chút quí trọng. Hãy vận dụng vô lượng thiện pháp mà đối trị vô biên phiền não. Tu đức có công, tánh đức mới lộ. Bấy giờ thì như ngọc báu được rửa, treo trên phướn cao, ánh sáng rực rỡ, chói lấp tất cả. Thế mới gọi là không phụ sự giáo hóa của Phật, không phụ tánh linh thiêng của mình. Đó là lý do thứ bảy của sự phát Bồ đề tâm.
-
Sám hối Nghiệp Chướng là thế nào?
Kinh dạy, phạm một Kiết la cũng đọa Địa ngục bằng năm trăm tuổi thọ của bốn Thiên vương. Kiết la là tội nhỏ mà bị quả báo đến thế, huống chi tội nặng, quả báo thật khó tả. Nay chúng ta, hằng ngày, mỗi một cử chỉ cũng như mỗi một động tác, luôn luôn trái với giới luật, mỗi một bữa ăn cũng như mỗi một lần uống, thường thường phạm vào Thi la. Một ngày tội lỗi phạm vào, theo lẽ cũng đã vô lượng, huống chi trọn đời nhiều kiếp, tội lỗi phát ra quả báo khó mà nói hết. Hãy lấy Ngũ giới mà nói, thì mười người đã có đến chín kẻ vi phạm, bày tỏ thì ít mà dấu diếm lại nhiều. Ngũ giới chỉ là giới tại gia mà còn không giữ đủ, huống chi các giới Sa di, Tỳ kheo, Bồ tát, thôi thì khỏi nói. Hỏi cái tiếng thì nói là Tỳ kheo, hỏi cái thật thì hãy còn chưa đủ làm Ưu bà tắc, như thế mà không xấu hổ được sao. Phải biết, giới Phật không thọ thì thôi, thọ thì không được phạm, vì không phạm thì thôi, phạm thì chung cục tất bị sa lạc. Trừ phi cảm thương thân mình, lại xót xa kẻ khác, thân và miệng cùng bi thiết, tiếng và lệ đều tuôn đổ, để khắp vì chúng sanh khẩn cầu sám hối, thì ngàn đời muôn kiếp ác báo cũng khó tránh cho khỏi. Đó là lý do thứ tám của sự phát Bồ đề tâm.
-
Cầu sanh Tịnh Độ là thế nào?
Tu hành cõi này thì sự tiến đạo rất khó, vãng sinh cõi kia thì sự thành Phật cũng dễ. Dễ nên một đời đã có thể thấu đáo, khó nên lắm kiếp vẫn chưa chắc hoàn thành. Do đó mà Thánh ngày xưa, Hiền ngày trước, ai cũng khuynh hướng; Kinh cả ngàn, Luận cả vạn, đâu cũng chỉ quy. Quả thật sự tu hành trong thời kỳ mạt pháp này, không có cách nào hơn pháp ấy. Có điều Kinh Luận đã nói, điều lành mà tính chất nhỏ thì không thể vãng sanh, cái phước mang tính chất lớn mới chắc chắn đến được. Cái phước mang tính chất lớn thì không chi bằng sự chấp trì danh hiệu, điều lành hàm tính chất to thì không chi bằng sự phát tâm rộng lớn. Nên nhất tâm chấp trì danh hiệu của Phật hơn cả sự bố thí đến trăm năm, nhất niệm phát tâm Bồ đề rộng lớn vượt cả sự tu hành trong nhiều kiếp. Lý do là vì niệm Phật vốn mong làm Phật, vậy tâm lớn không phát thì có niệm cũng không làm gì, phát tâm vốn để tu hành, vậy Tịnh độ không sanh thì có phát cũng dễ thoái chuyển. Nên gieo giống Bồ đề, cày bằng cái cày niệm Phật, thì trái hạt tuệ giác tự nhiên lớn lên; ngồi thuyền đại nguyện, nhập vào bể cả Tịnh độ, thì Tây phương Cực lạc quyết định vãng sanh. Đó là lý do thứ chín của sự phát Bồ đề tâm.
-
Làm cho Phật Pháp tồn tại lâu dài là thế nào?
Thế Tôn của ta, từ vô lượng kiếp, vì ta mà tu đạo Bồ đề, khó làm làm được, khó nhẫn nhẫn nổi, nhân trọn vẹn, quả đầy đủ, mới được thành Phật. Phật thành rồi, Ngài giáo hóa châu đáo, và nhập vào Niết bàn. Nay thì thời kỳ Phật pháp nguyên chất và thời kỳ Phật pháp tương tự đã mất tất cả, còn lại chỉ là thời kỳ Phật pháp cuối cùng. Phật pháp có đó mà hành trì vô nhân, tà chánh bất phân, đúng sai hỗn tạp, tranh dành nhân ngã, cầu trục danh lợi. Mở mắt ra là thấy nhan nhãn, cả thiên hạ đều như vậy. Chẳng ai biết Phật là bực nào, Pháp là nghĩa gì, Tăng là người chi. Suy tàn đến thế, bất nhẫn nói đến. Mỗi khi nghĩ ngợi, bất giác rơi lệ. Thân làm con Phật mà ta không thể báo đáp ân đức của Ngài. Trong vô ích cho mình, ngoài vô ích cho người, sống vô ích đương thời, chết vô ích mai hậu. Trời cao cũng không che ta nổi, đất dày cũng khó chở ta được. Tội nhân cực trọng, phi ta thì ai. Vì thế mà đau đớn không thể nhẫn nổi, nhưng toan tính thì lại không thấy có cách gì khác hơn, nên quên ngay tư cách quê kệch, phát liền tâm chí rộng lớn. Như thế thì dẫu không thể vãn hồi mạt vận ngay lúc này, nhưng quyết có thể hộ trì Phật pháp trong mai sau. Nên hợp cùng thiện hữu, qui tụ đạo tràng, soạn thuật sám pháp, lập pháp hội này, phát đại nguyện đến bốn mươi tám điều mà nguyện nào cũng hóa độ chúng sanh, mong thâm tâm suốt trăm ngàn đời kiếp mà tâm nào cũng có thể làm Phật, khởi đầu từ ngày hôm nay cho đến cùng tận biên cương thì gian. Hết một đời này thì nguyện sanh Cực lạc, lên chín phẩm xong thì trở lại Ta bà. Mong sao mặt trời Phật pháp sáng lại, cửa ngõ Phật pháp mở nữa, để Tăng giới được trong lặng ở cõi này, dân chúng được tiếp hóa ngay nơi đây, vận hội nhờ đó mà kéo dài thêm nữa, Phật pháp vì vậy mà tồn tại lâu bền. Đó là ưu tư chân thành, tha thiết ấp ủ. Đó là lý do thứ mười của sự phát Bồ đề tâm.
