Tết Mùng Năm: “Khảo cây lấy quả” – một tục lệ độc đáo của người Việt

0

 

 

Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm

Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Mùng Năm và nhiều tên gọi khác – xem thêm: Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ và các tập tục) vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch lại về, dù ai vì lý do gì có “ăn Tết Mùng Năm”, “ăn mùng năm” hay không, thì theo sự chuyển vận của đất trời, cái ngày “ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm” ấy vẫn cứ đến tiếp sau “tháng tư đong đậu nấu chè”.

Trong ngày “Tết Mùng Năm” của Việt Nam có nhiều tục lệ đã trở thành tập quán mà có lẽ ai cũng biết, riêng tôi thấy độc đáo, ngộ nghỉnh nhất là tục “khảo cây lấy quả” đã có từ xa xưa trong làng thôn xóm ấp người Việt, mà cho đến thời này vẫn có nhà, có vùng còn duy trì, thực hiện một cách dể thương với ước vọng một cuộc sống được cải thiện, luôn sung túc, như cây cối trong vườn luôn đơm đầy hoa thơm trái ngọt…

Tục rằng:

Vào ngày “Tết Mùng Năm”, những nhà có trồng cây ăn quả đã lớn mà vẫn chưa ra trái, hoặc ít trái, hoặc có ra hoa nhưng hay rụng trái non, người ta thường chuẩn bị sắn một cái vồ gỗ để canh gốc. Gần trưa, một chú  bé lặng lẽ trèo lên cành cây. Đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) một chú khác ra vác lấy vồ, lẩm bẩm câu “thần chú” do chú tự nghĩ ra: “Dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không thì bà đánh” (chú bé có thể tùy biến tên loại cây đang bị “khảo” bằng tên khác sao cho phù hợp). Miệng nói, tay chú vung vồ gỗ đập mạnh gốc cây. Chú bé trên cây hốt hoảng ra giọng sợ hãi: “Xin bà nhẹ tay, năm nảy năm nay, con xin ra quả”. Xong thủ tục thì chú trên cây tụt xuống và cả hai khoác vai nhau vào nhà sà vào mâm cổ mùng năm cũng vừa dọn xuống(*)

Có người còn kể lại cụ thể tiến trình “khảo” cây một cách ân tượng hơn như sau:

Đúng giờ Ngọ ngày “Tết Mùng Năm”, chủ nhà ra vườn đến đứng dưới gốc cây, tay cầm con dao to  hay cây rựa đánh mạnh bản dao hay sống rựa vào gốc 3 lần rồi cất tiếng: Cây này! Đứa bé đóng vai cái cây đã nấp sẵn trên cành lên tiếng: Dạ…dạ…dạ! Chủ nhà hỏi tiếp: Cho ta hỏi vì sao cây lớn rồi mà không ra quả? (hoặc: Sao cây đang sai quả mà bây giờ lại ra ít, hay rụng, hay sâu thối?). Đứa trẻ đáp: Con biết tội rồi ạ! Con biết tội rồi ạ! Con biết tội rồi ạ! (nói đúng 3 lần). Chủ nhà lại đập dao vào gốc cây quát: Biết tội chưa? Đứa trẻ đáp: Con biết rồi ạ! Chủ nhà càng quát lớn: Biết rồi thì sang năm phải ra quả nhiều, quả ngon, quả đẹp nghe chưa? Đứa trẻ trả lời: Xin vâng ạ! Chủ nhà dọa: Nếu không ra quả hay quả bị rụng, bị sâu, bị thối thì ta chặt bỏ nghe chưa? Đứa trẻ lại đáp: Dạ, xin vâng ạ! Xin vâng ạ! Xin vâng ạ! (3 lần) rồi tụt xuống vào nhà. Người chủ nhà bắt đầu leo lên cây róc bỏ tượng trưng những cành nhánh phụ, cành khô, cành gảy, cành sâu… rồi những hôm sau sẽ tiếp tục cắt tỉa, chăm bón cho cây.

Tùy theo vùng, miền, mỗi nơi có cách “khảo” cây khác nhau, có địa phương “khảo” bằng vồ gỗ nhưng địa phương khác thì dùng dao hay rựa, có nơi dùng chày, nơi khác lại dùng một cây roi hay gậy gộc v.v… Nhưng nhiều điểm tương đồng là vùng nào cũng “khảo” vào đúng 12 giờ trưa, giờ Chính Ngọ; người đóng vai cái cây thường là trẻ con; và những cây bị “khảo” là những cây ăn quả trong vườn nhưng không hoặc ít ra quả, hay bị sâu bệnh, rụng trái… Có những vùng khi “khảo”, người ở dưới gốc còn hỏi số lượng (mấy chục, mấy trăm?) quả mà cây sẽ ra vào mùa tới; tùy theo loại cây, tính chất, tình trạng của cây và ước mong của người chủ cây mà người đóng vai cây sẽ trả lời một con số cụ thể(!) cho phù hợp.

Lệ “khảo cây” này đã trở thành một tục lâu đời của người Việt. Tuy vậy, hiện nay vì nhiều nguyên nhân, tục “khảo” cây trong ngày Tết Đoan Ngọ đã không còn phổ biến như trước đây nữa; hoặc có nơi vẫn còn duy trì tục lệ này, nhưng do trẻ em bây giờ không còn thích thú, háo hức với “vai đóng thế” cây nữa, nên người đứng dưới gốc cây sẽ phải đồng thời đóng vai là cái cây và vừa hỏi, vừa tự trả lời…

Dưới đây là một số hình ảnh của tục lệ này còn tồn tại ở một số vùng thuộc tỉnh Thanh Hóa và đồng bằng Tây Nam Phần (hình ảnh của sohanews từ internet):

“Khảo” cây không có quả.

“Khảo” cây yếu, còi, ít quả,

“Khảo” cả những cây quả nhiều nhưng không to hoặc bị sâu, bệnh.

Trẻ con chủ yếu là “vai chính” trong tục lệ “khảo cây”.

QUANG MAI

(*) Từ điển Lễ Tục Việt Nam – NXB.VHTT, 1996.

 

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.