Ngôi miếu thờ… kẻ cướp!!!

 

 

Ngôi miếu Xa Vùn thuộc thôn Khưa Cả, Bắc Sơn, Lạng Sơn (hình trên) đáng để gọi là một ngôi miếu độc nhất vô nhị ở Việt Nam nước ta, bởi ở đây người ta thờ cả… những tên cướp để chúng không quấy nhiễu dân lành.

Miếu lạ, kéo theo nhiều câu chuyện huyền bí, kỳ ảo phủ lên địa điểm tâm linh không ai dám xâm phạm. Cũng có thể những mẫu chuyện kỳ bí ấy chỉ là những câu chuyện hoang đường truyền miệng của dân làng để bảo vệ sự linh thiêng và nét độc đáo của ngôi miếu lạ, tuy nhiên trên bình diện văn hóa tâm linh thì đây quả là một ngôi miếu “độc nhất vô nhị”. Người ta chỉ thờ Thần, Phật chứ chả ai thờ cướp bao giờ…

Miếu thờ… những tên cướp!

Xa Vùn có lẽ là ngôi miếu duy nhất ở Việt Nam không chỉ thờ thần, thánh hay các danh nhân mà còn để thờ… 12 tên cướp. Xa Vùn theo tiếng địa phương là “Núi Củi”. Miếu chỉ rộng khoảng hơn chục mét vuông, nằm dưới chân quả đồi, bao bọc trong cây cối um tùm và không gian tĩnh mịch. Trong câu chuyện của người dân huyện Bắc Sơn, miếu Xa Vùn có từ lúc nào thì chẳng ai nhớ rõ.

Chỉ biết là ngày xưa, miếu này nằm trên đỉnh đồi, được người dân lập để thờ thần núi. Khi giặc Bắc phương xâm lược nước ta, có 12 tên lính giặc thua trận chạy đến Bắc Sơn. Chúng thấy miếu Xa Vùn thì lập tức trú lại ở đó. Ban ngày đám giặc đi cướp bóc của cải của dân làng quanh vùng. Ban đêm chúng bắt phụ nữ về miếu để nấu cơm, hầu hạ.

Không chịu nổi sự quấy nhiễu của những tên cướp, dân làng họp nhau lại tìm kế trừng trị. Biết ban đêm bọn cướp thường chui vào bao ngủ để tránh muỗi, dân làng đã bí mật nhờ người phụ nữ bị chúng bắt đợi khi toán cướp ngủ say thì buộc chặt miệng túi lại. Sau đó, dân làng kéo đến đánh chết bọn chúng. Thi thể những tên cướp được dân làng khiêng xuống dòng suối dưới chân đồi thả trôi đi.

Bọn cướp bị tiêu diệt, dân quanh vùng tưởng đã được sống yên ổn, ai ngờ một thời gian ngắn sau, tai họa liên tục ập đến. Ngay vị trí những tên cướp bị đánh chết bỗng xuất hiện một tổ ong đất rất lớn với những con ong to bằng ngón tay cái. Đàn ong liên tục bay vào các làng đốt người và gia súc. Nọc của loài ong đó vô cùng độc, chưa ai toàn mạng khi bị chúng đốt dù chỉ một lần. Dân làng hoang mang tìm cách tiêu diệt đàn ong nhưng đều thất bại.

Khi “họa ong” còn chưa qua, họa khác lại tới. Dân quanh vùng bỗng dưng nhiều người mắc một căn bệnh rất lạ lùng. Trên cơ thể của những người mang bệnh xuất hiện những vết bầm tím như vết gậy đánh lên người (nhân quả báo ứng chăng?). Những vết bầm gây đau nhức, khó chịu hàng tháng trời. Khắp làng rền vang tiếng kêu than.

Rồi một ngày, một cơn lốc tố thổi qua, cuốn sập miếu Xa Vùn và kéo mái tranh xuống dưới chân đồi. Ít hôm sau, một thầy địa lý đi qua, thấy sự lạ đã hỏi chuyện dân làng. Nghe chuyện, thầy địa lý phán: “Vong hồn của những tên giặc cướp vẫn còn quanh quẩn đâu đó để hại dân làng. Vì thế ở quanh vùng mới xảy ra những tai ương như vậy”.

