TVGĐPT – “Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt” là tập truyện dài về cuộc đời Đức Phật Thích Ca theo lối kể về một “Đức Phật lịch sử” siêu việt (phần nào tương tự tác phẩm “Ánh Đạo Vàng” của tác giả Võ Đình Cường, nhưng dài hơn, nhiều chi tiết hơn) do Hòa Thượng Giới Đức (Minh Đức – Triều Tâm Ảnh) là tác giả. Nhận thấy đây là một áng văn rất giá trị cho những độc giả muốn đọc về cuộc đời Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và giáo pháp của Người với nhiều tư liệu lịch sử hơn, ít màu sắc thần thoại do bởi được thần thánh hoá cuộc đời của Người hơn; Thư Viện GĐPT xin tác giả và Thư Viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org) được phép tái đăng tải lại bộ sách quý giá này.
Bộ sách khá dài, có đến 6 tập, và tuy trong từng tập đều đã có Lời giới thiệu, Mục lục, tập cuối có Lời bạt, nhưng chúng tôi cũng cố tình ghi ra ngoài, tiện cho quý độc giả nhanh chóng chuyển ngay để xem nội dung từ tập này sang tập khác. Hy vọng một chút công sức đóng góp đăng tải này sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu thêm của quý bạn đọc về cuộc đời của một bậc vĩ nhân trác tuyệt mà một phần lớn nhân loại đã vốn xem như bậc “Thiên nhân chi đạo sư”, đấng “Điều ngự trượng phu” của muôn loài…
LỜI GIỚI THIỆU CỦA THƯ VIỆN HOA SEN
(Nguyên văn)
Viết lại cuộc đời Đức Phật là một công việc cực kỳ khó khăn và vất vả. Không những thế, đây lại là một thử thách gian lao, lớn lao – nếu không có sự trì chí lâu dài thì không thể thực hiện được. Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã tâm sự như thế và Thầy đã thực hiện được. Công trình biên soạn đã kéo dài nhiều năm và bộ sách dày nhiều ngàn trang với 6 tập đã được xuất bản vào đầu năm 2014 bởi Nhà Xuất Bản Văn Học, Hà Nội.
Đây là bộ sách nói về cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ khi Ngài đản sinh đến lúc Ngài nhập diệt qua lối văn kể chuyện vừa giàu tính văn chương nghệ thuật vừa đầy đủ những chi tiết khách quan và trung thực nhất về cuộc đời Đức Phật.
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen được Thầy trao tặng bộ sách qúy này. Chúng tôi trang trọng giới thiệu tác phẩm “Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt” đến quý độc giả cùng chia sẻ với tác giả lòng kính ngưỡng sâu xa một bậc giác ngộ đầy trí tuệ và vị tha nhân ái, một con người lịch sử nhưng siêu việt và sáng ngời như một vầng nhật nguyệt.
Chúng tôi trình bày sách với cả ba định dạng: đọc trực tuyến online trên các thiết bị điện tử vi tính bao gồm cả điện thoại di động thông minh; tải sách về nhà với dạng PDF; nghe toàn bộ cuốn sách hay vừa nghe vừa đọc từng chương một.
Ban Biên Tập Thư Vện Hoa Sen chân thành cảm tạ soạn giả, Hòa Thượng Giới Đức – Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
BBT.TVHS (Tâm Diệu).
MỘT CUỘC ĐỜI
MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
oOo
LỜI GIỚI THIỆU
Cuộc đời Đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời Đức Phật hoặc mang tính lịch sử, khoa học; hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật; hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo; đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
Tuy nhiên, qua văn chương, thi phú, hội họa, điêu khắc… một số tác phẩm không khỏi ít nhiều nhuốm màu sắc cá tính, tình cảm, phong cách, tầm nhìn hoặc trình độ nhận thức chủ quan của tác giả. Do đó, nhiều tác giả đã đánh tráo Đức Phật lịch sử thành một nhân vật thần thoại, một đấng siêu huyền; những tác giả khác có dụng ý đánh đồng cuộc đời Đức Phật với những hoạt động đầy chủ quan của mình hầu phô trương bản ngã hay đề cao uy tín cá nhân, đã không ngần ngại biến Đức Phật thành một con người tầm thường, dung tục; và tệ hại nhất là không ít tác giả ngoại đạo có âm mưu phá hoại Phật Giáo, đã khéo léo tôn vinh Đức Phật lên tận mây xanh, nhưng thực ra là để xuyên tạc sự thật, đánh lừa quần chúng.
Thấy rõ điều nguy hại này, Sư Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) đã kiên nhẫn đọc rất nhiều tác phẩm cùng những sử liệu đáng tin cậy để tìm tòi, tra cứu, đối chiếu, xác minh sự thật qua những chứng cứ di tích lịch sử, với tâm nguyện cống hiến một tác phẩm vừa giàu tính văn chương nghệ thuật vừa đầy đủ những chi tiết khách quan và trung thực nhất về cuộc đời Đức Phật.
Với lối văn kể chuyện, tất nhiên phải có nhiều đoạn văn chương hư cấu, chỉ cốt để chuyển mạch, để làm cho câu chuyện càng thêm thi vị, hấp dẫn, đồng thời làm rõ bối cảnh của những sự kiện lịch sử mà vẫn không làm mất đi ý nghĩa sâu xa, mầu nhiệm của những pháp thoại được trình tự trích dẫn một cách trung thực, đúng lúc và đúng chỗ.
Tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm “Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt” đến quý bạn đọc để chúng ta cùng chia sẻ với tác giả lòng kính ngưỡng sâu xa một bậc giác ngộ đầy trí tuệ và vị tha nhân ái, một con người lịch sử nhưng siêu việt và sáng ngời như một vầng nhật nguyệt.
Trân trọng.
