Nguồn gốc Tết Nguyên Tiêu (Thượng Nguyên)

Tết Nguyên Tiêu – ngày rằm tháng giêng âm lịch – ngoài tên gọi là lễ Thượng Nguyên, còn có nhiều tên khác như: Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng Nguyên; Tết Đoàn Viên; Tết Hoa Đăng… Chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc cùng các truyền thuyết, tập tục cái tết này dưới nhiều góc độ.

TỤC LỆ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia Châu Á khác đều quan niệm trong 12 cái rằm của một năm thì ngày rằm tháng giêng âm lịch mang nhiều ý nghĩa hơn cả. Ngày này được gọi là ngày lễ Thượng Nguyên hay tết Thượng Nguyên, rằm tháng bảy là tết Trung Nguyên và rằm tháng mười là tết Hạ Nguyên.

Rằm tháng giêng là rằm đầu tiên, người Việt theo đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão tin rằng ngày ấy Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật Tử. Đây còn là ngày vía Thiên Quan (Khổng & Lão Giáo), người ta đến chùa “dâng sao” và/để “giải hạn”.

Trong dân gian, với số đông người theo phong tục thờ cúng Tổ Tiên thì rằm tháng giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái Phật, có gia đình cúng Thổ Công, Thần Tài (vào các ngày 9, 10 tháng giêng) hoặc cúng Âm Hồn các đẳng… nhưng luôn bao giờ cũng có cúng Gia Tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn thuận lợi.

Theo lời các bô lão, thời xưa, rằm tháng giêng vốn là ngày tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, vua cho mở đại yến tại vườn thượng uyển, vời các Trạng Nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ca tụng ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị.

Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm rằm tháng giêng được các văn nhân thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng họa, đối đáp phong phú và sinh động hơn. Văn nhân thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ ăn uống ít, chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc. Tết Nguyên Tiêu trở thành một sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa trong khung cảnh tuyệt vời thơ mộng:

Kỳ cục đả thanh phong giáp trận
Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi.

Nghĩa là:

Chén hòa tuyết trắng nghiêng hồ rượu
Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ.

TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN

Theo truyền thuyết dân gian thì tết Nguyên Tiêu hay tết Thượng Nguyên có từ thời Hán Vũ Đế, là một ngày tết, ngày lễ hội cổ truyền của Trung Hoa. Trước đây chính là ngày tết Trạng Nguyên với các sinh hoạt như đã nói trong phần tập tục cổ truyền của Việt Nam trên.

Về cội nguồn của tết Nguyên Tiêu, trong dân gian có rất nhiều giải thích vừa tương đồng lại vừa dị biệt:

Tết Nguyên Tiêu được cho có từ thời vua Hán Vũ Đế. Thời ấy, các cung nữ sau tết Nguyên Đán đến tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật không làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ được. Đông Phương Sóc, một triều thần của nhà vua, vốn rất thông minh và nhiều mưu trí, khi nghe chuyện này, bèn tìm cách  giúp các cung nữ thực hiện ước nguyện gặp mặt cha mẹ. Đầu tiên Đông Phương Sóc tung tin là Hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ. Tiếp đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày rằm mọi người trong cung  phải đi lánh nạn ở ngoài cung điện, còn từ đường to, ngõ hẻm, trước nhà, sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả như thành Trường An đang lửa cháy rừng rực để đánh lừa Hỏa Thần. Vua Hán Vũ đã đồng ý kế này của Đông Phương Sóc, thế là các cung nữ  được gặp mặt người thân nhân dịp tết Nguyên Tiêu. Từ đó, cứ đến ngày rằm tháng giêng nhà nhà đều treo đèn lồng.

