Bậc Hướng Thiện: Chuyện nai ngọc

I. VĂN :

Khi Đức Thế Tôn mới thành đạo, Ngài chưa rời khỏi cội Bồ Đề. Một buổi chiều nọ, các em bé trong làng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) rủ nhau vào rừng để nghe Ngài giảng dạy. Hôm đó, Đức Phật kể cho các em nghe một câu chuyện tiền thân của Ngài như sau :

Thuở ấy, ta còn là con Nai ở trong rừng. Trong rừng ấy có một hồ nước. Dưới hồ nước có một con rùa. Bên hồ nước có một cây dương, và trên cây dương có một con chim Sáo. Nai, Rùa và Sáo chơi với nhau rất thân.

Một hôm có một người đi theo dấu Nai tới bên hồ, nơi Nai thường xuống uống nước. Ông ta đặt một cái bẫy bằng những sợi dây da rất chắc ở đó, rồi đi về nhà. Nhà ông ta không xa bìa rừng là mấy.

Chiều hôm ấy, tới bờ rừng uống nước, Nai bị mắc bẫy, Nai kêu lên. Rùa và Sáo nghe tiếng Nai. Rùa bò đến, Sáo bay tới. Thấy Nai bị  nạn, Rùa và Sáo bàn nhau phương thức giải cứu cho bạn. Sáo nói với Rùa :

–   Chị Rùa ơi, chị có răng khoẻ thì hãy gắng gặm cho đứt dây da của cái bẩy này. Còn em, em sẽ tìm cách ngăn ông thợ săn lại, đừng cho ông tới. Nói xong, Sáo vội vã bay đi. Rùa khởi sự gặm các sợi dây da. Sáo bay ra khỏi rừng, tới nhà người thợ săn và đậu sẵn  sàng trên một cành cây xoan trước cửa nhà chờ đợi. Trời sáng, người thợ săn cầm lấy con dao nhọn và mở cửa đi ra. Thấy người thợ săn bước ra, Sáo vỗ cánh bay tới và lao mình vào mặt ông ta bằng hết cả sức mạnh. Bị Sáo đập vào mặt, bác thợ săn choáng váng, bác trở lui vào nhà, bác nằm xuống giường để nghỉ ngơi chốc lát. Hồi lâu sau, bác lại chồm dậy, cầm lấy con dao nhọn. Lần này bác đi ra bằng cửa sau. Khi bác thợ săn mở cửa đi ra, Sáo lại vỗ cánh và lao mình vào mặt bác một lần nữa.

Bị chim tấn công hai lần liên tiếp, bác thợ săn quay vào nhà. Bác suy nghĩ : Ngày hôm nay xấu quá. Dù ta đi bằng ngỏ trước hay ngỏ sau cũng bị con chim quái gở này ngăn cản. Thôi ta hãy nghỉ ngơi để ngày mai sẽ vào rừng.

Sáng hôm sau, người thợ săn thức dậy sớm, cầm lấy chiếc dao nhọn, ông lấy nón đậy lên cho kín mặt rồi mở cửa đi ra. Không tấn công vào mặt ông ta được nữa, Sáo lập tức bay vào rừng báo cho hai bạn :

–   Bác thợ săn sắp tới.

Lúc ấy Rùa đã gặm đứt gần hết các sợi dây da. Chỉ còn có một sợi nữa thôi là Nai có thể thoát được. Rùa dùng hết sức bình sinh để gặm, nhưng sợi dây này cứng quá, cứng như thép. Răng của Rùa gần như sắp rụng hết và miệng của Rùa chảy đầy máu rất là tội nghiệp. Rùa đã ra sức gặm trong hai đêm và một ngày, miệng Rùa không chảy máu sao được.

Người thợ săn tới. Trông thấy ông ta, Nai hoảng kinh vùng mạnh một cái. Nhờ vậy sợi dây da mà Rùa đã gặm nửa chừng bị đứt. Nai phóng vào rừng. Sáo vội bay lên đậu trên cây dương. Nhưng Rùa kiệt sức quá, không bò đi đâu được. Thấy mất Nai, bác thợ săn tức lắm. Bác lượm lấy  Rùa bỏ vào trong một cái túi da, treo túi lên một thân cây rồi đi tìm Nai.