Tổ Đình Bửu Long, ngày 20-4-2008
Hòa Thượng VIÊN MINH
Phó Ban Thiền Học – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
oOo
LỜI THƯA
Viết lại cuộc đời Đức Phật là một công việc cực kỳ khó khăn và vất vả. Không những thế, đây lại là một thử thách gian lao, lớn lao – nếu không có sự trì chí lâu dài thì không thể thực hiện được. Tuy nhiên, do quá quý kính Đức Phật, một hiện thân siêu việt, một giáo chủ vô song, một minh triết rạng ngời – tôi đã bạo gan làm một công việc mà dường như không thể, trong lúc tâm trí có hạn, kiến văn không đủ và nhất là nguồn tư liệu chắp vá, lượm lặt từ Tam Tạng, từ chú giải cũng như từ các sử liệu Đông và Tây có nhiều chỗ không tương thích, khó lý giải, khó tìm ra được sự liền lạc, nhất quán. Cuộc đời Đức Phật Sakyā Gotama từ khi Ngài đản sinh đến lúc Ngài nhập diệt, chẳng ở đâu có tư liệu đầy đủ.
* Khó khăn thứ nhất là suốt 45 năm hoằng pháp, từng hạ lạp một, theo dấu chân của Ngài, Ngài đã làm gì, ở đâu, duyên sự thế nào, thuyết những bài pháp gì – các tư liệu kinh văn đều khái quát, đôi nơi trùng lặp, có chỗ lại mâu thuẫn – nhất là về địa danh, tuổi tác của nhân vật cùng thời gian liên hệ.
* Khó khăn thứ hai là chọn lựa tư liệu. Có tư liệu kinh điển hoặc chú giải thiên về đức tin, tín ngưỡng đôi nơi thiếu logic, không khoa học. Có tư liệu do các sử gia Tây Phương viết, rất khoa học nhưng lại quá duy vật lịch sử không biểu trưng đầy đủ nhân cách và hành trạng của một bậc Chánh Đẳng Giác. Tuy nhiên, đấy lại là nguồn tư liệu quan trọng để tham cứu, bổ khuyết. Tôi sẽ có vài ví dụ cụ thể:
– Khi Thái tử Siddhattha đản sanh, các kinh văn Nguyên Thủy đều nói là có 7 nhân vật đồng sanh, đấy là: Yasodharā, Channa, ngựa Kaṇṭhaka, Ānanda, Kāḷudāyi, cây Bodhi, 4 hầm châu ngọc. Trong 7 nhân vật này, tôi đã không giải minh được khi thấy Tôn giả Ānanda luôn luôn có vẻ trẻ tuổi, đến hạ lạp thứ 20, Đức Phật mới chọn Ngài làm thị giả, khi Đức Phật nói là Ngài sức đã yếu – trong lúc hai vị đều cùng tuổi 55! Còn nữa, nếu so về tuổi tác thì Tôn giả Ānanda còn lớn hơn hai vị Đại-đệ-tử, lớn hơn cả Mahā Kassapa – thế nhưng, tại sao, ở đâu thấy Ngài cũng như trẻ nít, ít tuổi hơn nhiều!
– Vào Hạ thứ tư, khi thành lập Giáo Hội Tỳ-khưu-ni, chính Tôn giả Ānanda đã có công rất lớn là ba lần tâu xin với Đức Phật mở rộng cửa cho Ni giới, tư liệu nào cũng nói như thử Tôn giả Ānanda là thị giả – trong lúc thật sự phải là Hạ thứ 20!
– Bát Kỉnh Pháp dường như là điều kiện cần và đủ cho Ni giới xuất gia tu học; nhưng tại sao lại có điều thứ 3, 4, 5 – mà nó chỉ khả hữu lúc Tạng Luật đã đầy đủ, cụ thể là tụng giới và tội “Tăng tàn”. Nên nhớ đây mới là Hạ thứ tư, Đức Phật chưa ban bố luật, chỉ sau Hạ thứ 12, như sau nạn đói tại Verañja, Tôn giả Sāriputta thưa thỉnh mà Đức Phật vẫn chưa chuẩn y. Nói cách khác, lúc này chưa hoàn chỉnh Tứ Thanh Tịnh Giới.
– Dân số nước Kosala thuở ấy là bao nhiêu? Ta lý giải làm sao, khi kinh văn nguyên thủy nói rằng, nội thành Sāvatthi có 90 triệu dân, và ngoại thành – tức là cả nước cũng có 90 triệu dân? Tôi đã đi hành hương, xe chạy từ Sāvatthi, xuôi Nam, đến giáp bờ Bắc sông Gaṅgā, đến Vườn Nai thì thấy xa chừng 220km – tương đương từ Huế đến Quảng Ngãi – đấy cũng là chiều dài của nước Kosala thuở xưa, địa vức rất nhỏ vậy. Hiện nay, thành phố Thượng Hải có 22 triệu dân (?), có lẽ là thành phố có dân cư đông nhất thế giới; biết bao khó khăn, phức tạp về thực phẩm, y tế, giáo dục, vệ sinh, nhà ở. Sāvatthi cách đây gần 3.000 năm mà có 90 triệu dân, ta có tin nổi không? Số liệu của các sử gia Tây Phương có lẽ phù hợp với tư duy khoa học của thời đại: Sāvatthi có 350 ngàn dân, và toàn bộ nước Kosala có 3 triệu dân.
– Tư liệu lác đác trong toàn bộ “Tiểu Bộ Kinh” rất nhiều, rất nhiều vị Tỳ-khưu tinh thông “Tam Tạng”, đọc tụng giới bổn. Xin thưa, thuở Đức Phật đang trên đường hoằng hóa thì chỉ có Pháp và Luật; mà Pháp chưa đầy đủ và Luật cũng chưa đầy đủ! Còn Abhidhamma đâu đã có một Tạng riêng! Cả Kinh, Luật và Abhidhamma chỉ được kết tập thành văn, tối thiểu là gần 500 năm sau Phật nhập diệt kia mà!