Như vậy mười lý do đã biết, tám sắc thái đã rõ, thì khuynh hướng có lối, khai phát có chỗ. Chúng ta đã được thân thể nhân loại, ở chỗ văn hóa, giác quan kiện toàn, cơ thể thanh thoát, tín tâm đầy đủ đã có, ma chướng may mắn lại không. Huống chi còn được xuất gia, được thọ cụ túc giới, được gặp đạo tràng, được nghe Phật pháp, được chiêm bái Xá Lợi, được tu tập sám pháp, được hội ngộ thiện hữu, được hòan cảnh tốt đẹp. Như vậy nếu ngày nay không phát tâm rộng lớn như trên, thì còn chờ đến ngày nào.
Cúi xin đại chúng thương cho thành tâm ngu muội của tôi, xét cho chí nguyện khổ sở của tôi, mà cùng lập nguyện ấy, cùng phát tâm này. Chưa phát thì nay phát, phát rồi thì tiến triển, tiến triển rồi thì liên tục. Đừng sợ khó mà khiếp hãi, lùi bước, đừng cho dễ mà khinh thường, hời hợt, đừng ham mau mà không lâu bền, đừng biếng nhác mà thiếu dũng tiến, đừng uể oải mà không phấn khởi, đừng chần chờ mà kỳ hẹn mãi, đừng vì trí tuệ thiếu thông minh mà nhất thiết không lưu ý, đừng vì trình độ thiếu lanh lẹ mà tự khinh không có phần. Như trồng cây, trồng lâu thì rễ cạn ngày càng xuống sâu; như mài dao, mài mãi thì dao đùi cũng thành bén sắc; không thể vì cạn mà không trồng, mặc cây khô héo, vì đùi mà không mài, để dao vô dụng.
Lại nữa, nếu cho tu là khổ sở thì không biết nhác lại còn khổ hơn. Tu thì khó nhọc tạm thời mà an vui vĩnh viễn, còn nhác thì một đời thư thả nhưng lắm kiếp khổ đau. Huống chi lấy pháp môn Tịnh độ làm thuyền tàu thì lo gì thoái chuyển, lấy tuệ giác vô sanh làm sức nhẫn thì sợ gì khó khăn. Nên biết, tội nhân Địa ngục mà còn phát Bồ đề tâm từ kiếp trước, huống chi đã làm người, lại làm con Phật, mà không lập đại nguyện ngay trong đời này. Vô thỉ hôn mê, cái gì qua rồi đã không thể cản, thì ngày nay tỉnh ngộ, những cái sẽ đến còn có thể theo. Mê mà chưa tỉnh, cố nhiên đáng thương, biết mà không làm, mới càng đáng tiếc. Hễ sợ cái khổ Địa ngục thì sự tinh tiến tự sinh, nhớ cái mau chết chóc thì tính biếng nhác tự diệt. Điều cần thiết là lấy Phật pháp làm roi dục, lấy thiện hữu làm tay dắt, trong cơn vội vã cũng không tách rời, suốt cả một đời vẫn cố bám víu, thì không làm gì còn có sự thoái chuyển được nữa. Đừng nói chỉ nghĩ một thoáng là nhỏ nhẹ, đừng cho mới nguyện mà thôi là vô ích. Tâm chân thì sự thật, nguyện rộng thì hạnh sâu. Không gian đâu có lớn, tâm vương mới lớn. Kim cương đâu có chắc, nguyện lực mới chắc. Đại chúng quả thật không bỏ lời tôi, thì bà con giác ngộ từ đây kết hợp, bạn hữu sen vàng từ đây kết giao, sở nguyện đồng sanh Tịnh độ, đồng thấy Di Đà, đồng hóa chúng sanh, đồng thành Chánh giác. Như vậy thì biết đâu ba hai tướng hảo và trăm phước trang nghiêm sau này chẳng bắt đầu từ sự phát tâm lập nguyện trong ngày hôm nay. Nguyện cùng đại chúng chung nhau nỗ lực, như thế thật vô cùng may mắn./.
Bài dịch âm:
KHUYẾN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM VĂN
Bất tiếu ngu hạ phàm phu tăng Thật Hiền, khấp huyết khể tảng, ai cáo hiện tiền đại chúng, cập đương thế tịnh tín nam nữ đẳng, duy nguyện từ bi, thiểu gia thính sát.
Thường văn nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ; tu hành cấp vụ, lập nguyện cư tiên. Nguyện lập tắc chúng sinh khả độ, tâm phát tắc Phật đạo kham thành. Cẩu bất phát quảng đại tâm, lập kiên cố nguyện, tắc túng kinh trần kiếp, y nhiên hoàn tại luân hồi; tuy hữu tu hành, tổng thị đồ lao tân khổ. Cố Hoa Nghiêm kinh vân: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp.” Vong thất thượng nhĩ, huống vị phát hồ? Cố tri dục học Như Lai thừa, tất tiên cụ phát Bồ Tát nguyện, bất khả hoãn dã.
Nhiên tâm nguyện sai biệt, kì tướng nãi đa; nhược bất chỉ trần, như hà xu hướng? Kim vị đại chúng lược nhi ngôn chi. Tướng hữu kỳ bát: sở vị tà, chính, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên thị dã.
