Sơ lược thân thế và đạo nghiệp Đức Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thượng Thủ thượng Đức hạ Chơn

 

Cố Hòa Thượng Thích Đức Chơn

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

Cố Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐỨC CHƠN
(1932 – 2017)

Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Viện Chủ Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn.

 

  1. THÂN THẾ:

Cố Trưởng Lão Hòa Thượng húy thượng Nguyên hạ Mỹ, tự Đức Chơn, hiệu Hải Tánh, thế danh Phạm [Hữu] Thầm, sinh năm 1932 tại làng Quy Lai, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Xuất thân trong một gia đình nhiều đời chánh tín Tam Bảo; thân phụ là cụ ông Phạm Hữu Vân, pháp danh Nguyên Đàm, thân mẫu là cụ bà Hồ Thị Lành, pháp danh Nguyên Mẫn.

Thuở nhỏ, Ngài thường theo song thân đến chùa lễ Phật, tu tập hạnh lành. Do ngưỡng mộ cao phong và tâm lượng hoằng pháp của bậc Thầy lớn húy thượng Trí hạ Thủ, Ngài đã xin phép song thân xuất gia đầu Phật tại chùa Ba La Mật, Cố Đô Huế, được Thầy ban cho pháp danh Nguyên Mỹ.

Tuổi hành điệu tin ròng kinh luật, một mực hầu thầy. Siêng năng dứt dục nhiễm thế gian, thường ưa thích nơi lan nhã vắng lặng, được Nghiệp Sư cho thọ giới Sa-di, pháp tự Đức Chơn. Trong thì siêng năng tô bồi công khắc niệm, ngoài thì mở rộng tâm đức bất tránh, nói nín, động tịnh thảy đều như pháp; được bậc Thầy cho đi học tại Phật Học Viện Báo Quốc, Ngài là thế hệ Học Tăng thứ 3 của Phật Học Viện nổi tiếng đào tạo Tăng tài cho Phật Giáo Việt Nam.

Năm 1955, thấy đệ tử của mình đã đầy đủ phẩm hạnh, Đức Tổ mới cho phép Ngài đăng đàn thọ Cụ-túc giới tại Phật Học Viện Trung Phần – Hải Đức, Nha Trang.

Như quán thấy tâm hành là thuần thiện, đức độ thì chân thật, có thể đem công hạnh tu tập để hòa mình vào biển tánh tỳ-lô, nên Ngài Bổn Sư đã ban cho pháp hiệu là Hải Tánh và bài kệ phú pháp vô cùng khoáng đạt:

Ba trừng tâm nguyệt hiện
Nhãn ế loạn hoa sanh
Đức Chơn tâm thường tịnh
Hải Tánh tự nhiên thanh.

Sau khi thọ giới Cụ-túc, năm 1957 Ngài theo Bổn Sư vào học tại Phật Học Viện Trung Phần – Hải Đức, Nha Trang. Bấy giờ, chính Hòa Thượng Bổn Sư làm Giám Viện nên Ngài vừa học, vừa làm Thị Giả hầu Thầy suốt những năm tháng tại Phật Học Viện. Hình ảnh vừa học vừa hầu thầy đã sáng ngời trong mắt Chúng Tăng về một vị Tăng còn rất trẻ nhưng đoan nghiêm và phạm hạnh.

  1. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:

Sau mùa Pháp Nạn 1963, Ngài vào Sài Gòn tu học và hành đạo. Trong thời gian này, Ngài đảm nhận các Phật sự: Trụ trì chùa Long Huê – Gò Vấp; Trụ trì tu viện Quảng Hương Già Lam; Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) xã Hạnh Thông Tây. Khi về trụ trì chùa Long Huê, Ngài đã khai sinh Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Quảng Hương – nay là GĐPT Đức Chơn), trợ duyên và bảo bọc GĐPT hết lòng.

