PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Pháp đàm của Tiến Sĩ Lâm Như Tạng tại Sydney với Liên Chúng Úc Đại Lợi
Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Vạn Hạnh GĐPTVN khóa II Hải Ngoại,
truyền tải trên hệ thống Paltalk Messnger ngày 19/1/2014.
—=oOo=—
I. Bồ-đề là gì?
II. Những kinh nói về Bồ-đề.
III. Những luận nói về Bồ-đề.
IV. Bồ-đề tâm là thế nào?
V. Những kinh nói về Bồ-Đề tâm.
VI. Những luận nói về Bồ-đề tâm.
VII. Những kinh nói về phát Bồ-Đề tâm.
VIII. Những luận nói về phát Bồ-Đề Tâm.
IX. Nội dung bài “Khuyến Phát Bồ-đề Tâm Văn”.
X. Kết luận.
-oOo-
I. BỒ-ĐỀ LÀ GÌ?
Tiếng Pãli: bodhi. Dịch là Tri, Đạo, Giác, Trí. Nói theo nghĩa rộng Bồ-đề là trí tuệ đoạn tuyệt phiền não thế gian mà thành tựu Niết-bàn. Tức là Trí Giác Ngộ mà Phật, Bồ-tát, Duyên Giác, Thanh Văn đã đạt được ở quả vị của các Ngài. Trong các loại Bồ-đề nầy, Bồ-đề của Phật là rốt ráo tột bậc, nên gọi là A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, dịch là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Chánh Biến Trí, Vô Thượng Chính Chân Đạo, Vô Thượng Bồ-đề.
Sau khi thành Phật, Đức Thích Ca có giải rằng ngài có đủ ba thể Bồ-đề:
1) Ứng Hóa Phật Bồ-đề: tức là thể Bồ-đề hiện lại trong đời Ngài làm thái tử Tất Đạt Đa mà tu hành.
2) Báo Phật Bồ-đề: tức là thể Bồ-đề mà Ngài tự tạo ra nhờ các điều lành, các sự tu học trong những đời trước.
3) Pháp Phật Bồ-đề: tức là thể chơn như đã có nơi Ngài tự bao giờ, nó vẫn thường trụ nơi các chúng sanh.
Đó là Tam Bồ-đề hay là Tam Phật Bồ-đề.
Ngoài ra Bồ-đề còn có nghĩa thông thường là thông suốt và giác ngộ. Nhưng cảnh sở thông và sở giác có hai pháp.
Một là: Cắt đứt Phiền Não Chướng mà được Nhất Thiết Trí của Niết-bàn, đó là Bồ-đề của Tam Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát).
Hai là: Cắt đứt được Sở Tri Chướng mà được Nhất Thiết Chủng Trí biết tất cả các pháp, đó là Bồ-đề của riêng Chư Phật.
Bồ-đề của Phật gồm Nhất Thiết Trí và Nhất Thiết Chủng Trí cho nên gọi là Đại Bồ-đề.
II. NHỮNG KINH NÓI VỀ BỒ-ĐỀ:
A/ KINH PHÁP HOA – PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG:
Kinh có ghi: “Ta thực thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên kiếp”. Đó là nói về Báo Phật Bồ-đề, thập địa viên mãn, chứng được Niết-bàn chân thường.
Pháp Phật Bồ-đề, Như Lai Tạng tính vốn là thanh tịnh, chúng sanh giới tức Niết-bàn Giới. Điều mà kinh nói: “Như Lai thấy biết tướng của 3 giới đúng như thực, chứ không như Tam Giới thấy Tam Giới” chính là nghĩa ấy.
B/ KINH ƯU-BÀ-TẮC GIỚI:
Trong kinh Ưu-bà-tắc Giới có ghi rằng: Muốn tăng trưởng hạt giống Bồ-đề thì nên làm 5 việc nầy:
- Tự mình không nên tưởng điều khinh thường mà nói rằng mình chẳng được quả Chánh Đẳng Chánh Giác.
- Tự mình chịu khổ mà tâm không chán nản hối hận.
- Tu hành tinh tấn không ngừng không nghỉ.
- Cứu độ vô lượng khổ não của chúng sanh.
- Thường xưng tán công đức nhiệm mầu của Tam Bảo.
Bồ Tát cầu quả Bồ Đề nên làm 4 việc nầy:
- Gần gũi bạn lành.
- Giữ tâm kiên cố không hoại.
- Làm đặng việc khó làm.
- Thương xót chúng sanh.
Lại phải làm 4 việc nầy nữa:
- Thấy người có lợi, sanh tâm vui mừng.
- Thường ưa khen tặng công đức người khác.
- Thường tu tập pháp Lục Niệm: (không sát sanh, không tà dâm, không trộm cắp, không vọng ngữ, không uống rượu, không ăn sau giờ ngọ).
- Thường hay giảng thuyết về chỗ lỗi lầm trong đường sanh tử.
Phải thực hành tám 8 điều ấy mới mau chứng đắc quả Bồ-đề.
C/ NHỮNG KINH KHÁC:
Ngoài ra còn có thể tham khảo những kinh sau đây: Kinh Bồ Tát Địa Trí (q.3) – phẩm Vô Thượng Bồ Đề; Kinh Đại Phẩm Bát Nhã (q. 22); Kinh Bồ Đề Tâm (q.1). Kinh Hoa Nghiêm (q.38 và q.52); Kinh Duy Ma Cật (quyển thượng); Kinh Đại Bảo Tích (q.1 và q.27)…
III. NHỮNG LUẬN NÓI VỀ BỒ-ĐỀ:
A/ ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN CỦA BỒ-TÁT LONG THỌ, quyển 53:
Về Bồ-đề của Phật, theo Luận Đại Trí Độ quyển 53, có 5 loại:
- Phát Tâm Bồ-đề: nghĩa là Bồ-tát ở giai vị Thập Tín phát tâm Bồ-đề, tâm ấy là nhân đưa đến quả Bồ-đề.
- Phục Tâm Bồ-đề: nghĩa là Bồ-tát ở các giai vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng… tu các hạnh Ba-la-mật, chế phục phiền não, hàng phục tâm mình.
- Minh Tâm Bồ-đề: nghĩa là Bồ-tát ở giai vị Đăng Địa (Hoan Hỷ Địa), biết rõ thực tướng các pháp rốt ráo trong sạch, là tướng Bát-nhã-ba-la-mật.
