Ngày Xuân năm Sửu nói chuyện Trâu trên thế giới

  • Trâu nước khổng lồ

Trong khi đang chụp ảnh trong Vườn Quốc Gia Kaziranga, Ấn Độ, nhiếp ảnh gia Sanjeev Chadha bất ngờ nhìn thấy một con trâu nước có cặp sừng khổng lồ, lớn và dài hơn nhiều so với các đồng loại. Người thợ chụp hình cảm thấy hết sức kinh ngạc khi nghe người hướng dẫn viên du lịch cho biết con vật đặc biệt này đã rất nhiều tuổi. Chiều dài của sừng con trâu trong tấm hình (dưới) không được xác định, nhưng theo tạp chí National Geographic, sừng của trâu nước có thể dài tới 1,5m. Chúng thường sống trong đầm lầy tại các khu rừng cận nhiệt đới châu Á. Ấn Độ hiện có tới hơn 97,9 triệu con trâu nước sinh cư, chiếm hơn 1/2 tổng số loài vật này trên thế giới.

  • Trâu sừng cong đắt nhất thế giới

Horizon là một trong những con trâu đắt nhất thế giới với trị giá lên đến hơn 12.000.000 dollar Mỹ. Con trâu này có giá trị vượt mức như vậy do cặp sừng lớn cùng với bộ gene hoàn hảo mà nhiều người muốn nhân giống nó với “siêu bò”. Với cặp sừng dài đến mức khó tin trong lịch sử lên tới 142cm, nó có thể xem như là con trâu nhân giống lớn nhất thế giới trong khi các con trâu thông thường có cặp sừng dài từ 91 đến 102cm. Hiện Horizon thuộc quyền sở hữu của 4 thương nhân người Nam Phi và sinh sống ở trang trại của một trong số các chủ sở hữu là Piet du Toit ở Rustenberg, Nam Phi. Mỗi thương nhân có 25% quyền sở hữu Horizon và có quyền nhân giống nó với 10 con bò cái mỗi năm, đồng thời có quyền sở hữu mọi con non mà 10 con bò cái ấy đẻ ra. Châu Phi từng sở hữu những con trâu rừng có cặp sừng hơn 1,5m nhưng nạn săn bắn và sở thích sưu tầm chiến lợi phẩm của những thợ săn giàu kinh nghiệm khiến những con lớn nhất biến mất khỏi “Lục Địa Đen”.

  • Trâu giữ kỷ lục cho sữa

Kỷ lục cho sữa nhiều nhất thế giới thuộc về giống trâu Murrah ở Ấn Độ. Chúng còn có tên là trâu Dehli (tên trung tâm nhân giống trâu này) hay còn gọi là trâu Ấn Độ. Trâu Mura thuộc giống trâu có tầm vóc to lớn và khả năng đặc biệt là cho sữa nhiều. Mặc dù to lớn, trâu Murrah lại không thích hợp cho việc cày, kéo; chúng cũng chịu nóng kém hơn loài trâu đầm lầy. Đặc điểm nổi bật của trâu Murrah là sừng ngắn, mặt sừng phẳng, quay ra sau và lên trên, sau đó vòng vào trong thành hình xoắn ốc, khác với trâu thường có sừng vòng cung. Một con trâu Murrah có thể vắt đến 3.000 lít sữa/năm. Ấn Độ là nước có sản lượng sữa trâu lớn nhất thế giới với mỗi năm chừng 30.000.000 tấn; phần còn lại của thế giới chỉ bằng phân nửa con số đó.

  • Trâu 3 sừng

Sở hữu chủ con trâu độc đáo và kỳ lạ này thuộc về ông Phạm Văn Hải, 38 tuổi, cư trú tại ấp Quý Đức, xã Qưới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Việt Nam. Con trâu khác thường này có hình dáng khá bình thường, nhưng ngoài hai chiếc sừng hai bên như những con trâu khác thì lại có thêm một chiếc sừng lớn mọc cạnh chiếc sừng phía bên phải. Điều lạ là thông thường những con trâu khác mọc sừng thứ ba, chiếc sừng được mọc thêm chỉ là một chiếc sừng bé nhỏ trồi lên; còn con trâu do ông Hải sở hữu, cả ba chiếc sừng lại khá cân đối, có chiều dài và độ lớn tương đương nhau. Được biết, con trâu này ông Hải mua lại ở Campuchia, với giá 15.000 riep (tiền Campuchia) tức hơn 75.000.000 đồng Việt Nam.

