Quảng Hội LÊ CAO PHAN – Người sáng tác Giáo ca Phật Giáo Việt Nam

0

Nhạc sĩ Lê Cao Phan được biết đến như một trong những cánh chim đầu đàn của dòng tân nhạc Phật Giáo từ nửa đầu thế kỷ XX bên cạnh các nhạc sĩ Phật Tử như Bửu Bác, Ưng Hội, Lê Lừng, Thẩm Oánh, Nguyên Thông, Hoàng Cang, Lê Mộng Nguyên, Phạm Mạnh Cương… và nhiều tác giả khác. Ông là một Huynh Trưởng được rất nhiều người yêu mến với pháp danh Quảng Hội trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Trước thập niên 50, ông từng cùng nhạc sĩ Lê Thương thành lập ban nhạc “Măng Non” cổ xúy cho dòng nhạc thiếu nhi với những bài hát như “Chuột cắp trứng”, “Hai chú gà con”, “Đám ma con mèo”, ”Bài ca tình bạn”, “Ngựa tàu cau”… với những giai điệu đơn giản nhưng cô đọng, nội dung trong sáng và dí dỏm, dễ hát, dễ nhớ và rất dễ thương. Tuổi thơ ai đã từng hát những bài ấy hẳn sẽ bồi hồi nhớ lại, ấn tượng nhạc nhi đồng của Lê Cao Phan thật khó phai.

Cuộc đời đặt lên vai con người tài hoa ấy một lúc ba quang gánh: Trí thức, nhà giáo và nghệ sĩ. Đa tài trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật: Thơ ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa. Là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, người nghệ sĩ áo lam với trái tim ‘lửa Dũng’ ấy luôn mang hoài bão dùng chiếc thuyền nghệ thuật nhỏ bé của mình để đưa các thế hệ thanh nhiên đi vào đạo – dưới ánh sáng của Đức Từ Phụ, trong suốt hơn 60 năm kể từ những ngày đầu tiên khi tổ chức Gia Đình Phật Tử mới thành lập.

Là một trí thức nhiệt tâm với phong trào Chấn Hưng Phật Giáo; một người luôn trăn trở cho tương lai tuổi trẻ Việt Nam, ông đã đóng góp không mệt mỏi vào các hoạt động giáo dục thanh thiếu nhi. Và bằng tất cả lòng nhiệt huyết của một người anh trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, ông sử dụng âm nhạc như một phương tiện để đưa thanh thiếu nhi hướng đến lý tưởng sống phụng sự tha nhân. Ngoài những bài hát phổ biến và quen thuộc với Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử như “Lòng hiếu chim Oanh Vũ”, “Tiến trong ánh vàng”, hay “Bài ca Lửa Dũng”…, nhiều bài hát của ông được chọn làm bài ca chính thức tại các trại huấn luyện Gia Đình Phật Tử, như “Vườn Xanh” được chọn làm bài ca chính thức của các trại Lộc Uyển, “Đồng Ca Kết Đoàn” được chọn làm bài ca chính thức của các trại A Dục, và “Huyền Trang Ca” được chọn làm bài ca chính thức của các trại Huyền Trang.

Có một ca khúc mà Lê Cao Phan chỉ tham gia viết lời, còn giai điệu do người bạn vong niên của ông – nhạc sĩ Thẩm Oánh viết, đó là “Cao lời tâm ước”. Niềm mong ước sâu sắc trong tim, lòng tự hứa với lòng rằng: “Những Phật Tử chân chính phải cần kíp thống nhất ý chí, lực lượng để hoằng dương chính pháp của Đức Thích Ca Thế Tôn hầu góp phần xây dựng nền hòa bình an lạc” (trích “Lời hiệu triệu thống nhất Phật Giáo” ngày 10/4/1951).

“Cao lời tâm ước”, như một dự đoán về một sự kiện trọng đại sắp được diễn ra, sẽ được hình thành. Và “Cao lời tâm ước” như dọn đường, như tiền thân của một tác phẩm đặc biệt, sẽ hình thành từ chính người nghệ sĩ áo lam này: Nhạc khúc Phật Giáo Việt Nam.

Mùa Phật Đản năm 1951, Hội Nghị thống nhất Phật Giáo toàn quốc đã diễn ra tại chùa Từ Đàm lịch sử (từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 5 năm 1951). Chính trong thời khắc thiêng liêng đó, hòa trong niềm hoan hỷ tột cùng của Phật Giáo Đồ cả nước, với niềm kính tín Tam Bảo và niềm xúc cảm dâng trào, trái tim ‘lửa Dũng’ cháy bỏng của người nghệ sĩ áo lam ấy đã rung lên từng nhịp trên thang âm Ngũ Cung – nhạc khúc thiêng liêng Phật Giáo Việt Nam chính thức nhẹ bước vào đời: “Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay. Nào cùng nắm tay kết nên một đài sen. Cùng làm sao cho đóa sen người đòi nơi ngát hương[*]. Muôn phương thấm nhuần Phật Giáo Việt Nam.”