Năm 1968, Ngài về lại Nha Trang, Khánh Hòa đảm nhận các công tác Phật sự: Khai sơn chùa Thị Hội Phật Giáo Cam Ranh, làm Chánh Đại Diện GHPGVNTN thị xã Cam Ranh, phụ trách Giám Đốc nhà in Hoa Sen thuộc Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức thuộc Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang. Trong thời kỳ việc hoằng pháp có nhiều thuận lợi này, Ngài đã góp công đức rất lớn trong việc tổ chức tu học, nâng cao kiến thức Phật học của Phật Tử thông qua kinh sách, ngay cả việc tạo điều kiện tài chánh để đóng góp kinh tài cho Giáo Hội và các Phật Học Viện hành hoạt được thuận duyên.

Sau khi nước nhà thống nhất, cũng chính là lúc lòng người ly tán, Hòa Thượng được Bổn Sư giao phó trụ trì Quảng Hương Già Lam, phụ giúp Ân Sư trong công việc hoằng pháp. Đặc biệt, Ngài đã phụng hành ý chỉ của Tôn Sư, tổ chức và chăm lo cho lớp Cao Đẳng Phật Học, lớp Phật Học duy nhất trong cả nước thời ấy được đào tạo với trình độ ngang bằng đại học. Thời kỳ này nhờ có những bậc Giáo Thọ uyên thâm, thạc học như Hòa Thượng Minh Châu, Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Trí Siêu, Thầy Nguyên Hồng, nên tuy không phải Học Viện chính quy, nhưng rất nhiều Tăng Sĩ trẻ đã vân tập về Già Lam tu học. Những giáo trình kinh luật, ngoại ngữ Phạn, Pali, cho đến việc biên soạn, ấn hành kinh sách vẫn được thực hiện dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tất cả đều nhờ tâm nguyện lớn của Đức Trưởng Lão thượng Trí hạ Thủ và sự chăm lo của Hòa Thượng trụ trì. Rất nhiều Học Tăng thành danh sau này, từ trong nước đến hải ngoại đều khắc ghi những năm tháng đáng nhớ này, những năm tháng kéo dài từ 1975 đến 1984, khi Đức Trưởng Lão thượng Trí hạ Thủ viên tịch.

Từ sau năm 1984, Hòa Thượng kế nghiệp Tôn sư duy trì mạng mạch Phật pháp tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, tiếp Tăng độ Chúng, duy trì đời sống tu học của hàng trăm vị Tăng từ khắp nơi nương về tu học, và Ngài còn làm chỗ nương tựa tinh thần cho Gia Đình Phật Tử truyền thống tu học trong vai trò Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Gia Định, Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Đức Chơn.

Dấu chân in đậm tâm hạnh từ bi của Ngài đã góp phần khai sơn, trùng kiến các Niệm Phật Đường, Tự Viện tại các vùng kinh tế mới cho Phật Tử miền Trung di cư nương tựa tu học, và đó cũng chính là nhân duyên để Gia Đình Phật Tử được khai mở, thực hiện sứ mạng giáo dục tuổi trẻ theo con đường Phật pháp, nuôi dưỡng lý tưởng Tình Lam.

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, Ngài đã khai sơn chùa Viên Thành, chùa Phúc Hậu tại tỉnh Bình Phước. Đến năm 2016, Hòa Thượng hoan hỷ nhận lời cầu thỉnh của Phật Tử tại Nam Định, đứng ra vận động tài chánh, hướng dẫn tinh thần và tổ chức trùng kiến chùa Quan Âm, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Từ năm 2004, Hòa Thượng ủy thác Phật sự trụ trì tu viện cho Hòa Thượng Thích Nguyên Giác, Ngài được môn phái suy tôn Viện Chủ Tu Viện Quảng Hương Già Lam; và Ngài cùng với Hòa Thượng trụ trì tổ chức đại trùng tu tu viện dưới sự hộ trì của tứ chúng.