- Xuất Đáo Bồ-đề: nghĩa là Bồ-tát ở ba giai vị Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa, Pháp Vân Địa, ở trong Bát-nhã-ba-la-mật diệt trừ phiền não trói buộc, ra khỏi ba cõi, đến Nhất Thiết Trí, nên gọi là xuất đáo Bồ-đề.
- Vô Thượng Bồ-đề: nghĩa là bậc Đẳng Giác (Phật, bình đẳng nhất như), Diệu Giác (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn) chứng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tức là Giác Trí của quả Phật.
B/ VÃNG SANH TỊNH ĐỘ LUẬN CỦA BỒ TÁT THẾ THÂN:
Luận viết: có 3 điều trái với cửa Bồ-đề, gọi là 3 tâm xa lìa hoặc là ba chướng lìa Bồ-đề, đó là:
- Chấp trước tự ngã.
- Không muốn làm cho tất cả chúng sinh được yên ổn.
- Chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình.
Cũng luận trên viết, 3 tâm thanh tịnh như sau:
- Vô Nhiễm Thanh Tịnh Tâm: không cầu yên vui cho bản thân mình.
- An Thanh Tịnh Tâm: trừ khổ cho chúng sanh, khiến họ được yên vui.
- Lạc Thanh Tịnh Tâm: khiến chúng sanh đến Bồ-đề và cho an vui vĩnh viễn. Đây là 3 tâm thuận theo cửa Bồ-đề.
C/ THIỀN TỔ TRÚC LÂM YÊN TỬ – TRẦN NHÂN TÔNG:
Tổ Trần Nhân Tông đã lập ra Thiền Phái Việt Nam: Trúc Lâm Yên Tử; xin ghi ra đây bài thơ “Kệ Thị Tịch” của Tổ để nói lên Tính Giác trong bài thơ nầy:
Hết thảy pháp không sanh
Hết thảy pháp không diệt
Nếu hay hiểu như vầy
Chư Phật thường trước mặt
Đến đi sao có đây.
(Trích Trần Nhân Tông Toàn Tập – GS.TS Lê Mạnh Thát, bản in 2006).
D/ BỒ-ĐỀ THEO THIÊN THAI TÔNG:
Trong Thiên Thai Tông cũng có 3 Bồ-đề, đó là:
- Thực Tướng Bồ-đề, cũng gọi là Vô Thượng Bồ-đề: chân tướng Bồ-đề ngộ lý thực tướng, tương đương với Đức Pháp Thân.
- Thực Trí Bồ-đề, cũng gọi là Thanh Tịnh Bồ Đề: trí tuệ ngộ lý khế hợp, tương đương với Đức Bát-nhã.
- Phương Tiện Bồ-đề, cũng gọi là Cứu Cánh Bồ-đề: ngộ được tác dụng tự tại giáo hóa chúng sinh, tương đương với Đức Giải Thoát.
IV. BỒ-ĐỀ TÂM LÀ THẾ NÀO?
Bồ-đề tâm tiếng Sanscrit là Bodhi-citta. “Gọi đủ là A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm, cũng gọi là vô thượng chính chân đạo ý; vô thượng Bồ-đề tâm; vô thượng đạo tâm; vô thượng đạo ý; vô thượng tâm; đạo tâm; đạo ý; đạo niệm; giác ý, tức là tâm cầu Bồ-đề vô thượng (cầu thành Phật). Tâm Bồ-đề là hạt giống sinh ra hết thảy Chư Phật; là ruộng tốt nuôi lớn các pháp trong sạch. Nếu phát khởi tâm nầy mà tu hành tinh tiến thì sẽ mau chóng thành Bồ-đề vô thượng. Cho nên biết tâm Bồ-đề là chỗ bắt đầu của tất cả thệ nguyện chân chính, là gốc của Bồ-đề, là chỗ dựa của Đại Bi và Bồ-tát Học. Bồ-tát Đại Thừa trước hết cần phải phát tâm rộng lớn, gọi là phát tâm Bồ-đề, phát tâm, phát ý. Mới bắt đầu phát tâm, gọi là sơ phát tâm, tân phát ý. Người cầu về Tịnh Độ cũng phải phát tâm Bồ-đề” (tham khảo Phật Quang Đại Tự Điển).
Ngoài giải thích về Bồ-đề tâm nói trên, còn có:
a) NHỊ CHỦNG BỒ ĐỀ TÂM:
- Duyên Sự Bồ-đề Tâm: đó là lấy Tứ Hoằng Thệ Nguyện là thể: Một là chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Hai là phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Ba là pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Bốn là Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
- Duyên Lý Bồ-đề Tâm: tất cả các pháp vốn là tịch diệt, an trụ ở thực tướng Trung Đạo nầy mà thành nguyện hành “trên Cầu, dưới Hóa”, đó là Bồ-đề tâm tối thượng, gọi là Bồ-đề Tâm Duyên Lý.
b) BA BẬC BỒ ĐỀ TÂM:
Bồ Đề Tâm có 3 bậc – Thượng, Trung, Hạ:
- Bậc Hạ có thể lần lên bậc Trung và bậc Thượng.
- Bậc Trung có thể tiến lên bậc Thượng hoặc sụt xuống bậc Hạ.
- Bậc Thượng cũng có thể sụt xuống bậc Trung và bậc Hạ.
Bồ-đề tâm mà sụt lùi gọi là thối chuyển, hay thối Bồ-đề tâm. Nếu tinh tấn tu các thiện pháp thì phước đức và trí tuệ ngày càng lớn, quả vị Phật ngày càng gần, đó gọi là “bất thối chuyển Bồ-đề tâm”. Chí tu trì bền bỉ, nhẫn nhục chịu đựng với những cảnh trái nghịch, cương quyết để đạt đến mục đích thành Phật gọi là “kiên cố Bồ-đề tâm”.
Gặp Phật, hoặc Tăng Đoàn mà thỉnh cầu chứng minh cho mình phát nguyện tu cho đến thành Phật thì gọi là “phát Bồ-đề tâm”. Như Ngài Pháp Tạng Tỳ-kheo đến trước Đức Phật Thế Tự Tại Vương mà phát Bồ-đề tâm, Ngài tinh tấn tu tập sau thành Phật A-di-đà. Hoặc là lễ bái cúng dường Tam Bảo, nguyện tu cho đến khi đắc quả vị Phật cũng gọi là phát Bồ-đề tâm, phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm, gọi tắt là phát tâm.
