Nỗi lòng Tây Bắc

Việc làm từ thiện là của những nhà từ thiện. Mình tu hành rồi thì làm việc của mình. Mọi sự tuỳ duyên, cờ đến tay thì phất, hà cớ phải chạy đôn chạy đáo vận động chỗ này, xin xỏ chỗ kia, tiêu hao năng lượng cho những việc không phải của mình, rồi than vãn, rồi muộn phiền lo lắng. Vâng! Từ lâu tôi nghĩ như thế.

Thế nhưng, khi nhìn thấy danh sách hàng trăm Tăng Ni huyện Đức Trọng đóng góp tiền từ thiện, tôi cảm động thật sự, nên quyết định tháp tùng thầy Trưởng BTS lên đường. Không có các nhà hảo tâm hay Phật tử mà số tiền đóng góp lên đến hàng trăm triệu đồng. Có những tịnh thất mà hoàn cảnh của quý sư còn đáng cứu trợ hơn cả những đồng bào vũng lũ, thế mà quý sư vẫn đóng góp, ít nhất là 500 ngàn, nhiều đến vài triệu, thành số tiền gần nửa tỷ đồng để BTS Phật Giáo huyện Đức Trọng đi trực tiếp phát quà cho đồng bào Tây Bắc. Có lẽ không có đoàn từ thiện nào đi phát quà lại có ý nghĩa giống Đức Trọng. Những người có duyên nhận những phần quà này có lẽ không biết hết ý nghĩa này đâu. Quý thầy quý cô tăng ni Phật giáo, có vị phải se từng bó nhang, bán từng nãi chuối do chính tay mình sản xuất, góp phần cho chuyến cứu trợ tình thương…

TỪ NỖI KHỔ CỦA NHỮNG BÀ CON MIỀN CAO…

Đến sân bay Nội Bài, chúng tôi được quý huynh đệ Nguyên Lập, Nguyên Thái ở Việt Trì, Phú Thọ đón và chạy thẳng lên Lào Cai. Hơn 5 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được huyện Bắc Hà. Chào đón chúng tôi khi trời sẫm tối là dòng chữ “Cao Nguyên Trăng Bắc Hà” sáng rực gần chợ đêm, khu chợ nổi tiếng bậc nhất Lào Cai. Thầy Đạo Tịnh, trụ trì chùa Linh Sơn, ngôi chùa nằm chót vót trên đỉnh núi, ngôi chùa duy nhất tại Bắc Hà đã tiếp đón đoàn qua sự liên lạc trước với quý thầy ở Phú Thọ. Thầy Đạo Tịnh điều phối toàn bộ chuyến cứu trợ này.

Sau một đêm ngon giấc, đoàn chúng tôi bắt đầu di chuyển vào các bản làng trên núi cao. Từ thôn Sảng Chư Ván thuộc xã Thải Giàng Phố, từ xã Cốc Lầu đến xã Nậm Đét, từ bản Cái thôn Nậm Tông xã Nậm Lúc, rồi ngày hôm sau vào xã Tả Củ Tỷ, những địa danh lần đầu nghe đến. Chúng tôi cố gắng giao lưu với người dân địa phương, những cán bộ văn hoá người Tày, Nùng, Mông, Dao để hiểu những tên gọi kỳ thú này, kể cả hỏi chị Google để thêm thông tin, để biết ý nghĩa tên gọi một vùng đất. Chẳng hạn Tả Củ Tỷ có nghĩa là ‘Nương Lúa Lớn’. Đúng rồi! Những khu ruộng bậc thang trải dài từ sườn núi xuống lũng sâu, đẹp… không chịu nổi!

Buổi sớm ‘xâm mình’ tung xe vào màn sương dày đặc. Sương hay là mây? Hay “những giọt sương là lệ ở trong mây” (Bùi Giáng)? Ôi không! Mưa! Nhìn đất biết mưa, nhìn qua khung kính thấy sương, nhìn quanh mây phủ, kín cả đất trời. Mọi người im phăng phắc. Chỉ có bác tài là Thầy Nguyên Thái hay Nguyên Lập – những ‘tay lái lụa’ – là “liều lĩnh” tung vào sương-mây-mưa mà ‘đạp’. Tôi chợt có một định nghĩa mới về từ “tay lái lụa”: tay lái lụa là lái xe chạy trên lụa. Bởi bốn bánh xe nhún nhảy nhịp nhàng, rồi nhấp nhỏm nhọc nhằn, hay nhùng nhằng nhanh nhẹn…, chỉ có uống thuốc liều mới dám cầm vô-lăng qua những cung đường như thế. Chẳng tài ba gì, chỉ cần thiếu may mắn một tí thì cả xe sẽ được gặp Tiên gặp Bụt dưới thăm thẳm mù khơi!

