Nhân tiết Thượng Nguyên lạm bàn về "Dương Sao Giải Hạn"

Cúng sao giải hạn là hình thức tín ngưỡng không có trong truyền thống Phật Giáo nhưng nó lại tồn tại trong Phật Giáo Việt Nam cho đến ngày nay – đặc biệt là sau một thời gian được bài trừ khá triệt để trước năm 1975 thì lại “tái nhiễm” vào nhiều năm gần đây.

Trong những ngày đầu năm hiện nay, hàng ngàn, hàng chục ngàn người – trong đó không ít là giới trẻ – đã ùn ùn kéo đến chùa chiền “đăng ký” (ghi danh) “dâng sao giải hạn”. Những ‘hù dọa’ từ những câu chuyện về thế giới thần linh vô hình như: “sao Thái Bạch sạch cửa nhà”, “nam La (sao La Hầu) – nữ Kế (sao Kế Đô)”, “49 chưa qua – 53 đã tới” v.v… và v.v… đã đem đến cho nhiều người nỗi sợ hãi và lo âu vô cớ. Vào những ngày đầu năm, thay vì phải dành thời gian cho những công việc quan trọng và ý nghĩa, người ta đã quẳng tiền bạc và thời gian vào những cuộc “mặc cả” với thế giới bên kia.

Một thực trạng…

Người người, nhà nhà rủ nhau đi dâng sao (nếu gặp sao tốt), giải hạn (nếu gặp hạn xấu). Nếu đi bất cứ lễ đền hoặc rất nhiều chùa chiền vào “mùa” Rằm tháng Giêng, mọi người sẽ thấy nhan nhản những bàn “đăng ký dâng sao, giải hạn” mọc lên khắp nơi ở các khu vực hành lễ. Người ta dễ dàng tìm thấy ở nơi ấy những giấy “đăng ký”; bản hướng dẫn cách “dâng sao, giải hạn”; những cuốn sách tử vi; bản tra cứu “sao chiếu mạng” (bây giờ kỹ thuật hỗ trợ in ấn khiến còn xuất hiện khắp nơi những tấm bảng to đùng có đầy đủ nội dung “coi tuổi” để “xem sao”);… và cuối cùng là…tiền.

Có nhiều người bỏ ra hàng triệu đồng để “dâng sao giải hạn” cho cả gia đình. Một số cơ quan, doanh nghiệp mời thầy cúng về “giải hạn” với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của nhân viên. Cách làm này đã tiếp tay cho các hủ tục mê tín dị đoan có cơ hội sống lại và hoạt động công khai.

Khi sự thành đạt không phải bằng năng lực và sức lao động của chính mình, người ta thường tin vào thế giới thần thánh và sự trợ giúp của “năng lượng” từ bên ngoài. Điều đó có nghĩa rằng, con đường thăng tiến, của cải làm ra trong quá khứ là kết quả của những kiểu làm ăn không chính đáng, cơ hội, chụp giật, phi pháp…?

Giờ đây, khi nền kinh tế thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt, họ không còn tin vào năng lực của bản thân mình nữa. Chính vì thế, giới trẻ hôm nay cứ nơm nớp lo sợ “vận hạn” của mình khi khởi đầu cho một năm mới. Họ tìm thầy, tìm đến những nơi linh ứng, bám víu vào một “đấng tối cao” trong tưởng tượng để giải quyết hàng trăm mối lo âu và sợ hãi.

Một đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế sao lại có những nam thanh, nữ tú mê tín đến mụ người như vậy? Tương lai của một quốc gia nằm trong tay những người chỉ biết cầu xin số mệnh, “dâng sao, giải hạn” có thể nào phát triển bền vững?

Thật ra, tập quán này xuất phát từ Trung Hoa. Theo quan niệm này tại Á Đông, căn cứ vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn. Nặng nhất là “nam La Hầu, nữ Kế Đô”. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón. Để giảm nhẹ vận hạn, người xưa thường làm lễ cúng vào đầu năm tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin “Thần Sao” phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình.

Thế rồi do đời sống bất ổn, rủi ro trong sản xuất, thương mại, giao thông… ngày càng nhiều; thiên tai nặng nề và đa dạng; dịch bệnh lan tràn; bệnh tật gia tăng… đã khiến tập quán dâng sao, giải hạn không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu và trở nên mê tín và bị lạm dụng. Những gia đình giàu có sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Kẻ nghèo khó không có điều kiện nhưng quá tin nên sẵn sàng bán cả một phần tài sản trong nhà đi để làm lễ.

