Năm Khỉ khám phá kỷ lục… con khỉ!

0

TVGĐPT Nhân dịp con khỉ sắp “dòm nhà” sau khi nhận bàn giao từ đàn anh tiền nhiệm là chú dê sắp phải ấm ách về vườn. Xin cống hiến đến bạn đọc những kỷ lục của loài linh trưởng có cấu trúc sinh học và thật  nhiều phương diện khác rất gần gũi với loài người này…

QUÝ HIẾM NHẤT:

Trong họ hàng loài khỉ hiện nay, quý hiếm nhất là “khỉ sư tử”, trước đây có khá nhiều ở vùng đông nam Brazil nhưng hiện nay vùng trú ngụ đã thu hẹp nhiều và số lượng chỉ còn không đến 100 con, sống tại các khu rừng quanh thành phố Rio de Janeiro. Đây là loài khỉ nhỏ với mắt tròn sáng, đuôi rất dài, bộ lông màu da cam rực rỡ cùng với bờm quanh đầu hệt như sư tử.

GIÀ NHẤT:

Có 3 loài có thể trở thành lão làng trong dòng họ nhà khỉ là đười ươi, gorilla và hắc tinh tinh vì chúng có thể sống lâu được tới 53-55 năm. Con hắc tinh tinh tên Jimmy nuôi trong vườn thú Rochester (Hoa Kỳ) chết vào tháng 3 năm 1987, sống được 56 tuổi 9 tháng. Còn Masan – tên con gorilla nổi tiếng – sinh vào tháng 7 năm 1931 thì đã “quá vãng” vào ngày 30/12/1984 tại vườn thú Philadelphia (Hoa Kỳ), “hưởng thọ” 53 tuổi 5 tháng.

THÔNG MINH NHẤT:

Loài khỉ đen này sống ở vùng rừng nhiệt đới Châu Phi. Trí tuệ chúng nổi trội hơn hết trong thế giới động vật và chỉ thua có loài người. Chúng rất linh hoạt, thích đùa nghịch nhưng chịu luyện tập, tìm tòi, có khả năng tư duy và bản năng xã hội phát triển. Do dễ thuần dưỡng, người ta đã dạy chúng biết đếm, thậm chí còn nói được những câu ngắn, đơn giản và huấn luyện chúng làm một số công việc phức tạp cần sự dẻo dai, khéo léo, sáng tạo.

ĐẦN ĐỘN NHẤT:

Đây là “danh hiệu” khó chịu dành cho loài “vượn cáo” khá hiếm trong họ nhà khỉ hiện chỉ còn ở đảo quốc Madagascar. Chúng có bộ não nhỏ hơn các loài khỉ khác và qua nhiều nghiên cứu, thí nghiệm, chúng bị nhận xét là hết sức đần độn, khả năng tiếp nhận, thực hành kém xa chó, mèo, thậm chí thua cả vẹt, bồ câu. Loài khỉ này có vóc dáng giống như con cáo, bộ lông màu nâu hoặc xám nhạt, đuôi khoang, mắt lồi.

VUI NHỘN NHẤT:

Trái với vượn cáo, “danh hiệu” dễ chịu này dành cho loài khỉ Papio tức là “khỉ chó” hay “khỉ đầu chó”, sống nơi rừng già miền trung và tây nam châu Phi. Do hình dáng ngộ nghỉnh và tính cách vui nhộn, dễ gần, chúng trở thành loài vật gây được nhiều ấn tượng, thiện cảm. Hầu hết các vườn thú có nuôi khỉ đầu chó thường thả rông để chúng tự do đi lại và chơi đùa cũng khách tham quan. Loài khỉ này có thân hình mũm mĩm, đuôi ngắn, bộ lông nâu và xám nhạt, đầu giống đầu chó, con đực có bờm bao quanh.

XẤU XÍ NHẤT:

Loài khỉ Aye-Aye này đang thuộc diện nguy cấp, một phần bởi chúng luôn được cho là hiện thân và điềm báo của quỷ dữ mỗi khi xuất hiện tại các ngôi làng ở Madagascar và bị giết chết. Người ta tin rằng loài khỉ Aye Aye sẽ mang đến cái chết, chính vì thế khi gặp chúng, người ta phải bắt và thực hiện hành động tàn bạo là đâm hỏng mắt của chúng.