Nói thế để biết, người dân bản ở đây sống như thế nào. Chúng tôi hẹn phát quà cho đồng bào ở trụ sở Uỷ ban xã Thải Giàng Phố, xã gần nhất trong chuyến đi. Thế nhưng đồng bào phải di chuyển đến… 26 cây số để đến được Uỷ ban xã. Buổi chiều vào thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc. Các phái đoàn trước không vào được tới tận nơi bà con đang ở vì đường sá chưa dọn dẹp xong, nguy hiểm. Hôm nay chúng tôi được vào tới tận nơi, nơi bà con đang ở chứ không phải vào thôn làng, vì làm gì còn thôn làng, chỉ còn những chiếc lều do bộ đội dựng lên, hàng chục gia đình chui ra rúc vào, đầy đủ trẻ con, người già, thanh niên, thiếu nữ… Hai chữ thiếu nữ cũng chỉ là tạm gọi vì nhìn khuôn mặt ngây thơ mà đoán tuổi tác, chứ kỳ thực phải gọi là thiếu phụ, vì họ chỉ mới mười mấy tuổi đầu mà địu trên lưng những đứa con nheo nhóc, bởi nạn tảo hôn của bà con vùng cao Tây Bắc.

Cũng có thể nhờ bão lũ mà họ lần đầu được nhìn thấy những chiếc xe hơi đời mới, những đồng tiền mệnh giá 500.000. Quanh năm suốt tháng trên vùng cao, hạt ngô củ sắn là lương thực chính, mắm muối mặn mòi là sơn hào hải vị. Có tiền họ cũng chẳng biết làm gì. Chợ thì xa đến bốn, năm mươi cây số. Cho họ hủ mắm, con khô đã đủ mừng. Câu “tiền nhiều để làm gì” của ai đó đem lên đây nói có vẻ phù hợp hơn!

Họ hạnh phúc hay đau khổ? Câu hỏi có phần ngớ ngẩn. Cuộc đời mà! Nỗi khổ ngất chín tầng, niềm đau tràn mười đất. Vòng ra phía sau lán trại, tôi thấy một cô gái (cũng chẳng biết gọi là thiếu nữ hay thiếu phụ) ngồi nhìn xa xăm xuống chân núi giữa chiều sương bảng lảng. Cô mơ mộng điều gì? Hay đang nhớ ai? Chao ơi! Khi đoàn chúng tôi xuống được dưới triền sâu, nơi những chiếc máy múc vẫn đang ngày đêm bới tìm những thi thể còn vùi sâu dưới lớp bùn cao hàng chục mét; nhìn ngược lên bản làng trên đỉnh cao cách chỗ đứng chúng tôi mấy tầm dốc núi, tôi mới thẩn thờ hiểu được ánh mắt lặng thừ của người thiếu phụ trông chồng trông con trở về. Khi viết bài này có thể cô gái ấy đã đi vào căn lều lo cho buổi tối, nhưng hình ảnh nàng ngồi trong sương chiều tím biếc đã hoá đá ngàn năm trong tâm khảm mịt mờ. Hòn Vọng Phu của Lê Thương chỉ là giai điệu nhạc. Hòn Vọng Phu trong tâm thức bần tăng đã siêu thực đến nao lòng!

