Bậc Hướng Thiện: Chuyện thái tử Tất Đạt Đa với con chim trời bị thương

I. VĂN :

Lúc ấy, Thái tử Tất Đạt Đa mới lên chín tuổi. Một hôm, Thái tử đang dạo chơi thơ thẩn một mình ở trong vườn thì có một con chim thiên nga từ trên trời rơi xuống ngay trước mặt Thái tử. Con chim có vẻ đau đớn lắm. Nó quằn quại trên mặt đất. Thái tử chạy lại ôm nó lên, thấy có một mũi tên cắm sâu vào cánh nó. Thái tử cầm mũi tên trong tay, ngậm miệng lại và rút mạnh mũi tên ra. Con chim run bắn lên,  máu rỉ ra uớt đỏ cả cánh chim. Thái tử vội lấy ngón tay cái ấn lên trên vết thương cho máu ngưng chảy. Ôm con chim trong tay, Thái tử chạy đi tìm cô cung nữ Tôn Đà Lợi (Sundari). Thái tử nhờ cô đi hái một nắm lá dâu nhai nhỏ và rịt lên vết thương của con chim. Con chim run rẩy. Hình như nó bị lạnh. Thái tử cởi chiếc áo lông cừu ra, bọc chim vào cho chim ấm và đặt chim gần  lò sưởi ngự.

Thái tử  định đi kiếm cơm nguội cho chim ăn thì  Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đẩy cửa chạy vào. Đề Bà Đạt Đa là em chú bác của Thái tử, hồi đó 8 tuổi. Tay Đề Bà Đạt Đa còn cầm cung và tên. Đề Bà Đạt Đa hỏi:

– Tất Đạt Đa (Siddhatta), anh có thấy một con chim trắng rơi xuống đâu đây không ?

Thái tử  chưa kịp trả lời thì Đề Bà Đạt Đa đã nhìn thấy con chim để gần lò sưởi ngự. Đề Bà Đạt Đa chạy tới định giành lấy con chim thì thái tử nhanh chân ngăn lại nói:

– Em không được lấy, con chim này là của anh.

Đề Bà không chịu:

– Con chim ấy là của em, chính em bắn nó rơi xuống.

Lúc ấy, Thái tử đứng chặn ngay trước mặt Đề Bà cương quyết không cho Đề Bà đụng tới con chim và nói:

– Con chim này bị thương. Anh cứu nó. Anh chăm sóc cho nó. Nó cần anh, chứ nó không cần em.

Đề Bà Đạt Đa là một đứa trẻ cứng đầu. Cậu ta không chịu thua. Là một cậu bé thông minh, cậu lý luận:

– Này nhé, anh nghe đây. Con chim này khi nó còn bay trên trời thì nó không thuộc về ai cả. Em bắn nó rơi xuống, thì lý đương nhiên nó thuộc về em.

Nghe Đề Bà Đạt Đa nói thế, Thái tử Tất Đạt Đa tức lắm. Lý luận của Đề Bà có vẻ vững chãi, đanh thép nhưng Thái tử Tất Đạt Đa nhận thấy có những điều không đúng ở trong lý luận ấy mà Thái tử chưa nói ra được nên Thái tử tức nghẹn cả họng. Bổng nhiên Thái tử tìm được cách trả lời với Đề Bà Đạt Đa. Thái tử nói:

– Em cũng nghe anh nói đây. Thói thường những kẻ thương yêu nhau mới ở chung với nhau, còn những kẻ ghét bỏ nhau thì không bao giờ sống chung với nhau. Em có ý dữ, muốn bắn giết con chim, như vậy em và con chim là những kẻ thù ghét nhau, làm sao con chim có thể ở chung với em đựơc. Trong khi đó, anh cứu con chim, anh săn sóc vết thương cho nó, anh suởi ấm cho nó, và anh đang đi kiếm thức ăn cho nó. Vậy anh và chim là những kẻ biết thương yêu nhau, anh và chim có thể ở chung với nhau. Như anh đã nói, con chim cần anh chứ  không cần em.

Cuộc tranh chấp của hai cậu bé Hoàng gia không đi đến đâu vì vậy được đưa ra giữa những người lớn. Hôm đó có buổi họp trong triều. Thái tử Tất Đạt Đa tay ôm con chim, còn  Đề Bà Đạt Đa thì ôm cung tên, cả hai chạy ùa vào nhờ các quan phán xử. Lúc ấy vua Tịnh Phạn, tức là  phụ vương của Thái tử, đang ngồi ở giữa buổi chầu.

Cuộc đàm luận việc nước được tạm ngưng lại. Các quan nghe xong lý luận của Đề Bà Đạt Đa rồi nghe đến lý luận của Thái tử Tất Đạt Đa. Các quan bàn tán, phân vân rất lâu, và chẳng đi đến một kết quả gì. Số người theo ý Đề Bà rất đông. Giữa lúc ấy, vua Tịnh Phạn bổng ho khan mấy tiếng. Lập tức các quan đều im lặng, ai cũng nhìn vua. Và sau đó, mọi người đều nghĩ là lý luận của Thái tử đúng hơn, nên giao con chim cho Thái tử. Đề Bà Đạt Đa tức giận lắm.

Mặc dù được con chim nhưng Thái tử cũng không vui mấy. Bởi vì tuy còn nhỏ tuổi nhưng Thái tử dư sức để biết về sự thắng cuộc của mình. Người ta vì nễ nhà vua mà cho Thái tử thắng cuộc chứ không phải vì họ thấy lý luận của Thái tử là đúng. Thái tử buồn nhưng lúc đó nghĩ đến sự an toàn của con chim, Thái tử cũng cảm thấy được an ủi  ít nhiều.

Thái tử nuôi con chim được bốn ngày. Khi thấy vết thương nơi cánh của nó đã lành hẳn, Thái tử thả nó ra, dặn nó bay thật xa để đừng bị Đề Bà Đạt Đa bắn rơi lần nữa.

 II. TƯ :

Ở đời ít người biết nhìn nhau bằng con mắt thương yêu. Vì vậy, họ độc ác với nhau, họ không tha thứ cho nhau. Những kẻ yếu đuối và cô thế thường bị bắt nạt và làm hại.

Lý luận của Thái tử Tất Đạt Đa là lý luận của tình thương yêu và sự hiểu biết. Đó là sự thật có thể làm vơi bớt nỗi khổ của mọi loài. Dù số đông không công nhận thì nó vẫn là sự thật. Cho nên từ câu chuyện, ta cảm nhận được điều Thái tử dạy chúng ta : “ Các con phải có thật nhiều can đảm mới có thể đứng về phía sự thật mà bảo vệ sự thật ”.

Đức Phật dạy:

“ Lấy oán báo oán,

Oán oán chất  chồng,

Lấy ân báo oán,

Oán ấy liền tiêu.”

III. TU :

Em học cách sống yêu thương, luôn quan tâm đến người, vật sống chung quanh để có được những mối quan hệ tốt đẹp.

Thực hành giữ 5 giới một cách tích cực để đem lại an lạc, hạnh phúc cho người, vật.

IV. CÂU HỎI :

1.  Thái tử đã làm gì khi thấy con chim trời bị thương và Thái tử đã làm gì để bảo vệ nó ?

2.  Cách lí luận của Đề Bà Đạt Đa và Thái tử Tất Đạt Đa như thế nào ? Ai đúng, ai sai ? Vì sao ?