Lễ Phật Đản trang nghiêm và những hình ảnh chướng mắt

(Hình chỉ để minh họa).

oOo

Vậy là Đại Lễ Phật Đản PL.2557 thiêng liêng đã qua đi hơn 10 ngày với những hoạt động khá rầm rộ về hình thức trong năm nay. Tuy vậy dư âm mùa đại lễ vẫn còn trong tâm tưởng những người con Phật, và những tin tức, hình ảnh thời sự khắp nơi về ngày kỷ niệm đức Từ Phụ Bổn Sư đản sanh vẫn đang tiếp tục loan tải trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên mạng lưới internet…

Qua những hình ảnh, video clip phong phú, đẹp mắt, trang trọng của những hoạt động đại lễ năm nay, đặc biệt có một “sáng kiến” được rất nhiều nơi thực hiện đã thực sự tạo ra sự chướng mắt, khó chịu nếu không muốn nói là phản cảm và hạ thấp lòng tự trọng của Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo. Đó là hình ảnh: Sau khay lễ hương trầm nghi ngút do Ban Thỉnh Sư, Ban Nghinh Sư trang trọng cung nghinh chư  tôn thiền đức Tăng-già, trong tiếng khánh, tiếng nhã nhạc bát âm, thậm chí tiếng chuông trống bát nhã trầm hùng thiêng liêng vang dội, quý vị quan khách là Cư sĩ và thậm chí không là Phật Tử – có lẽ đa số là các chức sắc nhà nước và cán bộ mặt trận, tôn giáo, công an của địa phương hành lễ – đỉnh đạc đi sóng hàng ở đầu đoàn cung nghinh cùng Chư tôn đức Chứng minh, Chủ sám tiến về lễ đài giữa hai hàng Phật Tử im phăng phắc cung kính chắp tay vái lạy!

Và không chỉ là Cư sĩ Phật Tử tại gia đứng trong hai hàng “dàn chào danh dự” kia! Nhiều bậc Tăng sĩ đầu tròn, áo vuông trong pháp phục chỉnh tề, nhưng khiêm cung tế nhị tự thấy mình chưa đủ uy nghi tế hạnh, không dám đi trong hàng cung nghinh chư Tăng Ni thạc đức, nên cùng đứng trong hàng ngũ Cư sĩ cung ngưỡng cúi đầu vái xá.

Việc này trước hết, có lẽ chúng ta không nên trách những vị quan khách nói trên. Hãy tưởng tượng, bước vào giây phút trang trọng của nghi thức cung nghinh, khó ai có thể từ khước lời mời tháp tùng cùng chư tôn giới đức của Ban Tổ Chức trên máy vi âm, dù có thể do tự trọng hoặc tế nhị người ta không muốn. Ngược lại, cũng không ai dám “chen ngang” vào cùng đi với chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Sư… nếu không được lời mời!

Như vậy, thiết nghĩ hình ảnh chướng mắt không đáng có này hoàn toàn do lỗi và sai của chúng ta – những người tổ chức – hay nói rõ hơn là Ban Tổ Chức, dù là được giao cho cư sĩ hay tu sĩ đảm trách, và cả những ai là vị thẩm quyền chịu trách nhiệm duyệt chương trình tổ chức một đại lễ!

Lỗi? Vì nhang đăng, hương trầm là lễ phẩm chúng ta thành tâm cung kính dâng lên cung thỉnh chư tôn giới đức Tăng-già, những vị thuộc TĂNG ĐOÀN đệ tử Phật, thuộc hàng PHÁP BẢO trong Tam Bảo thượng đường cử hành Pháp sự. Há có thể tùy tiện dùng cung đón những cư sĩ tại gia hoặc người chưa thọ cả Tam quy Ngũ giới?

Lỗi? Vì hàng Phật Tử – bao gồm cả Cư sĩ và Tăng sĩ Phật Giáo – được điều động hay tự nguyện đứng trong “hàng rào danh dự” cung nghinh kia là những Phật Tử đã quy y, thọ giới nên biết phải kính ngưỡng Tam Bảo – và dù chỉ là hình tướng Tam Bảo cũng phải kính ngưỡng – mà Tăng Bảo là một trong ba ngôi báu nên họ cung kính, hoan hỷ vái lạy. Há có thể đặt họ vào thế phải vái lạy cả những người còn chưa là đệ tử Phật? Có thể Đạo hữu Phật Tử gặp nhau, hay cả khi gặp người ngoài đạo, người ta chắp tay xá nhau như một lối chào để nhắc nhở, sách tấn nhau tu tập, nhưng sắp hàng cung kính để vái lạy, cung đón chư  thạc đức Tăng-già lại là chuyện hoàn toàn khác không thể đánh đồng!