Vân hà danh vi tà, chính, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên da?
Thế hữu hành nhân, nhất hướng tu hành, bất cứu tự tâm, đãn tri ngoại vụ. Hoặc cầu lợi dưỡng, hoặc háo danh văn, hoặc tham hiện thế dục lạc, hoặc vọng vị lai quả báo. Như thị phát tâm, danh chi vi tà.
Ký bất cầu lợi dưỡng danh văn, hựu bất tham dục lạc quả báo, duy vị sinh tử, vị Bồ-đề. Như thị phát tâm danh chi vi chính.
Niệm niệm thượng cầu Phật đạo, tâm tâm hạ hóa chúng sinh. Văn Phật đạo trường viễn, bất sinh thối khiếp; quán chúng sinh nan độ, bất sinh yếm quyện. Như đăng vạn nhận chi sơn, tất cùng kỳ đỉnh; như thượng cửu tằng chi tháp, tất tạo kỳ điên. Như thị phát tâm danh chi vi chân.
Hữu tội bất sám, hữu quá bất trừ, nội trược ngoại thanh, thủy cần chung đãi. Tuy hữu hảo tâm, đa vi danh lợi chi sở giáp tạp; tuy hữu thiện pháp, phục vi tội nghiệp chi sở nhiễm ô. Như thị phát tâm danh chi vi ngụy.
Chúng sinh giới tận, ngã nguyện phương tận; Bồ-đề đạo thành, ngã nguyện phương thành. Như thị phát tâm, danh chi vi đại.
Quán tam giới như lao ngục, thị sinh tử như oán gia; đãn kỳ tự độ, bất dục độ nhân. Như thị phát tâm danh chi vi tiểu.
Nhược ư tâm ngoại kiến hữu chúng sinh, cập dĩ Phật đạo, nguyện độ nguyện thành; công huân bất vong, tri kiến bất mẫn. Như thị phát tâm danh chi vi thiên.
Nhược tri tự tính thị chúng sinh, cố nguyện độ thoát. Tự tính thị Phật đạo, cố nguyện thành tựu. Bất kiến nhất pháp ly tâm biệt hữu. Dĩ hư không chi tâm, phát hư không chi nguyện, hành hư không chi hạnh, chứng hư không chi quả, diệc vô hư không chi tướng khả đắc. Như thị phát tâm danh chi vi viên.
Tri thử bát chủng sai biệt, tắc tri thẩm sát; tri thẩm sát, tắc tri khứ thủ; tri khứ thủ, tắc khả phát tâm.
Vân hà thẩm sát? Vị ngã sở phát tâm, ư thử bát trung, vi tà vi chính? Vi chân vi ngụy? Vi đại vi tiểu? Vi thiên vi viên?
Vân hà khứ thủ? Sở vị khứ tà, khứ ngụy, khứ tiểu, khứ thiên; thủ chính, thủ chân, thủ đại, thủ viên. Như thử phát tâm, phương đắc danh vi chân chính phát Bồ-đề tâm dã.
Thử Bồ-đề tâm, chư thiện trung vương; tất hữu nhân duyên, phương đắc phát khởi. Kim ngôn nhân duyên, lược hữu thập chủng.
Hà đẳng vi thập? Nhất giả niệm Phật trọng ân cố, nhị giả niệm phụ mẫu ân cố, tam giả niệm sư trưởng ân cố, tứ giả niệm thí chủ ân cố, ngũ giả niệm chúng sinh ân cố, lục giả niệm sinh tử khổ cố, thất giả tôn trọng kỷ linh cố, bát giả sám hối nghiệp chướng cố, cửu giả cầu sinh Tịnh độ cố, thập giả vi linh Chánh pháp đắc cửu trụ cố.
Vân hà niệm Phật trọng ân? Vị ngã Thích-ca Như Lai, tối sơ phát tâm, vị ngã đẳng cố, hành Bồ Tát đạo, kinh vô lượng kiếp, bị thụ chư khổ. Ngã tạo nghiệp thời, Phật tắc ai lân, phương tiện giáo hóa, nhi ngã ngu si, bất tri tín thụ. Ngã đoạ địa ngục, Phật phục bi thống, dục đại ngã khổ, nhi ngã nghiệp trọng, bất năng cứu bạt. Ngã sinh nhân đạo, Phật dĩ phương tiện, linh chủng thiện căn, thế thế sinh sinh, tùy trục ư ngã, tâm vô tạm xả. Phật sơ xuất thế, ngã thượng trầm luân, kim đắc nhân thân, Phật dĩ diệt độ. Hà tội nhi sinh mạt pháp? Hà phúc nhi dự xuất gia? Hà chướng nhi bất kiến kim thân? Hà hạnh nhi cung phùng xá-lợi?
Như thị tư duy, hướng sử bất chủng thiện căn, hà dĩ đắc văn Phật pháp? Bất văn Phật pháp, yên tri thường thụ Phật ân? Thử ân thử đức, khâu sơn nan dụ. Tự phi phát quảng đại tâm, hành Bồ Tát đạo, kiến lập Phật pháp, cứu độ chúng sinh, túng sử phấn thân toái cốt, khởi năng thù đáp? Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ nhất nhân duy-ên dã.
Vân hà niệm phụ mẫu ân? Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Thập nguyệt tam niên, hoài thai nhũ bộ; suy kiền khứ thấp, ân khổ thổ cam, tài đắc thành nhân. Chỉ vọng thiệu kế môn phong, cung thừa tế tự. Kim ngã đẳng ký dĩ xuất gia, lạm xưng Thích tử, thiểm hiệu sa-môn. Cam chỉ bất cung, tế tảo bất cấp; sinh bất năng dưỡng kì khẩu thể, tử bất năng đạo kì thần linh. Ư thế gian tắc vi đại tổn, ư xuất thế hựu vô thật ích. Lưỡng đồ kí thất, trọng tội nan đào. Như thị tư duy, duy hữu bá kiếp thiên sinh, thường hành Phật đạo, thập phương tam thế phổ độ chúng sinh, tắc bất duy nhất sinh phụ mẫu, sinh sinh phụ mẫu, câu mông bạt tế; bất duy nhất nhân phụ mẫu, nhân nhân phụ mẫu, tận khả siêu thăng. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ nhị nhân duyên dã.