  • Trâu lùn nhất

Cũng thuộc quyền sở hữu chủ của ông Phạm Văn Hải kể trên (người trong hình bên dưới) còn có một con trâu khác có thể gọi là “chú trâu lùn nhất thế giới”, cũng được ông mua tại Campuchia năm 2010 với giá gần 25.000.000 đồng Việt Nam. Mặc dù đến nay gần 10 tuổi và đã mọc sừng từ lâu nhưng nhìn chú trâu này như con nghé, chỉ cao chừng 60cm và dài khoảng 90cm, trong khi những con trâu bình thường khác cùng độ tuổi đó phải cao cở 1,5m. Một điều khác thường nữa là chú… trâu lùn này lại có màu lông hoe như từ lúc còn nhỏ, đến bây giờ vẫn không thay màu. Chú trâu lùn này cùng chú trâu 3 sừng nói trên đều hiền lành, cả hai hiện vẫn trở thành điểm thu hút khách hiếu kỳ và khách du lịch tìm đến “mục sở thị” và… chụp hình chung.

  • Trâu 8 chân

Viện bảo tàng mang cái tên rất lạ lùng “Believe It or Not” (Tin hay Không Tin) bên bờ ngọn thác Niagara nổi tiếng của Canada là một viện bảo tàng độc đáo, kỳ lạ từ kiến trúc bên ngoài đến các thiết kế bên trong. Ngay tại phòng bán vé, dường như với ý đồ quảng cáo một cách thật ấn tượng cho nơi này, người ta trưng bày một con trâu rất lớn có tới 8 chân, đã được phơi khô, sấy ướp và nhồi bông đứng trố mắt nhìn những vị khách đến viện bảo tàng. Con trâu được giải thích là loài trâu rừng Bắc Mỹ, hiện giữ kỷ lục là loài động vật lớn nhất vùng này với trọng lượng lên đến cả 1 tấn.

  • Trâu vô tính

Giống trâu vô tính đầu tiên của thế giới được lai tạo thành công vào tháng 9 năm 2007 bởi các nhà khoa học Philippines. Đến đầu năm 2008, họ lại bắt tay vào lai tạo được một giống trâu “siêu chủng” hoàn hảo cho nhiều sữa đặt tên là Gloxy, theo tên của bà tổng thống Gloria Maccapagal Arroyo. (Còn 2 con bò vô tính đầu tiên trên thế giới là Kaga và Noto, được nhân bản thành công hồi tháng 7/1998 trong một dự án nghiên cứu chung của các nhà khoa học thuộc Đại Học Kindai, Nhật Bản, sử dụng công nghệ nhân bản vô tính từng được áp dụng đối với cừu Dolly, động vật có vú được nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới năm 1996 và chết năm 2003. Bò Noto đã chết hồi tháng 5/2018, Kaga chết ngày 9/10/2019 “thọ” 21 tuổi 3 tháng).

  • Trâu và bò khi quay đầu luôn nhìn cùng một hướng?

Nhiều nhà khoa học nhận định rằng từ trường của trái đất có thể tác động tới hành vi của những con vật. Tiến sĩ Sabine Begall và cộng sự thuộc Đại Học Duisburg-Essen, Đức tiến hành cuộc nghiên cứu đã thu thập hình ảnh của 8.510 con trâu và bò ở đủ tư thế tại 308 đồng cỏ trên khắp hành tinh thông qua Google Earth. Kết quả nghiên cứu đã loại trừ giả thiết cho rằng vị trí của mặt trời và hướng gió ảnh hưởng tới tư thế đứng của động vật; và đi đến kết luận là: trâu bò luôn có xu hướng đứng theo trục Bắc – Nam, thường quay đầu nhìn về cùng một hướng.