Lại có truyện kể khác rằng thời Hán Vũ Đế có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu đã qua nhiều cái tết mà không được đoàn tụ với gia đình, buồn cho số phận nên đã tìm đến một cái giếng toan kết liễu cuộc đời. May thay, cô gái được Đông Phương Sóc, viên sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống. Để giúp cô cung nữ thỏa lòng nhớ thương cha mẹ, Đông Phương Sóc nghĩ ra một kế: Ông bày một bàn bói quẻ trên phố Tràng An, tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi dòng chữ “mười sáu tháng giêng bị lửa thiêu” rồi tiết lộ thêm: Tối ngày mười ba tháng giêng Ngọc Hoàng sẽ sai một tiên nữ áo đỏ giáng trần để hỏa thiêu Tràng An, mọi người muốn sống, hãy tâu lên nhà vua để tìm cách thoát nạn. Được tin thần hỏa sẽ đốt thành Tràng An, Hán Vũ Đế vội triệu mưu sĩ Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó. Đông Phương Sóc vờ suy nghĩ một lúc rồi tâu với vua: Nghe nói thần lửa rất thích ăn bánh trôi, trong cung có Nguyên Tiêu khéo tay, có thể giao cho cô làm bánh đãi Hỏa Thần, đồng thời ban lệnh cho dân chúng Tràng An đến ngày đó mỗi nhà phải treo trước cửa một chiếc đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng tưởng lầm thành Trường An dưới trần đang bị lửa thiêu. Để tặng công làm bánh dụ Hỏa Thần, nhà vua đã cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ với gia đình, còn người đời ghi ơn “dẹp nạn lửa” của cô gái nên đặt cho chiếc bánh trôi và ngày rằm tháng giêng cái tên “Nguyên Tiêu”, và họ quan niệm ngày Nguyên Tiêu đồng nghĩa với “Tết đoàn viên” hay “Tết tình yêu”.

Một giải thích khác theo sách “Ngày tết Trung Quốc” (xuất bản tháng 9/1983) cho rằng: Tết Nguyên Tiêu có từ đời Hán. Vua Hán Văn lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng giêng sau khi dẹp yên cuộc rối ren do gia tộc họ Lã gây ra. Từ đó theo lệ mỗi năm vào đêm rằm tháng giêng, vua Hán Văn ra khỏi cung dạo chơi chung vui với thần dân. Chữ “Dạ” (đêm) trong cổ ngữ Trung Hoa còn được đọc là “Tiêu” nên vua Hán Văn đã lấy ngày rằm tháng giêng làm ngày tết Nguyên Tiêu.

Lại có truyền thuyết cho rằng tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Trước và sau ngày rằm tháng giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều hối hả chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày rằm tháng giêng, nông dân mọi nhà đều ra đồng ruộng tập trung cây cỏ, lá khô châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ. Do quang cảnh đông đúc, tấp nập đó mà dần trở thành ngày lễ hội.

Và một số ý kiến khác – có lẽ chỉ là chủ quan – thì lý giải rằng tết Thượng Nguyên rằm tháng giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật Giáo, do vào ngày này Chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết pháp, nên những người theo đạo Phật dùng ngày rằm tháng giêng để tưởng nhớ và cúng dường Chư Phật.

TẠI CÁC QUỐC GIA CHÂU Á

Ở Trung Hoa & Đài Loan, sau tết Nguyên Đán thì tết Nguyên Tiêu được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng” (vì vậy mà có tên là tết Hoa Đăng), có thể bắt nguồn từ tục cúng tế thời Hán Vũ Đế với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, chơi lồng đèn ngũ sắc… kéo dài từ 13 đến 17 tháng giêng. Được yêu chuộng là những lồng đèn có hình thù rồng, phượng, mười hai con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích. Ngoài ra còn những tập tục khác như cúng tế cầu an, cầu phước; ăn bánh trôi (gọi là thang viên – viên tròn trong nước); thi đoán hình thù trên lồng đèn; ngâm thơ… Người Đài Loan còn ghi những câu ước nguyện của mình vào đèn lồng và thả bay lên trời. Nhiều người Đài Loan và sau này cả Hoa Lục còn coi đây như mùa Valentine phương Đông, tương tự như lễ Thất Tịch.

Ở Phi Luật Tân, vào dịp này có lễ hội diễu hành truyền thống đúng vào ngày và đêm rằm tháng giêng, đánh dấu khởi đầu năm mới.

Ở Thái Lan, hội rằm tháng giêng là lễ hội cúng dường đức Phật, đức Pháp và đức Tăng qua hình thức tụng tam tạng kinh điển Phật từ 7 đến 10 ngày.

Ở Ấn Độ, quanh khu vực Thánh Địa nơi đức Phật thành đạo dưới cội bồ-đề, các chùa và Tăng Ni, Tín Đồ nhiều quốc gia mà Phật Giáo là quốc giáo như Tây Tạng, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt tổ chức những Pháp Hội tụng Tam Tạng Pàli cúng dường Đức Phật.

