Đã dự tính trước, sáng ngày 14 tháng tư âm lịch Quý Tỵ, địa điểm mở đầu chương trình Phật Đản PL.2557 của tôi sẽ là ngôi chùa Pháp Biên – tọa lạc tại vùng biển Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – một ngôi chùa nhỏ xíu nhưng lại không hề nhỏ bé, lại càng không hề xa lạ với bất kỳ ai quan tâm tới những Phật nạn mới.
Tôi không mấy bất ngờ khi chạy xe ngoài đường, gần đến chùa – hay nói chính xác là khu đất vốn là chùa – đã nhìn thấy lá cờ Phật Giáo thế giới không to lớn mà vẫn ngạo nghễ trên nền trời miền biển buổi trưa xanh trong. Tôi biết, kỳ đài là một trong những dự định kiến lập sớm sau khi hoàn thành hàng rào năm nào nhưng chưa thực hiện được thì ngôi Phật tự đã bị ma quân ngang nhiên triệt phá vào đúng ngày vía Phật thành đạo Phật lịch 2554 (DL.2011). Không ngạc nhiên, bởi từ ngày chùa bị ác nạn, mặc kệ những nhũng nhiễu, không một đại lễ Phật Giáo nào nơi đây vắng bóng đại kỳ Phật Giáo và poster đại lễ; không một ngày sóc, vọng nào chốn này thiếu vắng tiếng chuông mõ và lời kinh kệ kham nhẫn, từ hòa.
Bước vào cổng chùa củ, hiện nay với 2 cánh cổng bằng lưới chống B40, tôi thầm nghĩ, giá mà không bị ác đảng triệt phá, giờ nơi đây có thể đã là cửa tam quan ngăn cách thị phi đời ác thế ngũ trược với chốn già lam thanh tịnh.
Ngậm ngùi nhìn “lễ đài Phật Đản” trên đống đổ nát ngói gạch – chứng tích của vô minh và bạo lực – tôi lại liên tưởng đến 50 năm trước, Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam trên toàn quốc năm 1963 và những năm kế đó, đỉnh cao nhất việc “công phá chùa chiền” cũng chỉ là cuộc “tổng tấn công chùa chiền” toàn quốc ngày 20 tháng 8 năm 1963 – mà sau hòa bình một số quen gọi là “Chiến Dịch Nước Lũ” – nhằm bắt bớ Tăng Ni, Phật Tử, cướp bóc tài sản Giáo Hội, thủ tiêu chứng liệu lịch sử cuộc vận động tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo. Trong thời nội chiến, ngoại trừ bom đạn hai phe lâm chiến nghiệt ngã rơi trúng nhằm chùa chiền, đình miếu, thánh đường chứ chưa có chế độ, quân đội hay tập thể nào dám ngang nhiên đập phá các ngôi Phật tự hay tôn tượng Phật, Bồ Tát dù to hay nhỏ, dù ở chốn đô hội hay nơi hẻo lánh, hoang vu. Thế mà trong “hòa bình và ổn định” hiện nay, thật oái oăm! Những hành động phi nhân này lại được ngang nhiên thực hiện và thực hiện công khai không cần ngụy trang, dấu diếm trước bàn dân thiên hạ; trước các cấp quản lý nhà nước sở tại đầy quyền hành; trước các Giáo Hội Phật Giáo ai cũng luôn tự nhận là chánh danh; trước bao nhiêu là hình tướng đoàn thể Tăng Già và Cư Sĩ Phật Giáo thường vổ ngực xưng tên là “được công nhận hợp pháp” và/hoặc bị chụp mũ là “không hợp pháp”; trước hằng ngàn, hằng chục ngàn Phật Giáo Đồ hãnh diện xưng danh là Phật Tử, hằng ngày chăm chỉ sì sụp lễ bái các thánh tượng chưa bị đập phá trong các ngôi chùa chưa bị triệt hạ! Tất cả đều được an trú trong tháp ngà yên ổn! Thật đáng buồn thay!!!
Ngổn ngang trăm mối tơ lòng; tình cảm oán giận, buồn thương lẫn lộn, tôi ghi lại làm kỷ niệm vài hình ảnh một đại lễ Phật Đản tội nghiệp mà cũng thật kiên cường của những Phật Tử uy vũ bất năng khuất còn lại khá ít ỏi nơi xứ biên địa hạ tiện đầy nhiễu nhương tai ách này. Ngồi trong căn rạp nóng hừng hực được che tạm bên đống hoang tàn – để Phật Tử có chỗ trú nắng mưa trong mấy ngày đại lễ vân tập về xưng tán đấng giác ngộ ra đời – nghèn nghẹn dùng bửa chay trưa đạm bạc vì anh Tâm Nhĩ cứ tha thiết mời chào, tôi thẩn thờ quên cả thầm niệm tam đề, ngũ quán; rồi tôi chào các đạo hữu trung kiên và vài anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT Khánh Biên đến chờ khóa lễ và lưu luyến ra về…
Qua 2 ngày lễ, giờ xem lại những hình ảnh ghi lại hôm nào, tính chọn lựa vài tấm coi được gởi cho các Lam Viên thân hữu đã dặn trước, khẩn khoản yêu cầu cho hay tin “lễ Phật Đản trên đống đổ nát Pháp Biên” vậy mà không hiểu sao trỏ chuột vào hình nào tay tôi cũng cứ ngần ngừ không nở click vào delete! Thôi đành vậy! Đành chuyển cả những gì ghi lại được, trong đó có cả hình tôi, dù tôi vốn chúa ghét tự đưa hình mình “demo” lên net.
QUANG MAI
CẬP NHẬT: Sau khi bài viết đã đăng tải, Ban Biên Tập chúng tôi nhận được các hình ảnh từ GĐPT Khánh Biên (Chùa Pháp Biên) gởi đến, ghi nhận các khóa lễ chiều và tối hôm đó (14.4.ÂL). Xin giới thiệu thêm cùng Chư Tôn Đức và anh chị em.