  • Tượng đá trâu

Tại ngôi chùa Phật Tích ở Bắc Ninh kiến thiết vào giữa thế kỷ XI, có tượng trâu được tạc to như trâu thật. Trước đó, chùa Kim Ngưu, ở Bắc Ninh cũng đã có tượng trâu tạc bằng đá to như con nghé. Sau này, hình tượng con trâu còn được chạm khắc khá nhiều tại các đình, chùa các vùng trung du và đồng bằng Bắc Việt. Tại chùa Phật Tích, cùng với trâu là tượng đá 4 loài thú khác gồm ngựa, voi, sư tử và tê giác, mỗi loài 2 con – được gọi là 10 linh thú – trong tư thế phủ quỳ trên bệ đá xanh, mặt trên bệ tạc nổi cánh hoa sen cách điệu, được đặt hai bên cổng tam quan. Hai dãy tượng linh thú này đã gần 1.000 năm tuổi, được xem là những tác phẩm điêu khắc có một không hai thời Lý. Năm 1952, Pháp chiếm đóng, đã phá hủy kiến trúc ngôi chùa và gây hư hại các bức tượng linh thú: tượng trâu bên trái tam quan bị mất sừng và mặt; tượng voi bên phải mất ngà và vòi; các tượng trâu và ngựa còn lại cũng mất đuôi, tai và sừng nên khó nhận dạng các con vật.

Theo luận điểm của các nhà nghiên cứu cổ vật, việc đặt tượng các con vật này ở chùa Phật Tích thể hiện nét đặc trưng tư tưởng triết học Phật Giáo thời xưa là phổ độ chúng sinh, giác ngộ muôn loài. Các linh thú ở chùa Phật Tích đều có trong điển tích nhà Phật, mang ý nghĩa quy y và bảo vệ Phật Pháp: Trâu mang ý nghĩa của sự giải thoát tự tại; ngựa biểu tượng cho sự nỗ lực trong việc hành trì Phật Pháp; voi là biểu tượng của sức mạnh thể chất và tâm thức, của tinh thần trách nhiệm và tính chân thật bất hư; sư tử thường được đặt hai bên lối vào chùa chiền là biểu tượng sức mạnh hộ pháp; tê giác biểu tượng người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát.

  • Xe gắn máy… trâu

Đây là một chiếc xe gắn máy nhản hiệu Honda đời DH88 khá cũ, được chàng trai trẻ Trần Văn Đỉnh, sinh năm 1984, cư trú ở Sài Gòn chế tác thành một tác phẩm độc đáo. “Kỷ lục gia” Việt Nam này đã “phù phép” chiếc xe trên thành một chiếc xe có hình thù con trâu. Toàn bộ khung sườn xe đều làm từ… gỗ; các phụ kiện như đề, còi, đèn signal, chiếu hậu, thắng, bàn đạp đều có đủ; tay lái là sừng trâu; hoạ tiết được khắc trên khung sườn gỗ là các sự tích Tấm Cám, Sọ Dừa, hình rồng v.v… chỉ còn có bộ máy và phuộc nhún là bằng kim loại. Các mối nối của gỗ được gắn kết bằng một loại keo đàn hồi đặc biệt, không dùng ốc vít. Chiếc “xe trâu” này có chiều dài 192cm, chiều cao từ tay lái xuống mặt đường 95cm, tốc độ tối đa 120km/h. “Nhà sáng chế” cho biết anh đã  phải tiêu tốn hơn 30.000.000 đồng Việt Nam để mua nguyên, phụ liệu; chưa tính công cán và chi phí đi lại săn lùng linh kiện, phụ tùng bằng gỗ theo ý muốn. Thời gian thực hiện khoảng từ tháng 9/2005 đến tháng 1/2006 thì hoàn tất và anh đã cưỡi nó đi khắp Sài Gòn, rồi Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội…

  • Du lịch xe trâu

Sáng kiến du lịch “dạo phố” bằng xe trâu này là của ngành du lịch Hà Nội, Việt Nam. Nhận thấy du khách bốn phương xưa nay đến thăm làng gốm Bát Tràng theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” trên các phương tiện cơ giới, khó lòng quan sát, tiếp nhận kịp vẻ đẹp trong làng; hình thức dùng những chiếc xe do trâu kéo đủng đỉnh, lăn bánh rất chậm rãi nên du khách có thể thong thả ngắm nhìn cuộc sống sinh động mà gần gũi của làng nghề nổi tiếng này từ từ hiện dần ra trước mắt, khiến ai nấy vô cùng thích thú. Khi di chuyển trong làng, chiếc xe nhè nhẹ lắc lư, chao động theo nhịp bước chân trâu cũng làm cho du khách có một cảm giác khác lạ thú vị.