Khi xe treo trên sườn dốc, vuông góc với nơi chiếc máy đào đang bới đất dưới triền sâu, tôi phát hiện chiếc điện thoại của mình đâu mất. Kỳ lạ thật! Khi lên xe tay tôi vẫn còn cầm điện thoại để chụp hình, thế mà mấy phút sau tìm mãi chẳng thấy. Xe dừng lại, dở ghế ra, dở cả mấy tấm đệm dưới chân để tìm mà không có. Trên này làm gì có sóng mà gọi, tìm tới tìm lui, ai dè nó chui xuống ghế, rồi chẳng biết bằng cách nào, nó len lõi dưới chân của người ngồi băng ghế sau, nằm bí ẩn dưới đó. Chuyện ấy cũng chẳng có gì đáng nói. Đáng nói là khi chúng tôi leo lên xe nổ máy đi tiếp thì xe không chịu lăn bánh. Xe đời mới ‘xịn xò’, đạp số tới số lui gì xe cũng không chạy. Mất khoảng hơn 5 phút như thế, tôi nghĩ biết đâu có “ai đó” dưới đám bùn sâu muốn níu chân đoàn chúng tôi lại. Tôi niệm thầm: chuyện tìm xác chẳng phải của mình, chúng tôi đâu phải nhà ngoại cảm. Hay họ muốn mình quay lại nơi này nữa? Thôi cho đoàn đi về đi. Vừa nghĩ xong, Thầy Nguyên Lập đạp ga, thế là xe lại nhẹ nhàng lăn bánh trong sự lặng người của mấy vị trên xe. Tôi buộc miệng “quất” một câu (quất không trượt phát nào!) để phá tan không khí nặng nề, câu nói của ai đó mà mấy hôm nay đã thành ‘trend’ trên mạng: Chuyện tâm linh không thể đùa được đâu! Thế là mọi người cùng phá lên cười!…

…ĐẾN CẢNH ĐẸP NAO LÒNG CỦA NÚI RỪNG TÂY BẮC

Tôi đã từng ngồi trên xe lửa ngắm nhìn những bản làng trên sườn dãy Alpes (Alpen/ Alpi/ Alps) từ Đức qua Thuỵ Sĩ rồi qua Ý. Những ngôi làng đẹp tưởng chừng như chỉ có trong phim. Tôi đã nhầm. Nếu không có việc đi cứu trợ sau bão lũ thế này, tôi không thể biết những bản làng ở Tây Bắc còn đẹp hơn gấp nhiều lần những bản làng ở hải ngoại. Ai cũng nói đến Hà Giang, Yên Bái, nhưng đến Lào Cai mới biết rằng quê hương mình đâu cũng đẹp. Đẹp thực chứ không phải nhờ du lịch hay từ những bức ảnh của các nghệ nhân. Xe đi ở sườn núi bên này, thoắt cái đã ở sườn núi bên kia. Sâu dưới đó, lối mòn, khe suối vắng, những mái nhà lô nhô ẩn hiện, những mảnh ruộng bậc thang vàng óng, những cánh đồng tam giác mạch trải dài. Trên cao, núi xanh thăm thẳm. Mây trắng vắt ngang đỉnh núi, như chít khăn tang buồn cho những thi thể còn vùi đâu đó dưới triền sâu. Có lúc mây ngàn rủ xuống như yếm thắm khăn thêu, như chiếc áo choàng ngang lưng thiếu phụ, thiên hình vạn trạng… Tôi kéo cửa kính xuống, bấm đại mấy khung hình, có thì giờ đâu mà dừng xe lại ngắm nghía chỉn chu.

Dọc đường, gặp những đứa trẻ thơ, những cụ già tóc bạc, hay những thục nữ Dao, Mông đứng nhìn vào khoảng thuý vi biêng biếc, chúng tôi đều dừng lại, tặng hết những đồng tiền mỗi người mang theo dự trữ cho những trường hợp bất khả kháng. Họ cầm năm trăm, một triệu bất ngờ trên tay mà tôi chẳng thấy họ mừng rỡ gì. Vì hình như, hình như… thôi, tiền cũng chỉ là một tín chứng giao thoa.

Bữa cơm chay chùa núi Linh Sơn với rau rừng nấm nội kết thúc hành trình cứu trợ ngon ơi là ngon. Xếp vội những đồng tiền đầy nếp gấp trong túi cúng dường gieo duyên Tam Bảo, chúng tôi lên xe hạ san về lại Việt Trì cho kịp chuyến bay sáng sớm, vào Sài Gòn kịp dạy lớp Nghệ thuật phiên dịch buổi chiều; rồi bay lên cho kịp giờ Luận Phật Thừa Tông Yếu trường Cơ bản Lâm Đồng sáng hôm sau. Giữa những chuyến bay là nỗi niềm Tây Bắc còn ứ đọng trong tâm; ghi vội vài dòng trên những chuyến bay, trên những áng mây gửi miền cố lý, hay cổ luỹ xa xôi, tai văng vẳng lời thơ Thuyền Viễn Xứ của Huyền Chi, nhạc Phạm Duy, qua giọng ca Lệ Thu một thuở…

Cúc thu, Thanh nữ nguyệt, Giáp Thìn, 2568.
T.N.H.

Nguồn: Vĩnh Minh Tự Viện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.