* Khó khăn thứ ba là không-thời-gian diễn tiến của một câu chuyện, các vị kết tập sư không để ý đến sự hợp lý, và tính chặt chẽ, logic của các chi tiết, sự kiện liên hệ. Tôi có thể đưa ra vài ví dụ cụ thể:
– Làm sao có đủ 3 y, bát, 8 món vật dụng của thầy Tỳ-khưu mà 500 vị xuất gia một lần, 1.000 vị xuất gia một lần? Nếu có điều ấy thì cần một giải minh hợp lý! (có bỏ 7 dòng).
– Có một Hạ tại xứ Kuru, thị trấn Kanumāsadamma, Đức Phật gặp hai ông bà Māgaṇḍi. Họ thấy Đức Phật đẹp quá nên muốn chọn Ngài làm rễ đông sàng cho cô con gái rượu xinh đẹp của họ. Đức Phật cốt ý để lại dấu chân ngàn căm bánh xe. Ông bà đều là người giỏi xem tướng – nên biết đây là dấu chân của bậc phi thường. Bà giỏi hơn ông nên khẳng định đây là dấu chân của bậc Chánh Đẳng Giác, con gái họ dù đẹp nhưng ông ta cũng sẽ không sờ đụng, dẫu sờ đụng bằng ngón chân! Đức Phật xác định điều ấy là đúng. Cô con gái bị chạm tự ái, thấy mình bị coi khinh, bị sỉ nhục nên kết mối hận thù sâu sắc với Đức Phật. Hai ông bà nghe pháp, đắc quả A-na-hàm, xin xuất gia. Gia tài để lại cho ông em ruột là Cūḷamāgaṇḍi để chăm sóc cô con gái. Chuyện sau đó xẩy ra, ông em trai dâng cô gái cho đức vua Udena làm thứ phi. Cô thứ phi được vua sủng ái nên có quyền hành, sai tay chân bộ hạ và thuê cả bon du đãng phá hoại, quấy rầy Đức Phật và Tăng chúng. Chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ chuyện, Đức Phật và Ānanda đi bát ở đâu cũng bị chưởi rủa, mắng nhiếc, bị ném đá, bị quăng đùi gậy… Tôn giả Ānanda chịu không được, bàn với Đức Phật nên đi xứ khác. Vậy diễn tiến câu chuyện với thời gian hợp lý thì phải năm sau mới xảy ra sự vụ bà thứ phi trả thù – hoặc chuyện ấy phải xảy ra vào hai mùa An Cư khác nhau. Các sử liệu thường mơ hồ về điểm này, họ cứ kể chuyện một hơi mà không để ý đến thời gian!
– Cũng từ việc diễn tiến câu chuyện qua thời gian, chúng ta thấy chuyện các cô kỹ nữ xinh đẹp Suñdarī và Ciñcāmānavika cũng tương tợ. Cô Suñdarī giả một kịch bản ăn nằm với Đức Phật, sau bị ngoại đạo chôn sống ở Kỳ Viên để vu oan, giá họa cho Đức Phật. Cô Ciñcāmānavika với kịch bản cứ chiều tối ghé Kỳ Viên, sáng sớm lại về, với sự ởm ờ, nửa kín nửa hở là hầu chăn gối cho Đức Phật. Cái thai đầy đủ phải cần thời gian 9 tháng 10 ngày thì kịch bản mới trọn vẹn. Vậy phải giải thích Hạ nào Đức Phật ở Kỳ Viên 9 tháng 10 ngày mà Ngài không đi nơi khác. Hoặc câu chuyện được diễn tiến như thế nào cho hợp lý hơn? Chúng ta lưu ý là Đức Phật tuy an cư mà Ngài thường không ở một chỗ, rồi sau an cư, Ngài lại ra đi du hóa xứ này sang xứ khác.
– Lại còn các con số. Phải hiểu các con số chỉ là ước lệ. Như 8 vạn 4 ngàn, như 500 kiếp, như 2 koti chư Thiên đắc đạo, như 2, 3 triệu Cận sự nam nữ đắc quả thánh. Người Ấn Độ thuở xưa thường chỉ nói con số tượng trưng, họ không quan tâm lắm đến lịch sử nên các con số họ thường khái quát – lúc viết lại, chúng ta phải dè dặt! Rồi 1 do-tuần là bao nhiêu cây số, là 16 cây số hay chỉ khoảng chừng 12, 13 cây số? Quả là rất nhiều, rất nhiều tư liệu chúng ta phải kiểm tra lại, tuy nhiên cũng không dám có con số nào là chính xác.
– Còn vua và thái tử nữa! Vua và thái tử đâu mà nhiều thế? Mỗi nước lớn, nước nhỏ hoặc bộ tộc chỉ có một ông vua và một thái tử. Công chúa và hoàng tử thì nhiều. Các sử liệu thường không phân biệt rõ vua, hoàng thân, vương tử, thái tử, hoàng tử, công chúa, hoàng hậu, công nương, vương phi, thứ phi… nên cũng khá khó khăn cho người biên soạn luôn cần những tên gọi chính xác để cấu trúc câu chuyện, lúc đối thoại…
Do vậy, bộ đại sử về cuộc đời Đức Phật, có khả năng 3.000 trang đến 5.000 trang với hằng trăm nhân vật, hằng chục địa danh, hằng ngàn chi tiết – tác giả dầu cố gắng thế nào cũng không tránh khỏi những thiếu sót, những khiếm khuyết, những bất cập – kính mong chư vị độc giả, các thiện trí thức hỷ xả cho.