V. NHỮNG KINH NÓI VỀ BỒ-ĐỀ TÂM:
A/ KINH NIẾT BÀN:
Kinh Niết Bàn quyển 25: Bồ-tát cần phải gìn giữ Bồ-đề tâm giống như người đời trông nom đứa con một của mình; giống như kẻ mù hết một con mắt phải lo gìn giữ con mắt còn lại của mình; lại giống như những người đi đường xa vắng phải gìn giữ người dẫn đường của mình. Bồ-tát gìn giữ Bồ-đề tâm cũng như vậy đó. Nhờ thủ hộ Bồ-đề tâm nên đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác.
B/ KINH BỒ TÁT ĐỊA TRÌ:
Biết tâm mình một cách như thật đó là Bồ-đề; tức tâm tự tính trong sạch sẵn có là tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề nhờ vào nhiều duyên mà phát khởi.
Theo Kinh Bồ Tát Địa Trì quyển 1, tâm Bồ-đề gồm có 4 mục như sau:
- Thấy nghe thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn của chư Phật và Bồ-tát mà phát tâm.
- Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ-đề và Bồ-tát Tạng mà phát tâm.
- Tuy chưa nghe pháp, nhưng tự thấy tướng Pháp diệt, vì muốn giữ gìn pháp mà phát tâm.
- Tuy không thấy tướng Pháp diệt, nhưng thấy chúng sanh đời ô trọc bị phiền não quấy phá khó phát tâm được nên mình phát tâm.
Ngoài ra hành giả nên tham khảo thêm những kinh khác như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm…
VI. NHỮNG LUẬN NÓI VỀ BỒ ĐỀ TÂM:
A/ LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN CỦA MÃ MINH BỒ TÁT:
Theo Luận Đại Thừa Khởi Tín nói về ba loại phát tâm có liên quan đến Bồ-đề tâm như sau:
- Tín Thành Tựu Phát Tâm.
- Giải Hạnh Phát Tâm (tu 6 pháp Ba-la-mật).
- Chứng Phát Tâm (từ Tịnh Tâm đến cứu cánh, chứng Trí Chân Như, Pháp Thân).
Trong Tín Thành Tựu Phát Tâm sinh khởi 3 loại tâm: Trực Tâm, Thâm Tâm, Đại Bi Tâm. Trường hợp nầy cũng gọi là 3 loại phát tâm Bồ-đề.
B/ LUẬN BỒ ĐỀ TÂM CỦA BỒ TÁT LONG THỌ:
Mật Giáo chủ trương phát tâm là một trong năm lần chuyển biến của chữ “A”, và dựa vào ba tâm Bồ-đề là Hạnh Nguyện, Thắng Nghĩa, Tam-ma-địa trong Luận Bồ Đề Tâm của Bồ-tát Long Thọ mà lập ra 4 loại phát tâm:
- Tín Tâm: chỉ cho tâm đối với việc cầu Vô Thượng Bồ Đề không một mảy may ngờ vực. Vì tâm nầy là nền tảng của muôn hạnh nên cũng gọi là Bạch Tịnh Tín Tâm (lòng tin trắng sạch).
- Đại Bi Tâm: sau khi phát Bạch Tịnh Tín Tâm, lại lập bốn thệ nguyện rộng lớn. Tâm nầy cũng gọi là Hạnh Nguyện Tâm, Hạnh Nguyện Bồ-đề Tâm.
- Thắng Nghĩa Tâm: trong các giáo pháp, chọn lựa giáo pháp chân thực. Tâm nầy cũng gọi là Thâm Bát-nhã Tâm, Thắng Nghĩa Bồ-đề Tâm.
- Đại Bồ-đề Tâm: ngay lúc quyết định bỏ phần kém, chọn phần hơn, thì Chư Phật mười phương liền hiện ở trước mặt để chứng minh, các Ma thấy thế sợ mà rút lui. Đại Bồ-đề Tâm nầy cũng gọi là Tam-ma-địa Bồ-đề Tâm.
Tuy chia ra 4 tâm như trên nhưng vốn là một thể, cho đến lúc thành Phật quả cũng không giây phút nào rời nhau. Được như thế là nhờ tự hành, hóa tha, thế gian, xuất thế gian, tu Tam Mật của Chư Tôn mà ra, nên gọi là Hữu Tướng Bồ-đề Tâm.
Nhưng vì xưa nay vốn “có tướng tức không tướng” (theo Kinh Bát Nhã), cũng như “hư không lìa tất cả tướng”, nên khế hợp với Vô Tướng Bồ-đề Tâm.
C/ PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN CỦA BỒ TÁT THẾ THÂN:
Theo Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận, quyển thượng, phẩm Phát Tâm, nói về Bồ-đề tâm như sau:
- Tư duy về Phật.
- Quán xét lỗi lầm của thân.
- Thương xót chúng sinh.
- Cầu quả tối thắng.
D/ THIỀN TỔ TRÚC LÂM YÊN TỬ TRẦN NHÂN TÔNG:
Bài thơ 8 câu như sau của Tổ nói về Bồ-đề tâm:
Ai buộc mà đi giải thoát tìm?
Không phàm sao phải kiếm thần tiên?
Vượn mòn, ngựa mỏi ta già phải
Như cũ am mây một sập Thiền
oOo
Phải trái tâm theo hoa sớm rơi
Lợi danh lòng lạnh mưa đêm rồi
Hoa tàn, mưa tạnh non im ắng
Một tiếng chim kêu xuân hết thôi.
(Mạn Hứng Ở Sơn Phòng. Trích Trần Nhân Tông Toàn Tập – Lê Mạnh Thát, 2006).
VII. NHỮNG KINH NÓI VỀ PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM:
Do tâm thành phát khởi ý nguyện tu trì cho đến khi thành Phật hầu tế độ chúng sinh; chữ Bồ-đề ở đây là chỉ cho sự giác ngộ hoàn toàn của Phật, là quả Chánh Giác.
Phát Bồ-đề tâm ở đây còn gọi là “phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tâm”.
Khi phát Bồ-đề tâm hành giả phải phát khởi đủ ba tâm sau đây: Một là Thiện Tâm: tất cả phiền não nguyện dứt sạch, tất cả pháp môn nguyện tu học. Hai là Bi Tâm: thề nguyện độ tất cà chúng sanh. Ba là Trực Tâm: thề xin tinh tấn tu tập để mau chóng thành Chánh Đẳng Chánh Giác.
