Gần đây và không những gần đây, những hiện tượng bất bình thường trong cuộc sống mà nhiều người tin là sự báo oán do oan gia trái chủ nhiều đời bách hại. Khi y học bó tay, họ hướng về tâm linh một cách mê vọng, xem đó là điểm tựa cuối cùng.
Theo nhà Phật, y báo và chánh báo tùy thuộc phước nghiệp của mỗi cá nhân, do vậy, sự bất bình đẵng về trình độ, về vị thế, về thụ đắc sản nghiệp, về sự may rủi trong đời v.v… không ngoài năng lực nhân quá khứ tác thành quả hiện tại mà nhà Nho cho là “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” – nghĩa là có sự định đoạt từ trước. Vậy ai định đoạt? Họ cho là ông Trời. Ki-tô Giáo quan niệm: “cọng lông sợi tóc trên đầu rơi xuống không ngoài ý muốn của Thượng Đế.” Do những quan niệm như thế đã biến nạn nhân thành kẻ thụ động. Nguyễn Du từng nói: “có trời mà cũng có ta – xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”…
Vậy nghiệp là gì???
Nghiệp là thuật ngữ được dịch từ chữ karma tiếng Phạn. Karma được dịch là Nghiệp. Nghiệp là nguyên nhân đưa tới quả báo, cả hai tạo thành luật Nhân-Quả. Nhân và quả liên tục luân lưu, đưa đến vòng xoay qua sáu nẻo luân hồi không dứt.
Nghiệp được hình thành do ba nguyên nhân: Thân, khẩu và ý. Ý là chủ đạo hình thành nghiệp nhân. Nghiệp có hai loại, định nghiệp và bất định nghiệp. Nhân của định nghiệp do ý tác động có chủ đích; nhân của bất định nghiệp do tính vô ký hình thành.
Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, Đức Phật đã dạy rằng:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, Ý tạo
Nếu với Ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.”
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, Ý tạo
Nếu với Ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình.”
Nghiệp chung còn gọi là cộng nghiệp và nghiệp riêng cho từng cá nhân gọi là biệt nghiệp. Sống chung trong một quốc gia, sanh cùng một gia đình, sinh hoạt cùng một cộng đồng v.v… đó là cộng nghiệp, vì chịu tác động chung một số phận đẹp xấu, sướng khổ… Tuy vậy, mỗi cá thể có những nhu cầu, những ảnh hưởng giáo dục, những may mắn hoặc khổ đau riêng, gọi là biệt nghiệp. Nhân nghiệp đưa đến quả báo cảm thọ gọi là nghiệp báo. Tuy nhiên, nghiệp báo không hoàn toàn buộc chúng ta phải tuân phục một cách thụ động hoàn toàn như sự an bày của định nghiệp. Trong kinh A Hàm Đức Phật dạy: “Người gây nhân bất thiện, biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy”. Như vậy chúng ta thấy rõ muốn thoát nghiệp phải tu tập tích lũy công đức, càng nhiều công đức thì chúng ta mới có thể hóa giải dần để chuyển nghiệp mà chúng ta đã tạo, nên gọi “Tu là chuyển nghiệp” hay “Tu là giải nghiệp”.
Trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo, vua Milanda hỏi Na Tiên:
– Thế thì nghiệp nó nằm ở đâu?
Tỳ-kheo Na-tiên trả lời như sau:
– Thưa đại vương, không thể bảo nghiệp được “cất giữ” một nơi nào đó [cố định] trong cái tri thức luôn luôn chuyển động không thể nắm bắt được, hoặc một nơi nào đó trong thân xác. Thế nhưng nó lại tùy thuộc vào tâm thức và vật chất (thân xác) và sẽ phát hiện vào một thời điểm thích nghi. Cũng thế, không thể bảo rằng các quả xoài được “cất giữ” một nơi nào đó trong cây xoài, thế nhưng nó lại lệ thuộc vào cây xoài và hiện ra (đơm quả) khi mùa màng thích nghi.