Cuối cùng là đệ tử xin sám hối với Đức Phật – vì đệ tử đã dám dùng trí óc phàm phu, tăm tối; đôi mắt nhiều mây mờ, cát bụi; tâm hồn, cảm xúc thế tình; ngôn ngữ, văn chương hạn hẹp, chập chờn khói sương khái niệm để viết về hành trạng của một hiện thân siêu việt. Dầu đệ tử đã hết sức mình, thận trọng từng câu, từng chữ như xâu nối từng sợi chỉ đỏ để kết dệt nên nhân cách một bậc Chánh Đẳng Giác nhưng không thể nào tránh khỏi sự vụng về, thô lậu, bất khả.
Tất cả chỉ với tấm lòng muốn cung hiến cho độc giả hiện tại và hậu lai một soạn phẩm về cuộc đời Đức Phật tương đối đầy đủ nhất, về con người, về sở học, về bối cảnh đương thời, về phẩm tính, về giáo pháp cốt lõi, về hạnh đức, trí minh… gần đúng như hành trạng của một bậc Toàn Giác. Tâm nguyện ấy quả là không thể như ý – nhưng ít ra là các thế hệ mai sau còn có sở y để tầm nguyên; nếu không, những tiểu thuyết hóa, điện ảnh hóa thường thêm thắt, hư cấu cho hợp cái tạng của thời đại, cho hợp với tông môn, tông chỉ, các quan niệm, chủ trương cục bộ hoặc quá dung thường thì còn đâu là chân dung Đức Phật lịch sử Sakyā Gotama của chúng ta nữa!
Trân trọng cảm ơn độc giả đã chịu khó đọc tác phẩm nầy.
Viết tại Huế,
Huyền Không Sơn Thượng – Thu Kỷ Sửu, 2009
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH (Tỳ-khưu Giới Đức)
oOo
TẬP 1
* MỤC LỤC:
- Vương Quốc Cổ Xưa.
- Tại Cung Trời Tusita.
- Đại Bồ-Tát Đản Sanh.
- Lời Tiên Tri Của Đạo Sĩ Asita.
- Lễ Quán Đính.
- Lễ Hạ Điền.
- Con Đường Học Vấn.
- Tuổi Thơ Và Tình Thương Của Thái Tử.
- Ngục Vàng.
- Thi Tài Võ Nghệ.
- Trong Cung Vui Và Những Dự Thảo.
- Đêm Khuya Nghe Gió Thở Dài.
- Tấm Lòng Với Cuộc Đời.
- Ba Giấc Mộng Của Nàng Yasodharā.
- Ý Nghĩa Và Giá Trị Cuộc Sống.
- Bốn Vị Sứ Giả.
- Giấc Mộng Của Đức Vua Suddhodana.
- Ra Đi Lúc Hoàng Thành Say Ngủ.
- Gót Khất Sĩ Lang Thang.
- Vị Đạo Sư Đầu Tiên.
- Gặp Gỡ Đức Vua Seniya Bimbisāra.
- Vị Đạo Sư Thứ Hai.
- Rừng Khổ Hạnh.
- Tấm Nệm Cỏ Kusa.
- Một Vầng Nhật Nguyệt.
- Bốn Mươi Chín Ngày Sau Khi Thành Đạo.
- Gióng Trống Pháp Bất Tử.
- Giáo Hoá Năm Người Bạn Đồng Tu.
- Kinh Chuyển Pháp Luân.
- Kinh Vô Ngã Tướng.
- MÙA AN CƯ ĐẦU TIÊN:
- Hoá Độ Công Tử Yasa Cùng Với Bạn Hữu.
- Những Bài Pháp Quan Trọng Tại Lộc Uyển.
- Hãy Ra Đi Như Những Cánh Chim Trời Tự Do.
- Hoá Độ Nhóm Vương Tử Ham Chơi.
- Về Thăm Lại Cội Cây Giác Ngộ.
- Nhiếp Hoá Anh Em Đạo Sĩ Kassapa.
TẬP 2
* MỤC LỤC:
- Về Thăm Lại Đức Vua Seniya Bimbisāra.
- Veḷuvana.
- Hai Vị Đại Đệ Tử.
- Thâu Nhiếp Mahā Kassapa.
- MÙA AN CƯ THỨ HAI:
- Bài Đồng Dao Biếm Nhẽ.
- Về Thăm Quê Hương.
- Hoá Độ Quyến Thuộc.
- Các Ông Hoàng Quý Tộc Ra Đi.
- MÙA AN CƯ THỨ BA:
- Ôi! Hạnh Phúc Quá!
- Thần Y Jīvaka Komārabhacca.
- Đức Tin Phát Sáng.
- Lấy Vàng Đổi Đất.
- Ngũ Minh Cũng Chưa Đủ.
- Viếng Thăm Kỳ Viên Đại Tịnh Xá.
- Tại Rừng Mahāvana.
- Dạy Dỗ Bậc Đại Trí Thức.
- MÙA AN CƯ THỨ TƯ:
- Tứ Đại Thiên Vương.
- Chuyện Tình Của Chàng Nhạc Sĩ Càn-Thát-Bà.
- Vesāli Thiên Tai, Dịch Hoạ.
- Chậu Nước Bẩn, Thau Nước Sạch Và Cái Vòi Voi.
- Máu Quý Hơn Nước.
- Thăm Phụ Vương Lần Cuối.
- Câu Chuyện Về Bộ Tam Y Quý Giá Và Đức Phật Metteyya.
- Lúc Nào Thì Đức Phật Metteyya Xuất Hiện.
- Những Bàn Tay Kỳ Diệu Và Lời Cuối Bên Những Người Thân.
- Lễ Hoả Táng Đức Vua.
- Thành Lập Giáo Hội Bhikkhunī.
- MÙA AN CƯ THỨ NĂM:
- Ổn Định Ni Chúng.