A/ KINH THỦ LĂNG NGHIÊM:
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 6, Đức Quán Thế Âm Bồ-tát bạch với Phật rằng: Tôi nhớ lại thuở xưa, cách nay hằng hà sa số kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm. Tôi đến trước Đức Phật ấy phát Bồ-đề tâm…
B/ KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI:
Trong Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Đức Phật có dạy rằng: Có những chúng sanh tu học ngoại đạo, nhưng không ưa những thuyết điên đảo trong các sách ngoại đạo, nên phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh ở chỗ vắng lặng, nhờ thiện duyên bề trong mà phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh xét lỗi của sự sanh tử luân hồi mà phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh mắt thấy việc dữ, bèn phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh thấu biết thân tâm mình tham lam, hờn giận, ngu si, bỏn xẻn, ganh ghét; vì ghét bỏ các thói xấu ấy, bèn phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh vì thấy thần tiên của ngoại đạo có ngũ thông, bèn phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh muốn biết thế gian là cùng hay vô cùng, bèn phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh thấy nghe những chỗ không thể nghĩ bàn của Đức Như Lai, bèn phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh sinh lòng thương xót mà phát Bồ-đề tâm. Hoặc có chúng sanh vì yêu thương chúng sanh mà phát Bồ-đề tâm… v.v…
VIII. NHỮNG LUẬN NÓI VỀ PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM:
A/ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ – TỔ TRẦN NHÂN TÔNG:
Tổ có hai bài thơ sau đây ý khuyên người đời mau phát tâm Bồ-đề, tu hành chóng thành Phật quả.
Thân như hơi thở vào ra mũi
Thế tựa gió luồn mây núi xa
Đỗ quyên rền rĩ trăng ngày tháng
Đừng để tầm thường xuân luống qua.
(Thân Như).
Ý nói đời người trong chuổi thời gian vô thường qua rất mau, nên tinh tấn Phát Bồ Đề Tâm tu học để chóng thoát sanh tử luân hồi.
Và bài thơ “Đề Chùa Thôn Hương Cổ Châu’
Số đời một màn kéo
Tình người đôi mắt ngân
Cung ma chật hẹp lắm
Cõi Phật khôn xiết xuân.
(Hai bài thơ trên cùng trích trong Trần Nhân Tông Toàn Tập của Lê Mạnh Thát).
Ý thơ đã rõ, Tổ nói đời người bị chi phối bởi những định luật vô thường, khổ, không, vô ngã. Tổ khuyên chúng ta nên mau phát đại nguyện Bồ-đề tâm để tinh tấn tu tập, thoát khỏi cõi sinh tử hổn độn nầy; để mau thành Phật quả.
B/ HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG KHUYÊN CHÚNG TA PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM:
Trong tác phẩm Tâm Ảnh Lục của Hòa Thượng, Ngài đã viết: “Về lý do phát Bồ-đề tâm, ngoài nỗi thống khổ sinh tử mà mình mục kích và ý thức, có hai việc mà kinh luận đề cập nhiều nhất, đó là tự biết mình có thể làm Phật, và tha thiết hơn cả, nghĩ đến sự suy tàn của Phật Pháp.
Trong hai buổi công phu, buổi sáng, sự phát Bồ-đề tâm được thể hiện trong đoạn văn chính sau đây, ngoài văn phát nguyện hồi hướng:
Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương (ngôi vị Phật chí tôn)
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tương thử thân tâm phụng trần sát (quốc độ nhiều như vi trần)
Thị tắc danh vi báo Phật ân
Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
Như nhất chúng sanh vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ nê-hoàn
Đại hùng, đại lực, đại từ bi
Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc
Linh ngã tảo đăng Vô Thượng Giác
Ư thập phương giới tọa đạo tràng
Thuấn-nhã-đa tánh (tánh Không) khả tiêu vong
Thước-ca-la tâm (tâm kim cương) vô động chuyển.
Buổi chiều cũng vậy, sự phát Bồ-đề tâm được thể hiện trong hai đoạn văn sau đây:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Tự tánh (bản chất) chúng sanh thệ nguyện độ
Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn
Tự tánh pháp môn thệ nguyện học
Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành.”
C/ TUYỂN TRẠCH BẢN NGUYỆN NIỆM PHẬT TẬP CỦA NGÀI NGUYÊN KHÔNG
Trong Tịnh Độ Tông Nhật Bản, Ngài Nguyên Không đã soạn sách nói trên. Ngài có cái nhìn hơi khác về cách thực hành khi nói về Bồ-đề tâm.
Căn cứ vào sách trên, phái Trấn Tây – thuộc tông Tịnh Độ mới – chia tâm Bồ-đề thành Bồ-đề tâm Thánh Đạo Môn và Bồ-đề tâm Tịnh Độ Môn, và cho rằng Bồ-đề tâm là Tổng An Tâm, Tam Tâm (Chí Thành Tâm, Thâm Tâm, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm) và Biệt An Tâm; vì thế chủ trương cần phải phát tâm Bồ-đề.
Lại nữa, phái Tây Sơn – thuộc tông Tịnh Độ – chia Bồ-đề tâm làm Bồ-đề tâm Hành Môn và Bồ-đề tâm Quán Môn. Phái nầy chủ trương không cần thực hành Bồ-đề tâm Hành Môn là vì trong Bồ-đề tâm Quán Môn đã đầy đủ Tam Tâm rồi.
Còn Tịnh Độ Chân Tông thì chia Bồ-đề tâm thành Tự Lực Bồ-đề tâm và Tha Lực Bồ-đề tâm. Trong hai tâm nầy, Phật dùng thệ nguyện gốc cho chúng sanh tâm tin ưa, tức là tín tâm chân thực vì tâm nguyện làm Phật, tâm độ chúng sinh, cho nên gọi là Tha Lực Bồ Đề Tâm, Tịnh Độ Đại Bồ Đề Tâm. (X. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã q.9; Kinh Ưu Bà Tắc Giới q.1;…).
IX. NỘI DUNG “KHUYẾN PHÁT BỒ- ĐỀ TÂM VĂN”:
Bài văn nầy do Ngài Đại Sư Thật Hiền, tự Tư Tề, hiệu Tĩnh Am, (người đời nhà Thanh, con nhà họ Thời ở Thường Thục), chùa Phạm Thiên Cổ Hàng biên soạn (trích từ trang mạng dharmasite.net/khuyenphatbodetam_hv.htm). Không thấy ghi dịch giả là ai.