Vân hà niệm sư trưởng ân? Phụ mẫu tuy năng sinh dục ngã thân, nhược vô thế gian sư trưởng, tắc bất tri lễ nghĩa; nhược vô xuất thế sư trưởng, tắc bất giải Phật pháp. Bất tri lễ nghĩa, tắc đồng ư dị loại; bất giải Phật pháp, tắc hà dị tục nhân? Kim ngã đẳng thố tri lễ nghĩa, lược giải Phật pháp, ca-sa bị thể, giới phẩm triêm thân. Thử chi trọng ân, tùng sư trưởng đắc. Nhược cầu tiểu quả, cẩn năng tự lợi; kim vi Đại thừa, phổ nguyện lợi nhân, tắc thế xuất thế gian nhị chủng sư trưởng, câu mông lợi ích. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ tam nhân duyên dã.
Vân hà niệm thí chủ ân? Vị ngã đẳng kim giả, nhật dụng sở tư, tịnh phi kỷ hữu. Nhị thời chúc phạn, tứ quý y thường, tật bệnh sở nhu, thân khẩu sở phí, thử giai xuất tự tha lực, tương vi ngã dụng. Bỉ tắc kiệt lực cung canh, thượng nan hồ khẩu; ngã tắc an toạ thụ thực, do bất xứng tâm. Bỉ tắc phưởng chí bất dĩ, do tự gian nan; ngã tắc an phục hữu dư, ninh tri ái tích? bỉ tắc tất môn bồng hộ, nhiễu nhưỡng chung thân; ngã tắc quảng vũ nhàn đình, du du tốt tuế. dĩ bỉ lao nhi cung ngã dật, ư tâm an hồ? Tương tha lợi nhi nhuận kỉ thân, ư lí thuận hồ? Tự phi bi trí song vận, phúc tuệ nhị nghiêm, đàn tín triêm ân, chúng sinh thụ tứ, tắc lạp mễ thốn ti, thù thường hữu phân, ác báo nan đào. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ tứ nhân duyên dã.
Vân hà niệm chúng sinh ân? Vị ngã dữ chúng sinh, tùng khoáng kiếp lai, thế thế sinh sinh, hỗ vi phụ mẫu, bỉ thử hữu ân. Kim tuy cách thế hôn mê, hỗ bất tương thức, dĩ lí suy chi, khởi vô báo hiệu? Kim chi phi mao đái giác, an tri phi tích vi kì tử hồ? Kim chi nhuyễn động quyên phi, an tri bất tằng vi ngã phụ hồ? Mỗi kiến ấu ly phụ mẫu, trường nhi dung mạo đô vong, hà huống túc thế thân duyên, kim tắc Trương Vương nan ký. Bỉ kỳ hào hô ư địa ngục chi hạ, uyển chuyển ư ngạ quỷ chi trung, khổ thống thùy tri? Cơ hư an tố? Ngã tuy bất kiến bất văn, bỉ tất cầu chửng cầu tế. Phi kinh bất năng trần thử sự, phi Phật bất năng đạo thử ngôn, bỉ tà kiến nhân, hà túc dĩ tri thử? Thị cố Bồ Tát quán ư lâu nghĩ, giai thị quá khứ phụ mẫu, vị lai chư Phật, thường tư lợi ích, niệm báo kỳ ân. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ ngũ nhân duyên dã.
Vân hà niệm sinh tử khổ? Vị ngã dữ chúng sinh, tùng khoáng kiếp lai, thường tại sinh tử, vị đắc giải thoát. Nhân gian thiên thượng, thử giới tha phương, xuất một vạn đoan, thăng trầm phiến khắc. Nga yên nhi thiên, nga yên nhi nhân, nga yên nhi địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Hắc môn triêu xuất nhi mộ hoàn, thiết quật tạm ly nhi hựu nhập. Đăng đao sơn dã, tắc cử thể vô hoàn phu; phàn kiếm thụ dã, tắc phương thốn giai cát liệt. Nhiệt thiết bất trừ cơ, thôn chi tắc can trường tận lạn; dương đồng nan liệu khát, ẩm chi tắc cốt nhục đô mi. Lợi cứ giải chi, tắc đoạn nhi phục tục; xảo phong xuy chi, tắc tử dĩ hoàn sinh. Mãnh hỏa thành trung, nhẫn thính khiếu hào chi thảm; tiên ngao bàn lý, đãn văn khổ thống chi thanh. Băng đống thủy ngưng, tắc trạng tự thanh liên nhị kết; huyết nhục ký liệt, tắc thân như hồng ngẫu hoa khai. Nhất dạ tử sinh, địa hạ mỗi kinh vạn biến; nhất triêu khổ thống, nhân gian dĩ quá bách niên. Tần phiền ngục tốt bì lao, thùy tín Diêm ông giáo giới? Thụ thời tri khổ, tuy hối hận dĩ hà truy? Thoát dĩ hoàn vô, kỳ tác nghiệp dã như cố.
