Những mẹo nhỏ để học ảo thuật thành công

 

Những mẹo nhỏ để học ảo thuật thành công

Một số trò ảo thuật cần sự phức tạp đến nỗi thật khó biết hiệu ứng là gì và cái gì dẫn tới hiệu ứng (ý ở đây là khi xem hướng dẫn mà bạn vẫn không hiểu đang làm gì). Vì vậy, đây là một số mẹo nhỏ cho việc học tập ảo thuật hiệu quả hơn:

– Trước tiên bạn phải nhìn lại tổng quan về trò diễn. Mục đích là để thấy được toàn bộ trò diễn trong cái nhìn tổng quát trước khi bắt đầu luyện tập. Hãy nhớ toàn bộ những gì phải thể hiện trong trò diễn. Một số sách viết hướng dẫn đọc rất khó để nhớ và hiểu. Cố gắng hình dung trò diễn với suy nghĩ của 1 khán giả, và tưởng tượng hiệu ứng của mưu mẹo, “đòn phép” sẽ áp dụng…

– Thông thường vấn đề thường xuất hiện khi bạn học các động tác. Rất dễ quên những gì bạn đang làm. Vì vậy, cố gắng để hiểu được mục đích của động tác đó. Hãy tự đặt câu hỏi cho bạn: Mục tiêu của động tác này là gì? Sẽ dễ dàng hơn nhiều để làm theo hướng dẫn khi bạn biết được mục đích của nó là gì. Thí dụ, một động tác “chẻ kép dưới” (double undercut) dùng để điều khiển lá bài từ giữa bộ bài lên trên.

– Ảo thuật thường hướng dẫn bạn từ điểm A đến điểm B. Vì vậy hãy tìm hiểu thực chất A là gì và B là gì? (ý ở đây là động tác, từ động tác A qua động tác B). Sau đó ghép tất cả lại với nhau, và bắt đầu tập luyện từ đầu cho đến cuối trò diễn. Để học 1 trò ảo thuật bạn phải tốn thời gian để luyện tập và biểu diễn. Ngay cả với những trò đơn giản bạn cũng phải qua bước này.

– Bạn cần phải biết trò diễn nhìn như thế nào với con mắt của khán giả. Đồng thời bạn phải chắc chắn rằng khán giả không  thấy được bí mật của trò diễn.

– Luyện tập cho đến khi bạn có thể thực hiện mà không cần quan tâm đến nó, như nhịp tim tự đập vậy, bạn sẽ cảm thấy nó rất đơn giản. Nhưng bạn phải nhớ toàn bộ trò diễn và những gì phải làm, và cứ lập đi, lập lại… Diễn thử trước gương còn tốt hơn là quay video clip xem lại. Và khi bạn làm chính bạn ngạc nhiên, thì bạn đã thành công!

1/ Những nguyên tắc sơ đẳng của “nghề” ảo thuật

Dưới đây là những nguyên tắc sơ đẳng mà bạn cần thấu triệt trước khi “học nghề” và cần phải tuân thủ trong khi “hành nghề” ảo thuật:

1) Nếu chưa thuần phục về một kỹ thuật biểu diễn bất kỳ nào đó, phải luyện tập cho tới khi thật nhuần nhuyễn rồi mới được biểu diễn.

2) Trong cùng 1 thời gian, cùng một địa điểm, không được diễn 1 trò đến lần thứ 2 (lần thứ 2 có thể bạn sẽ bị lộ). Đừng tự đắc hay bị hấp dẫn bởi những tiếng “bis! bis!” của khán giả nhiệt thành mà vi phạm quy tắc này.

3) Không để người xem biết được quá trình chuẩn bị của bạn, các bước chuẩn bị phải được tiến hành hết sức bí mật.

4) Trước khi biểu diễn, không nên nói rõ kết quả của trò ảo thuật là gì, vì nếu bạn nói ra, khán giả sẽ mất đi yếu tố bất ngờ khi xem bạn trình diễn. Như vậy dĩ nhiên mất đi sự hấp dẫn.