Trong đoạn đầu nói về sự “phát tâm” và “lập nguyện”:
“Từng nghe, cửa chính yếu vào đạo thì sự phát tâm làm đầu, việc khẩn cấp tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì có thể độ chúng sanh, tâm phát thì Phật đạo có thể thành. Nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện vững bền kiên cố, thì dù trãi qua nhiều kiếp như số vi trần, cũng vẫn y nhiên ở trong vòng luân hồi. Dù có tu hành cũng chỉ là uổng công lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu quên mất tâm Bồ-đề mà tu các pháp lành, gọi đó là nghiệp ma”. Quên mất mà còn như thế, huống chi chưa phát ư? Cho nên muốn học Như Lai Thừa thì trước phải phát Bồ-tát Nguyện, không thể chậm trễ vậy.”
Đoạn thứ hai, nói về tám tướng: Tà, Chánh, Chơn, Ngụy, Đại, Tiểu, Thiên, Viên:
“…Nhưng tâm nguyện vốn có nhiều tướng trạng khác nhau, nếu không chỉ ra thì làm sao biết mà xu hướng đến. Nay xin vì đại chúng mà trình bày sơ lược. Sự phát tâm, lập nguyện gồm tám tướng là: Tà, Chánh, Chơn, Ngụy, Đại, Tiểu, Thiên, Viên. Như thế nào là tà, chánh, chơn, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên?
Đời có kẻ tu hành mà từ trước đến nay chỉ một bề hành theo sự tướng, không biết tham cứu tự tâm, chỉ lo những việc ở ngoài, hoặc mong cầu lợi dưỡng; hoặc ưa thích hư danh; hoặc ham dục lạc hiện đời; hoặc mong cầu phước báo mai sau, phát tâm như vậy gọi là Tà.
Đã không mong cầu hư danh lợi dưỡng, lại không ham quả báu dục lạc đời sau, chỉ vì mong liễu thoát sinh tử, vì chứng đắc Bồ-đề, phát tâm như vậy gọi là Chánh.
Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh, nghe con đường thành Phật lâu xa cũng không sanh tâm thối chí khiếp sợ. Thấy chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi; như leo núi cao vạn trượng cũng quyết trèo lên tận đỉnh, như lên tháp lớn chín tầng cũng cố lên đến tột nóc. Phát tâm như vậy gọi là Chân.
Có tội không sám hối, có lỗi không trừ bỏ, trong trược ngoài thanh, trước siêng năng sau lười biếng. Dù có tâm tốt phần lớn cũng bị danh lợi xen lẫn. Dù tu thiện pháp phần nhiều cũng bị nghiệp tội làm ô nhiễm. Phát tâm như vậy gọi là Ngụy.
Chúng sanh độ hết, nguyện ta mới hết; đạo Bồ-đề thành, nguyện ta mới thành. Phát tâm như vậy gọi là Đại.
Xét xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia; chỉ mong tự độ, không muốn độ người, phát tâm như vậy gọi là Tiểu.
Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh mình nguyện độ, có Phật đạo nguyện thành, công phu không xã, thấy biết không tiêu mất. Phát tâm như vậy gọi là Thiên.
Nếu biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện viên thành; không thấy một pháp nào lìa tâm mà riêng có, lấy tâm hư không phát nguyện như hư không, làm hạnh như hư không, chứng quả hư không, cũng không có tướng hư không có thể đắc được. Phát tâm như vậy gọi là Viên.
Sau đây là nói về 10 nhân duyên phát tâm Bồ-đề:
Tâm Bồ Đề nầy là vua trong các pháp lành, phải có nhân duyên mới phát khởi được. Nhân duyên ấy, nay nói tóm lược có 10:
- Nhớ ơn sâu nặng của Đức Phật.
- Nhớ ơn Cha Mẹ.
- Nhớ ơn Sư Trưởng.
- Nhớ ơn Thí Chủ.
- Nhớ ơn Chúng Sanh.
- Nhớ khổ Sanh Tử.
- Tôn trọng Phật Tánh của chính mình.
- Sám hối Nghiệp Chướng.
- Cầu sanh Tịnh Độ.
- Làm cho Phật Pháp tồn tại lâu dài.
1) NHỚ ƠN SÂU NẶNG CỦA ĐỨC PHẬT
Thế nào là nhớ ơn nặng của Phật? Đức Phật Thích Ca Như Lai của ta, lúc mới phát tâm, đã vì chúng ta mà tu Bồ-tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ các thứ khổ cực. Khi ta tạo nghiệp, Đức Phật xót thương, phương tiện giáo hóa, mà ta ngu si, không chịu tin theo. Ta đọa địa ngục, Phật càng thương xót, muốn thay ta chịu lấy khổ sở, nhưng vì nghiệp ta quá nặng, không thể cứu vớt. Ta sinh làm người, Phật dùng phương tiện khiến cho ta gieo trồng căn lành.
Đời đời kiếp kiếp, Phật luôn theo ta, lòng không tạm bỏ chốc lát. Khi Phật xuất thế ta còn trầm luân, nay được thân người Phật đã diệt độ. Tội lỗi gì mà sinh vào thời mạt pháp, phước đức nào lại được dự vào hàng ngũ xuất gia, nghiệp chướng gì mà không thấy được thân vàng của Phật, may mắn nào lại được cung nghinh xá-lợi của Ngài. Suy nghĩ như vậy mới thấy, nếu đời quá khứ không gieo trồng căn lành thì làm sao được nghe Phật Pháp, không nghe Phật Pháp thì làm sao được biết thường thọ ân đức của Phật. Ân đức này, núi non cũng khó sánh bằng. Nếu không phát tâm quảng đại, hành Bồ-tát đạo, xây dựng hộ trì Phật Pháp, cứu độ chúng sanh, thì dù cho tan xương nát thịt cũng không thể đền đáp được. Đó là nhân duyên thứ nhất của sự phát tâm Bồ-đề.
2) NHỚ ƠN CHA MẸ
Thế nào là nhớ ơn cha mẹ? Thương thay cha mẹ sinh ta khó nhọc, mười tháng mang thai, ba năm bú mớm, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt, mới được nên người. Mong ta tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Mà nay ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, nhục hiệu Sa-môn, đồ ngon vật ngọt đã không phụng dưỡng, cúng tế chạp tảo càng không chu tất. Cha mẹ còn sống, ta đã không thể nuôi dưỡng, khi cha mẹ qua đời, ta lại không thể hướng dẫn thần thức. Đối với phương diện thế gian là sự có lỗi lớn, đối với phương tiện xuất thế lại không có ích chi. Hai đường đều lỗi thì tội nặng khó thoát. Suy nghĩ như thế, chỉ có có cách trong trăm đời ngàn kiếp thường hành Phật đạo, mười phương ba đời khắp độ chúng sanh. Được như thế thì không phải chỉ cha mẹ một đời, mà song thân nhiều đời nhiều kiếp đều được độ thoát; không phải chỉ cha mẹ một người, mà song thân tất cả mọi người cùng được siêu thăng. Đó là nhân duyên thứ hai của sự phát tâm Bồ-đề.
