Trong đại lễ Đức Phật Thành Đạo và xuân Đinh Dậu PL.2560, một thông điệp của Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) do Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Đức Chơn ấn ký và bây giờ hơn 4 tháng trôi qua, nhân mùa Phật Đản tôi đọc lại và suy gẫm kỹ hơn từng câu, từng chữ, từng ý mà Hội Đồng Chứng Minh đã trao gửi cho tất cả mọi người chứ không riêng cho Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Tôi nói kỹ hơn, là vì mỗi lần có lễ là mỗi lần tôi tìm một bộ kinh đẻ tụng, một văn bản chỉ đạo của Chư Tôn Đức để định hướng cho mình ý thức phụng sự đúng chánh pháp, hợp thời cơ, không lỗi thời, không sai lạc.
Đó là nhận thức cá nhân của riêng mình nhưng lại ảnh hưởng lớn và hết sức quan trọng, vì tôi là Huynh Trưởng đang ít nhiều nhận chịu trách nhiệm thịnh suy của tổ chức GĐPTVN. Vì vậy, tôi không thể, và không được phép, lơ là trong việc tấn tu với bản thân và xem thường bổn phận thiêng liêng cao cả của một Huynh Trưởng GĐPT.
Thông điệp lễ Thành Đạo và đón xuân Đinh Dậu(1) sau phần mở đầu thông lệ và lời chúc xuân, đã nhắc ngay vấn đề tu học của mỗi bản thân: “Kính tin Tam Bảo và thực hành lời Phật dạy“. Nghe qua thì rất bình thường nhưng nghĩ sâu thì lại vô cùng quan trọng và cần thiết, vì kính tin Tam Bảo ai cũng có và ai cũng nói, nhưng tin như thế nào, tin sâu hay cạn, tin đúng hay chưa đúng? Vì tin chưa chắc đã hiểu; hiểu chưa chắc đã làm; và làm chưa chắc đã đúng! Rồi thực hành lời Phật dạy. Thực hành như thế nào? Nói thì dễ nhưng làm không dễ! Phật dạy diệt ngã phá chấp. Mỗi chúng ta đã diệt được ngã, phá được chấp chưa? Phật dạy diệt tham lam, sân hận, si mê. Theo Phật, chúng ta đã diệt được mấy phần của Tam Độc ấy?
Đã thế, thông điệp còn nhắc: “Chúng ta đang đối mặt với những chướng duyên, những bất trắc của xã hội, những thách thức của nền văn minh vật chất hiện đại“. Đây là những chướng duyên thường trực ngăn chặn con đường tu tập của Tăng Ni và Phật Tử chúng ta. Đặt biệt, nền văn minh vật chất hiện đại, công nghệ khoa học, máy móc tinh vi của “thời đại vi tính” có hấp lực lôi kéo tuổi trẻ hơn bao giờ hết; và vì vậy, tuổi trẻ đi chùa với tâm thành rất ít. Người lớn thì vì công việc, vì cơm gạo áo tiền, chạy theo cho kịp vòng xoáy của xã hội để sống còn; và cũng từ đó thông điệp khuyên dạy: “Chính những thách thức đó giúp chúng ta thấy rõ tính giả tạm, mong manh và không thực của vạn vật, và giúp chúng ta thấy rõ tiềm năng kham nhẫn và đạo hạnh của chúng ta“.
Đối với đời sống của xã hội, thông điệp nêu rõ: ”Đạo đức xuống cấp, đức tin tâm linh có nhiều biến tướng tiêu cực; bạo lực gia đình và xã hội càng lúc càng bộc phát; tệ nạn xã hội tăng nhanh; nạn khủng bố liên tục xảy ra nhiều nơi trên thế giới; nạn nhiễm độc thực phẩm; nắng hạn, lũ lụt, động đất và ô nhiễm môi trường; nạn cá chết hàng loạt ở các tỉnh duyên hải Miền Trung Việt Nam; nạn ruộng đồng khô hạn và nhiễm mặn ở các tỉnh Nam Phần; nạn khí hậu biến đổi và ô nhiễm môi trường do các công nghệ gây ra v.v… là những tác duyên cực kỳ nguy hiểm đang đe dọa đến mọi đời sống trên trái đất của chúng ta“. Đây là một bức tranh rất thực, rất rõ, cụ thể nhất là Việt Nam. Thông điệp đã đề cập một cách cụ thể, không né tránh những vấn đề nhạy cảm mà ai cũng thấy nhưng không muốn hay không dám, hoặc chỉ nêu ra cho có lệ; hoặc nêu ra với thái độ chỉ trích thiếu hiệu quả xây dựng, vì thế mà ít tác dụng! Với thông điệp này, tất cả Phật Tử nói chung và Đoàn Viên GĐPT trên thế giới nói riêng, cần thấy rõ vấn đề mà Chư Tôn Đức đề ra không phải chỉ biết để mà biết, thấy để mà thấy với thái độ vô cảm như một số người, mà là thấy và biết với trách nhiệm: Tự giác – giác tha, tự độ – độ tha. Đó là hàm ý của thông điệp mà chúng ta phải biết.