TO KHỎE NHẤT:

Sự bình chọn này cũng thuộc về loài Gorilla (khỉ đột), thường sống thành “gia đình” tại vùng rừng nhiệt đới miền tây Châu Phi. Con đực trưởng thành trung bình cao từ 1,8 đến 2,2m, nặng từ 200 đến 250kg và có thể nâng nhấc được vật nặng từ 820 đến 850kg. Con cái chỉ nhỏ bằng chừng nửa con đực và cũng yếu hơn. Loài khỉ này lông đen hoặc nâu đen, mặt lồi, tai nhỏ, tay rất dài và khỏe.

NHỎ CON NHẤT:

Chúng được gọi với những cái tên “khỉ túi”, “khỉ ngón tay” hay “những chú sư tử nhỏ”, được tìm thấy trong những khu rừng nhiệt đới ở Brazil. Trọng lượng của chúng còn nhẹ hơn cả quả táo, có thể đu trên chỉ một ngón tay người.

ĐU NHẢY XA NHẤT:

Đó là danh hiệu thuộc về loài khỉ Saki hay còn gọi là “khỉ bay” ở Ấn Độ và các khu rừng rộng lớn Amazon. Chúng sở hữu chiếc đuôi dài có tác dụng giữ thăng bằng và chân tay khỏe, giúp chúng dễ đu nhảy như bay giữa các cành cây, khoảng cách mỗi bước cú “bay” trung bình đạt tới từ 12 đến 18m và cực đại có thể tới 30m. Loài khỉ này mặt sẫm viền trắng, thân màu xám đậm hoặc vàng nâu nhạt.

DI CHUYỂN NHANH NHẸN NHẤT:

Với tốc độ chạy đến 55km/giờ, khỉ Patat sống tại Kenia, Tadannia và Eetiopia được coi là loài khỉ chạy nhanh nhất, 4 chân của chúng dài và nhỏ, lông màu đỏ nhạt, dưới bụng màu xám hoặc trắng. Con đực trưởng thành nặng từ 7 đến 13kg, con cái từ 4 đến 7kg.

CHẬM CHẠP NHẤT:

Hầu hết thành viên trong họ hàng nhà khỉ đều nhanh nhẹn, nhưng riêng có “khỉ lười” “con lười” sống ở Trung Mỹ và Nam Mỹ là cực kỳ chậm chạp. Chúng chủ yếu trên cây, đôi khi xuống đất, di chuyển với tốc độ chỉ từ 1,8 đến 2,5m/phút, hơn tốc độ của ốc sên (0,7-0,9 m/phút) nhưng thua tốc độ của rùa (3,24,5m/phút). Loài này có bộ lông dày, đuôi ngắn, tứ chi tùy theo đặc điểm mà được gọi là lười 2 ngón hoặc lười 3 ngón.

HÚ TO NHẤT:

Loài “khỉ hú” sống tại phía bắc Nam Mỹ và trong những khu rừng rậm của Belize còn lại chừng 1200 con. Chúng có khả năng phát ra âm thanh thật lớn và vang rất xa nhờ cơ quan thanh quản được cấu trúc đặc biệt. Con đực có kích thước lớn gấp rưỡi so với con cái và do mang cấu trúc xương cuối bộ phận phát âm lớn hơn nên hú được những âm thanh đa dạng, đạt tần số vang đến 1.000 lần và có thể nghe thấy ở khoảng cách từ 12 đến 15km. Loài khỉ hú này có bộ mặt đen, mắt tròn hơi trố, lông nâu xám ở lưng và trắng đỏ ở bụng.

ĐUÔI DÀI NHẤT:

Đuôi của loài khỉ Macaca sống ở đảo Nicoba (Ấn Độ) và trong các khu rừng gần sông, biển tại Đông Nam Á có thể dài từ 40 đến 65cm trong khi cơ thể chỉ dài từ 38 đến 55cm. Mới sinh ra, lông của loài khỉ này màu đen, về sau dần chuyển sang màu vàng, vùng bụng màu xanh. Đây là loài khỉ mà các nhà khoa học thường lấy tủy sống của chúng để chế tạo vaccin chữa các bệnh nhiễm khuẩn ở người.