Một sai lầm trong văn hóa tâm linh này là người ta dâng cúng lễ vật để “mặc cả” với thế giới thần linh. Khấn lễ để xin nhận được điều này hoặc điều kia. Cuộc sống xô bồ, bon chen, tranh đua đã tác động lên giới trẻ; đã tác động đến lòng tham vô đáy vốn có trong mỗi người. Họ cứ tin rằng, nếu có “lễ” dâng lên Phật, Bồ Tát, lên Thần Thánh, chắc chắn sẽ được độ trì; cứ thế mà làm, thậm chí làm những việc không tốt, ảnh hưởng xấu đến tôn giáo, xã hội và cộng đồng.

“Dâng sao giải hạn” không có trong giáo lý Phật Giáo

Tam tạng kinh điển Phật Giáo không đề cập đến việc dâng, cúng sao để giải hạn. Đức Phật không hề dạy cúng sao giải hạn và các đồ đệ của Ngài chưa bao giờ tìm thấy lời đức Phật dạy về cúng sao giải hạn. Thế nhưng, khi nhu cầu “dâng sao, giải hạn” tăng mạnh, một số chùa vẫn tiến hành các công việc với cái gọi là tùy thuận “tín ngưỡng dân gian”.

Đạo Phật không có nói về việc cúng sao giải hạn mà chỉ có lễ cầu an, cầu lợi ích cho mình, cho người, cho đời, cho thế gian. Phật Giáo quan niệm rằng không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao, giải hạn cho Phật Tử . Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Ở nơi thờ tự Tam Bảo, chùa thiết trí hương đăng, hoa quả cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có lễ giải sao hoặc nghi thức nào khác tương tự cả.

Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang nhận lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”. Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt.

Vào thời điểm đầu năm, tất cả mọi người đều cầu mong bình an và những điều tốt đẹp cho gia đình suốt cả năm bằng những hình thức thể hiện khác nhau. Phật Giáo hướng dẫn tín đồ bằng các nghi thức cầu an tụng kinh, phóng sanh, bố thí, làm thiện và tránh ác để có thể hưởng quả tốt. Trong khi đó, tín ngưỡng cúng sao giải hạn xuất phát từ Lão Giáo cũng đồng thời tồn tại và rất hấp dẫn quần chúng bằng lối giải thích huyền bí thông qua 9 sao, 8 hạn. Việc cúng sao giải hạn diễn ra trong các đạo quán của Lão Giáo và trong dân gian. Không biết từ lúc nào, tập tục này trở thành tín ngưỡng của người Việt, rồi được “phương tiện” đưa vào một số chùa (thường diễn ra từ mùng tám đến rằm tháng giêng âm lịch), và xâm nhập thẳng vào Phật Giáo, trở thành một nghi thức cúng bái trong Phật Giáo vào dịp đầu năm!

Rõ ràng trước đây tục cúng sao giải hạn ở một số chùa chỉ là phương tiện. Nhưng phương tiện nào cũng có hai mặt. Nếu khéo vận dụng, thì nhờ đi cúng sao mà những người ít đi chùa có cơ hội lễ Phật, nghe pháp, cúng dường, làm việc thiện. Ngược lại, nếu chỉ dừng ở cúng sao giải hạn, cầu cúng các Tinh Quân mong ban phúc thì rơi vào tà kiến, tà mạng và không phù hợp với tinh thần phương tiện của chánh pháp Phật Giáo.

Trải qua nhiều thế kỷ phục vụ tín ngưỡng quần chúng, Phật Giáo có những lúc bị lãng quên vai trò truyền bá Phật Pháp bằng con đường giảng dạy và sống theo giáo pháp của đức Phật, thay vào đó bị lạm dụng như là phương tiện để mưu sinh. Đành rằng nhu cầu tín ngưỡng cúng bái của quần chúng rất cao nhưng không phải họ không có nhu cầu học và hành chánh pháp. Vả lại, trong một cộng đồng Phật Giáo mà nếu như đa số Tăng Ni đều dùng phương tiện cúng sao, giải hạn để phục vụ cho tín đồ của mình thì hiếm thấy ai tự giác từ bỏ nó. Và dù cho thiểu số Phật Tử chân chánh phát tâm từ bỏ, đi theo con đường chánh pháp, thì việc làm của họ cũng ví như một con én có thể gợi cho người ta nhớ mùa xuân nhưng không thể làm nên mùa xuân thật sự.