5) Yếu tố quan trọng nhất: Không được để khán giả biết bí mật của trò ảo thuật, dù chỉ là trò nhỏ. Nếu nói ra, bạn sẽ rất khó có thể trở thành nhà ảo thuật được. Ảo thuật là 1 nghề cực kỳ khổ luyện, có luyện mới thành tài được. Vì vậy, giữ bí mật là yếu tố quan trọng nhất.

— oOo —

2/ Khi biểu diễn bạn phải nói gì?

“NHANH TAY – LẸ MIỆNG” –  Đây là kỹ năng căn bản và cũng là kỷ năng quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Đây là cách chủ yếu để hướng sự chú ý của khán giả đến những mục tiêu khác với điều mà bạn không muốn họ chú ý vào.

Nhưng nói gì? Điều này thường là vấn đề cho rất nhiều người. Câu trả lời rất đơn giản: Bạn chỉ cần bịa chuyện ra và nói với khán giả. Bạn hãy bịa ra 1 câu chuyện nào đó mà khán giả có thể tin được phù hợp với trò bạn biểu diễn. Sử dụng trí tưởng tượng phong phú của bạn và… vui vẻ! Tự tìm ra lời nói đánh lạc hướng…

Khi bạn đã thành công trong  việc đánh lạc hướng khiến họ tin và lúc đó bạn đang cười rúc rích trong bụng. Bạn có thể làm cho khán giả tin được vào lời nói của bạn. Bạn có thể kết hợp với một sự lấp lánh trong ánh mắt của bạn hay một sự thần bí ma quái, hoặc bạn cũng có thể vui vẻ như đang nói đùa, nhưng đừng để họ nghĩ bạn đang nói đùa.

Một lỗi mà bạn hay mắc phải là khi bạn thực sự biểu diễn bạn thường sẽ nói với 1 giọng nói khác hẳn. Cách nói của bạn không nên nghe như bạn đang đọc 1 cái gì đó cho mọi người. Bạn không phải là con vẹt! Hãy nói chuyện với giọng nói của bạn thật tự nhiên. Nói như cách bạn thường nói chuyện trong cách nói chuyện với bạn bè của bạn. Hãy nhớ rằng khán giả là bạn bè của bạn. Vì vậy, trò chuyện với tiếng nói của riêng bạn.

Nhớ rằng bạn không cần phải nói tất cả những gì trong sách nói. Đó luôn luôn là một ý tưởng tốt để viết mọi thứ ra hoặc nhớ trong đầu bạn. Nhưng khi bạn biểu diễn, tốt hơn là nói ứng khẩu tùy theo tình huống. Đừng sợ hãi sự ứng khẩu! Nó chỉ tương tự trong cuộc sống hàng ngày. Khi nói chuyện với bạn bè hay các người thân thuộc của bạn. Bạn không phải là một người máy. Chẳng có gì khác biệt khi nói chuyện giữa bạn bè bạn và khán giả, cho nên hãy mạnh dạn mà nói! Hơi khó phải không bạn? Miễn là bạn có nhiều nỗ lực luyện tập, cộng với sự sáng tạo trong phong cách trình diễn để tạo nên những tác động tâm lý có tính kỹ xảo, nhất định bạn sẽ gieo ấn tượng trong tâm trí khán giả và cuốn hút họ vào mê cung của ảo thuật.

Bạn cũng cần tạo sự quan hệ giữa bạn với khán giả bằng cách pha trò một cách duyên dáng, lôi kéo họ về phía bạn bằng nhiều cách, miễn sao thật là dí dỏm. Bạn đừng có những trò đùa có tính châm biếm với khán giả tình nguyện lên sân khấu. Khán giả tình nguyện lên sân khấu vừa là người bỏ tiền ra mua vé vào cửa (hoặc ủng hộ vật chất, tinh thần) như bao nhiêu người khác, vừa là người cộng tác với bạn trong một trò ảo thuật, họ phải cố giữ bình tĩnh khi lên sân khấu nếu được bạn yêu cầu, vì thế nếu bạn làm tổn thương họ là một điều không thể tha thứ được.