Tiên lư xuất huyết, thùy tri ngô mẫu chi bi? Khiên thỉ tựu đồ, yên thức nãi ông chi thống? Thực kỳ tử nhi bất tri, Văn vương thượng nhĩ; đạm kì thân nhi vị thức, phàm loại giai nhiên. Đương niên ân ái, kim tác oán gia; tích nhật khấu cừu, kim thành cốt nhục. Tích vi mẫu nhi kim vi phụ, cựu thị ông nhi tân tác phu. Túc mệnh tri chi, tắc khả tu khả sỉ; thiên nhãn thị chi, tắc khả tiếu khả lân. Phẩn uế tùng trung, thập nguyệt bao tàng nan quá; nùng huyết đạo lý, nhất thời đảo hạ khả lân. Thiểu dã hà tri, đông tây mạc biện; trưởng nhi hữu thức, tham dục tiện sinh. Tu du nhi lão bệnh tương tầm, tấn tốc nhi vô thường hựu chí. Phong hỏa giao tiên, thần thức ư trung hội loạn; tinh huyết ký kiệt, bì nhục tự ngoại kiền khô. Vô nhất mao nhi bất bị châm toàn, hữu nhất khiếu nhi giai tùng đao cát. Quy chi tương phanh, kỳ thoát xác dã do dị; thần chi dục tạ, kỳ khứ thể dã bội nan. Tâm vô thường chủ, loại thương cổ nhi xứ xứ tân sĩ; thân vô định hình, tự phòng ốc nhi tần tần thiên tỷ. Đại thiên trần điểm, nan cùng vãng phản chi thân; tứ hải ba đào, thục kế biệt li chi lệ? Nga nga tích cốt, quá bỉ sùng sơn; mãng mãng hoành thi, đa ư đại địa. hướng sử bất văn Phật ngữ, thử sự thùy kiến thùy văn? Vị đổ Phật kinh, thử lý yên tri yên giác?
Kỳ hoặc y tiền tham luyến, nhưng cựu si mê; chỉ khủng vạn kiếp thiên sinh, nhất thác bách thác. Nhân thân nan đắc nhi dị thất, lương thời dị vãng nhi nan truy. Đạo lộ minh minh, biệt ly trường cửu; tam đồ ác báo, hoàn tự thụ chi. Thống bất khả ngôn, thùy đương tương đại? Hưng ngôn cập thử, năng bất hàn tâm?
Thị cố nghi ưng đoạn sinh tử lưu, xuất ái dục hải; tự tha kiêm tế, bỉ ngạn đồng đăng. Khoáng kiếp thù huân, tại thử nhất cử. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ lục nhân duyên dã.
Vân hà tôn trọng kỷ linh? Vị ngã hiện tiền nhất tâm, trực hạ dữ Thích-ca Như Lai vô nhị vô biệt, vân hà Thế Tôn vô lượng kiếp lai tảo thành Chánh giác, nhi ngã đẳng hôn mê điên đảo, thượng tố phàm phu? Hựu Phật Thế Tôn tắc cụ hữu vô lượng thần thông trí tuệ, công đức trang nghiêm, nhi ngã đẳng tắc đãn hữu vô lượng nghiệp hệ phiền não, sinh tử triền phược. Tâm tính thị nhất, mê ngộ thiên uyên, tĩnh ngôn tư chi, khởi bất khả sỉ? Thí như vô giá bảo châu, một tại ứ nê thị đồng ngõa lịch, bất gia ái trọng. Thị cố nghi ưng dĩ vô lượng thiện pháp, đối trị phiền não. tu đức hữu công, tắc tính đức phương hiển, như châu bị trạc, huyền tại cao tràng, đỗng đạt quang minh, ánh tế nhất thiết. Khả vị bất cô Phật hóa, bất phụ kỷ linh. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ thất nhân duyên dã.
Vân hà sám hối nghiệp chướng? Kinh ngôn: Phạm nhất cát-la, như Tứ thiên vương thọ ngũ bá tuế, đọa nê-lê trung. Cát-la tiểu tội, thượng hoạch thử báo, hà huống trọng tội, kỳ báo nan ngôn! Kim ngã đẳng nhật dụng chi trung, nhất cử nhất động, hằng vi giới luật; nhất xan nhất thủy, tần phạm thi-la. Nhất nhật sở phạm, diệc ưng vô lượng, hà huống chung thân lịch kiếp, sở khởi chi tội, cánh bất khả ngôn hĩ. Thả dĩ ngũ giới ngôn chi, thập nhân cửu phạm, thiểu lộ đa tàng. Ngũ giới danh vi ưu-bà-tắc giới, thượng bất cụ túc, hà huống sa-di, tỉ-khâu, Bồ Tát đẳng giới, hựu bất tất ngôn hĩ. Vấn kì danh, tắc viết ngã tỉ-khâu dã; vấn kì thật, tắc thượng bất túc vi ưu-bà-tắc dã, khởi bất khả quý tai! Đương tri Phật giới bất thụ tắc dĩ, thụ tắc bất khả huỷ phạm; bất phạm tắc dĩ, phạm tắc chung tất đoạ lạc. Nhược phi tự mẫn mẫn tha, tự thương thương tha, thân khẩu tịnh thiết, thanh lệ câu hạ, phổ dữ chúng sinh, cầu ai sám hối, tắc thiên sinh vạn kiếp, ác báo nan đào. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ bát nhân duyên dã.
Vân hà cầu sinh Tịnh độ? Vị tại thử độ tu hành, kỳ tấn đạo dã nan; bỉ độ vãng sinh, kỳ thành Phật dã dị. Dị cố nhất sinh khả trí, nan cố lũy kiếp vị thành. Thị dĩ vãng thánh tiền hiền, nhân nhân thú hướng; thiên kinh vạn luận, xứ xứ chỉ quy. Mạt thế tu hành, vô việt ư thử. Nhiên kinh xưng thiểu thiện bất sinh, đa phúc nãi trí. Ngôn đa phúc, tắc mạc nhược chấp trì danh hiệu; ngôn đa thiện, tắc mạc nhược phát quảng đại tâm. Thị dĩ tạm trì thánh hiệu, thắng ư bố thí bách niên; nhất phát đại tâm, siêu quá tu hành lịch kiếp. Cái niệm Phật bản kỳ tác Phật, đại tâm bất phát, tắc tuy niệm hề vi? Phát tâm nguyên vi tu hành, Tịnh độ bất sinh, tắc tuy phát dị thối. Thị tắc hạ Bồ-đề chủng, canh dĩ niệm Phật chi lê, đạo quả tự nhiên tăng trưởng; thừa đại nguyện thuyền, nhập ư Tịnh độ chi hải, Tây phương quyết định vãng sinh. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ cửu nhân duyên dã.