3) NHỚ ƠN SƯ TRƯỞNG
Thế nào là nhớ ơn sư trưởng? Cha mẹ tuy sinh dưỡng sắc thân ta, nhưng nếu không có sư trưởng thế gian thì không hiểu biết lễ nghĩa; không có sư trưởng xuất thế thì không hiểu Phật Pháp.
Không hiểu biết lễ nghĩa thì chẳng khác gì cầm thú, Phật Pháp không hiểu thì cũng như người phàm tục. Nay ta được biết chút ít về lễ nghĩa, được hiểu sơ lược về Phật Pháp, ca-sa trang nghiêm đắp thân, giới pháp nhuận thấm thân mình, được như thế là nhờ ân đức sâu nặng của sư trưởng. Nếu chỉ cầu quả nhỏ thì chỉ có lợi riêng cho bản thân mình mà thôi. Nay phải phát tâm Đại Thừa, phổ nguyện lợi ích hết thảy chúng sanh. Như thế thì sư trưởng thế gian và sư trưởng xuất thế đều được lợi ích. Đó là nhân duyên thứ ba của sự phát tâm Bồ-đề.
4) NHỚ ƠN THÍ CHỦ
Nhớ ơn thí chủ là thế nào? Chúng ta ngày nay, mọi thứ cần dùng hàng ngày đâu phải của mình. Cơm cháo hai buổi, quần áo bốn mùa, tật bịnh cần dùng, thân miệng tiêu xài, đều xuất từ sức lực của kẻ khác mà đem đến cho ta sử dụng. Người nhọc sức cày cấy, còn khó nuôi miệng, ta ngồi không mà ăn, vẫn chưa vừa ý. Kẻ dệt đan mãi hoài mà vẫn gian nan cực khổ, còn ta an nhàn y phục thừa thãi, há không thương tiếc? Họ nhà tranh cửa lá, cực nhọc suốt đời, còn ta phòng lớn sân rộng, thong thả cả năm. Đem cái cực nhọc của họ cung phụng cái an nhàn cho ta, làm sao an lòng. Ðem cái lợi ích của người để cung cấp sự no ấm cho thân xác mình, có hợp lý chăng? Do đó, phải vận dụng cả hai thứ bi trí, trang nghiêm cả hai mặt phước huệ, để thí chủ nhờ ơn, chúng sanh được phước, nếu không thì dù chỉ là một hạt gạo, một tấc vải, vẫn phải có phần trả nợ. Đó là nhân duyên thứ tư của sự phát tâm Bồ-đề.
5) NHỚ ƠN CHÚNG SANH
Thế nào là nhớ ơn chúng sanh? Ta cùng với chúng sanh, từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp thay đổi làm cha mẹ, kia đây đều có ơn với nhau. Nay tuy cách đời hôn mê, không nhớ biết nhau, nhưng lấy lý mà suy ra thì làm sao không đem sức báo đáp! Ngày nay đội lông mang sừng, nhưng biết đâu kiếp trước ta không phải là con cái của chúng. Hiện tại là các loài bò bay máy chạy, nhưng biết đâu quá khứ chúng đã không phải là cha của ta. Thường thường nhìn thấy thơ ấu mà lìa xa cha mẹ thì lớn lên đã quên hết hình dáng song thân, huống chi cha mẹ con cái đời trước, kiếp trước là họ Trương hay là họ Vương, ngày nay khó mà nhớ rõ. Họ gào thét trong địa ngục, ngất ngư trong ngạ quỷ, thống khổ ai biết, đói khát kêu ai. Tuy ta không thấy không nghe, nhưng họ tất cầu cứu độ. Ngoài Kinh ra nơi đâu bày tỏ được việc này, không Phật chẳng ai chỉ rõ cảnh ấy. Còn kẻ tà kiến làm sao có đủ sức mà biết được. Cho nên Bồ-tát quán sát sâu kiến thấy toàn là cha mẹ quá khứ và Chư Phật vị lai, thường nghĩ cách lợi ích cho chúng và thường nhớ trả ơn cho chúng. Đó là nhân duyên thứ năm của sự phát tâm Bồ-đề.
6) NHỚ KHỔ SINH TỬ
Thế nào là nhớ khổ sinh tử? Ta cùng với chúng sanh, từ vô lượng kiếp đến nay, cứ ở mãi trong vòng luân hồi sinh tử, chưa được giải thoát. Khi sanh trong loài người, lúc ở trên thiên cảnh, khi ở thế giới này, lúc ở phương khác, ra vào đủ cách, lên xuống liền liền. Thoáng chốc làm trời, thoáng chốc làm người, thoáng chốc sanh vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cửa đen sáng ra chiều về, hang sắt mới tạm lìa khỏi lại bước vào. Lên núi đao thì thân thể không còn mảnh da nguyên vẹn, vào rừng kiếm thì tim gan cũng bị cắt xả. Sắt nóng không hết đói, mà nuốt vào thì ruột gan cháy nát, đồng sôi đâu khỏi khát, mà uống vào thì xương tan thịt nát. Cưa bén cắt thân, cắt đứt ra là liền lại, gió lạ thổi vào thì chết rồi lại sống ngay. Trong thành lửa dữ chỉ nghe tiếng thét gào thảm thiết, trên bàn chưng nướng toàn nghe âm thanh đau khổ thống thiết. Băng tuyết đông lại thì như sen xanh kết nhụy, máu thịt rã ra thì như sen đỏ mới nở. Ở trong địa ngục, một đêm chết sống thường đến cả vạn lần, một buổi thống khổ mà như trăm năm ở nhân gian. Mãi hoài làm cho ngục tốt mệt nhọc, nhưng có ai chịu nghe lời Diêm Vương khuyên bảo. Khi thọ quả báo mới biết đau khổ, dẫu hối hận cũng đâu có kịp; lúc thoát khỏi cảnh khổ thì lại quên ngay, vẫn tạo nghiệp y như cũ. Đánh con lừa đến đổ máu, đâu biết đó là cái bi thảm của mẹ mình; lôi con heo đến lò thịt, nào hay chính là cái đau thương của cha ta.