Tại Đại Hội bất thường GHPGVNTN tổ chức tại tu viện Nguyên Thiều, Hòa Thượng được cung thỉnh đăng lâm pháp tịch thành viên Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống và đảm nhiệm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Hòa Thượng luôn dành tình yêu thương bảo bọc, chở che cho tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam truyền thống vượt qua nội ma, ngoại chướng. Ở vào những giai đoạn khó khăn nhất mới cảm hết được lòng yêu thương của Ngài đối với lý tưởng Nhà Lam. Ngài như một tàng đại thọ tỏa bóng mát chở che, như mẹ gà dang đôi cánh rộng ấp ủ đàn con. Bao nhiêu Ban Hướng Dẫn, Huynh Trưởng, Đoàn Sinh khắp các tỉnh thành và cả hải ngoại đã quy tụ về, đoàn kết yêu thương vượt qua sóng gió, tất cả đều nhờ ân đức của Hòa Thượng.

Trước chướng duyên bủa trùm ngôi nhà Áo Lam Truyền Thống, Hòa Thượng đã cùng chư vị Tôn Đức thương yêu Gia Đình Phật Tử Việt Nam công bố Bản Thệ Tăng Già làm nơi quy ngưỡng cho tứ chúng, đồng thời kiến lập Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ, Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tác thành mọi Phật sự của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên toàn thế giới. Bằng công hạnh và đức độ cao vời, ân thâm nghĩa trọng, Chư Tôn Thiền Đức đã cung thỉnh Ngài đăng lâm pháp tịch Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ từ năm 2012 cho đến ngày viên tịch.

  1. NHỮNG HÀNH TRẠNG SAU CÙNG:

Suốt những năm tháng đương vi Thượng Thủ, Hòa Thượng càng trải lòng cùng bao nhiêu Phật sự từ Thừa Thiên đến Khánh Hòa, từ Ban Mê đến Đà Lạt, từ Gia Định đến Miền Tây,… lan ra đến cả hải ngoại, Hòa Thượng quang lâm đến các tự viện của môn phái trong các dịp tái kiến, trùng tu; chứng minh hay thuyết linh hóa độ trong các tang lễ của Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử các cấp.

Năm 2013, Ngài vị tác Đường Đầu Hòa Thượng Giới Đàn Đức Nhuận; tháng 10 năm 2017 Ngài vị tác Đường Đầu Hòa Thượng Giới Đàn Thiện Minh do Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ, Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam tổ chức. Hòa Thượng còn là vị Thầy Bổn Sư truyền giới cho hàng ngàn Phật Tử, làm Đường Đầu Hòa Thượng các Giới Đàn truyền Thập Thiện Giới, Tại Gia Bồ Tát Giới do Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới kiến lập tại Việt Nam và Thái Lan.

Sau Giới Đàn Thiện Minh tổ chức tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hòa Thượng trở về Tu Viện Quảng Hương Già Lam, giữ nguyên thời khóa hành trì, an trú công phu niệm Phật như suốt mấy mươi năm qua, chưa từng xao lãng.

4 giờ sáng ngày 27 tháng 11 năm 2017 (nhằm ngày 10 tháng 10 năm Đinh Dậu), Hòa Thượng đã thuận thế vô thường, an nhiên thu thần xả báo thân tại phương trượng Tu Viện Quảng Hương Già Lam, thọ thế 86 năm, 62 hạ lạp.

Toàn thể Chư Tôn Thiền Đức trong Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ, Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Dũng, Ban Hướng Dẫn, Huynh Trưởng, Cựu Huynh Trưởng, Đoàn Sinh các cấp của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên toàn thế giới đã vân tập về Tu Viện Quảng Hương Già Lam đảnh lễ, thọ tang, dâng lên những vầng thơ, nốt nhạc cúng dường một bậc Tông Tượng trong thiền môn, một bậc Thầy khả kính.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tứ Thế, trùng kiến Quảng Hương Già Lam Viện Chủ, húy thượng Nguyên hạ Mỹ, tự Đức Chơn, hiệu Hải Tánh Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ
Hội Đồng Giáo Giới GĐPTVN
Phụng soạn

2 thoughts on “Sơ lược thân thế và đạo nghiệp Đức Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thượng Thủ thượng Đức hạ Chơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.