Vân hà linh Chánh pháp cửu trụ? Vị ngã Thế Tôn, vô lượng kiếp lai, vị ngã đẳng cố tu Bồ-đề đạo, nan hành năng hành, nan nhẫn năng nhẫn, nhân viên quả mãn, toại trí thành Phật. Ký thành Phật dĩ, hóa duyên chu ngật, nhập ư Niết-bàn. Chánh pháp tượng pháp giai dĩ diệt tận, cận tồn mạt pháp, hữu giáo vô nhân. Tà chính bất phân, thị phi mạc biện; cạnh tranh nhân ngã, tận trục lợi danh. Cử mục thao thao, thiên hạ giai thị. Bất tri Phật thị hà nhân? Pháp thị hà nghĩa? Tăng thị hà danh? Suy tàn chí thử, đãi bất nhẫn ngôn; mỗi nhất tư cập, bất giác lệ hạ. Ngã vi Phật tử, bất năng báo ân. Nội vô ích ư kỷ, ngoại vô ích ư nhân; sinh vô ích ư thời, tử vô ích ư hậu. Thiên tuy cao, bất năng phú ngã; địa tuy hậu, bất năng tải ngã. Cực trọng tội nhân, phi ngã nhi thùy? Do thị thống bất khả nhẫn, kế vô sở xuất. Đốn vong bỉ lậu, hốt phát đại tâm. Tuy bất năng vãn hồi mạt vận ư thử thời, quyết đương đồ hộ trì Chánh pháp ư lai thế. Thị cố giai chư thiện hữu, đồng đáo đạo trường, thuật vi sám-ma, kiến tư pháp hội, phát tứ thập bát chi đại nguyện, nguyện nguyện độ sinh; kỳ bách thiên kiếp chi thâm tâm, tâm tâm tác Phật. Tùng ư kim nhật, tận vị lai tế, tất thử nhất hình, thệ quy An Dưỡng. Ký đăng cửu phẩm, hồi nhập Sa-bà, tỷ đắc Phật nhật trùng huy, pháp môn tái xiển. Tăng hải trừng thanh ư thử giới, nhân dân bị hóa ư Đông phương; kiếp vận vi chi canh diên, Chánh pháp đắc dĩ cửu trụ. Thử tắc khu khu chân thật khổ tâm. Thị vi phát Bồ-đề tâm đệ thập nhân duyên dã.
Như thị thập duyên bị thức, bát pháp chu tri, tắc thú hướng hữu môn, khai phát hữu địa. Tương dữ đắc thử nhân thân, cư ư Hoa Hạ. Lục căn vô dạng, tứ đại khinh an; cụ hữu tín tâm, hạnh vô ma chướng.
Huống kim ngã đẳng, hựu đắc xuất gia, hựu thụ Cụ giới, hựu ngộ Đạo trường, hựu văn Phật pháp, hựu chiêm xá-lợi, hựu tu sám pháp, hựu trực thiện hữu, hựu cụ thắng duyên. Bất ư kim nhật phát thử đại tâm, cánh đãi hà nhật?
Duy nguyện đại chúng, mẫn ngã ngu thành, lân ngã khổ chí, đồng lập thử nguyện, đồng phát thị tâm. Vị phát giả kim phát, dĩ phát giả tăng trưởng; dĩ tăng trưởng giả, kim linh tương tục. Vật úy nan nhi thối khiếp, vật thị dị nhi khinh phù; vật dục tốc nhi bất cửu trường, vật giải đãi nhi vô dũng mãnh. Vật ủy mị nhi bất chấn khởi, vật nhân tuần nhi cánh kì đãi; vật nhân ngu độn nhi nhất hướng vô tâm, vật dĩ căn thiển nhi tự bỉ vô phần. Thí chư chủng thụ, chủng cửu tắc căn thiển nhi nhật thâm; hựu như ma đao, ma cửu tắc đao độn nhi thành lợi. Khởi khả nhân thiển vật chủng, nhậm kỳ tự khô? Nhân độn phất ma, trí chi vô dụng?
Hựu, nhược dĩ tu hành vi khổ, tắc bất tri giải đãi vưu khổ. Tu hành tắc cần lao tạm thời, an lạc vĩnh kiếp; giải đãi tắc thâu an nhất thế, thụ khổ đa sinh. Huống hồ dĩ Tịnh độ vi chu hàng, tắc hà sầu thối chuyển? Hựu đắc vô sinh vi nhẫn lực, tắc hà lự gian nan? Đương tri địa ngục tội nhân, thượng phát Bồ-đề ư vãng kiếp; khởi khả nhân luân Phật tử, bất lập đại nguyện ư kim sinh?
Vô thủy hôn mê, vãng giả ký bất khả gián; nhi kim giác ngộ, tương lai do thượng khả truy. Nhiên mê nhi vị ngộ, cố khả ai lân; cẩu tri nhi bất hành, vưu vi thống tích. Nhược cụ địa ngục chi khổ, tắc tinh tấn tự sinh; nhược niệm vô thường chi tốc, tắc giải đãi bất khởi. Hựu tu dĩ Phật pháp vi tiên sách, thiện hữu vi đề huề; tạo thứ phất ly, chung thân ỷ lại, tắc vô thối thất chi ngu hĩ.
Vật ngôn nhất niệm khinh vi, vật vị hư nguyện vô ích; tâm chân tắc sự thật, nguyện quảng tắc hành thâm. Hư không phi đại, tâm vương vi đại; kim cương phi kiên, nguyện lực tối kiên.
Đại chúng thành năng bất khí ngã ngữ, tắc Bồ-đề quyến thuộc, tùng thử liên nhân; liên xã tôn minh, tự kim đế hảo. Sở nguyện đồng sinh Tịnh độ, đồng kiến Di-đà, đồng hóa chúng sinh, đồng thành Chánh giác. Tắc an tri vị lai tam thập nhị tướng, bách phúc trang nghiêm, bất tùng kim nhật phát tâm lập nguyện nhi thủy dã. Nguyện dữ đại chúng cộng miễn chi. Hạnh thậm hạnh thậm!