Cũng chính tại sự kiện trọng đại này, Giáo kỳ ngũ sắc của Phật Giáo – biểu tượng thiêng liêng gắn kết niềm tin, lý tưởng của những người con Phật trên khắp năm châu trong ánh hào quang của Đạo Pháp, đã chính thức được Hội Nghị công nhận.

Kể từ khi nhạc khúc Phật Giáo Việt Nam được công diễn lần đầu tiên trong dịp bế mạc Hội Nghị thống nhất Phật Giáo vào tối ngày 9 tháng 5 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, do nhóm Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử thời bấy giờ được vinh dự trình diễn, không lâu sau đó, bài hát được đông đảo Huynh Trưởng, Đoàn Sinh yêu thích, phổ biến, thông qua các buổi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, đầu tiên từ Huế, sau đó lan nhanh ra các tỉnh thành khác trong cả nước.

Tác phẩm này cũng được Chương Trình Phát Thanh Phật Giáo Huế chọn làm nhạc hiệu trong các chương trình phát sóng ở Huế dưới hình thức hòa tấu, và nhờ thế, tác phẩm này được quảng bá rộng rãi hơn trên phương tiện truyền thông không chỉ trong giới Tăng Ni, Phật Tử mà lan rộng ra giáo giới, sinh viên, học sinh, giới trí thức cũng như quần chúng bình dân.

Trong khoảng những năm 1964-1965, nhạc khúc này được thu âm qua giọng ca của nữ ca sĩ Thái Thanh với Ban Hợp Ca Thăng Long phụ bè trên sóng phát thanh. Đến khoảng năm 1970, bài hát được Trung Tâm Hoa Đàm phát hành trên băng cassette C90, mặt A, với tựa là “Băng Ca Nhạc Phật Giáo 5”. Chính giọng ca Thái Thanh cùng Ban Hợp Ca Thăng Long với phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Hoài Bắc – Phạm Đình Chương, nhạc khúc này đã thực sự gây nhiều xúc động cho nhiều người, nhiều giới, nhiều thế hệ…

…Hơn 60 năm trôi qua, dòng “nhạc Lam” vẫn mãi lưu hương trong trong tâm, trí của những người con Phật. Nhiều thế hệ nhạc sĩ, Huynh Trưởng đã và đang tiếp tục cống hiến, góp phần làm phong phú cho dòng nhạc Phật Giáo nói chung và “nhạc Lam” nói riêng. Hy vọng rồi đây, kế thừa những cánh chim lam đầu đàn tiền bối, dòng nhạc Phật Giáo sẽ ngày càng khởi sắc hơn, không chỉ trong lĩnh vực sáng tác mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như hòa âm phối khí, chuyển soạn hợp xướng, dàn dựng, biên tập, thu âm để có được những tác phẩm có chất lượng đúng nhất, tốt nhất trong việc lưu trữ cũng như sinh hoạt và biểu diễn.

Khi tờ lịch đầu tiên của năm 2004 rơi xuống, cũng là ngày người anh của Gia Đình Áo Lam chúng ta – Huynh Trưởng cấp Dũng: Quảng Hội Lê Cao Phan, tự Nhuận Pháp, hiệu Tầm Phương đã xả báo thân về cõi Phật.

Dẫu cánh chim lam đầu đàn đã khuất bóng cuối chân trời, nhưng người Huynh Trưởng nhiệt huyết và tài hoa ấy của Gia Đình Phật Tử Việt Nam vẫn mãi lưu dấu trong tâm chúng ta với nhạc khúc bất hủ, để lại cho lịch sử của Phật Giáo nước nhà một khúc hát đạo thiêng, một viên ngọc vô giá: Đạo ca Phật Giáo Việt Nam.

Huế, Mùa Sen Nở – Phật lịch 2558
Tưởng niệm Huynh Trưởng – Nhạc Sĩ Quảng Hội LÊ CAO PHAN
(Lược trích trong “Lê Cao Phan – Cánh Chim Lam Đầu Đàn” của Đặng Ngọc Phú Hòa)

oOo

[*] Nhiều tài liệu hiện nay khẳng định rằng câu này (Cùng làm sao cho đóa sen người đòi nơi ngát hương…) mới là lời ca gốc của tác phẩm; câu “Cùng làm sao cho đóa sen ngời đời đời ngát hương…” là đã được chỉnh lý lại về sau, khi sử dụng làm Giáo ca – (Thư Viện GĐPT chú thích).