Dân làng liền góp công, góp của xây dựng lại miếu Xa Vùn bằng gỗ tại vị trí ngôi miếu hiện nay. Bài vị chính trong miếu là thờ cúng thần núi, bên cạnh đó là thờ cúng vong hồn của 12 tên giặc cướp để chúng không quấy phá dân làng. Từ đó cuộc sống của người trong vùng mới trở lại bình thường.

Hiện nay, cứ đến ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân thôn Khưa Cả lại tổ chức lễ hội Ná Nhèm (trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”). Hội Ná Nhèm diễn ra ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Theo dân làng, lễ hội Ná Nhèm gắn liền với huyền tích về việc người dân tiêu diệt 12 tên giặc cướp.

Điều đặc biệt là khi tham gia lễ hội, thanh niên trai tráng trong làng sẽ bôi nhọ nồi (lọ nghẹ) lên mặt sao cho càng kỳ quái càng tốt, thể hiện khuôn mặt giặc “Sấc Tài Ngàn” và tham gia đánh trận giả, tái hiện sự tích đánh giặc giữ làng của cha ông. Dân làng tin rằng làm như thế (bôi mặt nhọ) sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây họa cho họ cùng gia đình.

Lễ hội diễn ra từ rạng sáng cho tới lúc trời tối, bắt đầu bằng các nghi thức trang trọng gồm: Tế lễ Thành Hoàng làng và lễ rước quân từ đình Làng Mỏ đến miếu Xa Vùn. Tại đám rước, ông Mo, ông Hội và 4 người rước ngai không phải bôi mặt nhọ. Riêng hai ông Chánh Tướng phải lấy thuốc nhuộm cho răng đỏ giống với lũ giặc khi xưa.

Người dân Khưa Cả tin rằng, họ hóa trang như vậy để đám cướp không phân biệt được đâu là người thật, đâu là muông thú và không làm hại đến dân lành. Đồng thời, trong lễ hội người dân phải mổ lợn, mổ gà để cúng tế 12 con quỷ, khi ăn no rồi chúng sẽ không ra khỏi miếu để quấy phá dân làng.

Thực chất đây là nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng làng và là lễ hội cầu an, cầu mùa đầu năm mới. Nhưng mới đây, trong năm Bính Thân 2016 này, cộng đồng mạng xã hội cũng như nhiều phương tiện truyền thông trong nước đã chỉ trích khá kịch liệt lễ hội này vì đã rước một mô hình “của quý” của nam giới như là một linh vật. (Chú thích chữ nghiêng là của Thư Viện GĐPT).

Ai xâm phạm đều bị trừng phạt!

Người dân thôn Khưa Cả kể lại, từ ngày dựng miếu Xa Vùn đến nay, vô vàn những câu chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Chuyện thì được truyền miệng, chuyện thì ghi hẳn trong cuốn sách chép lại lịch sử ngôi miếu.

Chuyện đầu tiên phải kể đến là ngay sau khi ngôi miếu được xây dựng ở vị trí mới thì trên đỉnh đồi mọc lên 19 cây gỗ nghiến. Những cây gỗ lớn nhanh như thổi, cành lá xum xuê, chẳng mấy chốc đã trở thành những cây đại thụ mấy người ôm không xuể. Gỗ nghiến là một thứ gỗ được bán với giá khá đắt, tuy nhiên từ khi những cây nghiến này xuất hiện đến nay chưa có ai dám chặt những cây gỗ này, thậm chí chỉ một cành nhỏ cũng không dám lấy. Theo ông Khể – một người dân bản địa, ai động đến những cây gỗ này thì không chỉ người đó mà cả gia đình họ đều gặp phải những điều bất hạnh.

Đoạn này trong bài gốc có tựa đề: Lạ lùng ngôi miếu thờ kẻ cướp, hễ mạo phạm là bị “quả báo” của PLO (Pháp Luật Online) đã kể đến rất nhiều chuyện báo ứng kỳ bí xảy ra trong làng, xã khi có người mạo phạm đến ngôi miếu hay cây cối trong khu vực miếu… nhưng xét thấy không phù hợp với đối tượng độc giả của Thư Viện GĐPT nên chúng tôi đã không đăng tải, 

QUANG MAI sưu tầm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.