Tâm không phải thường trụ nên giống như thương khách bôn ba giong ruổi mọi nơi, thân không có hình dáng cố định nên khác nào phòng ốc thường dời đổi. Bụi nhỏ của cả đại thiên thế giới cũng khó sánh thân luân hồi, nước đầy trong bốn biển vẫn không bằng lệ biệt ly. Xương mà chất thì hơn núi cao, thây nằm ngang dọc thì nhiều hơn đại địa. Giả sử không được nghe lời Phật thì việc ấy ai thấy ai nghe, chưa được đọc văn Kinh thì lý này ai hay ai biết. Vậy mà có kẻ vẫn tham luyến như xưa, si mê như cũ, chỉ e rằng muôn kiếp ngàn đời một lần sai lầm là trăm lần sai lầm. Thân người khó được mà dễ mất, giờ tốt dễ trôi mà khó kéo. Rồi đường hướng mịt mờ, biệt ly dài dặc, ác báo tam đồ tự mình phải chịu, thống khổ không nói hết được, mà ai chịu thay. Trình bày đến đây, há chẳng lo sợ sao! Cho nên hãy dứt nguồn sinh tử, vượt bể ái dục, mình người cùng siêu thoát, đồng lên bờ giác. Từ vô lượng kiếp cho đến nay quan trọng là ở chỗ này. Đó là nhân duyên thứ sáu của sự phát tâm Bồ-đề.
7) TÔN TRỌNG PHẬT TÁNH CỦA CHÍNH MÌNH
Thế nào là trọng linh tánh của mình? Tâm hiện tiền của chúng ta cùng với Đức Thích Ca Như Lai không hai không khác. Vậy mà tại sao Thế Tôn từ vô lượng kiếp đã sớm thành chánh giác, còn chúng ta thì vẫn còn là phàm phu hôn mê điên đảo. Lại nữa Đức Phật Thế Tôn thì có vô lượng thần thông, trí huệ, công đức trang nghiêm, còn chúng ta chỉ có vô biên nghiệp chướng phiền não, sinh tử buộc ràng. Tâm tánh là một mà vì mê ngộ nên cách xa một trời một vực. Lặng đi mà nghĩ mới thấy hổ thẹn. Ví như ngọc báu vô giá vùi xuống bùn dơ mà xem như ngói gạch, không chút thương tiếc quý trọng. Vì thế hãy dùng vô lượng thiện pháp mà đối trị vô biên phiền não. Tu đức có công, thì tánh đức mới lộ. Bấy giờ thì như ngọc báu được rửa, treo trên phướn cao, ánh sáng rực rỡ, chói lấp tất cả. Thế mới gọi là không uổng công Đức Phật giáo hóa, không phụ tánh linh của mình. Đó là nhân duyên thứ bảy của sự phát tâm Bồ-đề.
8) SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG
Thế nào là sám hối nghiệp chướng? Kinh dạy: “Phạm một tội kiết-la cũng phải đọa địa ngục bằng năm trăm tuổi thọ của bốn Thiên Vương. Kiết-la là tội nhỏ mà còn bị quả báo đến thế, huống chi tội nặng, quả báo thật khó tả. Nay chúng ta, mỗi cử chỉ động tác hằng ngày, hằng trái với giới luật, lúc ăn lúc uống thường phạm vào thi-la. Một ngày tội lỗi đã phạm, cũng đã vô lượng, huống chi trọn đời nhiều kiếp, tội lỗi đã phạm khó mà nói hết. Cứ lấy ngũ giới mà xét, thì mười người đã có đến chín người phạm, phát lộ thì ít mà che giấu lại nhiều. Ngũ giới là giới của Ưu-bà-tắc mà còn không giữ gìn đầy đủ, huống chi các giới Sa-di, Tỳ-kheo, Bồ-tát, thì không cần nói đến vậy.
Hỏi cái tên thì nói “tôi là Tỳ-kheo”, hỏi cái thật thì hãy còn chưa đủ làm Ưu-bà-tắc, như thế mà không xấu hổ sao! Phải biết, giới luật của Phật không thọ thì thôi, thọ thì không được hủy phạm, vì không phạm thì thôi, phạm thì cuối cùng nhất định bị đọa lạc. Trừ phi cảm thương thân mình, thân người, lại xót xa cho mình và kẻ khác, thân và khẩu cùng tha thiết, lệ rơi theo tiếng, khắp cùng với chúng sanh khẩn cầu sám hối, nếu chẳng thế thì quả báo ác ngàn đời muôn kiếp cũng khó tránh khỏi. Đó là nhân duyên thứ tám của sự phát tâm Bồ-đề.
9) CẦU SANH TỊNH ĐỘ
Thế nào là cầu sinh Tịnh Độ? Ở cõi này tu hành thì sự tiến đạo rất khó khăn, vãng sinh cõi kia thì sự thành Phật cũng rất dễ dàng. Dễ dàng nên một đời đã có thể đạt đến, khó nên nhiều kiếp vẫn chưa thành tựu. Do đó mà Thánh ngày xưa, Hiền ngày trước, người người xu hướng; kinh cả ngàn, luận cả vạn, chỗ chỗ chỉ quy. Sự tu hành trong thời kỳ mạt pháp này, không có pháp nào vượt qua pháp môn này. Nhưng kinh đã nói: ”căn lành nhỏ thì khó được vãng sanh, phước đức nhiều mới chắc chắn đến được”. Nói phước đức nhiều thì không chi bằng sự chấp trì danh hiệu, nói căn lành lớn thì không chi bằng sự phát tâm quảng đại. Vì thế tạm trì danh hiệu Phật hơn cả trăm năm bố thí, một niệm phát tâm Bồ-đề rộng lớn vượt hơn cả sự tu hành trong nhiều kiếp. Vì niệm Phật vốn mong thành Phật, vậy tâm lớn không phát thì niệm Phật để làm chi; còn phát tâm vốn để tu hành, vậy Tịnh Độ không sanh thì có phát cũng dễ thối chuyển. Cho nên gieo hạt giống Bồ-đề, cày bằng lưỡi cày niệm Phật, thì đạo quả tự nhiên lớn lên; ngồi chiếc thuyền đại nguyện, vào trong bể cả Tịnh Độ, thì Tây Phương Cực Lạc quyết định vãng sanh. Đó là nhân duyên thứ chín của sự phát tâm Bồ-đề.