- Hoá Độ Kỹ Nữ Ambapālī.
- Cảm Hoá Thủ Lãnh Tướng Quân Sīha.
- MÙA AN CƯ THỨ SÁU:
- Tiếp Chuyện Đức Vua Seniya Bimbisāra.
- Bà Quý Phi Xinh Đẹp.
- Duyên Xưa, Lối Cũ.
- Thần Thông Cảm Hoá Ngoại Đạo.
- MÙA AN CƯ THỨ BẢY:
- Với Đức Vua Pāsenadi.
- Cuộc Luận Chiến Về Chiêm Tinh.
- Với Chàng Thanh Niên Nô Lệ.
- Về Sợi Dây Luyến Ái.
TẬP 3
* MỤC LỤC:
- Con Chó Khôn Ngoan.
- MÙA AN CƯ THỨ TÁM:
- Chánh Hậu Của Đức Vua Udena.
- Một Số Giới Điều Cần Thiết.
- Hiện Tại Pháp Lạc.
- Về Hơi Thở.
- Chỉ Việc Thở Thôi.
- Ôi! Chàng Gọi Chúng Em Là Những Bà Chị!
- Cô Bé Visākhā.
- Thế Nào Là Một Bà-La-Môn Chân Chính?
- Bà Phu Nhân Xinh Đẹp.
- Bài Học Về Vườn.
- Bậc Chư Thiên Ái Kính.
- Bài Học Về Rừng.
- Thêm Một Gia Chủ Hữu Danh.
- Khúc Thán Ca Vô Thường Bất Hủ.
- Chiếc Lá Đắng.
- Hạt Giống Hy Hữu.
- Tu Hạnh Chó Và Hạnh Bò.
- Vị Thánh Bảy Năm Trong Bình Máu.
- Những Người Bạn Cũ.
- Chiếc Phao Phước Báu.
- Sa-Môn Đầu Trọc.
- Hoá Độ Bà-La-Môn.
- Lại Nhiếp Hoá Bà-La-Môn Nữa.
- Chuyện Tỳ-Khưu Nanda.
- Sắc Đẹp Hoa Sen.
- Cảm Hoá Cô Dâu Hư!
- Bậc Chiến Thắng Bất Diệt, Bạn Của Ta Giờ Ở Đâu?
- Đặc Tính Của Biển Lớn.
- Người Đàn Tín Hộ Trì Tối Thượng.
- Một Doanh Gia Thành Đạt.
- Đức Hạnh Nhẫn Nhục Của Tỳ-Khưu Puṇṇa.
- Một Nghệ Sĩ Kỳ Lạ.
- Vị Thánh Trong Bụng Cá.
- Những Câu Hỏi Vớ Vẩn!
- Rāhula Ngủ Trong Nhà Xí.
- Voi, Lừa Và Đa Đa.
- Tấm Gương Học Tập Của Rāhula.
- Bài Học Của Nai Tơ.
- Cô Thị Nữ Lưng Gù.
- MÙA AN CƯ THỨ CHÍN:
- Cúng Dường Bằng Tâm Ý.
- Như Thớt Voi Giữa Trận Tiền.
- Gà Sống, Gà Chết.
- Mũi Tên “Phản Nghịch”.
- Giẻ Rách Cũng Hữu Dụng.
- Báo Ứng.
- Nghiệp Nhân Từ Quá Khứ.
- Giọt Nước Cặn Trong Gáo Vệ Sinh.
- Chuyện Đàn Chim Cun Cút.
- Không Hận Thù Mới Dập Tắt Được Hận Thù.
- An Lạc Của Hạnh Độc Cư.
- Như Nước Với Sữa.
TẬP 4
* MỤC LỤC:
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI:
- Sáu Nguyên Tắc Sống Hoà Hợp.
- Hiền Giả Voi Và Khỉ.
- Tình Trạng Tại Ghositārāma.
- Đi Tìm Đức Phật.
- Voi Chúa Sanh Thiên.
- Thế Nào Là Pháp, Thế Nào Là Phi Pháp.
- Xét Xử Chư Tỳ-Khưu Ghositārāma.
- Bảy Phương Pháp Dập Tắt Các Cuộc Tranh Chấp
- Thêm Một Vị A-La-Hán.
- Bánh Mè! Bánh Mè!
- Kinh Hiền Ngu.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI MỘT:
- Với Đại Đức Nanda Và Sa-Di Rāhula.
- Thế Gian Thanh Tịnh.
- Như Lai Là Một Nông Dân.
- Cho Xin Một Chiếc Lông.
- Nhất Chỉ Thần Thông.
- Mấy Ông Sư Quậy Phá.
- Tám Trường Hợp “Úp Bát”.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI HAI:
- Kệ Thơ Cảm Xúc Của Một Thi Sĩ
- Quả Là Vô Vị, Vô Ích, Vô Dụng!
- Nạn Đói Tại Verañjā.
- Thỉnh Thị Một Bộ Luật Hoàn Hảo.
- Chuyện Chim Cút, Chuyện Khỉ Vượn.
- Người Cận Sự Nữ Dâng Thịt Đùi.
- Sự Tích Cõi Trời Ba Mươi Ba.
- Cuộc Chiến Với A-Tu-La Thiên.
- Mối Tình Keo Sơn Chung Thuỷ.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BA:
- Con Trai Nhà Đại Phú.
- Trên Ngọn Đồi Đá Trắng.
- Những Pháp Cần Có Của Một Hành Giả.
- Màu Y Vàng Trên Núi Đá Trắng.
- Đoá Hoa Vương Quốc.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN:
- Các Loại Cỏ.
- Người Chăn Bò Khéo Giỏi.
- Đàn Bò Sang Sông.
- Khúc Gỗ Trôi Sông.