Trong những dịp quy tụ đông người quá mức, có thể nói ngoài tầm kiểm soát của chùa, một số không ít người xấu đã lợi dụng những tình trạng này để trộm cắp tiền bạc, tài sản của tín đồ thập phương, rồi nạn khấn vái thuê, rồi phao tin đồn nhảm để buôn bán sách báo, băng đĩa mê tín, phản giáo lý, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng…

Liệu có cách nào cải thiện?

Hơn bao giờ hết, những tệ nạn mê tín cần phải được bài trừ để trả lại sự yên bình của một đời sống tâm linh vốn có từ ngàn năm trước của dân tộc; khôi phục lại sự trong sáng, tinh thần chánh tín và trí huệ trong chùa chiền, tự viện Phật Giáo.

Thế nhưng, giải pháp để làm cho sinh hoạt tín ngưỡng tốt hơn không phải triệt tiêu mà là thay thế; không phải cấm “cầu” (vì không thể cấm quần chúng Phật Tử) mà là điều chỉnh “cung” (tức các chùa và chư Tăng Ni).

Theo cách làm hiện nay, trước và sau Tết, các chùa lo ghi danh, chấm sao hạn rồi chờ đến ngày xướng đọc những danh sách ấy. Khi nghe tên mình và thành viên trong gia đình được quý Tăng Ni tuyên đọc trước điện Phật, tín đồ cảm thấy vui, an tâm và bớt lo lắng, nhất là với những người bị “phán” là gặp sao hạn xấu cùng với những lời giải thích phi chánh pháp. Tuy nhiên, niềm tin như thế dù đúng hay sai vẫn là niềm tin có thật của tín đồ và xét cho cùng nó cũng chẳng có gì là tiêu cực trừ phi bị lợi dụng bởi những người không chân chánh. Có điều, cách làm như vậy chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu quần chúng và thu hút nhiều tín đồ, nhưng chưa thực hiện được mục tiêu chính của Phật Giáo là giáo hóa quần sanh. Nói cách khác, cách làm ấy chỉ có thể giải quyết phần ngọn còn phần gốc thì chưa chạm đến.

Để có thể vừa đáp ứng nhu cầu quần chúng, vừa vẫn giữ truyền thống Phật Giáo không bị ảnh hưởng bởi mê tín dị đoan, chùa sau khi phục vụ dân chúng vui chơi ba ngày Tết, nên chọn ngày khai đàn Dược Sư hay đàn cầu an tương ứng, tùy nghi và trì tụng liên tục cho đến hết ngày rằm tháng giêng. Bắt đầu từ ngày khai đàn cho đến ngày hoàn mãn, các chùa sắp xếp việc tuyên sớ cầu an đầu năm cho Phật Tử sao cho số lượng tham dự thích hợp, tránh tình trạng quá tải so với địa điểm. Cách làm này thể hiện được sự đồng tâm cầu nguyện của tất cả những người tham dự trong buổi lễ – cả tín chủ và Phật Tử hộ niệm – và ắt hẳn hiệu quả sẽ thiết thực hơn nhiều. Nó cũng hạn chế tình trạng “khoán trắng” cho chư Tăng Ni trong khi người xin cầu an thì không tham dự và thậm chí không hề hay biết lễ cầu an cử hành khi nào, ngoài việc cúng dường vào một khoản tiền!

Đại nạn “dương sao – giải hạn” trái chánh pháp và trở thành hủ tục mê tín dị đoan tất nhiên không thể bằng vài phân tích thô thiển trên đây và vài đề nghị ngắn ngủi vừa nêu mà chấm dứt hay cải thiện. “Công án” mở này tất phải trông chờ vào trí tuệ và đạo tâm nhiều bậc cao tăng thạc đức và thiện hữu tri thức nương vào kinh sách đúng chánh pháp và phương tiện đúng đắn mới mong đưa đạo Phật trở về với quỹ đạo chánh tín như vốn có vậy./.

QUANG MAI
Tổng hợp – biên soạn và chỉnh sửa từ nhiều nguồn khác nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.