Để cho buổi trình diễn được liên tục không có khoảng trống gián đoạn, khi kết thúc một trò ảo thuật bạn nên nhanh miệng pha trò để nối tiếp trò ảo thuật khác một cách tự nhiên, nếu có thể làm như vậy xuyên suốt theo một chủ đề thì rất hữu hiệu.

— oOo —

3/ Dụng cụ và người phụ diễn 

Trong buổi trình diễn, bạn nên có một cái bàn và mấy cái ghế. Thích hợp nhất là một cái bàn xếp đơn giản. Nếu có khăn trải bàn, đừng dùng loại phủ kín chân bàn, vì như thế khán giả sẽ nghĩ rằng bạn đã chuẩn bị một cái bàn đặc biệt nhằm qua mắt họ. Khán giả sẽ nghi ngờ mỗi khi bạn đến gần bàn. Bạn chỉ nên dùng một chiếc khăn trải bàn vừa đủ để phủ mặt bàn và mép bàn, như thế sẽ thích hợp hơn. Khăn trải bàn chỉ cần dùng loại bình thường thông dụng, để trong trường hợp bạn đặt vật gì xuống hay lấy lên, khán giả sẽ không thấy gì khả nghi, bất bình thường. nếu có thể, bạn đặt thêm vài món có tính trang trí như bình hoa…

Vài cái ghế cũng rất hữu ích vì nó sẽ tạo nên vẻ thân mật tự nhiên khi bạn trình diễn với sự tham gia của những khán giả tình nguyện.

Bạn phải cẩn thận khi chọn người phụ diễn. Trong tất cả các trò ảo thuật, hai người phải phối hợp thật ăn ý với nhau, người đó phải hiểu ý và đoán được ngay bạn đang muốn gì.

Các đạo cụ bạn sử dụng có thể mang lại cho bạn sự thành công hay thất bại, bởi vì bạn đang dựa vào chúng, bạn phải hiểu biết chúng tường tận và sử dụng chúng một cách khéo léo mới mong thu hút được khán giả, tuy nhiên không nên dùng quả nhiều xảo thuật từ chúng!

— oOo —

4/ Tập luyện 

Nguyên tắc muôn đời của một ảo thuật gia là luyện tập, mỗi một trò ảo thuật bạn cần phải thực tập cho đến khi nào thật nhuần nhuyễn, đến nỗi bạn không cần suy nghĩ hay bận tâm đến nó, bạn tiếp tục luyện tập sao cho lần sau bao giờ cũng hơn lần trước… Không cần dài dòng, xin nhắc lại bạn phần đã “chỉ mẹo” trong đoạn trên:

“Luyện tập cho đến khi bạn có thể thực hiện mà không cần quan tâm đến nó, như nhịp tim tự đập vậy, bạn sẽ cảm thấy nó rất đơn giản. Nhưng bạn phải nhớ toàn bộ trò diễn và những gì phải làm, và cứ lập đi, lập lại… Diễn thử trước gương còn tốt hơn là quay video clip xem lại. Và khi bạn làm chính bạn ngạc nhiên, thì bạn đã thành công!”.

5/ Cách từ chối khi khán giả hỏi về bí mật của  màn biểu diễn 

– Khán giả hỏi: “Bạn làm sao hay vậy?”.

– Ảo thuật gia trả lời: “Cũng thường thôi. Cám ơn bạn”.

– Khán giả hỏi: “Bạn chỉ mình làm với được không?”.

– Ảo thuật gia trả lời: “Bạn biết giữ bí mật không?”.

Họ sẽ hăng hái nói “Biết, biết…”.

– Ảo thuật gia trả lời: “Chà! Tôi cũng biết nữa”.

Vậy nhé! Giờ thì các bạn có thể khéo léo trốn tránh việc phải trả lời những cậu hỏi đại loại như: Bạn làm thế nào vậy? Bạn có thể dạy mình không?… đi mà… năn nỉ đó… dạy mình đi…

Còn chuyện bạn muốn “dạy ảo thuật” (cho đàn em chúng ta chẳng hạn) thì đó lại là chuyện khác!.

QUANG MAI (sưu tầm & tổng hợp)

<<< Quay lại MỤC LỤC 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.