- Trao Gia Tài.
- Chỉ Có Pháp Hiện Tại.
- Tuệ Quán Ở Đây Và Bây Giờ.
- Người Ngu.
- Cái Cán Cày.
- Hoá Độ Phạm Thiên Baka.
- Chuyện Hối Lộ.
- Chuyện Kỹ Nữ Ciñcā-Māṇavikā.
- Nhân Duyên Đẹp, Xấu, Quý, Tiện Của Người Nữ.
- Trong Rừng Cây Xiêm Gai.
- Cây Quạt Thốt Nốt.
- Ngọn Lửa Trong Chiếc Ghè
- Những Hạt Đậu Ván.
- Bữa Cơm Ngàn Vàng.
- Bát Cháo, Mảnh Vải Thù Thắng.
- Căn Nhà Năm Lỗ Hổng.
- Chuyện Thánh Nữ Visākhā.
TẬP 5
* MỤC LỤC:
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI LĂM:
- Chuyện Ở Sākya.
- Kinh Đại Không.
- Lửa Địa Ngục Trong Phòng.
- Đất Rút.
- Như Lai Không Tranh Luận Với Đời.
- Giảng Sư Rāhula.
- Tỳ-Khưu Rāhula Vô Dư Niết-Bàn.
- Tâm Hộ Pháp Của Hai Vị Đại Thí Chủ.
- Cậu Công Tử Hư Hỏng.
- Thương Nhiều Khổ Nhiều.
- Bốn Câu Hỏi Của Trời Đế Thích.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI SÁU:
- Chấn Chỉnh Chư Tăng Āḷavakā.
- Độ Người Nông Dân Nghèo.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BẢY:
- Đất Hoá Vàng.
- Tấm Lòng Của Cô Gái Uttarā.
- Đần Độn Quá Trời!
- “Làm Bậy! Làm Bậy!”.
- Ai Mua Mỹ Nhân?
- Tên Đồ Tể.
- Ngỗng Trời Cất Cánh Thênh Thang.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI TÁM:
- Cô Gái Con Người Thợ Dệt.
- Trên Đỉnh Cao Linh Thứu.
- Ruộng Phước.
- Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta.
- MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN:
- Móc Cho Con Mắt Đẹp.
- Cùng Một Nguyên Lý.
- “Hớt” Phước Của Người Nghèo!
- MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI:
- Phước Cho Quả Hiện Tại.
- Bảy Thánh Sản.
- Chuyện Kể Về Cõi Trời.
- Nhân Duyên Quá Khứ.
- MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI MỐT:
- Tối Thượng Trân Bảo.
- Tôn Giả Ānanda Làm Thị Giả.
- Đông Phương Lộc Mẫu.
- Cảm Hóa Aṅgulimāla.
- “Cái Một”.
- Nam Hóa Nữ, Nữ Hóa Nam.
- TỪ HẠ THỨ HAI MƯƠI HAI ĐẾN HẠ THỨ BỐN MƯƠI BỐN:
- Chính Thức Ban Bố Giới Luật Căn Bản Thanh Tịnh (Pātimokkha).
- Bà Mẹ Hộ Độ Tuyệt Vời.
- Từ Ngũ Giới Đến Bát Quan Trai Giới.
- Thu Phục Rồng Chúa Nandopananda.
TẬP 6
* MỤC LỤC:
- Cô Gái Hạ Tiện Yêu Tôn Giả Ānanda.
- Nguyên Nhân Đức Phật Cho Thọ Y Kaṭhina.
- Cây Bồ Đề Ānanda.
- Người Đàn Bà Đau Khổ.
- Vị Tỳ Khưu Mắt Mù.
- Con Ngỗng Oan Nghiệt.
- Cho Xin Hạt Cải.
- Triệu Phú Keo Kiệt.
- Cô Gái Nô Lệ Đội Nước.
- Ni Trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī Niết-bàn.
- Miếng Giẻ Chùi Chân.
- Tên Thợ Săn Độc Ác.
- Vị Tỳ Khưu Ni Sinh Con.
- Đổi Chiếc Xe Mới.
- Con Số Đen Bất Hạnh.
- Devadatta Muốn Chưởng Quản Tăng Đoàn.
- Thái Tử Ajātasattu Hành Thích Vua Cha.
- Đức Phật Tẩy Chay Lễ Đăng Quang.
- Giết Phật Bằng Cung Nỏ Và Lăn Đá.
- An Tịnh Trong Ngục Tối.
- Giết Phật Bằng Voi Dữ Nālāgiri.
- Chiêu Bài Cuối Cùng Của Devadatta.
- Củng Cố Pháp Và Luật.
- Binh Lửa.
- Tôn Giả Mahā Moggallāna Báo Hiếu Mẹ.
- Tội Ác Cuối Đời Của Đức Vua Pāsenadi.
- Cảnh Giới Cho Thái Hậu Videhi.
- Tình Phụ Tử Thiêng Liêng.
- Cái Gốc Của Ghẻ Lở, Mụn Nhọt.
- Đêm Thanh, Trăng Sáng.
- Tiễn Chư Trưởng Lão Lần Lượt Ra Đi.
- “Pháp Truyền Thống” Của Đức Vua Pāsenadi.
- “Cái Thấy Sự Thực” Hóa Giải Hận Thù.
- Ngọn Lửa Thù.
- Lời Của Bậc Trí.
- Quả Báo Của Devadatta.
- Dòng Sākya Tiêu Vong.
- Tôn Giả Sāriputta Viên Tịch.
- Tôn Giả Mahā Moggallāna Niết-bàn.
- Nhân Quả Công Minh.
- Hạ Thứ 45 Của Đức Thế Tôn.
- Có Đủ Bảy Pháp Này Đất Nước Không Thể Bại Vong!