Lúc đó, Nai đang đứng sau một bụi rậm nhìn ra để thăm chừng các bạn. Nai nghĩ : “ Các bạn đã liều thân cứu ta. Đến lượt ta cũng phải liều thân cứu bạn ”. Nghĩ như thế, Nai từ từ bước ra cho người thợ săn trông thấy, Nai làm ra vẻ kiệt sức, khuỵu hai chân trước xuống. Người thợ săn nghĩ : “ Con Nai này kiệt sức rồi. Ta có thể đuổi theo nó và đâm nó một nhát ”.

Ông ta liền cầm dao đuổi theo Nai. Nai đứng dậy từ từ đi vào rừng, dụ bác thợ săn đi theo. Sau khi đã dụ được bác thợ săn đi khá sâu vào trong rừng, Nai vút chạy thật nhanh, làm mất dấu chân mình, rồi phóng trở ra hồ nước. Tới bên cây Dương, Nai dùng gạc của mình đẩy cái túi da của bác thợ săn úp ngược xuống. Nhờ vậy Rùa rơi ra khỏi túi. Sáo cũng bay xuống gần. Nai nói với hai bạn :

–   Nhờ hai bạn mà tôi thoát chết khỏi tay người thợ săn. Tôi cám ơn hai bạn. Người thợ săn sẽ trở lại ngay bây giờ. Anh Sáo, anh hãy dời tổ của anh đi nơi khác thôi. Rùa ơi! Hãy trốn đi! Mau lên! Còn tôi, tôi sẽ đi ngay vào rừng.

Khi người thợ săn trở lại, ông ta thấy Rùa đã thoát đi đâu mất. Nai và Sáo cũng bặt tăm. Buồn bã, ông ta đeo túi và cầm dao đi về nhà.

( Trích Tiểu Bộ kinh)

 II. TƯ :

Đức Phật đã từng dạy : chúng ta đã rất nhiều kiếp mãi trôi lăn trong bể khổ luân hồi và thay đổi nhau, lúc thì kiếp đất, đá, rong, rêu; lúc thì kiếp các loài thú vật và cũng đã nhiều kiếp là cha, mẹ, anh, em lẫn nhau nhưng tất cả đều là khổ.

Đức Phật đã từng dạy : chúng ta đã rất nhiều kiếp mãi trôi lăn trong bể khổ luân hồi và thay đổi nhau, lúc thì kiếp đất, đá, rong, rêu; lúc thì kiếp các loài thú vật và cũng đã nhiều kiếp là cha, mẹ, anh, em lẫn nhau nhưng tất cả đều là khổ.

Chúng ta đã nghe Đức Phật dạy như vậy và đã hiểu. Như vậy ta phải biết thương yêu nhau, giúp đỡ, nhắc nhở nhau một lòng tu học để mau thoát khổ.

 III . TU :

–   Sống cùng nhau, em phải luôn quan tâm đến nhau, không vì sự an nguy của mình mà bỏ rơi bạn bè.

–   Khi gặp nguy hiểm, em luôn bình tỉnh để có sự sáng suốt, biết dùng trí xử lý việc.

IV. CÂU HỎI :

  1. Sáo, Rùa đã làm gì khi bạn gặp nạn ?
  2. Tình bạn giữa Nai, Rùa và Sáo đáng quí ở chỗ nào ?
  3. Cách giải cứu cho bạn ở Nai có điều gì đáng cho ta học tập ?
  4. Chuyện Phật kể cách đây hai, ba ngàn năm nhưng cũng có thể là đang xảy ra ngay trong giờ phút này. Các em hãy suy nghĩ để xem mình có dính líu gì với những con vật trong truyện hay không ?
  5. Các em có tin được rằng : con Nai trong truyện là một kiếp tiền thân của Đức Phật Thích Ca không ?