BÀI ĐỌC THÊM VỀ CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG ĐẠI SƯ THẬT HIỀN:
TĨNH AM PHÁP SƯ TRUYỆN
省 庵 法 師 傳
Đại Sư tên húy là Thật Hiền (實 賢), tên tự Tư Tề (思 齊), pháp hiệu Tỉnh Am (省 庵), thuộc dòng họ Thời ở Thường Thục, sinh vào ngày mồng 8 tháng 8 năm thứ 24 niên hiệu Khang Hy. Gia đình vốn nhiều đời truyền nối theo Nho học. Ngài sinh ra đã không chịu ăn thức ăn mặn hôi tanh, tuổi còn thơ ấu đã sớm nuôi chí thoát tục.
Cha Ngài mất sớm, mẹ là người họ Trương, biết Ngài sẵn đủ căn lành đời trước nên khuyến khích xuất gia. Năm 7 tuổi đã đến am Thanh Lương lạy Ngài Dung Tuyển làm thầy. Ngài thông tuệ minh mẫn, hết thảy kinh điển đã đọc qua đều nhớ kỹ không quên. Năm 15 tuổi chính thức xuống tóc, lìa tục xuất gia, khi ấy đã tinh thông hết thảy sách vở thế gian, biết làm thơ và giỏi môn thư pháp. Các bậc tiền bối (tài danh đương thời) như Tiền Ngọc Hữu, Hứa Dương Cốc đều muốn cùng Ngài kết giao (bàn chuyện thơ văn), nhưng không một giây phút nào Ngài xao lãng việc lớn là thoát vòng sinh tử.
Ngài một lòng hiếu thảo. Khi mẹ mất, Ngài quỳ trước bàn Phật tụng kinh Báo Ân đủ 49 ngày. Sau đó mỗi dịp kỵ giỗ hằng năm đều cung kính thiết cúng.
Một hôm đến chùa Phổ Nhân, nhìn thấy có vị Tăng đột ngột ngã lăn ra đất chết, Ngài hốt nhiên nhận rõ được ý nghĩa vô thường trong kiếp sống, nên càng tự thúc giục mình nỗ lực tu tiến mãnh liệt hơn.
Năm 24 tuổi, Ngài thọ giới Cụ-túc tại chùa Chiêu Khánh, nghiêm cẩn học tập giữ theo giới luật, không rời y bát, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, tỉnh giác đến mức không lúc nào đặt lưng xuống chiếu, luôn noi theo như thế làm sự hành trì thường nhật.
Đến năm Canh Dần, Ngài theo Pháp Sư Cừ Thành nghe giảng kinh Pháp Hoa, rồi tìm đến ra mắt Pháp Sư Thiệu Đàm nghe giảng về Duy Thức, Lăng Nghiêm, Chỉ Quán… Ngài học tập nghiên cứu cả ngày đêm, chưa được ba năm mà các yếu chỉ Tam Quán, Thập Thừa của tông Thiên Thai, cùng với các môn học phân biện về tánh và tướng đều thông suốt. Pháp Sư Thiệu Đàm liền thọ ký cho Ngài là truyền nhân đời thứ tư của phái Linh Phong, thuộc Thiên Thai chánh tông.
Vào năm Giáp Ngọ, Ngài đến lễ Hòa Thượng Linh Thứu tại Sùng Phúc, tham câu thoại đầu “ai là người niệm Phật”. Ngài miên mật nắm giữ thoại đầu ấy, ròng rã qua bốn tháng trời, hốt nhiên có sự khế ngộ, tự nói ra rằng: “Mộng ta đã tỉnh rồi.”
Kể từ đó Ngài hành xử ứng biến tùy cơ không ngăn ngại, biện tài dọc ngang tự tại. Hòa Thượng Linh Thứu muốn giao phó truyền thừa, Ngài không nhận, từ biệt ra đi, rồi đến ẩn cư nơi chùa Chân Tịch, ban ngày đọc tam tạng kinh điển, đêm hành trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Đủ kỳ hạn ba năm, Tăng Chúng trong chùa cung thỉnh giảng kinh Pháp Hoa, Ngài lên tòa khai giảng, lời lời đều như sông tuôn suối trào, lưu loát không ngăn ngại.
Đầu xuân năm Mậu Tuất, Đại Sư dừng chân ở chùa Long Hưng, Hàng Châu, Pháp Sư Thiệu Đàm bảo thay Ngài giảng giải Kinh, Luật, đại chúng người người đều ngợi khen xưng tán.
Mùa xuân năm Kỷ Hợi, Ngài đến chiêm bái xá-lợi Phật trong tháp thờ ở núi Tứ Minh. Ngài đốt ngón tay cúng Phật trước sau 5 lần. Mỗi năm đến ngày kỷ niệm Phật nhập Niết-bàn đều diễn giảng hai kinh Di Giáo và Di Đà, nêu rõ ý nghĩa tâm này là Phật, nhờ đó mà căn cơ ba bậc đều được dắt dẫn, chánh pháp giáo hóa rộng khắp mọi nơi; Tăng Ni, Cư Sĩ toàn vùng Giang Chiết đều hướng tâm quy ngưỡng. Trải qua mười năm, pháp tòa càng thêm hưng thịnh, rộng truyền đến khắp muôn phương. Đại Sư cũng nhận lời cung thỉnh đến các chùa Vĩnh Phúc, Phổ Khánh và Hải Vân. Mỗi lần Ngài đến đâu thì khuôn phép nơi ấy được chấn chỉnh tươi mới, thanh quy được nghiêm túc kính tuân. Mỗi khi giảng các kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa… người đến nghe và thưa hỏi nghĩa kinh luôn tụ tập chen chúc nhau dưới pháp tòa.
Không bao lâu, Đại Sư lại lui về chùa Tiên Lâm thuộc Hàng Châu ẩn tu, đóng cửa chuyên tâm, ra sức tu tập Tịnh Độ.