- Bảy pháp bất thối khác.
- Lại Lên Đường, Lại Ra Đi!
- Phật Hứa Với Ma Vương.
- Cả Đêm, Rừng Sālā Không Ngủ.
- Bụi Tan Thành Ngọc.
oOo
CẢM BẠT
Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt
Viết xong cuộc đời Ngài
Tôi bần thần, dã dượi
Sinh lực tổn hao
Như thân cây không còn nhựa luyện
Như sức ngựa đường dài
Hoàn tất cuộc lữ trình lên đến đỉnh đồi cao
Ôi! Tôi đã chạy đuổi chiêm bao
Muốn vói bắt mảnh trăng trời nguyên thuỷ
Tôi đã gục khóc
Trên từng viên gạch vỡ
Nơi những dấu tích điêu tàn, hoang phế cổ xưa
Trên những di chỉ bia văn rêu phủ, gió lùa
Nơi điện đài còn trơ trầm hương tín mộ
Trên những trang kinh kiến sâu loang lổ
Lửa vô thường cháy xém chữ câu
Tôi đã đi theo từng đốm nắng không màu
Mong vẽ lại ánh triêu dương chánh pháp
Tôi bất lực đi qua nhiều hoang mạc
Khói bụi thời gian, phế tích tàn tro
Tôi đứng bên này sông hớt hãi gọi đò
Đồng vọng hai bờ, hư vô xào xạc
Bút mỏi
Tay run
Tứ cùn
Chữ nhạt
Cô liêu tháng ngày góc núi ánh trăng suông
Gió phủi qua song trăm chuyện vui buồn
Để từng hơi thở theo dấu chân Từ Phụ
Người đã như cánh chim thiêng tiêu dao du ngoài ba cõi
Rơi rớt nhụy vàng để lại thế gian hương
Vô tích, vô tăm sinh tử mộng thường
Vô khứ, vô lai – hiện thân tuyệt đối
Tôi cúi xuống
Nghe thức tri già cỗi
Chắp vá từng trang, thêu dệt một chân dung
Đất Ấn linh thiêng, lưu bóng đức Đại Hùng
Mỗi cọng cỏ vàng
Mỗi cành cây khô
Cũng trở nên thân thuộc
Dốc đá xám
Cổng rêu đen – dấu khói sương thuở trước
Cũng là hóa thân của sử lịch ngàn năm
Ôi từng đêm, từng đêm
Từng câu chữ âm thầm
Chợt hiện linh hồn biết vui, biết khổ
Biết hỷ hoan, biết suy tư, trăn trở
Biết lội ngược dòng tìm giọt nước nguồn xanh
Nó cũng biết chán chê dục vọng xây thành
Nhốt kín nhân tâm, bủa tròng nô lệ
Dấu lửng, dấu than hàng hàng kể lể
Nói với chúng sanh nguyên nhân khổ vì đâu
Tái hiện con sông, bắt những nhịp cầu
Bằng cọng lau mềm hôm qua sương đọng
Một thoáng tinh anh, một trời viễn mộng
Hiu hắt cõi miền cánh vạc vỗ tịch liêu
Tuyết đổ non cao, lạnh buốt chợ chiều
Nhân thế căm căm lối về vô định
Sống chết trầm kha, sinh luân lão bệnh
Ngơ ngác tầm cầu, bầy cú rúc thâu canh
Huyền sử đi đêm đội bóng lữ hành
Bên vực thẳm đốm lửa người leo lét
Tuyệt vọng
Gọi nhau
Hãi hùng
Bi thiết
Có ai nghe tiếng trống pháp còn vang
Bao lời kinh thiêng, ma quỷ bàng hoàng
Vọng ba cõi, xuyên sâu vào địa ngục
Địa ngục của lòng người
Địa ngục của thức tri tối tăm
Và của sân tham, ngu dốt
Đang đốt cháy bình nguyên, sông núi, ao hồ
Đốt cháy nương vườn, cổ tích, tuổi thơ
Nhân ái, nhân văn không còn ô-xy để thở
Đức lý tan hoang, phận người xiêu đổ
Lây lất đi về trong bóng vô minh
Vì đại bi mà Đức Phật dặm trình
Suốt bốn mươi lăm năm đầu trần chân đất
Lộc Giả chuyển luân, tuyên ngôn sự thật
Độ năm thầy Kiều-trần-như, Thích tử đầu tiên
Rồi Yasa cùng năm mươi bốn thân hữu thiện hiền
Giáo Hội ra đời gồm sáu mươi Như Lai sứ giả
Mỗi người hãy đi mỗi phương, đừng đi chung ngã
Vì an lạc, hạnh phúc cho nhân loại, chư Thiên
Đập vỡ tín lý khắt khe, tín ngưỡng cổ truyền
Hạ bệ thượng đế, thần linh khói hương nghi ngút
Phá bỏ kỳ thị giai cấp, hàng rào tủi nhục
Mang thông điệp tự do, giải thoát cho đời
Tuệ quang minh chiếu tỏ trần khơi
Nguồn thánh thuỷ chảy tràn miền cỏ cây khô khát
Cái kiến, con sâu mừng vui rức hạt
Đất cỗi cằn nứt nhựa uyên nguyên
Phố thị, làng quê, đền miếu, chợ triền
Quý tộc, nô tỳ uống chung bầu sữa pháp
Hoa nở
Chim reo
Rừng ca
Suối hát
Triệu triệu năm duyên phúc một lần
Triệu triệu tử sinh, đại ngộ sát-na tâm
Khoảnh khắc bất diệt
Vô lượng a-tăng-kỳ không bao giờ trở lại…
Lạy Phật!