  • Trẻ chăn trâu trở thành tiến sỹ

Tiến sỹ Huỳnh Phước Đương mà tên tuổi thường được nhắc đến tại các hội thảo khoa học quốc tế ở Hoa Kỳ là người Việt Nam, sinh năm 1958, lớn lên ở một vùng quê Hội An, Quảng Nam. Mọi người biết ông là một tiến sỹ bị khuyết tật phải ngồi xe lăn (hình bên dưới) nhưng ít ai biết đến quảng đường gian truân mà ông đã trải qua, đã vượt lên để có ngày hôm nay. Thuở nhỏ Huỳnh Phước Đương vốn là trẻ chăn trâu do gia cảnh cơ hàn. Trong một đêm chiến sự kinh hoàng năm Mậu Thân 1968 ở vùng ngoại ô Hội An, từ một đứa trẻ lành lặn Huỳnh Phước Đương trở thành người khuyết tật cả đời. Ông đã từ trần vào hồi 07g30′ ngày 13/7/2018. Sau khi ông mất, báo chí, truyền thông trong và ngoài nước viết về tuổi thơ ấu khổ nhọc, về tai nạn và thương tật, và về cuộc xuất ngoại đến Hoa Kỳ sau 30/4/1975 của ông mỗi người một phách; tuy vậy các học vị và những cống hiến của “cậu bé chăn trâu trở thành tiến sỹ” thì là những thông tin xác thực không ai chối cãi được: Tiến Sỹ sinh hoá phân tử tại University of California; hậu Tiến Sỹ di truyền thần kinh tại Cedars-Sinai Medical Center, Los Angeles; Phó Giáo Sư tại University of California, Los Angeles; Phó Giáo Sư tại University of Utah; và vô vàn những cống hiến về khoa học, giảng dạy, thiện nguyện khác…

  • Những lễ hội đua trâu, chọi trâu độc đáo khắp nơi…

Cùng với trâu chạy thi

Thi chạy cùng với trâu là một trong các nội dung trong lễ hội Kambala vào mùa đông hàng năm tại quận Aikala, bang Karnataka, miền nam Ấn Độ, một xứ sở nông nghiệp. Mỗi năm cuộc thi thu hút hơn 150 thí sinh tham gia. Kambala tiếng Tulu nghĩa là “cánh đồng bùn” và là môn thể thao truyền thống có nguồn gốc từ vùng ven biển Karnataka. Người tham gia thi sẽ chạy nước rút qua cánh đồng bùn ngập nước dài 132 hoặc 142m cùng với hai con trâu được buộc vào nhau, người thi tay giữ chặt sợi dây buộc vào trâu, dùng gậy gỗ và dây thừng lùa trâu chạy về phía trước. Tuy nhiên lễ hội Kambala đã gây tranh cãi gay gắt và từng bị các nhóm hoạt động xã hội vì quyền động vật chỉ trích mạnh mẽ đến mức năm 2014, tòa án tối cao Ấn Độ đã phải ra lệnh cấm đua trâu, bò, sau khi có nhiều chiến dịch vận động phản đối Jallikattu – một hình thức đấu bò ở bang Tamil Nadu. Hai năm sau, tòa án bang Karnataka cấm tạm thời mọi sự kiện Kambala. Sau đó, các đơn vị tổ chức đã điều chỉnh thể lệ thi đấu để có tính nhân đạo hơn: người thi không được làm đau con vật. Năm 2018, Karnataka cho phép tái tổ chức Kambala nhưng thêm các quy định, trong đó có quy định không dùng roi, gậy.