Một vấn đề khác, thông điệp nói: “Tình trạng các quốc gia tranh dành nhau về hải phận và quyền lợi biển đảo, trực tiếp đe dọa đời sống của cư dân Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và khắp nơi trên toàn thế giới”. Rõ ràng thông điệp đã đề cập một vấn đề liên quan đến sự an nguy cho cả thế giới dù không chỉ đích danh nước nào, nhân vật nào, nhưng ai cũng biết những gì xảy ra trước mắt, còn những gì âm thầm tranh chấp, âm thầm đi đêm, âm mưu chia chác đen tối với nhiều mưu mô xảo quyệt là những vấn đề nguy hiểm nhất mà tất cả phải quan tâm, phải dùng trí tuệ để tư duy mới thấy cái mặt trái của vấn đề. Rồi vì thế, đoạn tiếp theo của thông điệp nhắc đến sự vận động của các lãnh tụ tôn giáo, nhất là Đại Hội Văn Hóa Giáo Dục & Hoằng Pháp của Phật Giáo Liên Châu tại thủ đô Ottawa, Canada, mở ra một hướng mới cho sứ mệnh giáo dục và hoằng pháp của Phật Giáo Việt Nam. Người Phật Tử Việt Nam phải thấy rõ vấn đề để can đảm xung phong gánh vác một phần trách nhiệm mà Đại Hội đã vạch ra. Còn nếu cứ im lặng, thủ phận, như sự im lặng, thụ động từ năm 1981 đến nay, thì rõ ràng với thái độ cầu an là đồng nghĩa với hèn nhát, chắc chắn lịch sử Phật Giáo Việt Nam sẽ đi qua với những bóng đêm, và với những bước chân khập khiểng của một đàn bò đi đến lò mổ, như lời dạy của Đức Thế Tôn chê trách thành phần không thấy cuối đường là lò mổ mà cứ mãi húc nhau, tranh nhau đi trước, đi sau, trái, phải, trên, dưới,… cuối cùng để cùng nhau đi vào tử lộ!
Một vấn đề thời sự quốc tế là Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc (P.C.A), ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong phán quyết dài gần 500 trang đã kết luận quyền lịch sử “trên phần lớn diện tích biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là vô hiệu quả”. Thế mà, óc bá quyền, tham vọng của kẻ tham lam, hiếu chiến, vẫn nghênh ngang xem thường công lý! Lãnh đạo mà không thuộc câu “đạo lý làm người“ thì thế giới làm sao mà yên ổn, con người làm sao có an lạc được! Do đó mà thông điệp phải cảnh bảo những thảm họa cho loài người nếu những quyền lợi phe nhóm, quốc gia, khu vực… cứ mãi hiện hữu, không loại trừ được, thì chắc chắn đại họa của nhân loại khó mà tránh khỏi!
Cuối thông điệp, Tứ Diệu Đế, bốn chân lý bất di bất dịch được nhắc lại: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” là một lời cảnh tỉnh quan trọng nhất trong hiện tình của dân tộc và nhân loại. Dù là đệ tử của Phật hay không, hãy luôn luôn tỉnh thức nhằm chuyển hóa thân, tâm để cứu mình và cứu người.
Thông điệp trong những thông điệp của Phật Giáo trong các đại lễ, nhưng thông điệp này trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt nhất, trong tình hình quả địa cầu như một lò thuốc súng, mà Việt Nam là một trong những cái ngòi khá nhạy bén. Đã thế, tại các tỉnh, ít nhiều việc khiếu kiện đất đai, việc uất hận, bất mãn vì bị ức hiếp, bị đối xử bất công; lại thêm một phần tử nhỏ có óc thời cơ chủ nghĩa sẽ là những vấn nạn ảnh hưởng chung, trong đó Phật Tử chiếm đa số dân chúng trong xã hội.
Nhân mùa Phật Đản về sẽ có các thông điệp, và bất cứ thông điệp nào, cái giá trị đích thực không phải là lời nói suông, vuốt đuôi, xoa dịu tự ái, vuốt ve bản ngã, văn ngữ rỗng tuếch, nịnh bợ, kiếm điểm… mà người Phật Tử nên nhìn thẳng vào trọng tâm; nhìn thẳng vào sự thật; nhìn thẳng vào chính mình, đoàn thể mình, Đạo Tràng mình, chùa mình, gia đình mình, xã hội mình, đất nước mình để cùng nhau áp dụng lời Phật dạy, để cứu mình và cứu người.
Có thể nói “Thông điệp của Hội ĐồngTăng Già Chứng Minh Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một thông điệp lịch sử”.
TRUNG TRỰC
Cựu Huynh Trưởng GĐPTVN
(1) Thông Điệp Phật Thành Đạo và Xuân An Bình Phật Lịch 2.560 của Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh GĐPTVN do Đại Lão Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Đức Chơn ân ký ngày 5/1/2017.