10) LÀM CHO PHẬT PHÁP TỒN TẠI LÂU DÀI
Thế nào là làm cho Phật Pháp tồn tại lâu dài? Đức Thế Tôn của ta, từ vô lượng kiếp đến nay, vì chúng ta mà tu đạo Bồ-đề, Ngài đã làm việc khó làm, nhẫn sự khó nhẫn, nhân tròn, quả mãn, mới được thành Phật. Sau khi thành Phật, giáo hóa tròn đầy, nhập vào Niết-bàn. Nay thì thời kỳ chánh pháp, tượng pháp đã diệt tận, chỉ còn tồn tại thời kỳ mạt pháp. Giáo pháp còn đó mà không người hành trì, tà chánh không phân, đúng sai lẫn lộn, tranh giành nhân ngã, mãi chạy theo danh lợi. Mở mắt ra là thấy đầy dẫy thiên hạ đều là như vậy. Chẳng ai biết Phật là bực nào, Pháp là nghĩa gì, Tăng là người chi. Suy tàn đến thế, bất nhẫn thốt ra lời. Mỗi khi nghĩ đến, bất giác rơi lệ. Ta là con Phật mà ta không thể báo đáp ân đức của Ngài. Trong vô ích cho mình, ngoài vô ích cho người, sống vô ích đương thời, chết vô ích mai sau. Trời tuy cao cũng không che nổi ta, đất tuy dày cũng khó chở ta. Tội nhân cực trọng, không phải ta thì là ai?
Vì thế mà đau lòng không thể nhẫn nổi, nhưng suy nghĩ thì lại không thấy có cách nào khác hơn, nên quên ngay tư cách quê mùa, liền phát tâm rộng lớn. Tuy không thể vãn hồi mạt vận ngay lúc này, nhưng quyết có thể hộ trì chánh pháp trong mai sau. Vì thế nên cùng với chư thiện hữu, cùng đến đạo tràng, soạn thuật sám pháp, lập pháp hội này, phát bốn mươi tám điều đại nguyện, nguyện nguyện hóa độ chúng sanh, mong thâm tâm suốt trăm ngàn đời kiếp, tâm tâm thành Phật, từ ngày hôm nay cho đến cùng tận đời vị lai, hết một đời này nguyện sanh Cực Lạc, lên chín phẩm xong thì trở lại Ta-bà. Khiến cho mặt trời Phật Pháp rạng soi, pháp môn rộng mở, để Tăng giới được trong lặng ở cõi này, dân chúng được tiếp hóa ngay cõi phương Đông, vận chánh pháp nhờ đó mà kéo dài thêm nữa, Phật Pháp do đó được tồn tại lâu dài. Đây là tấm lòng khổ tâm chân thành, tha thiết nhỏ mọn của tôi. Đó là nhân duyên thứ mười của sự phát tâm Bồ-đề.”
Đoạn sau đây nói về thân thế và công hạnh tu hành chứng đạo của Ngài Thật Hiền. Chính trường hợp tu hành tinh tấn dũng mãnh của Ngài là bài học, là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Do đó chúng tôi xin ghi lại đoạn sau để quý độc giả tham khảo.
“Thật Hiền Đại Sư tự là Tư Tề, hiệu Tĩnh Am, người Đời Thanh, con nhà họ Thời ở Thường Thục. Xuất gia từ thuở bé, sau khi xuất gia, nghiêm trì giới luật, giảng kinh thuyết pháp, nghiên cứu pháp môn tánh tướng. Bốn tháng tham cứu câu “niệm Phật là ai?”, hoát nhiên khai ngộ, và nói: “Tôi đã tĩnh giấc mơ!” Từ đó cơ phong lanh lẹ sắc bén, biện tài tung hoành, ngày duyệt tam tạng Kinh, đêm chuyên trì Phật hiệu.
Ngài đốt ngón tay ở tháp A Dục Vương, rồi trước Phật phát 48 điều đại nguyện, lúc ấy cảm ứng xá-lợi phóng hào quang rực rỡ. Ngài viết bài văn “Khuyên phát tâm Bồ-đề” khích lệ Tứ Chúng, nhiều người đọc bài văn nầy đều rơi lệ.
Ngày 14 tháng 4, niên hiệu Ung Chánh thứ mười hai, Đại Sư hướng về Tây ngồi viên tịch. Hàng đạo, tục các nơi nghe tin hội về đưa tiễn rất đông. Đại Sư bỗng mở mắt nói: “Tôi đi không bao lâu sẽ trở lại. Sanh tử là việc lớn, mỗi ngày nên tự thanh tịnh tâm, niệm Phật thì có thể giải quyết việc sanh tử.”
Dặn dò xong, Ngài chấp tay niệm danh hiệu Phật rồi thị tịch”.
X. KẾT LUẬN:
Để kết luận cho bài nầy, xin nêu ra ba điều tổng quát mà chúng tôi nghĩ rằng cần suy nghĩ kỷ trước khi khởi đầu một công việc gì dù là phát tâm tu hành hoặc bắt đầu một công trình lớn nhỏ nào đó.
Một là: Đặt ra mục tiêu.
Hai là: Dùng mọi phương tiện và thời gian thực hành để đạt mục tiêu ấy.
Ba là: Dùng thành quả đã đạt được để thực hiện nguyện ước ban đầu.
Quan trọng nhất là ĐẶT RA MỤC TIÊU. Vì sau khi đặt ra mục tiêu và tiến hành, thực hiện, thì ta chỉ hướng đến kết quả mà thôi. Thời gian trôi qua rồi chúng ta không thể nào trở lại quá khứ để thiết lập lại mục tiêu đó, vì có mục tiêu thì mới đạt được kết quả.
Mục tiêu thế nào, kết quả thế ấy, không thể thay đổi được; ngoại trừ xóa bỏ mục tiêu cũ để lập ra mục tiêu mới, như thế là mất thời gian, mất công sức và của cải vật chất v.v…
Như vậy nếu mục tiêu không hoàn chỉnh sẽ đưa đến kết quả xấu. Thay đổi mục tiêu là phải mất thời gian, tiêu hao sinh lực, vật chất lẫn tinh thần.
Phát Bồ-đề tâm cũng thế, mục tiêu đặt ra là “thượng cầu Phật đạo”, tu thành Phật rồi, tức là ta đã đạt được mục tiêu; và “hạ hóa chúng sanh”, đó là dùng thành quả đã đạt được để hoàn thành nguyện ước độ sanh, tức mục tiêu ban đầu của chúng ta đã đặt ra.
Kính chào tạm biệt qúy vị thính giả xa gần.
Trân trọng./.
LÂM NHƯ TẠNG