Ở Việt Nam, nhiều đình, miếu, chùa làng vào “ngày rằm lớn đầu năm” làm lễ cầu Quốc Thái Dân An. Những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An… cũng có nhiều sinh hoạt đặc biệt như người Trung Hoa và Đài Loan nói trên đây.

TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO

Ngày rằm tháng riêng ở Việt Nam ngày càng xa dần điển tích nguyên thủy và sinh hoạt của Trung Hoa mà hòa nhập vào sinh hoạt Phật Giáo. Dù kinh điển Phật không nói đến ngày rằm tháng giêng nhưng trong đại đa số dân chúng (truyền thống Tam Giáo: Phật – Khổng – Lão) thì đây là dịp lên chùa lạy Phật, “cúng sao giải hạn”, ước nguyện điềm lành. Còn với Phật Tử thuần thành thì ngày rằm đầu năm mới để lễ bái Chư Phật, Bồ-tát, cúng dường Tăng Ni, phóng sanh, làm những việc phước thiện nhằm cầu nguyện cho gia đình, cho cộng đồng tha nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc.

Với những người theo đạo Phật, thật ra rằm tháng giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật Giáo so với rằm tháng tư (lễ Phật Đản) và rằm tháng bảy (lễ Vu Lan), nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và tết Nguyên Tiêu trong dân gian, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà của ngày rằm đầu tiên cho năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, cho nên giới Phật Tử  cũng như dân chúng đi chùa lễ Phật rất đông đảo. Do tính chất hòa nhập, lan tỏa như vậy nên đã từ rất lâu trong dân gian hình thành những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc:

Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng riêng.

Giỗ tết cả năm không bằng rằm tháng giêng.

Rằm tháng giêng ai siêng nấy quải(1).
Rằm tháng bảy kẻ quải, người không(2).
Rằm tháng mười mười người mười quải.

v… v…

Một điều thú vị nữa là trong trai kỳ của Phật Giáo, những tháng ăn chay của Tam Ngoạt Trai (Tam Nguyệt Trai, mỗi năm ăn chay 3 tháng) là các tháng giêng, tháng bảy và tháng mười âm lịch. Còn Nhất Nguyệt Trai ăn chay vào một trong các tháng giêng, tháng tư, tháng bảy hay tháng mười; Tứ Nguyệt Trai thì ăn chay vào tháng giêng, tháng tư, tháng bảy và tháng mười. Trai kỳ nào cũng rơi vào 3 tháng của lễ Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên.

Ngoài ra theo một số sách, tài liệu Phật Giáo Tiểu Thừa Theravada, có một số ý nghĩa và nghi thức liên quan đến ngày rằm tháng giêng như: ngày Pháp Bảo (với ngày Phật Bảo vào đại lễ Phật Đản rằm tháng tư và ngày Tăng Bảo trong lễ Kathina tháng mười); ngày Đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo (Ovadapatimokkha) tại Thánh hội Tăng-già; ngày Đức Phật thông báo giáo pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa; lễ thọ Đầu Đà; lễ dâng đăng (đèn) cúng Phật… nhưng thiết nghĩ không có sự liên quan đến nguồn gốc và ý nghĩa tết Nguyên Tiêu hay lễ Thượng Nguyên.

Hiện nay vào ngày rằm tháng giêng, các chùa thường khai đàn Dược Sư, hội Hoa Đăng; tổ chức đại lễ cầu an hoặc khai kinh Dược Sư và Tăng chúng, Ni chúng cùng đạo tràng Phật Tử bản tự tụng niệm từ ngày mùng tám, mùng chín đến ngày rằm cầu an cho thập phương bá tánh; tổ chức phóng sanh, phóng đăng; cứu tế, chẩn bần; hồi hướng công đức để cầu nguyện cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

CHÚ THÍCH:
(1) Quải hay quảy, tức là cúng, theo thổ âm một số địa phương các tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú.
(2) Có nơi đọc là ai quải (quảy) nấy ăn, ý nói nhà nào cũng cúng nên không thể mời nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nghi Lễ Thờ Cúng Của Người Việt và nhiều nguồn khác.

———=oOo=———

QUANG MAI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.