Mùa đông năm Kỷ Dậu, cư sĩ Hàng Châu gồm các ông Mao Tĩnh Viễn, Diệp Thăng, Hoàng Phủ Tử Nghi, Lý Chấp Ngọc, cùng các thầy giám viện là Tỉnh Cung, Nhất Vi… đồng đến cung thỉnh Ngài trụ trì chùa Phạm Thiên ở núi Phụng Sơn. Từ đó, Ngài dứt hết muôn duyên, chỉ toàn nêu cao Tịnh Độ, đặt kỳ hạn tu tập lâu dài, lập quy ước nghiêm túc cho mọi người, ngày đêm sáu thời cùng hỗ trợ, khuyên nhắc, thúc giục nhau gắng sức tu tập. Người người đều cho rằng ngài là Đại Sư Vĩnh Minh tái thế.
Ngài giữ cương vị trụ trì các chùa trước sau hơn mười năm, đệ tử được hóa độ xuất gia cùng cư sĩ quy y thọ giới có đến mấy trăm người. Trong số đó, những ai theo học văn thơ thì ngài thống thiết khuyên răn, dạy rằng: “Mạng người chỉ trong hơi thở, sao có thể nhàn rỗi theo học chữ nghĩa thế tục? Chỉ một chút sai lầm đã rơi ngay vào đời khác, (khi ấy) muốn thoát ra thật khó lắm thay!”
Vào ngày lễ Phật thành đạo năm Quý Sửu, Ngài nói với đệ tử: “Năm sau, ngày mười bốn tháng tư ta đi xa rồi.” Từ đó, Ngài đóng cửa ẩn tu, giữ lòng thanh tịnh, đặt kỳ hạn mỗi ngày đêm niệm đủ mười vạn câu Phật hiệu.
Sang năm sau, Giáp Dần, mồng hai tháng tư, Ngài mở cửa ra thất. Đến ngày mười hai nói với đại chúng: “Trước đây mười ngày ta đã nhìn thấy Tây Phương Tam Thánh giáng hạ giữa hư không. Nay lại thấy lần nữa. Đã đến lúc ta sinh về Tịnh Độ.” Liền dặn dò công việc trong chùa, lại đi từ biệt khắp hết những cư sĩ hộ pháp trong thành. Thị giả thỉnh lưu kệ, Ngài viết:
身 在 華 中 佛 現 前
佛 光 來 照 紫 金 蓮
心 隨 諸 佛 往 生 去
無 去 來 中 事 宛 然
Thân tại hoa trung, Phật hiện tiền,
Phật quang lai chiếu tử kim liên.
Tâm tùy chư Phật vãng sinh khứ,
Vô khứ lai trung sự uyển nhiên.
Dịch nghĩa:
Thân sinh ra giữa đóa hoa, Phật hiện trước mặt,
Hào quang Phật soi chiếu, hoa sen màu vàng sắc tía.
Tâm nương theo Chư Phật được vãng sinh rồi,
Trong chỗ không đến đi, mọi việc đều hiển nhiên rõ ràng.
Tạm dịch:
Thân giữa hoa, Phật hiện tiền,
Phật quang tỏa rạng tòa sen chói ngời.
Tâm nương Phật vãng sinh rồi,
Đến đi dứt bặt, mặc tình chiếu soi.
Viết kệ xong, Ngài bảo đệ tử: “Vào ngày mười bốn, ta định vãng sinh, các ông hãy vì ta tập hợp đại chúng cùng niệm Phật.”
Ngày mười ba, Ngài thôi không ăn uống, suốt ngày ngồi thẳng người trang nghiêm, mắt khép hờ. Đến canh năm tắm rửa, thay y phục nghiêm trang rồi ngồi kiết già quay mặt về hướng Tây. Khoảng giờ Tỵ ngày mười bốn, mọi người khắp chốn gần xa cùng tụ tập về, thảy đều gạt nước mắt, quỳ lạy thưa thỉnh: “Mong Đại Sư ở lại cõi đời cứu độ muôn người.”
Ngài mở mắt dạy rằng: “Ta đi rồi trở lại ngay. Giải thoát sinh tử là việc lớn, mỗi người hãy tự mình tĩnh tâm niệm Phật.”
Nói xong liền chắp hai tay, niệm danh hiệu Phật rồi thị tịch, thọ 49 tuổi đời, 25 tuổi đạo. Giây lát, nơi lỗ mũi chảy xuống vài giọt nước, dung nhan vẫn tươi nhuận sáng đẹp, cho đến khi liệm vào áo quan cũng không thay đổi.
Trong năm ấy, vào ngày mồng tám tháng chạp, trụ trì chùa Ngu Sơn là Đại Sư Vô Trụ (cùng bốn chúng đệ tử) cung kính thỉnh đưa linh cốt Ngài về dựng tháp thờ nơi phía Tây vách núi Phất Thủy, thuộc Cầm Xuyên.
Niên hiệu Càn Long năm thứ 7, ngày rằm tháng hai, bốn chúng đệ tử vùng Mậu Sơn tưởng nhớ đạo hạnh cao vời của Ngài, liền cung thỉnh linh cốt về xây dựng tháp thờ bên phải chùa A-dục Vương. Tháp cũ (ở Cầm Xuyên) được dùng làm nơi thờ y bát của Ngài.
Tác phẩm để lại có 108 bài thơ Tịnh Độ, Chú Giải Tây Phương Phát Nguyện Văn, Tục Vãng Sanh Truyện, Đông Hải Nhược Giải, các bài văn sám Xá-lợi, Niết-bàn… tất cả đều được lưu hành rộng rãi.
Ngày 9 tháng 9 năm Ất Sửu, niên hiệu Càn Long thứ 10,
người đồng học là Tây Am Luật Nhiên ghi lại
dưới mái hiên bên phải Tam Phong Tịch Chiếu Đường.
Nguồn: Liên Phật Hội.