Hội đua trâu làng

Lễ hội P’chum Ben được tổ chức vào cuối tháng 9 dương lịch hàng năm tại làng Vihear Suor, cách thủ đô Phnom Penh, Campuchia chừng 20 dặm về phía Đông Bắc là một trong những lễ hội truyền thống lớn trong năm của người Khmer. Đua trâu làng là một phần của lễ hội P’chum Ben diễn ra rất sôi nổi và vui nhộn. Người dự thi cưỡi trên lưng những con trâu lực lưỡng và khỏe nhất vùng được trang trí lộng lẫy, đeo những chiếc mặt nạ nhiều màu sắc, tranh tài trên đường đua hẹp và sình lầy dài chừng 500m trong sự cổ vũ của hàng ngàn khán giả. Một nghi thức không thể thiếu trong mùa lễ hội P’chum Ben là cúng dường phẩm vật lên Chư Tăng để vừa thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với Chư Tăng, vừa thể hiện vai trò hộ pháp của người Phật Tử.

Đua trâu “chiến binh”

Wing Kwai – lễ hội truyền thống đã có cách đây hơn 1.400 năm – có lẽ là hội đua trâu thú vị nhất trong số hàng ngàn lễ hội của Thái Lan, được tổ chức vào tháng 10 hàng năm tại tỉnh Chonburi, khi mùa mưa kết thúc và trước mùa thu gặt lúa của cư dân địa phương. Dân tộc Thái Lan tin rằng lễ hội này giúp trâu khỏe mạnh hơn, mùa màng bội thu hơn, và người nông dân có cuộc sống no đủ hơn. Cuộc đua diễn ra trên đường đất phẳng, dài chừng hơn 1 cây số. Trâu được phân loại theo 5 hạng cân từ những con nhỏ đến những con khổng lồ nặng tới hàng tấn. Khác với vẻ chậm chạp, hiền lành thường ngày, các chú “chiến binh trâu” khi vào cuộc thi xông xáo không kém ngựa hay voi, thậm chí chúng còn được cho uống beer để thêm hăng trên đấu trường, nhưng các “kỵ sĩ trâu” thì không được có một dụng cụ nào khác ngoại trừ chiếc roi và một đoạn dây. Kết thúc trận đua gay cấn đầy kịch tính, chú trâu thắng cuộc sẽ được vinh danh, bởi người Thái cho rằng Wing Kwai là lễ hội “tôn vinh người bạn của nhà nông”.

Đua xe trâu trên đảo “thiên đường”

Không chỉ được mệnh danh là hỏn đảo thiên đường của các vị thần, Bali còn là nơi diễn ra lễ hội đua trâu Makepung vô cùng độc đáo tại ngôi làng Kaliakah trên đảo Bali, Indonesia. Trong cuộc đua, những con vật thường ngày lấm lem bùn đất sẽ được đội các chiếc vương miện lộng lẫy đầy màu sắc. Những cặp trâu đua được dân địa phương gọi là “kerbau pepadu” mang theo chiếc cày gỗ truyền thống cùng những người nông dân lao đi với tốc độ rất nhanh trên con đường băng qua các cánh đồng. Người ta cho rằng môn thể thao truyền thống makepung (đua xe trâu) đến Bali từ ngôi làng Kaliakah trên hòn đảo Madura gần đó. Bắt nguồn từ đời sống nông nghiệp của dân đảo từ thời xa xưa, makepung (có nghĩa là đuổi bắt) ban đầu là trò tiêu khiển của những người nông dân sau những giờ làm đồng mệt nhọc, giờ đây đã trở thành lễ hội được người dân xem như một cách bảo tồn truyền thống văn hóa cổ truyền của địa phương.

Hội chọi trâu

Tại Việt Nam, hội chọi trâu Hải Lựu được mở vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, sông Lô (Vĩnh Phúc) để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để cổ vũ tinh thần quân sĩ. Còn lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thì được tổ chức vào ngày 9 tháng 8 âm âm lịch. Trong dân gian có truyền tụng câu ca dao vể lễ hội này: “Dù ai buôn đâu bán đâu, mồng mười tháng tám chọi trâu thì về”.

Lễ hội chọi trâu thì không chỉ Việt Nam mà còn vài nước trên thế giới có tổ chức, tuy nhiên các ngày hội này luôn bị các tổ chức bảo vệ động vật và các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo lên án, chỉ trích gay gắt là hành hạ súc vật, cũng tương tự như trường hợp lễ hội Kambala của Ấn Độ đã  đề cập trong bài này./.

QUANG MAI
(Sưu tầm từ nhiều nguồn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.