Sai? Vì dám chắc, không một nhà cầm quyền hay cá nhân giới chức nhà nước hữu quyền nào tự đắc đòi hỏi chúng ta phải “cung nghinh” họ như vậy! Và giá như chúng ta không trang trọng cung nghinh họ giữa hai hàng Phật Tử vái lạy chắc hẳn sau đó họ cũng không vì vậy mà gây khó khăn hơn hay dễ dãi hơn trong hoạt động của Phật Giáo địa phương và/hoặc thù, ghét cá nhân những Tăng Ni, Phật Tử có trách nhiệm tổ chức buổi lễ! Có chăng ở đây là sự vô tình hay sùng tín (có thể có cả lăng-xê, nịnh bợ chăng?) của chính chúng ta, những người tổ chức! Nếu muốn, có thể tổ chức dàn chào tiếp đón riêng – trước hoặc sau cung nghinh chư tôn đức Tăng-già thì khả dĩ còn chấp nhận được.

Sai? Vì những hình ảnh chướng mắt như vậy không những chưa bị các bậc trưởng thượng hay đồng đạo phê bình, chỉnh đốn thì chớ, lại còn được một số nơi “học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng”, thậm chí có những hình thức như quảng bá, demo một cách hãnh diện đến khôi hài!

Một vài năm trước, trong tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) của Phật Giáo, nhằm tránh cho các đơn vị trực thuộc và Huynh Trưởng, Đoàn Sinh thuộc cấp phải phiền hà tiếp đón nhiều lần; hoặc để thể hiện sự cung kính những người đại diện cao cấp nhất của cấp chủ quản tổ chức lễ đích thân cung thỉnh, nên Ban Hướng Dẫn GĐPT cấp trung ương, cấp tỉnh thường kết hợp tháp tùng đi phía sau cùng chư tôn đức Tăng, Ni khi Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT dàn chào danh dự cung đón. Nhưng gần đây, khi nhận thấy quý Đạo hữu Cư sĩ các đạo tràng thường đứng chung với các em Đoàn Viên GĐPT mỗi khi cung nghinh quý Thầy, Cô nên các Ban Hướng Dẫn GĐPT đã kịp thời thay đổi hình thức, hoặc họ đứng tại vị trí danh dự dành sẵn, chắp tay cung đón, hoặc cần thể hiện tính nghiêm cẩn, kỷ luật của đoàn thể thì tổ chức các em (không có Đạo hữu Cư sĩ) dàn chào đón tiếp trước vào vị trí, để chuẩn bị cung đón chư Tăng, Ni (ở đây nói nhỏ nhau nghe: Thiết tưởng nơi nào chưa có sự điều chỉnh cũng nên quan tâm lắm lắm!).

Nói đến hình thức cung nghinh, đón tiếp của một đoàn thể Phật Giáo, để trở lại vấn đề quan khách là Cư sĩ Phật Tử và/hoặc các viên chức đại diện nhà nước sở tại như đã nói trên, kẻ nhiễu sự viết bài hý luận này – để khỏi mang tiếng là “chỉ được cái thọc gậy bánh xe” – bèn mạo muội đưa ra một kiến giải cá nhân để liệu xem chúng ta có thể áp dụng khi tổ chức các nghi lễ thuần túy Phật Giáo hay không: Xin bố trí một vị trí trên lễ đài, trong lễ đường, đủ trang trọng và xứng đáng tương ứng với phẩm hàm, chức vị của quan khách được mời (nhưng không đồng hàng với chư tôn đức Chứng minh, Chủ tọa v.v…) và thể hiện sự tiếp đón trọng thị, nồng hậu, thân ái, lễ phép đúng mực thay vì “cung thỉnh” họ sóng bước đồng hàng trong đoàn cung nghinh chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Sư, tạo ra sự khó chịu – và khó coi – cho cả 2 phía: Quan khách và Phật Giáo.

Nên chăng tạo ra một tiền lệ không đẹp và… không đúng?!

Sau mùa Phật Đản PL.2557
QUANG MAI

Chú thích:

– Rất nhiều hình ảnh để có thể minh họa cho bài, nhưng tránh bị hiểu lầm không cần thiết nên không thể đính kèm. Mong quý bạn đọc hoan hỷ và tùy nghi tìm hiểu.

– Bài hý luận này đã được viết vài ngày sau đại lễ nhưng e gieo phiền bực cho bạn đọc trong những ngày vô ưu mừng đón đản sanh nên người viết đã tự ý trì hoãn việc đăng tải. Bạn đọc không hoan hỷ với bài viết nếu có, người viết xin thật thà sám hối.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.