ĐÔI DÒNG VỀ CUỘC ĐỜI
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG – NHẠC SỸ LÊ CAO PHAN (1923-2014)

Huynh Trưởng Lê Cao Phan pháp danh Quảng Hội, tự Nhuận Pháp, hiệu Tầm Phương; sinh ngày 25 tháng 9 năm 1923 (nhằm ngày 17 tháng 8 năm Quý Hợi) tại làng Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình có truyền thống Phật Giáo; thân phụ là ông Lê Phả tự Lê Hữu Đức và thân mẫu là bà Hoàng Thị Thông. Anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Tuyết Hường (năm 1946) là con một quan chức Nam Triều hàm Hồng Lô Tự Khanh, có 7 người con, 3 trai, 4 gái hiện hầu hết đều theo nghề giáo dục.

Về đường đời: Anh tốt nghiệp bằng Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương (DEPSI), thông thạo nhiều ngoại ngữ và nghiên cứu khá sâu rộng các bộ môn văn học – nghệ thuật như thi ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa và sử dụng thành thục nhiều loại đàn: Guitar, piano, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu và harmonica (khẩu cầm).

Về sinh hoạt GĐPT: Anh nguyên là Ủy Viên Văn Nghệ Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Phần (anh Võ Đình Cường là Trưởng Ban) và là Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên nhiệm kỳ 1951-1953, được công cử trong Đại Hội lịch sử Gia Đình Phật Hóa Phổ hoán cải danh xưng thành Gia Đình Phật Tử tổ chức tại chùa Từ Đàm năm 1951.

Về bài Giáo ca Phật Giáo Việt Nam: Trong kỳ Đại Hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam (Đại Hội Phật Giáo Việt Nam lần thứ nhất) cũng vào năm 1951 (6-10/5/1951) tại chùa Từ Đàm – Huế, cảm xúc dâng trào với sự rực rỡ, đông đảo và thành công của Đại Hội trong tinh thần thống nhất, anh sáng tác bài “Phật Giáo Việt Nam” tập cho anh chị em Đoàn Viên Gia Đình Phật Hóa Phổ ở hậu trường trong đêm 9 tháng 5 để hát chúc mừng Đại Hội. Thật bất ngờ, bài hát được đông đảo Đại Biểu tán dương, đưa ra biểu quyết chọn làm Giáo Ca Phật Giáo Việt Nam và rồi yêu cầu Ban Tổ Chức Đại Hội cho hát lại trong lễ bế mạc Đại Hội sau đó.

oOo

Từ năm 1983, anh say mê nghiên cứu văn học; đã dịch Truyện Kiều, Ức Trai Thi Tập sang Anh, Pháp, Hán văn và Quốc Tế ngữ (Esperanto). Anh cũng đã dịch bài Phật Giáo Việt Nam qua Anh ngữ và Pháp ngữ rồi sau đó trao tận tay anh Nguyên Tín – Nguyễn Châu, người lãnh đạo của Gia Đình Phật Tử Việt Nam như một sự ký thác những điều anh không làm được trong suốt gần ba mươi năm qua.

Vào những ngày cuối đời của anh, các anh chị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN thường ghé nhà anh thăm và đọc kinh cho anh nghe. Sau những lần thăm viếng, tâm tình và kỳ an cho anh, Ban Hướng Dẫn Trung Ương đã quyết định tấn phong cấp Dũng (theo quyết định số 13.112/HDTƯ/QĐ/TB ngày 7/11/2013) và tổ chức lễ tấn phong cho anh tại tư gia: số nhà 359, đường NoT’rang Long, quận Bình Thạnh, Sài Gòn dưới sự chứng minh của Đại Lão Hòa Thượng Thích Đức Chơn – Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh GĐPTVN, cùng sự hiện diện của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN.

Những ngày tháng cuối năm, hồi 1 giờ sáng ngày 2 tháng 1 năm 2014 (nhằm ngày mùng Hai tháng Chạp năm Quý Tỵ) tin anh thuận thế vô thường xả bỏ báo thân ở tuổi 91 lan ra trong toàn thể áo lam Gia Đình Phật Tử Việt Nam khắp nơi gây bao niềm xúc cảm. Anh ra đi để lại nỗi tiếc thương cho con, cháu, dâu, rễ cùng họ hàng thân tộc; thân hữu trong cũng như ngoài giới văn nghệ sỹ Việt Nam./.

Anh Lê Cao Phan cùng gia đình những ngày sắp xả báo thân.

QUANG MAI

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.