Điểm lại những năm Thân đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

– Giáp Thân 144: Dân chúng quận Nhật Nam liên kết với dân chúng quận Cửu Chân nổi dậy chống đối, triệt phá các quận ấp của quan quân và gia đình tầng lớp thống trị Đông Hán, làm tan rã chính quyền đô hộ của nhà Hán.

– Mậu Thân 468: Lý Trường Nhân – người ở Giao Châu – lãnh đạo dân chúng nổi dậy chống nhà Tống thắng lợi, chiếm giữ Giao Châu và tự xưng là Thứ Sử.

– Bính Thân 1056: Dưới triều Lý, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu khuyến nông, mở đầu một quy mô lớn cho chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp.

– Giáp Thân 1224: Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út là công chúa Lý Phật Kim – một bé gái 7 tuổi – lên ngôi hiệu là Lý Chiêu Hoàng, trở thành nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

– Nhâm Thân 1272: Đại Việt Sử Ký – bộ quốc sử đầu tiên của nước ta được Hàn Lâm Viện Học Sĩ kiêm Quốc Sử Viện Giám Tu Lê Văn Hưu – người làng Phủ Lý (tục gọi Kẻ Rỵ), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa – hoàn thành. Đây là công trình sử học đồ sộ và toàn diện nhất thời kỳ cổ trung đại nước ta. Bộ sách này hiện không còn nhưng nhờ nó mà Sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

– Giáp Thân 1284: Hội Nghị Diên Hồng do Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các bô lão trong cả nước về Điện Diên Hồng để trưng cầu ý kiến toàn dân nên hòa hay nên đánh với giặc Nguyên-Mông đang chuẩn bị kéo sang xâm lược nước ta lần thứ II nhằm trả thù cho lần thất bại đầu tiên (1258), gỡ gạc danh dự và uy thế của “Thiên triều”.

Trước khi khai mạc Hội Nghị Diên Hồng, nhà Trần đã triệu tập Hội Nghị Bình Than (1282) gồm các tướng soái chỉ huy để bàn về chiến lược đánh giặc. Cũng trong sự kiện chống giặc Nguyên-Mông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn công bố áng hùng văn “Hịch Tướng Sĩ” và mở cuộc tổng duyệt binh thủy-bộ, chuẩn bị sẵn sàng đánh trả 50 vạn quân thiện chiến Nguyên-Mông.

Hội Nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên và các bô lão tham dự hội nghị có thể xem là những Đại Biểu đầu tiên của dân trong lịch sử Việt Nam. Mang hào khí từ hội nghị trở về, chính các bô lão là những người truyền đạt lại chủ trương của triều đình đến toàn dân khắp nước. Một đời thân phận thấp kém, chân lấm tay bùn, nay được triều đình mời vào tận hoàng cung bàn việc quốc gia đại sự, trước thềm Điện Diên Hồng, câu tham vấn của vua: “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?” và tiếng hô đáp trả vang rền: “Quyết chiến! Quyết chiến! Chiến đến cùng!” trong lúc mọi cánh tay nắm chặt vung cao đã mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng dân tộc Việt!

– Bính Thân 1416: Lê Lợi tổ chức Hội Thề Lũng Nhai (ở Thanh Hóa), cùng 18 vị anh hùng hào kiệt tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức phát động cuộc khởi nghĩa đánh giặc Minh.

– Mậu Thân 1428: Cuộc kháng chiến chống giặc Minh toàn thắng. Ngày 15 tháng 4 âm lịch, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng Đế tại điện Kính Thiên, xưng là “Thuận Thiên Thừa Vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương”, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội); đại xá thiên hạ; ban bố bản “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi. Đây chính là bản “Tuyên Ngôn Độc Lập” lần thứ 2 của tổ quốc chúng ta.

– Nhâm Thân 1632: Ở Đàng Trong (miền Nam) Chúa Nguyễn bắt đầu cải cách cơ cấu tổ chức, quản lý, làm sổ hộ tịch và định lại chế độ thuế khóa.

– Bính Thân 1776: Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lan rộng và giành nhiều chiến thắng. Nguyễn Lữ đem thủy binh đánh chiếm Sài Gòn khiến Chúa Nguyễn đại bại phải chạy về Đồng Nai. Nguyễn Nhạc xưng Vương, hiệu Thái Đức, lấy Quy Nhơn làm kinh đô, sửa sang lại thành Đồ Bàn làm Hoàng Đế Thành (tục gọi là Đế Kinh).

– Mậu Thân 1788: Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế ngày 24 tháng 11 năm Mậu Thân (21/12/1788), hiệu là Quang Trung, nhằm danh chính ngôn thuận để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), lễ đăng quang và tuyên đọc tờ “Chiếu lên ngôi” của Nguyễn Huệ cử hành long trọng ở ngọn núi Bân (mạn nam sông Hương, Huế), rồi liền đó vị tân vương khởi binh ra Bắc lần thứ 2 chinh phạt giặc Thanh xâm lược, cho đến tối 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (25/1/1789) thì khởi đầu “Chiến dịch Giải Phóng Thăng Long” để rồi thần tốc đánh bại 29 vạn quân Thanh, toàn thắng oai hùng vào trưa ngày mùng 5 tết năm sau (30/1/1789 – 5 tháng Giêng Kỷ Dậu).

– Nhâm Thân 1812: Biên soạn hoàn tất bộ Quốc Triều Luật Lệ hay còn gọi là “Luật Gia Long” gồm 398 điều, 22 quyển. Đây là bộ luật tổng hợp lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

– Bính Thân 1836: Triều Nguyễn xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, cử Phạm Hữu Nhật – Đội trưởng thủy quân, người làng An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi – đem binh thuyền đến đo đạc, cắm mốc, dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa.

– Canh Thân 1860: Triều đình cử Nguyễn Tri Phương giữ chức Tổng Đốc Quân Vụ vào Nam chỉ huy quân thứ thành Gia Định, tổ chức việc đánh Pháp (tháng 8/1860).

– Mậu Thân 1968: Một năm tang tóc kinh hoàng của dân tộc trong cuộc nội chiến. Chiến sự ác liệt xảy ra ngay giờ phút giao thừa Tết Nguyên Đán và kéo dài mấy tháng sau đó làm vô số người thiệt mạng, thương tật, mất người thân, mất nhà cửa, lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”; các công trình dân sinh, giao thông vận tải v.v… chịu chung số phận với các công trình, căn cứ quân sự, chính trị. Không chỉ quân đội 2 bên Nam-Bắc, trong số nạn nhân chiến cuộc tử vong và tàn phế có một phần lớn là thường dân vô tội.

– Canh Thân 1980: Phạm Tuân – phi công quân đội – trở thành phi hành gia Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ khi được tham gia chuyến bay vũ trụ cùng với phi hành đoàn Liên Xô (Liên Bang Xô Viết cũ).

QUANG MAI tìm tòi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.