Hạt giống tiềm ẩn trong tạng thức, hội đủ nhân duyên cơ, lý, địa, thời sẽ trổ quả báo, ngoại trừ nghiệp nhân được hóa giải bằng sự tu tập. Nghiệp báo tùy thuộc vào cường độ tác ý cá biệt. Nghiệp báo phát tác qua ba giai đoạn: Hiện báo – Sanh báo – Hậu báo.
Phật dạy: “Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch… Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.”
oOo
Như vậy, quả báo hiện thời do hội tụ đủ nhân và duyên để trổ quả. Nhân và duyên trong cuộc sống hiện tại do phương tiện sống, do tâm thức tác động và do cộng hưởng xã hội. Riêng ở phạm vi tâm linh, trong một môi trường âm trưởng dương suy, môi sinh, thực dưỡng quá nhiều âm chất, tư tưởng yếm thế bi quan, cơ địa suy nhược… dẫn đến nhiều hệ lụy bất kham. Chấn động lực địa lý cộng hưởng tâm thức bi lụy đưa đến suy nhược thần kinh, xuất hiện ảo giác. Tu là cách hóa giải, chuyển hóa nghiệp thức và quả báo. Không một ngoại lực nào hóa giải nghiệp lực cho một cá thể nếu cá thể tự thân không tự chuyển hóa tư tưởng, nhân cách sống theo chiều hướng tích cực trong sáng và nhân hậu, đem lại lợi ích cho tha nhân. Tha lực chỉ là nhân tố trợ duyên cho một cá thể có đủ nhân cách tự vượt.
Theo tinh thần Phật Giáo như thế thì việc cầu đảo khấn vái đều là hình thức mê tín. Nếu hình thức cầu đảo có kết quả thực sự thì chả cần phải tu; có tiền bỏ ra nhờ thầy cúng vái, dĩ nhiên kẻ giàu sẽ được thoát nạn và người nghèo chấp nhận kiếp trầm luân khổ nạn!? Xã hội hiện thời cho thấy, không thiếu “đại gia” đủ điều kiện bạc vạn cúng vái, cầu đảo, dâng sao. giải hạn mà “hạn” vẫn không thoát, tù tội vẫn đeo mang. Hà cớ ai đó lợi dụng tín ngưỡng, dẫn dắt quần chúng vào đường mê tín, tiền mất tật mang?!
Mới đây, báo Lao Động trưng dẫn rằng chùa Ba Vàng tỉnh Quảng Ninh hàng tháng thu nhập hàng tỷ đồng để giải oán cho bao nạn nhân mê muội; mỗi vụ giải oán từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Không chỉ chùa Ba Vàng, trước đây chùa Viên Giác quận Tân Bình (Sài Gòn) cũng mã hóa tôn tượng Phật, mà vị trụ trì là thành viên Ban Nghi Lễ thực hiện… Hiện nay còn nhiều nơi lợi dụng niềm tin thiếu chánh pháp, lạc dẫn chúng sanh nghiệp chồng nghiệp, mãi kết duyên với sáu nẻo luân hồi, thay vì giảng dạy giáo lý chánh pháp Như Lai để họ tự cởi trói nghiệp quả, gieo nhân lành nghiệp duyên, đó là mục đích ra đời của Đức Phật.
Một tín đồ ngoại đạo lễ bái lục phương, Đức Phật do duyên đó, chuyển hóa cầu đảo lục phương thành trách nhiệm sáu lãnh vực trong quan hệ tương liên với cuộc sống cho người ngoại đạo. Trái lại, đệ tử Phật lại hướng dẫn quần chúng từ chân lý sang qua tà thần để mong tránh được quả báo ư?
Giáo Hội kêu gọi bài trừ mê tín, đốt vàng mã v.v… trong khi thành viên và cơ sở của Giáo Hội từ Nam ra Bắc, một số nơi vẫn phát triển hiện tượng phi chân lý của nhà Phật! Trách nhiệm này thuộc về ai nếu những nơi ấy vẫn thuộc hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay???
MINH MẪN
20/3/2019