Bút của con cùng với văn chương ngu dại
Dám đặc tả đời Ngài cùng với công hạnh trăng sao
Câu chữ phàm phu, cảm xúc tuôn trào
Theo dấu bụi mờ, nhặt sử kinh lưu lạc
Đốt trái tim làm đèn soi bờ giác
Khái niệm chất chồng, “đất thực” tuyết sương che
Hướng tâm sai là phiền não kết bè
Một niệm khởi trùng trùng duyên sanh khởi
Đã thấy rõ sự thật
Nhưng vẫn còn lầm lỗi
Bởi kiết sử sâu dày
Từ vô thức bước ra
Đã bao nhiêu năm
Lăng xăng đọc sách, uống trà
Làm chuyện thanh cao giảng kinh, dạy pháp
Viết truyện, làm thơ, triết văn uyên bác
Đại sự càng nhiều, bản ngã càng to
Vô tác, vô hành giảng nói hay ho
Vô cấu, vô vi cao ngôn thiện thuyết
Dao hai lưỡi ẩn sau “cái biết”
Đại dụng mơ hồ, chệch hướng vạn trùng mê
Chỉ hai nẻo thôi: Một phiền não, một Bồ-đề
Đâu dám thõng tay mà ngao du giữa chợ
Nào khoác áo vị tha
Nào đóng trò cứu độ
Chốn ngũ trần đâu dễ gót thong dong
Tôi đã từng thấy
Viện lớn, tượng to bôi đỏ, phết hồng
Tín ngưỡng bán mua, thần linh đổi chác
Thiện tín chợ đông, trầm hương thơm ngát
Mặc cả thiệt hơn, lạy lục, cầu xin
Quán hàng bày ra, quảng cáo đức tin
Ma quỷ vỗ tay, ăn mừng mở tiệc
Chiêu phát triển, chiêu văn minh, hội nhập
Tiếp thị, tuyên truyền, kỷ lục, thi đua
Bắc nam đông tây hí hửng tiền chùa
Xả rác bụi dục tham
Xả kiêu căng, hợm hĩnh
Ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm sử kinh
Đức Phật ngồi cao
Thương xót sinh linh
Tứ Đế thắp đèn
Giữa đêm đen thảm nạn
“Sự sống đang là…”
Dành cho người mắt sáng
Tự thức, tự tri gậy chống lên đường
Tuệ giác tinh minh xóa lớp khói sương
Trả chân thực
Cho tự mình muôn thuở
Vọng tưởng, si mê
Không làm gì được nữa
Phiền não, khổ đau tự diệt, tự tan
“Thấy rõ” rồi mới biết sống đàng hoàng
Điều chỉnh đúng từng hành vi, cử chỉ
Mỗi niệm khởi không ở ngoài thiện mỹ
Mỗi tác duyên
Chân lý vận hành theo
Nặng nề vô cùng là bản ngã buộc đeo
Phải thấy chúng trong từng thức tri, cảm thọ
Mặt nạ “cái ta” đánh lừa bao độ
Giác ngộ thì “nguyên con” nhưng kiết sử phải đoạn dần
Thường trực lắng nghe như thực như chân
Thì phiền não không phan duyên dấy khởi
Niệm niệm bèo rong bập bềnh trôi nổi
Thả theo dòng
Nhìn ngắm đốm hoa xao
“Thấy pháp” rồi mới lên bến, chống sào
Mới tu tập nhẹ nhàng
Mới như thực kiến và tư duy chơn chánh
Nếu chưa thấy pháp
Dù nghiêm tu công hạnh
Cũng tựa như nấu sạn muốn thành cơm
Cũng tựa như dã tràng xe cát biển đông
Muốn nhặt bóng mình
Muốn lưu dấu huân tu
Giữa dòng cuồng lưu chảy xiết
Cát vỡ
Đá tan
Hư vô
Hủy diệt
Mộng trùng trùng
Ngộp chết giữa bờ mê
Quanh quẩn trả vay, nhân quả ê chề
Lượm phước báu nhân thiên
Ủi an đời bèo bọt
Thật sự giải thoát thì “không có ta-giải-thoát”
Tự không rỗng trong ngoài
Chẳng dính mắc tế vi
Gọi là người, là thánh, cứ tuỳ
Sát-na một, pháp thung dung tự tại
Đại dụng trong tay, nụ cười tiêu sái
Muôn việc như không, quyền biến như không
Và đến lúc này mới nói chuyện vào dòng
Pháp cứu độ cũng là duyên cứu độ
Tứ Vô Lượng Tâm bèn tuỳ nghi dạo phố
Thăm xóm làng, bình bát xin ăn
Đến lúc này mới dám gọi Sa-môn
Là Thích tử, là Tỳ-khưu không thấy lòng hổ thẹn.
Kính lạy Phật!
Từ chân dung thánh điển
Nghĩa lý, chữ câu đã mã hóa Không môn
Gần ba nghìn năm chẳng có lối mòn
Giác niệm là bước đi
Giác niệm là cõi về không khác
Trọn vẹn từng hơi thở
Trọn vẹn từng thức tri, buồn vui, khổ lạc
Cùng với bốn mùa mưa nắng, gió sương
Định luật tâm, định luật pháp thị thường
Nhật nguyệt, tinh hà cùng chung vận hóa
Li ti tế bào, diệt sinh vô ngã
Tất thảy đều chu toàn trong mỗi khắc phục sinh
Mỗi mỗi khí, thời, vận, số quân bình
Là vĩnh cửu đủ đầy trong từng vi trần dịch biến.
Kính lạy Phật!
Tự ngàn xưa hiển hiện
Đang ở trong con vô tận phút giây này
Pháp huy hoàng
Nhật nguyệt rạng trời mây
Soi bóng chữ
Qua sông
Hy vọng
Vẫn còn nguyên chân diện mục!
———=oOo=———
Colombo – Sri Lanka 12/2013
MINH ĐỨC – TRIỀU TÂM ẢNH