ĐUÔI NGẮN NHẤT:

Trái ngược với loài khỉ Macaca nói trên, chiếc đuôi của loài khỉ Macaca Acstoidet sống tại Trung Quốc và Đông Nam Á chỉ dài từ 1,5 đến 8cm. Loài khỉ này có bộ lông màu nâu đen.

MŨI DÀI NHẤT:

Loài “khỉ vòi” có chiếc mũi dài “như kiểu vòi voi” sinh sống tại các rừng đước tại đảo Borneo (Philippin) có chiếc mũi dài tới hơn 17cm, con đực trưởng thành nặng chừng 21kg, con cái khoảng 10kg.

LOÀI KHỈ BIẾT CÁCH TỔ CHỨC XÃ HỘI CAO NHẤT:

Kỷ lục đó thuộc về loài khỉ Assamese, sống tại Nepal, Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Chúng có lông màu vàng nhạt pha nâu sẫm, vùng mặt không có lông và da mặt hồng nhạt; con đực nặng từ 10 đến 15kg, con cái nặng từ 8 đến 12kg.

GIẢI THƯỜNG VỀ KHỈ LỚN NHẤT:

Bộ môn nghệ thuật mang tên “Saru Mawashi” giành cho khỉ được huấn luyện biểu diễn các động tác của người từng có truyền thống hàng ngàn năm tại Nhật Bản. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XIX, nó tiêu vong cùng sự ra đi của những nghệ sĩ dạy khỉ. Anh Tara murasaki đã bỏ ra nhiều công sức để khôi phục lại được bộ môn độc đáo này. Năm 1991, anh cùng 4 người dạy khỉ đã cho các chú khỉ tham gia Tháng Liên Hoan Văn Hóa Nhật Bản. Biểu diễn thành công xuất sắc, chú khỉ Jiro 6 tuổi và Murasaki đã giành giải đặc biệt. Ngày 2/12/1991, chú khì Jiro mặc lễ phục kimono long trọng cùng chủ đón nhận huy chương danh dự và phần thưởng 3.200 USD do Bộ Giáo Dục Nhật Bản trao tặng.

LOÀI KHỈ ĐƯỢC LÊN VŨ TRỤ SỚM NHẤT:

Đó là giống khỉ Reexxut, được phát hiện vào năm 1940, sống  tại Apganixtan, Thái Lan, Trung Quốc… ở độ cao 3.000m. Chúng có bộ lông màu nâu, mặt đỏ;  Thức ăn của chúng gồm chồi non, lá, hoa, rễ, vỏ cây, ngũ cốc và động vật thân mềm.

NƠI CÓ NHIỀU LOÀI KHỈ SINH SỐNG NHẤT:

Trên thế giới hiện có khoảng 250 loài khỉ tồn tại và sinh sống ở hầu hết các quốc gia, trong đó có đến 80 loài sống tại rừng Amazon của Braxin.

ĐẤT NƯỚC QUÝ MẾN LOÀI KHỈ NHẤT:

Chắc chắn đó là Ấn Độ rồi. Tại nước này, khỉ được sống tự do không chỉ chốn núi rừng mà còn ngay ở các làng mạc, thành phố. Riêng thủ đô New Delhi đang có chừng 6.000 con khỉ thả rông tự nhiên. Tuy hiếu động, hay đùa nghịch, nhiều lúc quậy phá nhưng chúng vẫn được cộng đồng cư dân quý chiều, chăm sóc nhiệt tình và chính phủ ban hành luật lệ bảo vệ chu đáo. Cùng bản chất yêu mến động vật vốn có của người Ấn Độ, tín ngưỡng cũng là nguyên nhân chủ yếu của sự quý trọng khỉ. Đa số dân Ấn Độ đều theo quốc đạo Hindu, thờ chúa khỉ Hanuman như một vị thần bảo trợ cuộc sống. Vì vậy, họ coi khỉ tựa như sứ giá của Hanu-man; đón tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc chúng như những vị khách mang đến niềm vui, sức khỏe, hạnh phúc và mọi điều may mắn cho mình.

QUANG MAI sưu tầm.

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.